Nhật ký ba ngày tết (2)
Mồng 2 Tết
Hôm nay mồng hai tết, mình thức dậy từ 4.30 giờ sáng theo thói quen hằng ngày, tập khí công, đi vài bài quyền Thiếu Lâm cho nó khỏe và cho bớt cái lạnh mùa đông buổi sáng, sau đó là công việc như mọi ngày: đọc sách, suy niệm bài giảng và viết sách.
7 giờ sáng thánh lễ bắt đầu, ở Giáo Hội Taiwan không có truyền thống “mồng một tết chúc tuổi Chúa, mồng 2 tết chúc tuổi (lễ cầu cho tổ tiên) ông bà, mồng 3 tết thánh hóa công ăn việc làm””như ở Giáo Hội Việt Nam của mình, nhưng ngày mồng 2 tết của họ thì vẫn làm lễ như ngày thường, ít người đến tham dự, mình đang đoán mò chắc khoảng vài giáo dân đến tham dự là cùng, bởi vì ngày lễ thường thì ít lắm cũng có hai mươi giáo dân đến tham dự, nhưng hôm nay chắc không quá vài người, nhưng mình đã lầm, hôm nay có mười bảy giáo dân đến dự lễ ngày thường, vậy cũng là khá lắm rồi. Lễ ngày thường mình chỉ chia sẻ Lời Chúa khoảng năm phút, nhưng hôm nay mình chia sẻ hơn mười phút để giáo dân biết truyền thống ngày mồng 2 Tết của Giáo Hội Việt Nam là cầu nguyện cho tổ tiên ông bà, bởi vì giáo dân Taiwan không có thói quen ấy, nhưng mình cố gắng giải thích cho họ hiểu tại sao phải cầu cho ông bà tổ tiên trong ngày mồng 2 Tết, như là một bước mở đầu cho họ có ấn tượng để Tết năm sau mình sẽ mời giáo dân đi vào trọng tâm của ba ngày Tết với ý nghĩa của nó, chứ không phải chỉ là ăn chơi mà thôi.
Mồng 2 tết đối với người Trung Quốc nói chung và người Taiwan nói riêng, là ngày con gái đi lấy chồng “về nhà mẹ回娘家”, hôm nay tất cả các đường freeway chắc chắn là phải kẹt xe, bởi vì mọi con gái đi lấy chồng trở về nhà cha mẹ ruột của mình để chúc tuổi gia đình, ai cũng đi xe hơi cho nên phải kẹt xe. Đây cũng là một phong tục hay của người Trung Quốc và Taiwan, dù là đời sống văn minh tiên tiến thì họ vẫn không bỏ được phong tục tập quán tốt lành ấy của họ, trong thánh lễ mình cũng xin mọi người cầu nguyện cho các nàng dâu trong giáo xứ khi trở về nhà cha mẹ ruột của mình trong ngày tết, đi đường được bằng an và đem niềm vui cho cha mẹ và anh chị em của mình.
Lễ xong thì giáo dân về nhà, chuẩn bị cho ngày mồng 2 tết, xem ra các cụ già tất bật hơn những người trẻ tuổi, dù đã làm ông bà cố bà ngoại rồi, nhưng lễ xong thì vội vàng đi về vì hôm nay con gái trở về nhà cha mẹ, thế là các cụ chỉ kịp chào mình và nói: “Chào cha, con về lo nhà cửa vì chốc nữa con gái và con rể về”. Thế là nhà thờ lại vắng tanh, mình lên lầu viết bài, đọc sách, nhưng lòng trí thì vẫn cứ nghĩ về cái tết ở nhà anh chị em mình ở Sài gòn.
Tối hôm qua, một linh mục đang học tiếng Hoa ở trường đại học Phụ Nhân mời mình mồng 2 tết qua dâng lễ cho các công nhân và cô dâu Việt Nam, mình nhận lời, thế là hôm nay có dịp để đi ra khỏi nhà, mặc dù kế hoạch hôm này của mình là đi chúc tết một bà lão ở họ đạo lẻ, vì bà là người giúp để chuẩn bị bàn thờ cho việc dâng thánh lễ, con cái bà đều là những người rất gắn bó với nhà thờ, cho nên mình quyết định đến thăm bà trong dịp tết này, nhưng cũng đành phải xin lỗi bà và hẹn dịp khác.
Đúng 9.30 giờ mình lái xe đến trường đại học Phụ Nhân, các công nhân và cô dâu Việt Nam đang lác đác đi đến nhà nguyện của dòng Tên, một vài thầy dòng tên tiếp đón các công nhân và cô dâu, một thầy tập hát lễ, tất cả đều hớn hở vui tươi vì có dịp để gặp mặt và chia sẻ với nhau lâu giờ hơn, Tết mà. Trong lúc chờ đợi đến giờ làm lễ thì cha phụ trách mời mình lên phòng ngài uống trà, thật là một dịp hiếm có để anh em gặp nhau lâu như hôm này. Hôm nay mình chủ tế, và thầy phó tể sẽ chia sẻ Phúc Âm với đề tài đạo hiếu, thầy chia sẻ người Việt mình rất coi trọng đạo hiếu, và thầy chia sẻ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Trong thánh lễ có hai sơ dòng Mến Thánh Giá Hà Nội đang du học ở trường đại học đến dự, và có bảy sơ dòng Tiểu Muội thánh Tê-rê-xa gần bên cũng đến tham dự, làm cho bầu khí ngày lễ thật vui tươi và ấm cúng.
Thánh lễ xong thì mình thay mặt các cha, các thầy phát “hồng bao”, thực ra trong “hồng bao” đó không có tiền bạc gì cả, mà là một câu Lời Chúa được trang trí rất đẹp, đó là “tục lệ” tốt đẹp của người Công Giáo Việt Nam chúng ta, phát “hồng bao” xog thì chụp hình kỷ niệm. Sau thánh lễ thì có tiệc liên hoan nho nhỏ mừng xuân của các cô dâu và công nhân đãi ở hành lang của viện thần học, rất vui vẻ và ấm cúng. Mình lần đầu tiên được tham dự liên hoan nho nhỏ như thế này của họ, mình nhận ra một điều là người Công Giáo xa nhà, bất kỳ ở đâu, làm gì thì làm họ vẫn luôn gắn bó với đức tin của mình, họ phải tìm cho ra nhà thờ để đi lễ ngày chúa nhật, họ rủ nhau cùng đi lễ để họp mặt và làm quen với nhau, và đương nhiên cũng có một vài người không mấy mặn nồng với việc đi nhà thờ…
Ở Taiwan, gần đây hội đồng giám mục Taiwan có chú trọng đến vấn đề di dân, nhất là các cô dâu và anh chị em công nhân đến Taiwan làm việc, cho nên có những địa phận mà đức giám mục địa phương ủy quyền cho một vài linh mục Việt Nam vừa lo giáo xứ, vừa lo mục vụ cho những anh chị em công nhân và cô dâu Việt Nam, chẳng hạn như ở giáo phận Taichung, việc mục vụ cho anh chị em công nhân và cô dâu được chia làm hai vùng rõ rệt, vùng Chương Hóa (彰化) thì do cha Vũ Đình Cường phụ trách, cùng Đài Trung (台中) thì do cha Nguyễn Văn Dụ phụ trách; ở giáo phận Tân Trúc (新竹) thì do cha Lương Văn Đức dòng Đức Chúa Thánh Thần phụ trách; vùng Đào Nguyên (桃園) thì do cha Trương Văn Phúc và Nguyễn Hùng Cường phụ trách; vùng Đài Bắc (台北) thì do cha Nguyễn Ngọc Điệp phụ trách, và có một vài linh mục và các tu sĩ của các dòng tu tự nguyện phục vụ anh chị em công nhân trong vấn đề mục vụ. Các vùng này mỗi chúa nhật đều có các thánh lễ tiếng Việt cho các anh chị em công nhân và cô dâu Việt Nam…
Sau khi các công nhân giải tán về nhà, thì mình cùng với cha phụ trách và các thầy dòng Tên và dòng Đa Minh cùng với một vài công nhân và cô dâu Việt Nam đi đến nhà một cô dâu để chúc tết, và để cho biết nhà, gia đình cô dâu này rất sốt sắng việc Chúa, chồng đạo theo nhưng rất nhiệt thành, con cái đều được rửa tội và đã rước lễ lần đầu.
Mồng 2 tết năm nay mình “được” đi chơi tết với các cha, các thầy, các sơ và các anh chị em công nhân và cô dâu Việt Nam, nên cũng…đỡ buồn, về đến nhà cũng là gần 8 giờ tối, viết bài, đọc sách và đọc kinh xong thì cũng 10 giờ đêm.
Một ngày mồng 2 tết rất có ý nghĩa đối với mình. Tạ ơn Chúa, Chúa luôn biết rõ và bù đắp cho những nhu cầu chính đáng của con người…
(còn tiếp)
——————
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.