Thương về Lý Sơn
Đúng 9 ngày trước sự kiện mục vụ quan trọng sắp xảy ra trên vùng đất đảo : LỄ ĐẶT VIÊN ĐÁ XÂY DỰNG NHÀ THỜ GIÁO XỨ LÝ SƠN, NGÀY 20.7.2012, tôi có dịp được một ngày tham quan hòn Cù Lao Ré. Một ngày thì chẳng đủ để khái quát chứ đừng nói để trình bày tường tận về huyện đảo Lý Sơn, một hải đảo cách bờ biển Quảng Ngãi khoảng 28 cây số và từ lâu đã là cứ điểm tiền tiêu của Việt Nam trong chiến lược phòng thủ Biển Đông mà cụ thể đó chính là bảo vệ quần đảo Hoàng Sa.
Muốn đến Lý Sơn, hiện tại chỉ có một phương tiện duy nhất là đường thủy, phát xuất từ bến cảng Sa Kỳ, cách thành phố Quảng Ngãi khoảng 12 cây số. Tàu cập bến Lý Sơn cũng như xuất bến mỗi ngày chỉ có một chuyến. Nếu vận chuyển bằng canô cao tôc thì từ Sa Kỳ đến Lý Sơn mất khoảng từ 45-60 phút. Nếu đi con tàu nhỏ hơn, thời gian có thể lên tới 2 tiếng đồng hồ. Từ xa tít tắp giữa biển xanh, người ta đã thấy nhô lên mấy cụm núi mà đến gần sẽ phân biệt được đó là những Hòn Vung, Hòn Tai, Hòn Thới Lới… Bến cảng thường xuyên nằm trên bờ biển phía Tây huyện đảo trên địa bàn xã An Vĩnh. Vào mùa biển động bến cảng tập trung về phía Đông-Nam trên địa bàn của xã An Hải. Bản đồ hành chánh của huyện đảo Lý Sơn còn một xã thứ ba, xã An Bình, thuộc một đảo nhỏ gọi là Đảo Bé, nằm phía Bắc, cách đảo chính chừng 30 phút canô. Nếu Quảng Ngãi có nhiều danh lam thắng cảnh được nhắc tới như “Thiên Ấn niêm hà”, “Thiên Bút phê vân”, “Thạc Bích tà dương”, “Cô thôn Cổ Lũy”…thì có thể nói được, Lý Sơn phải là “danh thắng đứng đầu”. Tại vì chính nơi đây Thượng Đế đã kết hợp hai yếu tố “Sơn” và “Thủy” với nhau để làm nên một kiệt tác.
Vâng, núi non hùng vĩ và biển cả mênh mông bao bọc chung quanh, cùng với những hang động kỳ vĩ như “Hang Câu”, “Chùa Hang”, những bãi đá san hô nhấp nhô trên làn nước xanh, những hàng dừa rợp bóng dọc theo con đường bao phía Nam, những bãi cát dài còn hoang sơ mộc mạc…tất cả đã tôn tạo cho Lý Sơn một vẽ đẹp kiêu sa mà đơn giản, dung dị nhưng thanh tao. Giữa hai xã đông, tây : An Vĩnh và An Hải, nối với nhau bằng những con đường có đoạn xuyên qua đồi núi, có đoạn luồn lách giữa nhưng khu dân cư đông đúc, đã làm cho dân đảo Lý Sơn luôn cảm thấy gần nhau và coi nhau như anh em một nhà ; cho dù trên địa bàn dân cư, người ta nhận thấy, có lẽ chỉ nơi đây, sắc màu tín ngưỡng-tôn giáo gần như đậm đặc. Thật vậy, chỉ trong khoảng không gian nhỏ bé nầy, người ta thấy mọc lên rất nhiều chùa chiền, miếu mạo, lăng đình, nhà thờ…Các tín đồ Cao Đài, Phật Giáo, Tin Lành, Công Giáo sống chung hòa thuận bên cạnh những người lương quanh năm chỉ biết thờ cúng ông bà, thổ địa, cá ông…Và một điều ấn tượng hơn hết, có lẽ chỉ một nơi duy nhất trên đất Việt Nam, hiện tượng trôm cắp gần như vắng bóng tại đảo nầy. Nơi đây, xe cộ không cần phải cất trong nhà và đêm ngủ nhà không cần đóng cửa. Người ta nói rằng : có nhiều tay bợm nhậu say xỉn, cứ việc dựng xe bên đường với cả chìa khóa, tấp đại đâu đó ngủ cho đả, rồi sáng dậy đến cởi xe về !
Nếu mỗi nơi trên đất nước nầy có được một không gian như thế thì đẹp biết bao, hạnh phúc biết chừng nào ! Nhưng Lý Sơn còn được cả nước, và có thể cả thế giới, biết đến nhờ một thứ đặc sản đã trở thành thương hiệu độc chiếm : Tỏi Lý Sơn. Vâng, củ tỏi Lý Sơn trung bình, trắng đều từ vỏ ngoài đến nhân trong, có mùi thơm và cay nồng nhưng ấm áp, dịu dàng. Có lẽ có được hương vị như thế, vì đất trồng tỏi nơi đây vốn được trời ban cho phẩm chất đặc biệt thích hợp lại được xử lý kỷ càng và đầy tính kỷ thuật chuyên môn. Hàng năm đất được làm mới với lớp đất đỏ ba gian cho rễ bám, lớp phân hữu cơ nuôi tỏi lớn lên và lớp cát biển trắng mịn trên cùng để bảo về tỏi trắng đẹp và giữ hương vị đặc trưng…Thời tiết của cuối Hạ sang Thu là thích hợp để bắt đầu canh tác vụ mùa tỏi. Không chỉ có tỏi là đặc sản mà dưa hấu Lý Sơn, Mè Lý Sơn, Hành Lý Sơn…cũng đều là những sản phẩm tiếng tăm được nhiều người dân Quảng Ngãi và khắp nơi mến chuộng.
Cho dù là một huyện đảo cách xa đất liền, nhưng các công trình xây dựng phục vụ dân sinh nơi đây cũng tương đối tốt. Điện thắp sáng đã đến mọi nhà cho dù không thường xuyên nhưng cũng đủ để sinh hoạt vào ban đêm. Một đập nước giữ nước cho hồ nước thiên nhiên trên ngọn Thới Lới có thể nói được là một công trình đặc biệt. Hy vong nay mai, con đường đê bao vòng quanh đảo sẽ làm tăng lên vẽ mỹ quan cho toàn cảnh của huyện đảo nầy…
Còn một chuyện độc đáo nữa của Lý Sơn tôi muốn dành chia sẻ như một ấn tượng sâu sắc nhất của một ngày gặp gỡ đó là : cộng đoàn giáo dân Lý Sơn rất đạo đức và trưởng thành. Nếu đây chỉ là một cộng đoàn “tân tòng”, vì theo lịch sử của giáo xứ, cộng đoàn nầy mới hình thành từ phong trào tòng giáo của thời chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa, thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm, khoảng năm 58-59. Và rồi trãi qua bao thăng trầm, có giai đoạn kéo dài suốt hơn 15 năm vắng bóng mục tử chăm sóc, nhưng anh chị em giáo dân nơi đây vẫn kiên trung với đức tin tông truyền và gắn kết, hiệp nhất giữ được cội nguồn Công Giáo. Ngày hôm nay, cho dù với một nhà thờ ọp ẹp, đơn sơ, với các cơ sở mục vụ còn thiếu thốn, mỗi ngày vẫn đông anh chị em dâng lễ Tạ Ơn với một quy cách Phụng Vụ mà ít có nơi thực hiện được : tham dự cộng đồng và không ai ra về trước khi tất cả cùng đọc kinh cám ơn sau lễ. Có lẽ chính nhờ lòng đạo sốt sắng nầy mà trong các xứ đạo tại Quảng Ngãi, chỉ có giáo xứ Lý Sơn hiện nay có được một linh mục và 2 chủng sinh đang theo học tại Đại chủng viện Sao Biển Nha Trang. Chắc chắn, để có được một cộng đoàn Dân Chúa đạo đức và trưởng thành như thế nầy, không thể nào không nhắc tới công sức và đức ái mục vụ của các linh mục và tu sĩ dòng Chúa Cứu Thế.
Với tin vui ngày 20 tới đây Đức Cha Chính giáo phận sẽ về chủ trì lễ Đặt Viên Đá xây dựng nhà thờ mới đã làm rạo rực con tim của mọi tín hữu. Tuy nhiên, chắc chắn đây cũng là cuộc dấn thân vào một “nan đề mục vụ” mà mọi thành phần tín hữu Công Giáo Lý Sơn đang ưu tư lo lắng. Vì xây dựng được một nhà thờ tại Lý Sơn thì giá thành phải gấp năm gấp bảy cũng với nhà thờ đó tại trong đất liền. Vì thế, cùng với tâm tình cảm nhận nầy, người viết xin quý anh chị em tín hữu xa gần, nếu đọc được tin vui nầy, xin rộng lòng hỗ trợ cho cộng đoàn Dân Chúa Lý Sơn sớm có được ngôi nhà thờ để sớm hôm thờ phượng Chúa sau bao nhiêu năm mong ước. Xin kính chúc cộng đoàn giáo xứ Lý Sơn mãi mãi giữ vững kho tàng chân “Lý” đức tin vững chắc tựa thiên “Sơn” và tỏa sảng lời chứng sống động ra khắp bến bờ thế giới.
Cảm nhận nhân chuyến đi thăm Lý Sơn ngày 10/7/2012
Lm. Jos Trương Đình Hiền
TÓM TẮT LỊCH SỬ GIÁO XỨ LÝ SƠN
Lý Sơn là một Hòn đảo, nằm về hướng đông bắc của tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền khoảng 28 cây số. Trước đây, Giáo xứ Lý Sơn là một giáo họ thuộc Giáo xứ Châu Ổ ( điểm truyền giáo Giáo Phận giao cho Dòng Chúa Cứu Thế phụ trách), nay được tách ra và trở thành Giáo xứ. Tinh thần và người phụ trách vẫn thuộc cộng đoàn Dòng Chúa Cứu Thế Châu Ổ.
“ Hãy đi loan báo Tin Mừng cho muôn Dân!” ( Mt 28, 19).
I/ GIAI ĐOẠN KHAI MỞ ( 1959- 1965)
Năm 1959 Ông Dương Minh Giáng thành viên của CGTH Giáo hạt Quảng Ngãi đi tuyên phong trên đường truyền giáo tại đảo Lý Sơn.
Năm 1961 ban CGTH Lý Sơn gồm các ông: Võ Xuân Thơ, Phạm Nên, Phạm Nữ, Bùi Đài…
Nhà Nguyện được đặt tạm tại nhà ông Bùi Đài.
Một số anh chị em ở trại cãi huấn Quảng Ngãi, được ông Quản đốc Trần Quang Trung truyền giảng đạo Chúa, khi được trở về quê Lý Sơn, họ tự nguyện tham gia lo việc thờ phượng Chúa, trong số đó có Ông Nguyễn Tứ rất sốt sắng.
Đầu năm 1963 khởi công xây dựng nhà thờ.
Mặt bằng để xây dựng nhà thờ lúc bấy giờ do chính quyền xã và đại diện Khu hành chánh Lý Sơn cấp cho Họ đạo.
Tháng 11/ 1963 tình hình đất nước biến động, việc xây dựng nhà thờ ngừng lại.
Năm 1964 đất nhà thờ bị Chính quyền sử dụng làm trại định cư, Họ đạo đấu tranh ngăn chận thành công.
Năm 1965: Cha Tôma Phạm Hữu Thiện DCCT được sai đến để chăm sóc Họ đạo.
Cha Thiện lo tái thiết Nhà thờ. Tính tại thời điểm này số người tòng giáo là 500 người.
II/ GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN: ( 1966- 1973).
Năm 1966 Cha phêrô Nguyễn Hoàng Diệp DCCT đến quản nhiệm thay Cha Tôma Thiện.
Năm 1966 xây dựng ngôi nhà thánh nhi làm cơ sở cho trường tiểu học Thăng Tiến.
Thành lập trường tư thục tiểu học và trung học Thăng Tiến.
Năm 1967 xây dựng cơ sở ( Nhà Bác Ái ) trường trung học Thăng Tiến.
Công việc rao giảng tin mừng song song với công tác xã hội từ thiện, hoạt động phát triển.
Tháng 6 năm 1967, Đức Cha Đaminh Hoàng Văn Đoàn Giám mục Giáo phận Quy Nhơn đến thăm, ban bí tích Thanh Tẩy và Thêm Sức cho một số anh chị em.
Năm 1970, xây dựng nhà xứ.
Năm 1972, xây Nhà nguyện trường học cho họ Bình Vĩnh nay là An Vĩnh.
III/ GIAI ĐOẠN THỬ THÁCH: ( 1974- 1992)
Năm 1974, Cha Micae Trương Văn Hành DCCT đến quản nhiệm thay Cha Hoàng Diệp.
Ngài tiếp tục lo việc mục vụ và điều khiển hoạt động của trường trung, tiểu học Thăng Tiến.
Đầu năm 1975 ( 31/3/1975 ), Chính quyền mới tiếp quản đảo Lý Sơn. Đời sống đạo gặp nhiều khó khăn. Trường Thăng Tiến ngừng hoạt động.
Các cơ sở như Nhà xứ, trường học bị Chính quyền mượn sử dụng : dạy học, đóng quân, chứa lương thực, chứa hàng thương nghiệp… ngôi nhà nguyện trường học tại thôn đông xã Bình Vĩnh nay là xã An Vĩnh Chính quyền xã cũng mượn dạy học.
Ngày 18 tháng 9 năm 1978, Chính quyền buộc Cha Hành phải rời Lý Sơn vào Châu Ổ.
Một số giáo dân bị đưa đi vùng kinh tế mới, một số khác tìm vào miền Nam làm ăn sinh sống.
Chính quyền quản lý toàn bộ cơ sở của Họ đạo Lý Sơn, nhà thờ thì làm kho chứa lương thực và sau cho tư nhân thuê chiếu phim vedéo.
IV/ GIAI ĐOẠN TÁI HOẠT ĐỘNG VÀ TRƯỞNG THÀNH: ( Từ tháng 6/ 1992)
Tháng 6 năm 1992, một số gia đình giáo dân tụ họp đọc kinh chung tại nhà ông Giacôbê Bùi Giới
Cộng đoàn gửi thỉnh nguyện thư đến các cấp chính quyền xã, huyện, tỉnh và trung ương ( Chính phủ ) xin giao trả nhà thờ để Họ đạo lo việc thờ phượng.
Thời điểm này việc sinh hoạt của cộng đoàn Họ đạo do Cha G.B Nguyễn Thế Thiệp dìu dắt và lo liệu. Vì lúc bấy giờ Cha Hành bị bệnh đang điều trị tại Ý ( Roma).
Ngày 18 tháng 11 năm 1993, Đức Giáo Hoàng Gioan phaolô II ban phép lành Tòa thánh cho cộng đoàn Họ đạo Lý Sơn.
Ngày 16 tháng 12 năm 1993, lúc 8 giờ 30 phút, Chính quyền tại Lý Sơn chính thức giao trả nhà thờ cho Họ đạo.
Cuối năm 1993, Cha Hành lành bệnh và trở về Việt Nam.
Đầu năm 1994: ( nhằm 4/1- G tuất ) đáp ứng nguyện vọng của Giáo dân, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi chấp thuận để Cha Hành đến Đảo Lý Sơn thăm Giáo dân và dâng Thánh lễ nhân ngày đầu năm âm lịch Giáp Tuất.
Giai đoạn này, Cha Hành thỉnh thoảng xin được phép ra Lý Sơn làm mục vụ, phải sau một thời gian mới được tạm trú. Ngài tu sửa nhà thờ, nhà xứ, xây dựng lại đời sống đạo của đoàn chiên sau thời gian dài ly loạn.
Tháng 7 năm 1995, Họ đạo Lý Sơn được Đức Cha phaolô Huỳnh Đông Các, Giám mục Giáo phận Quy Nhơn nâng lên thành Giáo xứ thứ 34 của Giáo phận.
Ngày 22 tháng 8 năm 1996, nhân lễ Đức Maria Nữ Vương, Cha Tổng đại diện Phêrô Nguyễn Soạn thay mặt Đức Giám Mục đến thăm và chủ lễ ban bí tích Thêm Sức cho một số giáo dân.
Cha Micae Trương Văn Hành chú tâm vào việc giáo dục, ngài tổ chức chương trình khuyến học bằng nhiều hình thức như : trợ cấp học bổng, tặng phương tiện học tập… Nhờ vậy, Giáo xứ tuy nghèo nhưng con em trong Giáo xứ có người đỗ đạt cao.
Năm 1988, thầy Anrê Nguyễn Ngọc Dũng, tu sĩ DCCT, ra đảo giúp Cha Hành.
Năm 2005 Cha Phêrô Phạm Đức Thanh, Lm DCCT Sài Gòn, tự nguyện ra đảo thay Cha Micae Trương Văn Hành vì tình trạng sức khoẻ của ngài xuống cấp. Cha Thanh vốn là giáo viên nên ngài cũng chú tâm vào việc giáo dục văn hoá. Hàng năm, đến dịp hè ngài mở lớp dạy học cho các em cấp II và III không phân biệt lương giáo.
Sau 5 năm phục vụ, do tình trạng sức khoẻ, Cha Thanh muốn vào đất liền vì thế cần có người thay ngài.
Ngày 21 tháng 9 năm 2010, Cha Giuse Nguyễn Quốc Việt và thầy Phêrô Đinh Văn Lượng được Nhà Dòng bổ nhiệm ra đảo phục vụ.
Ngày 08 tháng 7 năm 2011, Đức Giám Mục Phêrô Nguyễn Soạn viết văn thư bổ nhiệm Linh mục Giuse Nguyễn Quốc Việt làm Linh mục chánh xứ Giáo xứ Lý Sơn.
Hiện nay, Giáo xứ Lý Sơn đang cố gắng làm lại nhà thờ, vì nhà thờ cũ sau bao biến động: nhân tai và thiên tai, làm cho xuống cấp không còn an toàn khi cộng đoàn dâng Thánh lễ trong mùa mưa bão.
Giáo xư Lý Sơn.
Bổn mạng : THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU
Địa chỉ : Nhà thờ Lý Sơn, xã An Hải,
huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Linh mục Quản xứ : Giuse Nguyễn Quốc Việt
Điện thoại : 0978 342 980
Email : josviet@yahoo.com