Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi - Năm C

Thứ sáu - 10/06/2022 09:30 619 0
 
 
          
  CHÚA NHẬT LỄ CHÚA BA NGÔI NĂM C
GA 16,12-15
 
Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy và loan báo cho anh em. Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy và loan báo cho anh em”.
           

 
THẦN KHÍ GIỮA CHÚNG TA
  
Kinh thánh chẳng lần nào thốt lên từ “ba ngôi” trừu tượng. Nó cũng chẳng bao giờ xác định, như tiếng Hy-lạp thuần lý sau này, rằng có “ba ngôi trong một Thiên Chúa duy nhất”. Mầu nhiệm chủ yếu nhất nơi Thiên Chúa đã chẳng hề được mạc khải qua các “công thức” nhưng qua các “sự kiện”. Ngay Cựu Ước đã nói đến Thiên Chúa như “Cha” (x. Đnl 32,6; Tv 67,6; Is 63,16; Gr 2, 4.19). Và “con” của Người là “dân Ít-ra-en” (x. Xh 4,22; Hs 11,1), đích thân nhà vua (x. 2Sm 7,14; Tv 110,3), hay hạng công chính (x. Kn 2,18; 5,15; 18,13). Cuối cùng ta thấy Thần Khí Thiên Chúa chiếm đoạt một số người (x. St 41,38; Tl 6,43; Is 11,2; Ed 39,29; Ge 3,1). Dĩ nhiên, Cựu Ước đã chẳng minh nhiên mạc khải mầu nhiệm Ba Ngôi nơi Thiên Chúa. Tuy nhiên các tác giả Tân Ước đã lấy lại ngôn ngữ Kinh thánh này hầu diễn tả tất cả tính mới mẻ của “sự kiện Giê-su”: Người hằng ở trước mặt Cha cũng như đã loan báo việc ban Thần Khí. Suy tư Ki-tô giáo sẽ còn mò mẫm dài lâu trong việc giải thích các sự kiện này, trước khi xác định một biểu thức đầu tiên của đức tin trong các ý niệm của triết học Hy-lạp, từ Công đồng Ni-xê (Nicée) năm 325 đến Công đồng Can-xê-đoan (Chalcédoine) năm 451.
           
 1. Thần Khí tăng cường đức tin
           
 Mở đầu trang Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su bảo các môn đệ: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi”. Đây là một kinh nghiệm nhân bản mà chúng ta thường có. Ngay với người thân, chúng ta cũng chẳng “chuyển thông”, chia sẻ được cho họ tất cả những gì đang mang trong mình. Vì như triết học hiện sinh nói, tâm hồn mỗi người là một “huyền nhiệm”. Hôm áp ngày tử nạn, Đức Giê-su cũng đã chẳng có thể nói lên tất cả. Nhưng đây không chỉ là chuyện gặp khó khăn khi diễn tả chính mình song còn là chính mầu nhiệm đức tin, mà người ta chỉ có thể đi vào đó cách tuần tự. Thậm chí các bạn hữu thân tín nhất, kề cận Đức Giê-su lâu ngày, cũng chẳng ý thức được những gì xảy đến và Người là “ai”. Họ có quá nhiều ý tưởng làm sẵn về Thiên Chúa và về Đấng Mê-si-a hẹn hứa của Người. Họ cần phải bỏ mình, thay đổi ý kiến, lớn lên trong đức tin. Chỉ duy thập giá và sự sống lại của Người rồi đây mới có thể phá hủy các xác tín của họ và buộc họ phải tiến tới, như một thứ sốc điện dữ dội.             
          
  Vâng, đức tin là một “tiến trình”. Đấy là một đời sống phải phát triển. Luôn có những điều mới phải khám phá nơi Thiên Chúa, như trong bước phát triển của một quan hệ tình cảm với người yêu, với bạn đời, bằng hữu, đồng nghiệp… Cuộc phiêu lưu đau đớn của các Tông đồ, vốn hầu như chưa hiểu gì về Đức Giê-su hôm trước ngày Người ra đi, cảnh giác ta rằng không nên biến đức tin ta thành một đức tin tĩnh, thủ đắc một lần là đủ… “Tôi có đức tin…” “Tôi không được mất đức tin…”.
            
Như các Tông đồ, tôi chỉ mới bắt đầu một cuộc khám phá, một cuộc mạo hiểm. Đối với con cũng vậy lạy Chúa, có vô số điều con “còn chưa thể mang nổi”, tuy nhiên Thần Khí Chúa vẫn muốn mạc khải cho con sau này, nếu con biết lắng nghe. Xin giữ thần trí con luôn tỉnh thức trước Thần Khí Người! Xin Thần Khí Người tăng cường đức tin cho con. Chớ bao giờ để con coi mình như đã biết hết, lấy làm tự mãn kiêu căng về những mảnh vụn đức tin thảm hại mình có được.

 2. Thần Khí dẫn tới Sự thật
            
“Khi nào Thánh Thần chân lý đến, Người sẽ dẫn anh em tới chân lý toàn diện”. Từ “dẫn tới” thật là đẹp đẽ, khiến ta tưởng tượng một hướng dẫn viên leo núi. Đây là người biết rõ các lối đi và đường mòn… người yêu mến và thưởng thức ngọn núi mình muốn giúp kẻ khác mến yêu… người đi đầu và giúp tiến bước. Nhưng bạn biết đấy, hướng dẫn viên chẳng bước thế cho bạn. Nếu vì mệt mỏi, bạn từ chối leo cao hơn… thì hướng dẫn viên không thể cưỡng bức bạn. Ông ta có đó chỉ để “hướng dẫn”. Lạy Thần Khí Thiên Chúa, ánh sáng dịu dàng, xin hướng dẫn con kẻo con khước từ leo núi… Và chớ chi con tìm thấy trên đường mình đi nhiều hướng dẫn viên anh em được Ngài sinh động. Vì quả thực đức tin, việc khám phá mầu nhiệm Thiên Chúa, đúng là một “cuộc leo núi”, đạt đến một chóp đỉnh mà chẳng ai có thể tới một mình, song phải được dắt dẫn bởi một vị thầy, một hướng đạo viên biết các bí mật.
            
Các Công đồng, trong nhiều thế kỷ, sẽ tìm cách hiểu những từ này của Gio-an… và rốt cục khẳng định rằng Thần Khí thật là một “ai đó”, một nhân vật, biết mầu nhiệm thân sâu của Thiên Chúa tự bên trong, để có khả năng “dẫn” loài người đi vào. Trong ảnh thánh Ba Ngôi của Andrey Rublev (xin xem lại bài chú giải Chúa nhật 6 Phục sinh năm C), Thánh Thần là nhân vật thứ ba, có bộ mặt hoàn toàn giống hai nhân vật kia, Cha và Con, nhưng đang khi âu yếm nghiêng đầu phía hai vị, hoàn tất chuyển động “vòng tròn hoàn hảo” thì trong thực tế lại nhìn về trái đất, về con người đang cầu nguyện trước ảnh thánh, để “mở” và “truyền” cho đương sự chính chuyển động của Thiên Chúa: Tình Yêu!
           
Thánh Thần chân lý! Chân lý toàn vẹn! Nhưng coi chừng! Khi liên can đến Thiên Chúa, chân lý không chỉ là một thái độ trí thức…y như tri thức về một con người mà ta muốn yêu mến. Vấn đề trước hết không phải là quan sát, đo lường, học hiểu, đặt dưới kính hiển vi… nghiên cứu cách khoa học, như người ta nghiên cứu một “sự vật”. Đây thuộc một trật tự khác. Biết “một ai” là đi vào quan hệ với con người nầy. Bảo mình “tin mà không hành đạo” là một tự thú nghiêm trọng, nếu cách làm ý thức và thật sự có suy nghĩ. Một tình yêu chẳng thực hành là thứ tình yêu gì? Một tương giao chẳng đem sống là kiểu tương giao gì? Nhất là đối với Thiên Chúa! Lạy Thánh Thần chân lý, xin dẫn chúng con tới chân lý “toàn vẹn”! Vì chúng con hiểu rằng trên đời này, chỉ có một Chân lý bao trùm mọi chân lý: Thiên Chúa là Tình Yêu!
           
 “Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến”. Ta nghĩ ngay tới tiếng vọng. Có một liên tục hoàn toàn giữa Chúa Cha, Đức Giê-su và Thánh Thần. Cũng một tiếng nói được dội lại nhiều lần, cách khác nhau. Thánh Thần chẳng nói gì khác ngoài chuyện Đức Giê-su. Người sẽ giúp các môn đệ thấu hiểu sự thật được bày tỏ đầy đủ nơi Ngôi Lời nhập thể. Mà Đức Giê-su lại là sự thật duy nhất và chung quyết về Thiên Chúa. Có thể tóm thành công thức: “Chúa Cha là nguồn mạch sự thật; Chúa Con bày tỏ sự thật và Chúa Thánh Thần giúp hiểu sự thật”. Tất cả những gì người ta từng nói trước đó và có thể nói sau đó về Thiên Chúa… mà chẳng tương ứng với những gì Đức Giê-su cho thấy về Người, thì đều giả tạo! Đấy là một Thiên Chúa dỏm! Và phải cùng với Thánh Thần điều chỉnh lại nhiều ý tưởng sai lạc về Thiên Chúa.

3. Thần khí đưa về Thiên Chúa

            
“Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy và loan báo cho anh em”. “Tôn vinh Thầy” nhờ cho môn đệ ngày càng thấy sâu xa hơn sự nghiệp và thân thế của Thầy. Chúng ta đã biết Đức Giê-su là Con hoàn hảo, trọn vẹn hướng về Cha. Người “chẳng tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm; vì điều gì Chúa Cha làm, thì Người cũng làm như vậy. Quả thật, Chúa Cha yêu Chúa Con và cho Con thấy mọi điều mình làm” (Ga 5,19-20). Mầu nhiệm thâm sâu của Ba Ngôi nằm ở chỗ mỗi ngôi đều hoàn toàn trong suốt đối với hai ngôi kia. Ở đây Đức Giê-su mạc khải cho ta biết Thần Khí đi vào trong tác động “nên trong suốt đối với nhau” này. Các quan hệ tình yêu giữa Ba Ngôi Thiên Chúa chẳng có chút thu mình nào, chẳng có chút giấu giếm nào: mỗi một trong ba đều chẳng giữ gì cho mình cả. Hết thảy đều được chia sẻ, chuyển thông, trao ban… và hết thảy đều được đón lấy, tiếp nhận! Các từ của chúng ta đều què quặt, không thể nói lên tính chất kỳ lạ của mối tương quan nối kết Cha, Con với Thánh Thần. Mọi tương quan nhân loại của chúng ta đều bắt nguồn từ đó! Chóp đỉnh không thể vượt qua của Thiên Chúa, đó là mạc khải về Ba Ngôi.
           
 Nhưng Ba Ngôi trước hết chẳng phải là một thứ ẩn ngữ, một phương trình toán siêu đẳng đối với hạng trí thức ưu tú… song là một thực tại hết sức đơn giản “giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết, nhưng được mạc khải cho những người bé mọn” (Mt 11,25). Vì nói về Thiên Chúa cũng là nói về con người, “được dựng nên giống hình ảnh của Người”. “Đứa bé sơ sinh chẳng biết mình có một gia đình. Nhưng ngay từ những tuần đầu tiên, nó mơ hồ cảm thấy mình được một tình yêu vây bủa… Nó cảm thấy quanh nó có một lòng âu yếm đáp ứng mọi đói khát và kêu la của nó. Nó trước hết cảm thấy lòng âu yếm đó như “một” cái gì chưa rõ, nhưng toàn năng và tốt lành. Chỉ cần nó khóc là “cái ấy” tới… Với thời gian, nó rốt cục cảm nhận được rằng sự hiện diện này đa dạng, song vẫn không ngừng là “một”: giọng thanh và giọng trầm, mặt mượt mà và mặt đầy râu, tay mềm mại và tay cứng cát… Sống quanh nó có nhiều người song cũng chỉ cho nó một tình yêu…” (Rey-Mermet). Chính bằng cách này mà những kẻ đơn sơ khám phá mầu nhiệm Gia đình Thiên Chúa. “Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy và loan báo cho anh em”. Một lời đáng kinh ngạc, gây bối rối. Một bác thợ mộc tầm thường ở Na-da-rét, một kẻ nghèo hèn bằng xương bằng thịt, hôm áp ngày bị chính quyền lẫn giáo quyền trong nước kết án tử, lại dám khẳng định “tất cả những gì thuộc về Thiên Chúa đều thuộc về mình”. Mà đây không phải là lần duy nhất trong Tin Mừng Đức Giê-su gợi cho thấy sự hợp nhất kỳ lạ giữa Người với Thiên Chúa. Đức Giê-su, đó là Thiên Chúa hữu hình (ta có thể nói thế, vì thực ra thần tính, ngay cả trong Đức Giê-su, vẫn vô cùng vượt quá sự hiểu biết của chúng ta). Và Thần Khí, đó là Đức Giê-su được lấy lại và được lặp lại không ngừng giữa trái tim chúng ta. Có thể tạm công thức hóa như sau: “Chúa Cha là Thiên Chúa giấu mình trong vũ trụ tạo vật; Chúa Con là Thiên Chúa tỏ mình trong thân xác phàm nhân; Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa tung mình trong tâm hồn con người”, hay nói cách khác: “Chúa Cha là TC ở trên chúng ta, Chúa Con là TC ở bên chúng ta và Thánh Thần là TC ở trong chúng ta”. Thần Khí đưa về Đức Giê-su. Và Đức Giê-su đưa về Chúa Cha vô hình. Tôi chiêm ngưỡng sự hiệp nhất và khác biệt này… sự hiệp thông giữa những ngôi vị “tuy nhiều nhưng nên một”: nguyên mẫu của con người, chương trình của mọi công cuộc, mọi gia đình, mọi xã hội. Một “chóp đỉnh” đích thật phần nào khó vươn tới. Chúng ta có để mình được “dẫn đến” đó không?


 

Tác giả bài viết: Lm Phêrô Phan Văn Lợi, TGP Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây