Củng cố và canh tân tình huynh đệ linh mục trong giáo phận (bài 6)
Bài chia sẻ của ĐGM. Matthêu Nguyễn Văn Khôi trong cuộc tĩnh tâm thường niên của các linh mục giáo phận Phan Thiết từ ngày 9 đến 13-1-2012, theo chủ đề “Củng cố và canh tân tình huynh đệ linh mục trong giáo phận”
6.
ĐIỂM NHẤN THỰC HÀNH
SỬA LỖI, THA THỨ VÀ NÂNG ĐỠ NHAU
TRONG TÌNH HUYNH ĐỆ LINH MỤC
Công đồng Vatican II, trong Sắc lệnh về Chức vụ và Đời sống Linh mục Presbyterorum Ordinis, số 8, đã dạy: “Sau hết, vì liên kết với nhau trong chức linh mục như thế, nên các ngài phải biết rằng mình đặc biệt có trách nhiệm đối với những vị đang gặp những hoàn cảnh khó khăn; các ngài phải kịp thời giúp đỡ, và nếu cần phải khuyên bảo một cách tế nhị. Đối với những vị khiếm khuyết về một vài vấn đề nào đó, các ngài phải luôn lấy tình bác ái huynh đệ và quảng đại mà đối xử, lại phải cầu nguyện rất nhiều với Chúa cho các vị đó, và phải luôn tỏ ra mình là anh em bạn hữu đích thực của họ”. Đó là đoạn giáo huấn mà chúng ta đã đề cập đến một cách khái quát vào cuối bài trình bày hôm qua. Hôm nay, chúng ta tiếp tục đào sâu giáo huấn này với đề tài Sửa lỗi, tha thứ và nâng đỡ nhau trong tình huynh đệ linh mục. Sở dĩ có đề tài này là vì chúng ta gặp thấy nhiều trường hợp xích mích, những cảnh “cơm không lành, canh không ngọt” giữa anh em linh mục ở một số nơi, nhất là giữa các cha xứ và các cha phó.
1. GIÚP NHAU SỬA LỖI
Con người là một hỗn hợp của ánh sáng và bóng tối, ưu điểm và khuyết điểm, vị tha và vị kỷ, trưởng thành và ấu trĩ. Là con người, ai cũng có những lúc sai lỗi, như câu ngạn ngữ Latinh đã được tác giả H. Petitmangin dùng làm câu mẫu về ngữ pháp trong Grammaire latine: “Errare humanum est”. Là con người, ai cũng có những khuyết điểm, như người ta thường nói: “Nhân vô thập toàn”. Các linh mục không chỉ giúp nhau khi đau ốm, bệnh tật, khi gặp hoạn nạn đau buồn, mà còn phải giúp nhau sửa sai. Tính chất lành mạnh của linh mục đoàn không chỉ dựa trên sự thánh thiện của từng linh mục riêng rẽ, mà còn dựa trên mối tương quan giữa các linh mục có khả năng làm cho người anh em phạm lỗi trỗi dậy hay không. Đó là một việc khó khăn, tế nhị, đòi hỏi một tình huynh đệ chân thành và một đức khiêm nhường cao độ. Khiêm nhường không những nơi người được sửa sai mà còn nơi người sửa sai.
Thiên Chúa yêu thương con người ngay cả khi con người còn là tội nhân. Dám chấp nhận người khác như họ là, đó là khởi điểm của một tình huynh đệ đúng nghĩa. Thế nhưng chấp nhận người khác không có nghĩa là chấp nhận luôn cả những hành vi sai trái của họ hay mặc kệ họ muốn làm gì thì làm; nếu như vậy thì còn gì là tình huynh đệ góp phần xây dựng lẫn nhau. Người ta có thể chấp nhận một người, nhưng không tán đồng những lỗi lầm của người ấy. Nói cách khác, chấp nhận không đồng nghĩa với đồng loã, nhu nhược, nhưng là thái độ vừa cảm thông, không kết án, vừa giúp họ sửa lại những lỗi lầm để trở nên tốt hơn. Tội lỗi là một cái gì cần phải bị loại bỏ bằng mọi giá, nhưng người phạm lỗi vẫn là những con người cần phải được cứu vớt. Vì thế, cuộc đấu tranh chống lại cái xấu vừa mang tính chất quyết liệt, đồng thời lại phải được thực hiện trong tình bác ái huynh đệ, với tất cả sự kiên nhẫn.
Trong diễn từ về Hội Thánh, Chúa Giêsu đã minh nhiên dạy các môn đệ của Ngài về bổn phận và cách thức sửa sai nhau: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã được món lợi là người anh em mình. Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời 2 hoặc 3 chứng nhân. Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế” (Mt 18,15-17). Trách nhiệm sửa lỗi kẻ khác không phải chỉ thuộc về các vị có thẩm quyền trong Hội Thánh, nhưng còn là của mỗi người đối với nhau, bởi lẽ tất cả chúng ta là những chi thể trong Nhiệm Thể Chúa Kitô. Vì thế, Thánh Phaolô đã khuyên nhủ các tín hữu Côlôxê: “Anh em hãy dạy dỗ khuyên bảo nhau với tất cả sự khôn ngoan” (Cl 3,16).
Sửa lỗi cho nhau là một việc làm tế nhị, nhiều khi phiền toái, thế thì tại sao chúng ta phải làm? Tại sao chúng ta không để mặc kệ ai muốn làm gì thì làm? Chúng ta phải sửa lỗi cho nhau, vì đó là một bổn phận thuộc về món nợ tình yêu như Thánh Phaolô đã dạy trong thư gửi tín hữu Rôma (x. Rm 13,8). Yêu nhau, đó là một bổn phận, và việc sửa lỗi cho nhau cũng nằm trong bổn phận ấy. “Tôi có phải là người giữ em tôi đâu” (St 4,10), Cain đã hỗn láo trả lời Thiên Chúa như thế, khi Ngài hỏi Cain đã làm gì đối với Aben. Một câu nói chối phăng tình huynh đệ ở ngay đầu nguồn lịch sử loài người chẳng khác nào phát súng khai hoả cho hàng triệu triệu cuộc huynh đệ tương tàn ngày càng thảm khốc trong đại gia đình nhân loại.
Mỗi Kitô hữu đều phải chịu trách nhiệm trước mặt Chúa về tha nhân, chẳng lẽ các linh mục không chịu trách nhiệm về nhau khi họ đã được Bí tích Truyền Chức Thánh biến thành anh em trong một linh mục đoàn giữa lòng cộng đoàn tín hữu mà họ có nhiệm vụ giảng dạy và thánh hoá? Một linh mục phạm lỗi không khỏi làm cho khuôn mặt của hàng linh mục bị xấu đi trước mặt anh chị em giáo dân. Một linh mục phạm lỗi mà các anh em linh mục khác không tìm cách giúp sửa đổi thì uy tín của hàng linh mục càng tệ hơn. Hơn nữa, không thể nói rằng mình yêu thương anh em thực tình nếu mình nhắm mắt làm ngơ để anh em đi lùi về phía vực thẳm. Im lặng trong trường hợp này nhất định không phải là vàng.
Nhiều linh mục e ngại không dám sửa lỗi cho anh em vì nghĩ rằng mình không có lỗi này thì cũng có lỗi khác, và sợ anh em cho mình là đạo đức giả. Vấn đề là ở chỗ chúng ta có đủ thành thực và bác ái hay không. Mahatma Gandhi đã nói: “Một vật cứng rắn đến đâu cũng sẽ tan chảy trong lửa tình yêu. Nếu vật ấy không tan chảy, chính là vì ngọn lửa không mạnh đủ”. Nếu chúng ta sửa lỗi cho nhau với tất cả lòng khiêm tốn và yêu thương, không lên mặt kẻ cả hay dạy đời, thì ai dám chê trách chúng ta. Rồi khi đến phiên chúng ta phạm lỗi, chúng ta cũng sẵn sàng và mau mắn phục thiện khi có kẻ đến sửa lỗi chúng ta. Việc sửa lỗi anh em giúp ta có dịp nhìn lại chính mình và tự sửa mình trước. Chúa Giêsu đã dạy trong Tin Mừng Matthêu: “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới? Sao anh lại có thể nói với người anh em: ‘Hãy để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt bạn’, trong khi có cả cái xà trong con mắt anh? Hỡi kẻ đạo đức giả! Hãy lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em” (Mt 7,3-5).
Có những lúc vì bổn phận hay vì bác ái mà chúng ta phải giúp kẻ khác sửa sai lỗi lầm của họ, những lỗi lầm mà chính chúng ta cũng đang mắc phải nhưng không ý thức. Để cho lời khuyên bảo của chúng ta có sức thuyết phục và hơn nữa để có thể chia sẻ với người ấy kinh nghiệm của chính mình về việc sửa lỗi, chúng ta phải tự mình sửa lỗi trước. Lần kia, bà mẹ nọ đem con gái mình đến gặp Mahatma Gandhi và giải thích với ông rằng con bé mắc tật xấu ăn quá nhiều kẹo. Bà khẩn nài ông thuyết phục con bé dứt bỏ tật xấu ấy. Ông ngồi trầm ngâm một hồi rồi nói:
– Ba tuần nữa, bà đem cháu trở lại đây, và tôi sẽ nói chuyện với nó.
Ba tuần sau, người mẹ đưa con mình trở lại. Lần này Gandhi gọi bé gái đến bên mình và ôn tồn giải thích với em về những tai hại của thói ăn quá nhiều chất ngọt. Ông khuyên cô bé nên bỏ tật xấu ấy đi. Người mẹ mừng rối rít và cám ơn ông vì những lời khuyên quý giá của ông cho con gái của mình, nhưng bà không giấu được thắc mắc:
– Thưa thầy, tại sao thầy không cho cháu những lời khuyên ấy ngay từ lần trước, cách đây 3 tuần?
Gandhi trả lời:
– Cách đây 3 tuần? Lúc đó chính tôi cũng đang mắc tật xấu ăn quá nhiều đồ ngọt!
Nhờ lời van nài giúp đỡ của người đàn bà nọ mà Gandhi có lẽ mới khám phá ra rằng mình cũng có thói ăn nhiều đồ ngọt, và nhờ đó ông ta có dịp nghiên cứu, tìm hiểu tác hại của thói quen ấy, rồi quyết tâm tập luyện trước khi có thể cho em bé một lời khuyên, không phải một lời khuyên thuần tuý lý thuyết lấy từ sách vở, nhưng là một kinh nghiệm bản thân.
Cuối cùng, nếu ta là người được sửa lỗi, ta hãy khiêm tốn đón nhận với sự cởi mở và lòng biết ơn. Thomas Kempis đã nói: “Ai nhận ra mình lầm lẫn, chứng tỏ rằng người ấy hôm nay khôn ngoan hơn hôm qua”. Sự cởi mở giúp ta nhận ra sai lầm của mình cách tự nhiên và dễ dàng, nếu có. Trong trường hợp không liên quan đến việc sửa lỗi, nhưng đến các góp ý của người khác về lời nói, cử chỉ, hành động hay thái độ của ta, thì ta có thể đón nhận chúng cách có phê phán. Ta có thể bỏ ý kiến của mình để theo ý kiến của người khác khi ta thấy rõ mình đã lầm. Nhưng cả khi ta nghĩ là phải bảo vệ ý kiến của mình, ta cũng nên cởi mở để đón nhận ý kiến của người khác.
2. THA THỨ CHO NHAU
Ngạn ngữ Đức có câu: “Nếu Chúa không khoan dung, thiên đàng sẽ trống rỗng”. Là những linh mục, mặc dù cùng chung một lý tưởng, một nền giáo dục, một chương trình đào tạo rất kỹ lưỡng và rất lâu dài, lâu hơn nhiều ngành nghề ở ngoài xã hội, nhưng chúng ta cũng vẫn là những con người xác thịt, không hoàn hảo, vẫn có những lời gây thương tích, có khi vô tình, có khi cố ý, những ác cảm tự nhiên, những tình huống trong đó các tính tự ái va chạm nhau. Nếu Đức Kitô đã thường xuyên đòi hỏi chúng ta phải tha thứ những xúc phạm, hẳn nhiên đó là vì Ngài nhìn thấy nơi sự tha thứ lý chứng vững chắc nhất của tình huynh đệ chân thật.
Tha thứ là bài học quan trọng mà Chúa Giêsu thường dạy cho nhóm môn đệ của Ngài cũng như cho mọi người. Có thể nói đó là một nét đặc trưng của giáo huấn Tin Mừng, phát xuất từ gương mẫu của Thiên Chúa Cha và của Chúa Giêsu, cũng như từ bản chất của Hội Thánh là một cộng đoàn yêu thương huynh đệ. Nếu sự tha thứ là một bổn phận của các Kitô hữu đối với nhau, thì nó càng là bổn phận giữa hàng linh mục là những anh em với nhau trong chức thánh. Giữa các linh mục với nhau vốn có một tình huynh đệ rất trân trọng. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng trong thực tế nhiều lúc các linh mục vẫn không tránh khỏi những xích mích, nóng nảy gây xúc phạm đến nhau, nhất là trong tương quan giữa các cha xứ và các cha phó. Đã có trường hợp các giáo dân phải thốt lên: “Các cha với nhau mà còn vậy… huống chi là chúng tôi!” Quả thật, bài học tha thứ không phải lúc nào cũng dễ thực hành.
Tha thứ là tìm kiếm một cái nhìn mới về các mối tương quan giữa anh em với nhau. Sự tha thứ bao gồm một ý muốn sáng tạo, hay đúng hơn là tái tạo. Sáng tạo là tạo ra một cái gì mới từ cái không có. Cái không có mà từ đó phát xuất sự tha thứ chính là cái thiếu thốn hay cái trống rỗng mà lầm lỗi đã đem vào trong mối tương quan giữa ta với anh em. Sự tha thứ đảo ngược tình thế và tạo ra một tương quan mới với người xúc phạm đến ta. Được giải thoát khỏi những ràng buộc đau đớn của quá khứ, ta có thể cho phép mình sống tròn đầy cái hiện tại và tiên liệu những tương quan mới với kẻ xúc phạm. Cho tới lúc này, ta bị giới hạn bởi thương tổn, không thể nhìn thấy cái gì khác, trái tim đầy oán giận. Bây giờ ta ngẩng đầu lên để phê phán mọi sự trong một viễn ảnh mới rộng lớn hơn.
Tha thứ không phải chỉ là được giải thoát khỏi gánh nặng đau đớn của mình, nhưng cũng chính là giải thoát người khác khỏi gánh nặng của phán đoán nghiêm khắc mà ta có về họ, là khôi phục trong mắt ta phẩm giá của họ. Thế nhưng tha thứ quả là một hành động liều lĩnh, vì kẻ xúc phạm có thể khước từ sự tha thứ của ta, và như thế ta bị xúc phạm thêm một lần nữa. Sự tha thứ đích thực đòi hỏi một sự chiến thắng trên nỗi lo sợ bị xúc phạm thêm một lần nữa. Chính vì thế, tha thứ thật là khó, bởi vì người ta sợ. Vậy làm thế nào để tha thứ? Theo chuyên gia tâm lý Martin Saligman, người ta bị tổn thương nhiều do sự giải thích của chính mình về một biến cố khó chịu hơn là do chính biến cố đó. Do đó, để tha thứ, cần tìm hiểu để biết rõ sự việc, nhất là để hiểu kẻ xúc phạm mình. Hiểu kẻ xúc phạm chính là khám phá được giá trị và phẩm giá của họ, khám phá những nét tích cực của họ.
Hiểu kẻ xúc phạm chính là biết được những tiền sự của người ấy. Một câu ngạn ngữ có nói: “Thiên Chúa tha thứ tất cả, vì Ngài hiểu rõ mọi sự”. Một sự hiểu biết các tiền sự về gia đình, tâm lý, của một người, sẽ giúp ta dễ dàng tha thứ cho người đó. Tiếp đến, hiểu tức là tìm ý hướng tích cực của kẻ xúc phạm. Socrate đã nói: “Không ai làm điều ác cách cố ý”. Ý hướng tích cực của người tự tử là muốn chấm dứt đau khổ; ý muốn tích cực của người cha bạo lực là muốn chế ngự con cái; ý muốn tích cực của cậu bé nổi loạn là để chứng minh khả năng của nó với các nhà giáo dục. Cuối cùng, hiểu tức là nhìn nhận mình không hiểu hết mọi sự. Mỗi người là một huyền nhiệm. Một người thợ đã tâm sự về triết lý sống của anh như sau: “Nếu người nào gây nên cho tôi một điều thiệt hại, tôi thưa với Chúa: ‘Ôi lạy Chúa, con thực tình không hiểu tại sao hắn làm cho con như vậy, nhưng con tin rằng Chúa biết tại sao’. Và suy tư này đủ khiến tôi được bình an nội tâm”. Vì thế, Maurice Rustand đã nói: “Chỉ khi tha thứ người ta mới không sai lầm”.
Ngoài ra, ta cũng phải loại bỏ mọi thứ kiêu căng tinh tế khi tha thứ. Tính cố chấp muốn tha thứ chỉ dựa vào những nỗ lực riêng của mình phản ảnh một cuộc kiếm tìm không lành mạnh chính mình. Chúa Giêsu đã tha thứ không phải với thái độ trịch thượng, dạy đời hoặc khinh miệt, nhưng Ngài tỏ ra giản dị, khiêm tốn và cảm thông. Ngài có sáng kiến đi thăm những con người bị giam hãm trong lầm lỗi của họ. Rồi một khi ở với họ, Ngài làm cho họ thêm giá trị bằng cách tự đặt mình trong trạng thái cần đến họ: với người phụ nữ Samari, Ngài xin nước uống; với ông Giakêu, Ngài xin được trọ tại nhà ông. Ngay cả trước khi nói đến tha thứ, Ngài đã bắt đầu thiết lập một mối tương quan giữa người với người.
Cùng với sự tha thứ tội lỗi, Chúa Giêsu cũng chấp nhận những khuyết điểm của con người. Ngài chấp nhận Phêrô mặc dù tính ông bốc đồng và hấp tấp. Ngài yêu Tôma dù ông cứng lòng tin. Ngài không tìm cách biến đổi nhân cách của các môn đệ trước khi chấp nhận họ như những con người. Ngài thâu nhận họ với cá tính của họ, rồi sau đó làm cho họ lớn dần bằng tình yêu và gương sáng. Ngài chấp nhận người phụ nữ ngoại tình, bênh vực và tha thứ cho nàng. Ngài chấp nhận dùng bữa tại nhà ông Simon tật phong với các biệt phái, mặc dù Ngài biết họ không ưa gì Ngài.
Tha thứ không phải là một cử chỉ xoá sạch sự xúc phạm – điều này trong thực tế không thể làm được, vì sự xúc phạm mà ta tha thứ vẫn mãi mãi làm thành phần của lịch sử đời ta – nhưng là một cử chỉ tin tưởng ở tha nhân. Để có thể tha thứ, điều thiết yếu là phải tiếp tục tin tưởng vào phẩm giá của kẻ đã gây nên thương tổn. Ta phải khám phá ra nơi người ấy một hữu thể mỏng giòn và yếu đuối như ta, một con người có khả năng thay đổi và thăng tiến. Phải cố gắng trung thực nhìn thấy các ưu điểm của người ta không ưa. Chắc chắn họ cũng có những ưu điểm, kể cả những ưu điểm mà ta không có.
Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã viết: “Trong cộng đoàn có một chị thường làm phật lòng tôi trong mọi sự; cách cư xử, lời nói, tính tình xem ra thật khó chịu cho tôi. Tuy nhiên, đó lại là một nữ tu thánh thiện. Vì không muốn chịu thua ác cảm tự nhiên, tôi tự nhủ: bác ái không hệ tại ở tình cảm mà ở công việc. Bấy giờ tôi chú tâm làm cho chị ấy những gì mà tôi mong mỏi làm cho một người tôi yêu thương nhất. Mỗi lần gặp chị, tôi cầu xin Chúa cho chị, tôi dâng lên Chúa các nhân đức và công trạng của chị. Tôi cảm nhận điều đó làm đẹp lòng Chúa Giêsu”. Đừng phàn nàn cà phê đắng, chỉ tại đường của con chưa đủ ngọt. Tâm lý thông thường của con người là thích đòi hỏi người khác hơn là đòi hỏi chính mình. Chúng ta đòi hỏi người khác phải thế này thế nọ với chúng ta, nhưng chúng ta quên rằng chúng ta chưa làm những gì người khác cũng trông chờ chúng ta.
Cha Gaston Courtois, một nhà linh hướng khôn ngoan và đầy kinh nghiệm, có thuật lại câu chuyện như sau:
Một cha phó trẻ tuổi đến gặp ngài với vẻ mặt buồn sầu ảm đạm:
– Thưa cha, con đau khổ quá, con định lên toà giám mục xin thuyên chuyển đến xứ khác.
– Tại sao thế? Con cứ nói hết đầu đuôi câu chuyện cho cha nghe. Cha sẵn sàng giúp con.
– Con nghĩ con thực xấu số: mới tập tễnh vào đời mà gặp một cha xứ quá tệ! Bầu không khí nhà xứ nghẹt thở lắm, cha ạ! Không ngày nào mà không có chuyện va chạm, xích mích. Giờ cơm đúng ra là giờ thân mật nhất, vui vẻ nhất, lại là lúc im lặng nặng nề, ai cũng cúi đầu ăn cho xong rồi đi. Ăn cũng chẳng thấy ngon lành gì. Từ đó, đời sống thiêng liêng cũng bị ảnh hưởng, lại sinh thêm gương xấu cho giáo dân.
– Cha xứ khó tính lắm sao?
– Hết chỗ nói! Vừa lạc hậu lại vừa độc đoán, không bao giờ chấp nhận đối thoại, xem người khác không bằng ngọn rau má!
– Ngài hay chỉ trích con lắm à?
– Gặp ai ngài cũng chê bai cha phó. Cha thấy có tệ hại và chán nản cho tuổi trẻ không? Nào là ít kinh nghiệm, nào là bồng bột, nào là thiếu nghiêm trang, cứ hay chơi đùa với thanh niên và trẻ con, nào là dạy giáo lý không đúng. Ngài muốn con giáo dục giới trẻ theo kiểu xưa, dùng sách báo cổ lỗ sĩ mà dạy thế thì đứa nào thèm nghe! Theo kiểu bệ vệ như ngài thì con lúng túng quá không cách nào chịu được.
– Thế con có bao giờ chỉ trích ngài không?
– Con phải công nhận là có, vì con phải bênh vực lập trường của con chứ! Con đã phê bình ngài trước mặt nhiều người. À, mà ngài lại còn hà tiện nữa chứ. Con mới ra trường không có được một xu. Tuần trước, khi đưa thiếu niên đi cắm trại liên hoan sau ngày rước lễ vỡ lòng, con đến xin tiền ngài. Ngài đã không cho thì thôi, lại còn phê thêm một câu chua như giấm: “Các cha đời bây giờ chẳng làm nên được cái gì cả, chỉ ham chơi đùa với cắm trại!” Dẫn bầy trẻ đi chơi con phải gượng vui, nhưng trong lòng thực đắng cay chua xót. Cha thấy có khổ không? Thú thực với cha, con hay phàn nàn cha xứ với giáo dân lắm.
– Cha thông cảm với con, nhưng con hãy bình tâm suy nghĩ lại. Ai lại không có tính khí và lập trường riêng. Nhất là người càng lớn tuổi, thì càng giữ quan điểm của thời họ, của lối giáo dục mà họ đã hấp thụ. Khi con đến tuổi già cũng sẽ mắc phải tật ấy thôi. Con phàn nàn với người ta về cha xứ, tất nhiên có kẻ mách lại với ngài, và như thế ngài sẽ chỉ trích, chê bai con lại. Thế là hết tình nghĩa huynh đệ và càng đắng cay chua xót với nhau hơn. Con đã đến với cha, thì cha xin hỏi con thế này: nơi cha xứ, con thấy có điểm nào có thể khen được không?
– Chịu! Con thấy ngài như cái hũ cũ, chả có gì đáng để khen cả!
– Thế con thấy ngài giảng thế nào?
– Kể ra không hấp dẫn mấy, nhưng mà có dọn trước, có bố cục, mạch lạc đàng hoàng, theo kiểu cổ điển: có mở đầu, có kết luận.
– Ngài có chịu khó ngồi toà giải tội không?
– Cha thì thực là khéo hỏi chuyện! Về việc ấy thì con thua xa ngài. Ngài ngồi toà thực là kiên trì và ai xin xưng tội giờ nào ngài cũng sẵn sàng cả.
– Sổ sách các phép ngài có làm phân minh không?
– Ngài khó tính thì thật khó tính, nhưng sổ sách thì ngài ghi từng ngày một, rõ ràng minh bạch không chê vào đâu được.
– Bây giờ cha xin con nghe cha: từ đây ngài có nói gì con thì mặc ngài, trước sau thì ta vẫn là ta. Nhưng ngược lại, phần con, vì yêu mến Chúa trong ngài, con hãy cố gắng sống với ngài thật bác ái huynh đệ. Và để ngài thấy rõ là con tốt với ngài, cha đề nghị con lợi dụng tất cả mọi dịp để khen ngài. Không phải cha bảo con tâng bốc ngài hay cho ngài đi tàu bay giấy đâu, nhưng con nên khen những điểm tốt mà chính con vừa xác nhận đó. Can đảm lên! Mẹ Maria sẽ giúp con. Tháng sau con trở lại gặp cha!
30 ngày trôi qua, cha phó ấy trở lại gặp cha G. Courtois. Vừa bắt tay, cha ấy đã vội vàng nói:
– Cha ơi, có nhiều chuyện vui lắm! Để con kể cho cha nghe.
– Cha vẫn cầu nguyện và mong tin con.
– Cha ơi, nghe lời cha, con về phấn đấu hết sức, lắm lúc phải vận dụng hết tâm lực để dằn lòng xuống mà tươi cười niềm nở với cha xứ. Hôm Chúa Nhật, sau bài giảng của ngài, con vào phòng thánh gặp ông từ và hỏi ngay: “Ông có nghe cha xứ giảng không? Thật là mạch lạc và sốt sắng! Lúc nào tôi cũng chăm chú theo dõi để học cách giảng của ngài”. Ba ngày sau, lúc lên làm lễ, gặp ông từ, ông vội đến sát tai con và nói khẽ: “Con có thuật lại lời cha hôm nọ cho cha xứ nghe, ngài vui vẻ bảo con: “Ông từ thấy chưa, đó là một cha phó còn trẻ mà trí phán đoán rất đúng đắn”. Chiều thứ bảy, ngồi toà xong, con đi xuống bếp và nói với bà bếp: “Tôi còn trẻ mà mới ngồi toà giải tội có một lúc đã thấy mệt mỏi cả người, thế mà cha xứ thật là nhẫn nại, ngài ngồi lâu mấy cũng được, ai xin xưng tội lúc nào cũng sẵn sàng”. Ít hôm sau, bà bếp mách lại với con: “Cha biết không, con thuật lại lời cha nói hôm chiều thứ bảy cho cha xứ nghe, ngài có vẻ đắc chí, vừa cười vừa nói: “Đấy bà xem, cha phó này có lòng khiêm nhượng, biết kiểm điểm mình và đánh giá những điều hay của kẻ khác để bắt chước. Bà gắng nấu nướng bồi dưỡng cho ngài, trông ngài độ này hơi xanh!”. Con cũng có dịp nói chuyện với các bà mẹ gia đình và lúc kết thúc đã chêm vào một câu: “Tôi về đây thực là may mắn vì học được rất nhiều đức tính nơi cha xứ, đặc biệt sổ sách ngài làm thật phân minh, ngày nào xong ngày ấy, không bao giờ để lại hôm sau, cẩn thận số một!” Về sau có bà đến bảo con: “Chúng con có thuật lại lời cha cho cha xứ nghe, ngài cười và bảo: “Cha phó càng ngày càng tiến bộ, bây giờ ngài hiểu cách tôi điều hành giáo xứ, chịu khó học hỏi lắm. Thực may mới có được một cha phó như thế!” Bầu không khí giữa ngài với con dần dần thêm phần cởi mở, thoải mái. Những bữa cơm không còn là giờ cực hình nữa mà là lúc trò chuyện thân mật. Chúa Nhật vừa qua ngài cho con tiền để đưa các thiếu nhi đi cắm trại nhân dịp lễ Bổn mạng giáo xứ. Thực may nhờ có cha!”
Để có thể tha thứ cho anh em thì trước hết chúng ta phải có kinh nghiệm được tha thứ. Chúng ta phải biết nhận ra rằng mình cũng có những khuyết điểm, bất toàn, tội lỗi, và cần được tha thứ. Một hối nhân đã nói với Cha Thánh Vianney khi ông vừa rời khỏi toà giải tội: “Cha thật là một vị thánh vì cha là một cha giải tội thật tốt”. Cha thánh trả lời: “Nếu tôi là một cha giải tội tốt, chính vì tôi là một tội nhân lớn”. Nhiều lúc chúng ta chỉ thấy hay chỉ nhớ lỗi lầm của kẻ khác mà không thấy hoặc mau quên lỗi lầm của chính mình. Làm như thế chẳng khác nào chúng ta khắc ghi lỗi lầm của kẻ khác trên bia đá, còn lỗi lầm của chúng ta thì chỉ được vẽ sơ sài trên cát. Nhận ra lỗi lầm của mình thì chúng ta dễ dàng thông cảm, chấp nhận và tha thứ cho kẻ khác hơn. Đồng thời chúng ta cũng dễ dàng đón nhận cách khiêm tốn sự tha thứ và giúp đỡ của kẻ khác. Đừng bao giờ giành độc quyền tha thứ, nhưng hãy biết để kẻ khác tha thứ cho mình. Hãy biết rằng những lỗi lầm và khuyết điểm của chính mình cũng như của kẻ khác cũng có thể được Chúa dùng để tạo nên những điều tốt đẹp, vì Ngài là Đấng có thể biến sự dữ nên sự lành.
Một người kia có hai chiếc thùng lớn để gánh nước. Một trong hai chiếc thùng có một vết nứt, vì vậy khi gánh nước từ giếng về, nước trong thùng chỉ còn một nửa. Chiếc thùng còn nguyên rất tự hào về sự hoàn hảo của mình, còn chiếc thùng nứt luôn bị cắn rứt vì không thể hoàn thành nhiệm vụ. Một ngày nọ, chiếc thùng nứt nói với ông chủ:
– Tôi thật sự xấu hổ về chính mình. Tôi muốn xin lỗi ông.
– Ngươi xấu hổ về chuyện gì? – Ông chủ hỏi.
– Chỉ vì khuyết điểm của tôi mà ông không nhận được đầy đủ những gì xứng đáng với công sức của ông. – Chiếc thùng nứt trả lời.
Ông chủ liền nói:
– Không đâu, ngươi hãy chú ý đến những luống hoa bên vệ đường. Ngươi không thấy rằng hoa chỉ mọc trên vệ đường về phía của ngươi sao? Ta đã biết được vết nứt của ngươi và đã tận dụng nó. Ta gieo những hạt giống hoa trên vệ đường bên phía ngươi và ngươi đã tưới chúng bằng vết nứt của ngươi đấy.
3. NÂNG ĐỠ NHAU TRONG TÌNH HUYNH ĐỆ
Ngày ngay trên quy mô thế giới người ta nói nhiều đến sự liên đới và phụ đới giữa các nước tiên tiến và các nước đang phát triển. Điều này ngày càng trở nên khẩn thiết hơn trong nền kinh tế toàn cầu hoá như hiện nay. Các nước giàu phải giúp đỡ các nước nghèo không những về lương thực, thuốc men, quần áo, mà còn những máy móc, kỹ thuật, để nhờ đó các nước này có thể tự phát triển. Người ta gọi đó là giúp cần câu chứ không phải chỉ giúp con cá. Việc giúp đỡ đó không phải là một cử chỉ bác ái cho bằng là một bổn phận có liên quan đến sự phát triển của chính mình. Bởi lẽ nếu hố chênh lệch giữa những nước giàu và những nước nghèo càng sâu rộng thì sự bất ổn trên bình diện quốc tế càng lớn, sẽ dẫn đến xung đột và chiến tranh, và như thế các nước giàu cũng không thể ngồi yên để vui hưởng những sản phẩm của mình. Nói cách khác, khi ta giúp đỡ kẻ khác tức là ta tự giúp chính mình.
Vụ thu hoạch hàng năm của người nông dân nọ rất đạt chỉ tiêu và các sản phẩm của ông được đem triển lãm trong các hội chợ. Tuy nhiên, ông này có thói quen chia sẻ các loại giống tốt của ông cho các chủ trại láng giềng. Khi được hỏi tại sao ông làm thế, ông đáp: “Thực ra, đây chỉ là vấn đề tư lợi thôi. Gió thổi mang các phấn hoa đi khắp nơi, từ nông trại này sang nông trại khác. Do đó, nếu các chủ trại láng giềng của tôi gieo thứ hạt giống kém chất lượng, các phấn hoa của họ sẽ bay đến nông trại của tôi và sẽ làm cho các sản phẩm của tôi giảm chất lượng. Đó là lý do tại sao tôi để tâm giúp họ chỉ gieo trồng những giống tốt nhất”. Người chủ nông trại trên đây quả thực là một nhà kinh tế có kiến thức khoa học và tầm nhìn xa thấy rộng. Hành động của ông ta mặc dù chỉ nằm trên bình diện kinh tế, nhưng cũng trở thành một gợi ý cho chúng ta khi chúng ta đề cập đến sự tương trợ và nâng đỡ lẫn nhau trong linh mục đoàn gồm những người được hướng dẫn không phải bởi những suy tính lợi nhuận, nhưng bởi đức ái và tình huynh đệ Kitô giáo.
Có một danh xưng nhà đạo mà ngày trước giáo dân Việt Nam ta đã tạo ra và đã trở thành thông dụng một thời, nhưng nay người ta ít biết đến hay không còn dùng nữa: đó là “nhà chung”. Nhà chung là tiếng ngày xưa dùng để chỉ trụ sở truyền giáo của các thừa sai, được dịch từ chữ mission của tiếng Pháp, có nghĩa là địa điểm truyền giáo. Nhưng ai đã dịch chữ mission ra chữ nhà chung? Chắc chắc cách dịch đó là do các tín hữu Việt Nam. Họ gọi như thế là vì họ thấy nếp sống của các thừa sai ở đó là một nếp sống gia đình, cái gì cũng chung, chẳng khác gì khung cảnh một gia đình máu mủ ruột thịt, đúng như mô hình của Hội Thánh tiên khởi ở Giêrusalem. Nói đến nhà chung là nói đến một khung cảnh thân thương trong đó có mình và mọi người thuộc về mình. Mọi việc trong đó là việc chung nhằm phục vụ mọi người vì tình yêu thương. Nhưng một điểm đặc biệt ai cũng có thể thấy được trong nhà chung là mọi người nâng đỡ, nương tựa vào nhau. Điều đó càng được nhận thấy rõ ràng vào các thời kỳ bắt đạo. Chính từ sự nâng đỡ nhau của những người sống trong nhà chung mà nhà chung nào rồi cũng trở thành nơi nương tựa cho những người bất hạnh, tiêu biểu nhất là những người già yếu không nơi nương tựa, những trẻ em mồ côi không người nuôi dưỡng chăm sóc.
Trong Tin Mừng, Đức Giêsu khiển trách các luật sĩ Dothái vì họ đặt lên vai người dân những gánh nặng lề luật mà chính họ không hề đụng tay đến (x. Mt 23,4). Đối với các môn đệ và các kitô hữu, Ngài mời gọi họ hãy vác thập giá hằng ngày của mình (x. Mt 16,24). Trong thư gửi tín hữu Galat, Thánh Phaolô không những khuyên các tín hữu hãy mang lấy gánh nặng của riêng mình (x. Gl 6,5) là những khuyết điểm, tật xấu, hoặc giới hạn của bản thân về mọi mặt, nhưng đặc biệt ngài cũng mời gọi họ hãy vác gánh nặng cho nhau, vì như vậy là họ chu toàn luật bác ái huynh đệ mà Đức Kitô đã dạy (x. Gl 6,2).
Trong khi dạo chơi trên những con đường của một thành phố tại một nước Á Đông, một người Mỹ vô cùng thích thú quan sát những đứa trẻ đang chơi, trong số đó có một cậu bé đang cõng trên lưng đứa em nhỏ của nó mà đồng thời vẫn có thể chơi những trò chơi với các bạn. Người ấy nói một cách đầy thiện cảm với cậu bé ấy:
– Cháu phải cõng trên lưng một gánh nặng quá như vậy. Thật là khó chịu quá sức, phải không cháu?
Cậu bé liền trả lời:
– Đó không phải là gánh nặng, đó là em bé của cháu mà!
Người Mỹ ngạc nhiên kêu lên:
– Ồ, cháu nói như một hiệp sĩ vậy!
Khi về đến nhà, người Mỹ đó liền nói với cả gia đình ông:
– Một cậu bé người Á Đông đã dạy cho tôi đầy đủ ý nghĩa của câu nói: “Anh em hãy mang lấy gánh nặng của nhau, đó là tất cả quy luật của Đức Kitô”.
Ông thường thuật lại mẩu đối thoại với cậu bé và nói thêm:
– Nếu một cậu bé Á Đông có thể cõng được đứa em nhỏ của nó trên lưng và không chịu cho ai gọi em nó là gánh nặng, thì chắc chắn chúng ta không được nghĩ rằng việc gánh vác những người anh em là một gánh nặng đối với chúng ta, vì họ là những người yếu đuối và có nhu cầu cần đến sự giúp đỡ. Vậy chúng ta hãy vui vẻ gánh vác cho nhau bằng những hành động cụ thể và tự nhủ rằng: “Người này không phải là gánh nặng cho tôi, đó chính là người anh em của tôi”.
Tóm lại, linh muc đoàn chúng ta được hình thành từ những con người có cá tính và những khả năng khác nhau. Nhưng đó là một cộng đoàn huynh đệ trong đó mọi người nhìn nhận và đối xử với nhau như anh em. Cuộc sống huynh đệ có nhiều thử thách nhưng cũng nâng đỡ tình bác ái, như cây trên rừng che chở nhau khỏi ngã lúc gió bão. Chúng ta có những điểm khác biệt, nhưng đồng thời cũng có những điểm giống nhau, đó là điều có lợi và cần thiết để thể hiện tình yêu huynh đệ, như Geraldy đã nói: “Cần giống nhau một chút để hiểu nhau, nhưng cần khác nhau một chút để yêu nhau”.
+ Gm. Matthêu Nguyễn Văn Khôi