Phụ nữ muốn làm mẹ đơn thân
Ngày càng có nhiều chị em, vì những lý do nào đó, muốn một mình nuôi con mà không cần có chồng. Tuy nhiên, các chuyên viên hôn nhân gia đình của Giáo hội cho rằng con cái của họ sẽ bị thiệt thòi.
Chị Trần Thị Minh, 42 tuổi, dự tính sẽ đi thụ tinh nhân tạo năm nay để có con tuổi thìn và nương tựa lúc tuổi già.
Chị cho biết chị không muốn nhận con nuôi vì “con do mình sinh ra sẽ yêu thương mình hơn” dù thụ tinh trong ống nghiệm có thể tốn chi phí khoảng 40 triệu đồng trở lên.
“Tôi đã lớn tuổi, tìm một người đàn ông phù hợp với mình là quá khó, và phần lớn những người đàn ông ở tuổi tôi hoặc là đã có gia đình hoặc đã ly dị. Hơn nữa khi chứng kiến nhiều cảnh bạo hành, đổ vỡ của bạn bè khiến tôi mất dần niềm tin vào hạnh phúc lứa đôi” – chị giải thích.
Người Phật tử này nói chị không muốn quan hệ tình dục với một người đàn ông nào đó để có con vì không muốn rắc rối về sau.
“Với mức thu nhập của tôi hiện nay và số tiền tôi đã tích lũy được, tôi có thể đảm bảo cuộc sống cho con mà không cần có chồng” – chị khẳng định.
Sau khi bị người yêu ruồng bỏ cách đây hai năm, chị Trịnh Kim Chi vẫn quyết định giữ lại cái thai ba tháng cho dù gia đình chị bắt ép chị phải bỏ thai.
“Con tôi không có tội, tôi không thể giết con. Tôi cố gắng làm người mẹ tốt để nuôi dạy con dù cho cha mẹ đã từ bỏ tôi khi tôi không chịu phá thai” – người phụ nữ 30 tuổi có bằng thạc sĩ nói.
Một nữ phóng viên quyết định xin con nuôi sau khi chia tay bạn trai vì nhà bạn trai chê là “quá nhỏ bé như thế thì sẽ không sinh được con cái nối dõi tông đường”. Chị cao 1,4 mét và nặng 32kg.
“Tôi đã suy nghĩ kỹ và quyết định sống độc thân. Tôi đang dành dụm tiền để có thể nuôi một đứa con nuôi” – chị nói.
Dù gia đình chị không ủng hộ quyết định này nhưng chị quả quyết: “Tôi có quyền chọn lựa cho cuộc sống của mình và như thế cũng không vi phạm luật Giáo hội”.
Những người đi trước và các chuyên gia nói gì?
Bà Têrêsa Phạm Minh Nguyệt nói con trai bà phải chia tay người yêu khi gia đình bên gái không chấp nhận con rể tương lai không có cha.
Bà Nguyệt, 48 tuổi, ở tỉnh Kiên Giang, kể đứa con trai 29 tuổi là kết quả của mối tình đầu của bà với người yêu. Bà không được gia đình kia chấp nhận do lỡ có thai trước.
Bà khổ sở nhất là thấy con bị bạn bè trêu chọc là con không cha. “Bây giờ con tôi cũng không thể lấy vợ vì gia đình người ta cho rằng mẹ con tôi không tốt – bà buồn bã nói – Tôi ân hận vì lầm lỗi của tôi mà làm ảnh hưởng đến hạnh phúc của con trai.”
Bà Nguyệt khuyên “các cô gái hãy thận trọng trong tình yêu và chỉ nên quyết định có con trong hôn nhân, chứ đừng như tôi không những khổ mình mà còn khổ đến con cái nữa.”
Linh mục Đaminh Trần Công Hiển, chuyên viên tư vấn hôn nhân gia đình ở giáo phận Xuân Lộc, khuyến cáo phụ nữ không lập gia đình mà muốn trở thành mẹ đơn thân sẽ gây thiệt thòi cho con cái về sau. “Chúng sẽ bị ảnh hưởng về tâm lý và tính cách, dễ tự ti và yếu đuối vì không được hấp thụ tình yêu thương, sự cứng rắn của người cha.”
Ngài cho rằng người phụ nữ muốn làm mẹ đơn thân bằng cách thụ tinh trong ống nghiệm cũng không đúng với giáo luật.
Theo Cha Hiển, chỉ những người đã lập gia đình mà không thể sinh con do bệnh lý thì mới được phép dùng biện pháp hỗ trợ sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm.
Cha Hiển nói rằng Giáo hội cần giúp phụ nữ tránh xu hướng trên bằng việc định hướng cho họ ngay từ lớp giáo lý vào đời và giáo lý hôn nhân.
Cha Hiển, 49 tuổi, nói hôn nhân Công giáo cổ võ người nam và người nữ lập gia đình trong yêu thương và sinh con cái. “Con cái được phát triển toàn diện và tốt nhất khi có mẹ và có cha” – ngài nói thêm.
Cha Hiển cũng không khuyến khích phụ nữ xin con nuôi do ngại lập gia đình, không dám đối diện với những khó khăn trong đời sống hôn nhân. “Con cái là kết quả của tình yêu, nếu không đón nhận tình yêu mà lại muốn có kết quả của tình yêu là không phù hợp” – ngài khẳng định.
Ngài khuyến khích “chị em phụ nữ hãy mở lòng đón nhận tình yêu theo gương tình yêu tận hiến của Thiên Chúa. Vì yêu là chấp nhận hy sinh, cho đi và nhận lãnh.”
Theo Ucanews