Giáo Hội là cộng đoàn nảy sinh từ lời cầu linh mục của Chúa Giêsu
Giáo Hội là cộng đoàn nảy sinh từ lời cầu linh mục của Chúa Giêsu
Giáo Hội là cộng đoàn nảy sinh từ lời cầu linh mục của Chúa Giêsu và bao gồm những người được thánh hiến cho Thiên Chúa, hoàn toàn tùy thuộc Thiên Chúa và tất cả mọi người, và được sai ra đi đem thế giới trở về với Thiên Chúa.
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên với gần 5.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi gặp gỡ chung với Đức Thánh Cha trong đại thính đường Phaolô VI, sáng thứ tư 25-1-2012. Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giải thích ý nghĩa lời cầu nguyện Chúa Giêsu thưa lên với Thiên Chúa Cha trong ”Giờ” Người được nâng cao lên và được tôn vinh như thánh Gioan ghi trong chương 17 câu 1 tới 26.
Chỉ có thể hiểu được lời cầu nguyện này của Chúa Giêsu trong tất cả sự phong phú của nó khi lồng khung nó vào trong bối cảnh ngày lễ Yôm Kippur, tức lễ Xá Tội của do thái giáo. Trong ngày đó vị Thượng Tế dâng hiến lễ đền tội cho chính mình, rồi cho hàng tư tế và sau cùng cho toàn cộng đoàn dân Chúa. Mục đích là trao ban trở lại cho dân Israel, sau các lỗi phạm của một năm, ý thức của việc giao hòa với Thiên Chúa, ý thức là dân được tuyển chọn, ”dân thánh” giữa các dân tộc khác. Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu lấy lại cấu trúc của lễ này. Trong đêm đó, Chúa Giêsu hướng tới Thiên Chúa Cha trong lúc Người hiến dâng chính mình. Là tư tế và vật hiến tế, Chúa Giêsu cầu nguyện cho mình, cho các môn đệ và cho tất cả những ai sẽ tin vào Người, cho Giáo Hội của mọi thời đại.
Lời Chúa Giêsu cầu cho chính Người là lời xin của sự tôn vinh, của việc nâng cao Người lên trong ”Giờ” của Người… ”Giờ” này đã bắt đầu với sự bội phản của Giuđa (x Ga 13,31) và sẽ đạt tột đỉnh với biến cố Chúa Giêsu về với Thiên Chúa Cha (Ga 17,17). Không phải vô tình mà Chúa Giêsu bắt đầu lời cầu linh mục bằng cách nói: ”Lậy Cha! Giờ đã đến! Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha” (Ga 17,1). Đức Thánh Cha giải thích lời cầu này như sau:
Sự vinh danh mà Chúa Giêsu xin cho chình mình như là Thượng Tế, là việc bước vào trong sự vâng phục tràn đầy Thiên Chúa Cha, một sự vâng phục dẫn đưa Người vào trong điều kiện con thảo tràn đầy: ”Vậy lậy Cha, giờ đây xin Cha tôn vinh Con bên Cha; xin ban cho Con vinh quang mà Con vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian” (Ga 17,5). Sự sẵn sàng và lời xin này là cử chỉ đầu tiên chức tư tế mới của Đức Giêsu, là tự trao ban hoàn toàn cho thập giá, và chính trên thập giá là cử chỉ yêu thương tột đỉnh, Người được tôn vinh, bởi vì tình yêu là vinh quang đích thật, vinh quang của Thiên Chúa.
Điểm thứ hai trong lời cầu của Chúa Giêsu là xin cho các môn đệ: ”Những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian mà ban cho con, con đã cho họ biết danh Cha. Họ thuộc về Cha, Cha đã ban họ cho con, và họ đã tuân giữ lời Cha” (Ga 17,6). Việc tỏ lộ ấy là một thực tại nơi Chúa Giêsu; Thiên Chúa ở với chúng ta, và như thế danh Người, sự hiện diện của Người ở với chúng ta, là một với chúng ta, đã được thực hiện. Như vậy sự biểu lộ này được thưc hiện trong việc nhập thể của Ngôi Lời. Nơi Đức Giêsu Thiên Chúa bước vào trong thịt xác con người, gần gũi con người trong cách thế duy nhất và mới mẻ. Và sự hiện diện ấy đạt tột đinh trong hiến tế Chúa Giêsu thực hiện trong lễ Vượt Qua của cái chết và sự phục sinh của Người.
Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ: Trung tâm lời cầu bầu cử và đền tội cho các môn đệ là lời xin thánh hiến: ”Họ không thuộc về thế gian cũng như Con không thuộc về thế gian. Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. Như Cha đã sai Con đến thế gian, thì Con cũng sai họ đến thế gian. Vì họ Con xin thánh hiến chính mình Con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến” (Ga 17,16-19).
Chỉ có Thiên Chúa là ”Đấng thánh hiến” hay ”Thánh” mà thôi. Như thế thánh hiến có nghĩa là chuyển dời một thực tại, một người hay một vật vào trong quyền sở hữu của Thiên Chúa. Một đàng là lấy đi từ những của chung, tách ra, để riêng ra từ môi trường cuộc sống cá nhân của con người để hiến dâng hoàn toàn cho Thiên Chúa; đàng khác sự tách rời đó, việc di chuyển sang lãnh vực của Thiên Chúa đó, có ý nghĩa riêng là ”sai đi”, ban sứ mệnh: chính vì đã cho Thiên Chúa nên thực tại hay người được thánh hiến hiện hữu cho người khác, được trao ban cho người khác. Cho Thiên Chúa có nghĩa là không còn là của chính mình nữa, mà là của tất cả mọi người. Người được thánh hiến là người giống Chúa Giêsu, được tách rời khỏi thế giới và để riêng ra cho Thiên Chúa cho một nhiệm vụ và vì thế nên hoàn toàn trong quyền sử dụng của tất cả mọi người. Đối với các môn đệ, đó sẽ là tiếp tục sứ mệnh của Chúa Giêsu, được trao tặng cho Thiên Chúa để thi hành sứ mệnh cho tất cả mọi người.
Điểm thứ ba trong lời cầu linh mục của Chúa Giêsu trải đài cái nhìn cho tới ngày tận thế… Chúa Giêsu cầu nguyện cho Giáo Hội thuộc mọi thời đại và cũng cầu nguyện cho chúng ta nữa (Ga 17,20). Sách Giáo Lý Giáo Hội bình luận như sau: ”Chúa Giêsu đã đã thành toàn công trình của Thiên Chúa Cha và lời cầu nguyện của Người, cũng như Hiến tế của Người, trải dài cho đến khi kết thúc thời gian. Lời cầu của ”Giờ” làm đầy thời sau hết và đưa nó tới chỗ hoàn tất” (s. 7249). Đức Thánh Cha quảng diễn điểm này như sau:
Lời xin chính trong lời cầu linh mục của Chúa Giêsu được dành cho các môn đệ thuộc mọi thời đại là lời xin cho sự hiệp nhất tương lai của tất cả những ai sẽ tin nơi Người. Sự hiệp nhất đó không phải là một sản phẩm của trần gian. Nó chỉ phát xuất từ sự hiệp nhất của Thiên chúa và tới với chúng ta từ Thiên Chúa Cha, qua Chúa con và trong Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu xin một ơn từ trời có hiệu qủa thực sự và có thể nhận ra được trên trái đất. Người cầu nguyện để ”tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con” (Ga 17,21).
Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: Sự hiệp nhất các tín hữu kitô một đàng là một thực tại bí mật ở trong con tim của những người tin. Nhưng đồng thời nó phải hiện ra với tất cả sự trong sáng trong lịch sử, phải lộ hiện ra để thế gian tin. Nó có một mục đích rất thực tiễn và cụ thể, nó phải lộ hiện để tất cả thực sự là một. Sự hiệp nhất ấy cũng là suối nguồn sự hữu hiệu của sứ mệnh kitô trong thế giới. Đức Thánh Cha suy tư thêm về nguồn gốc Giáo Hội như sau:
Chúng ta có thể nói rằng trong lời cầu linh mục của Chúa Giêsu việc thành lập Giáo Hội được hoàn tất… Chính nơi đây, trong Bữa Tiệc cuối cùng Chúa Giêsu tạo dựng ra Giáo Hội. Bởi vì Giáo Hội là gì, nếu không phải là cộng đoàn các môn đệ, mà qua lòng tin nơi Đức Giêsu Kitô như Đấng được Thiên Chúa Cha sai đến, tiếp nhận sự hiệp nhất của nó và bị lôi cuốn vào trong sứ mệnh của Đức Giêsu là cứu rỗi thế gian bằng cách dẫn đưa nó tới sự thánh hiến cho Thiên Chúa? Chính ở đây chúng ta tìm thấy một định nghĩa đích thật về Giáo Hội. Giáo Hội nảy sinh từ lời cầu nguyện của Chúa Giêsu. Và lời cầu nguyện đó không chỉ là lời nói, mà là cử chỉ qua đó Người thánh hiến chính mình nghĩa là hiến tế chính mình cho sự sống của thế giới” (Đức Giêsu Thành Nagiarét, II, 117 tt.)
Chúa Giêsu cầu nguyện cho các môn đệ nên một. Nhờ sức mạnh của sự hiệp nhất được tiếp nhận và giữ gìn ấy, Giáo Hội có thể bước đi ”trong trần gian”, mà không ”thuộc về trần gian” (Ga 17,16) và sống sứ mệnh được giao phó để thế gian tin nơi Chúa Con và Chúa Cha, Đấng đã sai Người. Giáo Hội trở thành nơi trong đó sứ mệnh của Chúa Kitô được tiếp tục: đó là dẫn đưa ”trần gian” ra khỏi sự tha hóa con người khỏi Thiên Chúa và chính mình, ra khỏi tội lỗi để nó trở về với thế giới của Thiên Chúa.
Chúng ta hãy xin Chúa Giêsu hướng dẫn chúng ta trong cuộc đối thoại với Chúa và dậy chúng ta cầu nguyện… Chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta được thánh hiến cho Người, ngày càng thuộc về Người hơn, để có thể ngày càng yêu thương tha nhân, gần cũng như xa. Chúng ta hãy xin Chúa ngày càng cho khả năng rộng mở lời cầu của chúng ta cho các chiều kích của thế giới, không đóng kín nó trong việc xin trợ giúp các vấn đề của chúng ta, mà nhớ tới tha nhân trước mặt Chúa, học bầu cử cho người khác. Chúng ta hãy xin Chúa ơn hiệp nhất cho tất cả mọi tín hữu kitô, ơn mà chúng ta đã tha thiết nài xin trong Tuần cầu nguyện cho hiệp nhất này.
Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới Đức Thánh Cha khuyên các bạn trẻ tin tưởng nơi giáo huấn của Giáo Hội nhằm giúp trưởng thành toàn vẹn. Ngài xin các bệnh nhân dâng các khổ đau cho sự hiệp nhất của Giáo Hội. Ngài nhắn nhủ các cặp vợ chồng mới cưới biết giáo dục con cái theo cái luận lý của tình yêu nhưng không, noi gương tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại.
Sau cùng ngài cất kinh Lậy Cha và ban phép lành Tòa Thánh cho mọi người.
Linh Tiến Khải
R.Vatica