Tài liệu Tin thế giới 

Cuộc sống ở thế giới bên kia

Phỏng vấn triết gia Fabrice Hadjadj về tính cách thời sự của cuộc sống ở thế giới bên kia

Từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chánh kinh tế năm 2008 tới nay, tình hình khó khăn đã khiến cho người ta suy tư nhiều hơn về ý nghĩa của cuộc sống. Theo triết gia Fabrice Hadjadj thì ”không có gì thời sự hơn vấn đề cuộc sống ở thế giới bên kia, vì trên bình diện siêu hình cuộc sống bên kia không phải là một cuộc sống khác, mà là cuộc sống đang hiện hữu một cách toàn vẹn”.

FabriceTriết gia Hadjadj hiện là một trong số các nhà trí thức kitô tân tiến nhất của Pháp. Ông sinh năm 1971 và xuất thân từ một gia đình gốc Do thái, nhưng vô thần và theo mác xít. Khi trưởng thành ông mới theo Kitô giáo. Và cuộc đổi đời của ông đã xảy ra trong nhà thờ thánh Severino ở Paris. Ông có vợ và 6 con. Trái với những người khác thường tìm về sống và làm việc ở thủ đô Paris, ông chọn cuộc sống đơn giản là giáo sư triết trong một trường trung học tỉnh Toulon, miền nam nước Pháp, và dậy triết trong chủng viện của giáo phận này. Tuy trẻ tuổi nhưng ông đã tạo cho mình một vị thế đáng nể vì các sách và các bài khảo luận của ông đi ngược dòng. Chúng là một tổng hợp giữa sự hiểu biết triết lý sâu xa, với kinh nghiệm và suy tư kitô. Trong số các sách của ông có các cuốn như ”Có thể chịu đựng được cái chết”, ”Sự thần bí của thịt xác”, ”Con đường thứ ba của trời”, ”Đức tin của ma qủy”, ”Thiên đường ở trước cửa. Khảo luận về niềm vui lôi cuốn”.

Năm 2010 triết gia Hadjadj đã thắng Giải văn chương tôn giáo Pháp vì cuốn sách viết về chủ nghĩa vô thần, trong khi hồi năm 2006 ông đã được Giải văn chương công giáo vì cuốn sách nói về cái chết. Từ vị thế là một cựu tín đồ của chủ nghĩa mác xít và chủ nghĩa hư vô, ngày nay triết gia Hadjadj nhìn vào cuộc khủng hoảng kinh tế và các khó khăn cũng như ngõ cụt văn hóa của đại lục Âu châu già cỗi, và nồng nhiệt ước mong quảng bá chiều kích cuộc sống bên kia của Kitô giáo, là lịch sử đích thực.

Trong thời gian tới đây giáo sư sẽ sang dậy triết tại đại học Fribourg bên Thụy sĩ. Bàn về thân xác vinh hiển, triết gia nói đây không phải là thân xác của sự dễ chịu hay của tính dục, là các mục tiêu của quảng cáo rẻ tiền. Sự thật của thân xác vinh hiển ở trong thân xác thánh thể, hay một thân xác được trao ban một cách cá nhân trong sự hiệp thông. Và nó liên quan tới các điều hết sức cụ thể: một thân xác vinh quang có nghĩa là một sự hiệp thông sống động của con người với các người khác, một sự hiệp thông được diễn tả ra ngoài bằng cách cùng nhau ca hát, múa nhảy và cử hành mầu nhiệm sự sống.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn giáo sư về cuộc sống ở thế giới bên kia.

Hỏi: Thưa giáo sư Hadjadj, Marx và chủ thuyết mác xít đã tố cáo Kitô giáo là làm cho con người bị tha hóa với niềm hy vọng vào cuộc sống ở Thế giới bên kia. Nhưng ngày nay, chúng ta thấy rằng chính các kitô hữu, và các ngưi có tín ngưỡng nói chung, là những người dấn thân nhất với các nỗ lực giúp con người cùng nhau ra khỏi cuộc khủng hoảng đang kìm kẹp Tây Phương này. Như thế, xem ra chính đc tin cũng là điều tốt đối với thế giới này đấy chứ, có phải thế không thưa giáo sư?

Đáp: Lời tố cáo của Marx thật ra chống lại cuộc Cách mạng cộng sản và chống lại mọi thực hành chính trị duy bầu cử. Như đã biết, Cách mạng nói với con người rằng ”Mi phải đau khổ để xây dựng xã hội tương lai”. Nó nói tới ”vùng đất của tương lai”, và như thế nó yêu sách làm cho công lý xuống trên trái đất này. Nó cũng dưỡng nuôi một niềm hy vọng nào đó vào cuộc sống bên kia, vì nó cho rằng sự công bằng đó không phải là để cho hôm nay, mà là cho ngày mai. Cả nền chính trị dựa trên việc bầu cử cũng không ngừng chiếu lên trước mắt con người các lời hứa tốt đẹp, bởi vì các giới chức chính trị tìm cách làm cho mình tái đắc cử, vì thế họ sử dụng các phạm trù tôn giáo để lôi kéo cử tri: lời hứa, việc tuyển chọn, cuộc sống bên gia thời gian vv… Họ hứa hẹn ”Một thứ bên kia” không thực sự là ở ”đó”. Như vậy, cuộc sống bên kia theo nghĩa của Kitô giáo là một cái gì hoàn toàn khác.

Hỏi: Vậy đâu là đặc tính của nó thưa giáo sư?

Đáp: Chúa Giêsu đã tuyên bố: Cuộc sống bên kia không phải là ngày mai, cũng không ở nơi khác, mà là ở đây và trong lúc này: ”Nước Thiên Chúa ở giữa anh em” (Lc 17,21). Điều này có nghĩa là cuộc sống bên kia đích thực không phải là ở một thời đại khác hay một nơi khác. Nó ở bên kia không gian và và thời gian: nó liên quan tới sự vĩnh cửu, sự mênh mông vô tận, nó là suối nguồn vọt lên đụng chạm tới mọi nơi và mọi lúc. Đó là lý do giải thích tại sao kitô hữu hiện diện trong thế giới một cách mạnh mẽ như vậy. Họ muốn lựa chọn thế giới ở nguồn gốc của nó. Họ ước mong củng cố sự hiện diện của mình bằng cách đẩy lùi sự dữ làm cho chúng ta vắng bóng đối với nhau. Kitô hữu cố gắng khởi hành từ Đấng ban sự sống, và nỗ lực duy trì, bảo vệ và nâng cao tất cả những gì hiện hữu.

Hỏi: Từ nhiều phía khác nhau người ta nhận ra rằng cuộc khủng hoảng không chỉ có tính cách kinh tế, mà trước hết cũng là cuộc khủng hoảng luân lý nữa. Theo giáo sư, thì gốc rễ của tình trạng khẩn trương này nằm tại đâu?

Đáp: Thật là điều không đúng đắn, khi tách rời cuộc khủng hoảng luân lý khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế, hay tách rời việc sản xuất khỏi việc phân chia sự giầu có, vì nó là một sinh hoạt của con người, và nó trực tiếp liên quan tới sự phán đoán luân lý của con người. Nó cật vấn con người liên quan tới tầm quan trọng của các giầu có vật chất trong cuộc sống xã hội. Ngày nay tại Pháp người ta hay dùng từ ”các giá trị”. Nó ám chỉ những gì có giá trị trên bình diện kinh tế và luân lý. Vì thế nói đến cuộc khủng hoảng kinh té tài chánh mà không đương đầu với vấn đề nhân chủng nằm ở bên dưới, thì cũng giống như là tìm giải quyết vấn đề sức khỏe bằng cách loại bỏ người bệnh, và để cho vết thương của họ trở thành ung thối. Theo thiển ý tôi, cuộc khủng hoảng hiện nay liên quan tới niềm tin nơi sự tiêu thụ. Xem ra ngày nay không có ai là người tin nữa. Nếu đức tin bị khước từ như là nhân đức thần học, thì nó lại được hiểu như là sự tin tưởng nơi tín dụng trên bình diện kinh tế. Ông chủ cho vay tiền vì tin vào sự gia tăng cho phép người vay tiền trả nợ cho ông ta; và người vay hứa sự gia tăng vì tin nơi việc tiêu thụ: nghĩa là tin rằng người ta sẽ càng ngày càng mua hàng, như thế càng ngày ông càng bán được nhiều hàng hơn, và như vậy thì người ta càng sản xuất nhiều hơn.

Hỏi: Vậy thì cái gì điều khiển sự năng đng này thưa giáo sư?

Đáp: Để nuôi dưỡng sự ám ảnh duy sản xuất này, cần phải lèo lái các năng lực sâu thẳm nhất của con người, nghĩa là các năng lực liên quan tới ước muốn hạnh phúc và nỗi sợ hãi cái chết. Khi người ta không còn hy vọng vào Trời nữa, thì con người đặt niềm hy vọng nơi Thị trường: thị trường phải cống hiến cho con người tất cả những gì có thể ”giải trí”, nghĩa là làm cho nó quên nỗi lo âu, qua các sản phẩm được giới thiệu như là lợi ích. Thị trường là sự bảo đảm cho một cuộc sống bên kia mới, nó không ngừng hứa hẹn cho tương lai các sản phẩm làm cho qúy vị được hạnh phúc. Thế là người ta chế ra đủ thứ: nào là Iphone 4, rồi Iphone 5, Iphone 6 rồi nào là các mùa tưởng tượng mới trên truyền hình; rồi kem thoa mặt chống vết nhăn vv… Khi trả tiền cho món này món nọ, con người muốn quên rằng cuộc sống không có một ý nghĩa nào. Và con người có cung cách hành xử như đi chơi sòng bạc với niềm hy vọng thắng các canh bạc.

Hỏi: Tình hình kinh tế khó khăn đang khiến cho các điều kiện của một đại lục trong 60 năm qua đã từng biết tới sự sung túc và tiến bộ trở nên tồi tệ hơn. Nhiu người dân âu châu, nhất là giới trẻ, nhìn ngày mai như là một bất hạnh có thể xảy ra một cách cụ thể, và sẽ khiến cho tình trạng sống của họ trở thành tồi tệ hơn. Ti sao tương lai li khơi dậy nhiều lo sợ như vy thưa giáo sư?

Đáp: Nếu chúng ta kinh ngạc trước cuộc khủng hoảng, thì điều đó có nghĩa là người ta còn tin nơi ”thuyết tiến bộ”. Riêng tôi, thì tôi cho rằng ngay từ đầu thế giới đã gặp khủng hoảng rồi. Đó là điều giáo lý về tội tổ tông thông truyền cho chúng ta. Thế rồi chúng ta hãy nghĩ tới dụ ngôn lúa mì và cỏ lùng trong Phúc Âm: dụ ngôn dậy chúng ta không nên nhớ nhung qúa khứ, bởi vì chúng ta không thể trở lại đàng sau được nữa, và chúng ta tiến tới tình trạng tốt đẹp hơn hay tồi tệ hơn trong cùng một lúc. Như thế đàng sau mỗi một tình trạng tồi tệ đều có một khả thể tốt lành hơn. Đàng khác, tôi không đồng ý với qúy vị lắm về khẳng định khởi đầu của qúy vị.

Hỏi: Nghĩa là giáo sư không chấp nhận rằng ngưi dân tây âu đã sống trong sung túc hay sao?

Đáp: Những năm mà chúng ta định nghĩa là 60 năm ”tiến bộ và sung túc” đó cũng đã là những thập niên của chủ nghĩa tiêu thụ qúa trớn, sát hại linh hồn con người, khiến cho con người trở thành xấu xa một cách không thể tin được, vì nó biến con người trở thành một con heo được vuốt ve nuôi béo, trong khi người ta lại dấu không cho nó biết tại sao người ta vuốt ve nuôi béo nó: đó là chỉ để xẻ thịt nó mà thôi. Như thế mà gọi là sự tăng trưởng vật chất hay sao? Chắc chắn rồi, nhưng con người không lớn lên trên bình diện nhân bản và tinh thần. Có sự bận rộn hoàn toàn ư? Điều đó đúng, nhưng mà chiến thắng đích thực của sự không bận rộn là ngày nghỉ sabát. Sự thật, đó là cuộc sống chúng ta không có một ý nghĩa, rốt cuộc chúng ta làm việc như những tên nô lệ; và chúng ta tiêu thụ một cách không tin được, chỉ để quên bắn vào đầu mình một viên đạn cho xong đời. Niềm hy vọng trở thành một tên nô lệ dễ dậy của hệ thống không phải là niềm hy vọng: cái chủ trương lạc quan của sự cấu kết thấp hèn tương xứng với nỗi tuyệt vọng xâu xa nhất. Thật ra, từ nửa thế kỷ qua chúng ta sống trong một nỗi tuyệt vọng, mà không dám cho nó một cái tên gọi. Giờ đây, khi thấy lâu đài bằng giấy sụp đổ rồi, chúng ta lại phải than vãn hay sao? Ảo tưởng đã hết rồi. Nhưng đối với chúng ta giờ đây mở ra khả thể xây dựng một cái gì trên đá tảng vững bền đích thực.

(Avvenire 5-2-2012)

Linh Tiến Khải

R.Vatican

Related posts