Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh COP27, Caritas Quốc tế và Giáo hội Đức nhấn mạnh rằng, để hỗ trợ công lý khí hậu, các quốc gia phải chịu trách nhiệm về sự biến đổi khí hậu và phải hành động ngay lập tức, nghĩa là giải quyết những mất mát và thiệt hại do khí hậu gây ra bằng cách tài trợ cho các quốc gia bị ảnh hưởng.
Là người chịu trách nhiệm về các vấn đề môi trường và khí hậu của Hội đồng Giám mục Đức và là người hướng dẫn nhóm làm việc cho các vấn đề sinh thái, phân tích tại Hội nghị Khí hậu thế giới, Đức cha Rolf Lohmann, Giám mục phụ tá của Munster tuyên bố: “Là một quốc gia có nền kinh tế phát triển, giàu có, công nghiệp, Đức đang bị quốc tế giám sát cách đặc biệt. Chúng ta có thể là những người đi tiên phong và chứng minh rằng một sự chuyển đổi sinh thái xã hội là có thể; chúng ta có các nguồn lực và kiến thức cần thiết. Vì vậy, không còn nghi ngờ gì nữa: điều hoàn toàn đúng và quan trọng là chúng ta tiếp tục chịu trách nhiệm về công trình sáng tạo mà Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo, đã để lại và giao phó cho chúng ta”.
Theo Đức cha Lohmann, chính sách khí hậu quốc tế đang trải qua một thời kỳ khó khăn. Với cuộc chiến tranh xâm lược của Nga chống Ucraina và hậu quả là cuộc khủng hoảng năng lượng, việc bảo vệ khí hậu không chỉ bị đình trệ ở nhiều quốc gia, nhưng còn đi vào xung đột với địa chính trị. Trên toàn cầu, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tiếp tục tăng và kể từ hội nghị khí hậu thế giới lần trước, hiện chỉ có thêm một số quốc gia cam kết giảm lượng khí thải trong tương lai.
Đức cha Lohmann nhắc lại rằng để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng, Đức phải đảm nhận thêm khoản nợ sinh thái nếu quốc gia tái kích hoạt các nhà máy nhiệt điện than và nhập khẩu nhiều khí lỏng. Ngoại giao khí hậu sẽ hoạt động rất khó khăn vì những nhân vật quan trọng đang tham gia chiến tranh và những người khác đang ở trong thời kỳ đóng băng ngoại giao.
Ông Aloysius John, Chủ tịch Caritas Quốc tế tuyên bố tại Hội nghị: “Đây sẽ là một cơ hội để hỗ trợ công lý khí hậu và thu hút sự chú ý của thế giới về các điều kiện của các cộng đồng dễ bị tổn thương và chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ biến đổi khí hậu, ngay cả khi họ không trực tiếp chịu trách nhiệm về nó. Biến đổi khí hậu đã tác động lớn đến cuộc khủng hoảng lương thực và di cư hiện nay và rất nghiêm trọng. Cộng đồng quốc tế và trước hết là các quốc gia chịu trách nhiệm về sự xuống cấp của ngôi nhà chung của chúng ta phải hành động ngay lập tức”.
Chủ tịch Caritas Quốc tế yêu cầu các quốc gia nỗ lực hơn nữa để giải quyết cái gọi là “mất mát và thiệt hại”, nghĩa là những tác động tiêu cực không thể đảo ngược do các hiện tượng thời tiết xấu liên quan đến khí hậu. Để làm được điều này cần phải có nguồn tài chính toàn cầu giúp các quốc gia đối phó với những mất mát và thiệt hại do khí hậu gây ra.
Đại diện tổ chức bác ái của Giáo hội Công giáo cũng nhấn mạnh nhu cầu cung cấp tài chính khí hậu không dưới hình thức cho vay, vì điều này sẽ gây thêm gánh nặng cho tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển, nhưng cũng phải cung cấp dưới hình thức tài trợ.