“Thi sĩ xã hội”
Đức Thánh Cha gọi các thành viên của các phong trào bình dân là những “thi sĩ xã hội” bởi vì họ có khă năng và can đảm kiến tạo niềm hy vọng”. Ngài nói: “Khi nhìn thấy quý vị tôi được nhắc nhở rằng chúng ta không bị buộc phải lặp lại hoặc xây dựng một tương lai dựa trên sự loại trừ và bất bình đẳng, vất bỏ hoặc thờ ơ; nơi văn hóa đặc quyền là một sức mạnh vô hình và không thể cưỡng lại, và bóc lột và lạm dụng là một phương thức sinh tồn theo thói quen. Không! Quý vị biết làm thế nào để loan báo điều này cách tốt đẹp”.
Đại dịch
Trong sứ điệp Đức Thánh Cha nhắc đến đại dịch và những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất. “Những khu phố nghèo khổ, những người nhập cư, không có giấy tờ tùy thân, những người lao động phi chính thức không có thu nhập cố định, trong nhiều trường hợp đã bị tước đi hầu hết các khoản viện trợ của nhà nước và không thể làm công việc thông thường của họ, làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói vốn đã trầm trọng của họ”.
Ngài cũng lưu ý đến tình trạng căng thẳng của người trẻ bị cách ly, thiếu liên lạc với bạn bè, và cuộc khủng hoảng lương thực khiến hàng triệu người lâm vào tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng, đặc biệt tại các nước Phi châu.
Mô hình kinh tế nhân bản
Sau khi nhận định về những thiệt hại do đại dịch gây nên, với nhiều người bị ảnh hưởng nặng nề, trong đó có người trẻ, và đặc biệt là cuộc khủng hoảng lương thực, nhất là tại các nước Phi châu, Đức Thánh Cha nói rằng để thoát khỏi đại dịch tốt hơn điều cần thiết là “phải điều chỉnh các mô hình kinh tế - xã hội của chúng ta sao cho chúng có khuôn mặt của con người, bởi vì rất nhiều mô hình đã mất đi điều này”. Những khuôn mẫu đã trở thành “cấu trúc của tội lỗi” vẫn tồn tại và chúng ta được kêu gọi thay đổi. Ngài lưu ý rằng hệ thống này, với logic lợi nhuận của nó, đang vượt khỏi sự kiểm soát của con người. Đã đến lúc cần dừng lại nếu không nó sẽ đưa chúng ta xuống vực thẳm.
Những lời kêu gọi “nhân danh Thiên Chúa”
Đức Thánh Cha “nhân danh Thiên Chúa” đưa ra những lời kêu gọi mạnh mẽ.
“Nhân danh Thiên Chúa”, Đức Thánh Cha kêu gọi các phòng thí nghiệm lớn không giữ độc quyền bằng sáng chế, cho phép mọi quốc gia, mọi dân tộc, mọi con người được tiếp cận với vắc xin;
Ngài kêu gọi các tập đoàn tài chính và các tổ chức tín dụng quốc tế cho phép các nước nghèo đảm bảo các nhu cầu cơ bản của người dân và tha những món nợ thường bị ký kết chống lại quyền lợi của những dân tộc đó;
Ngài yêu cầu các công ty khai thác lớn - khai thác, dầu mỏ -, lâm nghiệp, bất động sản, nông sản, ngừng phá hoại rừng, các vùng đất ngập nước và núi, ngừng làm ô nhiễm sông và biển, ngừng đầu độc các dân tộc và thực phẩm;
Ngài yêu cầu các nhà sản xuất và buôn bán vũ khí chấm dứt hoàn toàn hoạt động của họ, điều gây ra bạo lực và chiến tranh, thường là trong bối cảnh các trò chơi địa chính trị với giá của hàng triệu sinh mạng và việc di tản;
Ngài yêu cầu những gã khổng lồ công nghệ ngừng khai thác sự yếu đuối và dễ bị tổn thương của con người, vì lợi ích nên không màng tới các diễn văn thù hận, tin tức giả mạo, thuyết âm mưu, thao túng chính trị;
Ngài yêu cầu những gã khổng lồ viễn thông hãy tự do hóa quyền truy cập vào nội dung giáo dục và trao đổi với giáo viên thông qua internet, để trẻ em nghèo có thể được giáo dục trong bối cảnh cách ly…;
Ngài yêu cầu các quốc gia hùng mạnh ngăn chặn các cuộc xâm lược, phong tỏa và các biện pháp trừng phạt đơn phương chống lại bất kỳ quốc gia nào ở bất kỳ nơi nào trên trái đất…
Kêu gọi các lãnh đạo chính trị và tôn giáo
Đức Thánh Cha yêu cầu các nhà lãnh đạo chính trị tránh “chỉ lắng nghe giới tinh hoa kinh tế”, để trở nên “tôi tớ của những dân tộc đòi có đất đai, nhà ở, việc làm và một cuộc sống tốt đẹp”. Ngài yêu cầu các nhà lãnh đạo tôn giáo không bao giờ sử dụng tên của Chúa để thúc đẩy các cuộc chiến tranh hoặc các cuộc đảo chính. Thay vào đó, chúng ta cần xây dựng những nhịp cầu yêu thương.
Học thuyết xã hội Công giáo
Đức Thánh Cha cũng đề xuất một số nguyên tắc truyền thống trong học thuyết xã hội của Giáo hội, ví dụ như lựa chọn ưu tiên cho người nghèo, phân phát phổ quát hàng hóa, sự liên đới, trợ cấp, tham gia, công ích.
Lương tối thiểu và giảm ngày làm việc
Và Đức Thánh Cha đề xuất một số biện pháp cụ thể như mức thu nhập tối thiểu (hoặc mức lương phổ thông) và giảm ngày làm việc. Làm việc ít hơn để nhiều người có việc làm hơn. Bằng cách này, mỗi người có thể “tiếp cận những thiện ích cơ bản nhất của cuộc sống”.
Tác giả bài viết: Hồng Thủy - Vatican News
Nguồn tin: https://www.vaticannews.va
Ý kiến bạn đọc