Kinh Lạy Cha của Linh mục trong Năm Đức Tin – Lời nguyện thứ II
TRONG NĂM ĐỨC TIN
Lời nguyện thứ II
“Nước Cha trị đến”
“Theo giáo huấn của Chúa Giêsu (x. Mt 6,10.33; Lc 11,2.13), trọng tâm lời kinh cầu xin của Kitô giáo là sự khao khát và tìm kiếm Nước Chúa đang đến. Vì thế cần phải có một trật tự trong lời cầu xin: trước tiên là Nước Chúa, rồi đến những gì cần thiết cho chúng ta để đón nhận và cộng tác cho Nước Chúa trị đến. Việc cộng tác như vậy vào sứ vụ của Đức Kitô và của Chúa Thánh Thần, nay là sứ vụ của Hội Thánh, là đối tượng cầu xin của cộng đoàn thời các tông đồ (x. Cv 6,6; 13,3)”.[1]
Năm Đức Tin sẽ kết thúc vào lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ, 24 tháng 11 năm 2013, như một lời mời gọi mọi thành phần dân Chúa cầu nguyện và tích cực góp phần làm cho Nước Chúa trị đến bằng đời sống đức tin và đức ái.
1. TIN VÀO MẦU NHIỆM NƯỚC TRỜI
Chúa Giêsu đến trần gian là để thực thi thánh ý ngàn đời của Chúa Cha là hủy diệt sự chết và tái lập vương quốc của sự sống, vương quốc mà Thiên Chúa đã thiết lập cho con người, để trong đó họ được gặp gỡ thân mật với Đấng Tạo Hóa. Vương quốc ấy được trình bày qua hình ảnh vườn địa đàng trong sách Sáng Thế 1,15. Có thể coi vườn địa đàng là vương quốc của Thiên Chúa, bởi chính nơi đây Thiên Chúa ngự trị.
Vương quốc của Thiên Chúa hay Nước Trời không phải là một không gian quyền lực như vương quốc trần gian, nhưng đó là một con người, là chính Đức Kitô. Xin cho Nước Cha trị đến tức là chúng ta cầu xin cho mình trở nên giống như Đức Kitô (Gl 2,20), được sống theo tinh thần của Người.
“Nước Thiên Chúa đang ở giữa các ông” (Lc 17,21), câu này vừa ám chỉ sự hiện diện của Chúa Giêsu là hiện thân của Nước Chúa giữa trần gian, vừa cho thấy Nước Chúa ngự trị cách cơ bản trong nội tâm con người. Chính Origenes khai mở cách chú giải này. Cầu nguyện cho Nước Chúa trị đến tức là cầu nguyện cho Nước Chúa vốn đã hiện diện trong chúng ta được mang lại hoa trái và đạt tới viên mãn.
Trong suốt ba năm rao giảng, Chúa Giêsu không ngừng nói về Nước Trời và kêu gọi mọi người hoán cải và tin để có thể bước vào Nước Trời. Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá chưa là thời điểm dứt khoát để Nước Trời hiển trị, nhưng mới chỉ là khởi điểm của sự qui tụ mọi người vào Nước Trời.
Nước Trời là một huyền nhiệm, một lời mời gọi, một ân huệ tuyệt hảo của Thiên Chúa, vì thế con người chỉ có thể đáp lại và đón nhận bằng đức tin (x. Gl 5,21; Ep 5,5). Đó là tin vào vương quyền của Thiên Chúa, là chấp nhận sự thống trị của Người trên cuộc đời của mỗi người, với một niềm vui sướng như tác giả thánh vinh 33 đã reo lên: “Hạnh phúc thay quốc gia được Chúa làm Chúa Tể, hạnh phúc thay dân nào Người chọn làm gia nghiệp” (Tv 33,12).
Cách riêng chúng ta là những linh mục của Chúa, những người được sai đi rao giảng Nước Trời, chúng ta càng phải đặt tất cả niềm tin vào Nước Trời mà chúng ta rao giảng và luôn sống trong niềm hân hoan và biết ơn đối với Đức Kitô, vì “Người đã yêu mến chúng ta và lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng ta, làm cho chúng ta trở thành vương quốc và hàng tư tế để phụng sự Thiên Chúa là Cha của Người” (Kh 1,5-6).
Tin vào mầu nhiệm Nước Trời cũng là tin vào sức mạnh nội tại, sức sống, sức phát triển và những lợi ích cao cả của Nước Trời đối với con người. Hình ảnh hạt cải và tấm men trong dụ ngôn Tin Mừng đã nói lên điều đó (x. Lc 13,18-21).
2. TÌM KIẾM VÀ XÂY DỰNG NƯỚC CHÚA
Với lời cầu xin thứ hai này chúng ta công nhận quyền tối thượng của Thiên Chúa, như lời Chúa Giêsu đã nói: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33). Lời này tạo nên một trật tự ưu tiên cho hành động con người, cho thái độ hằng ngày của chúng ta.
Trong kinh Lạy Cha, vấn đề chủ yếu là việc Nước Thiên Chúa đến cách chung cuộc lúc Đức Kitô trở lại (x. Tt 2,13), trong cảnh trời mới đất mới. “Tuy nhiên, sự trông đợi một thế giới mới không được làm suy giảm, trái lại phải kích thích nỗ lực phát triển trái đất này, nơi mà thân thể gia đình nhân loại mới đang tăng trưởng và tiên báo một số hình ảnh nào đó của kỷ nguyên mới. Bởi vậy, tuy phải phân biệt rõ rệt những tiến bộ trần thế với việc mở rộng vương quyền Chúa Kitô, vẫn phải nhìn nhận rằng chính những tiến bộ này cũng có giá trị đối với Nước Thiên Chúa trong mức độ chúng có thể góp phần vào việc tổ chức xã hội loài người cho tốt đẹp hơn”.[2]
Để Nước Thiên Chúa được triển nở, Chúa đã chọn một nhóm 12 như là nòng cốt cho việc khai sinh Nước này. Ngày nay sứ mệnh xây dựng Nước Trời trên trần gian của Giáo Hội được ủy thác cách đặc biệt cho các linh mục. Linh mục được Chúa chọn để làm cho Thiên Chúa hiện diện giữa loài người và làm cho Nước Chúa hiển trị theo thánh ý Chúa Cha. Vì thế, việc rao giảng Nước Trời là nhiệm vụ chính yếu của linh mục.
Tuy nhiên Nước Trời là một thực tại huyền nhiệm, người ta sẽ không cảm nghiệm được nó nếu linh mục không là dấu chỉ của nó. Nói cách khác, người ta phải nhìn thấy sự hiện diện của Nước Trời nơi người linh mục như là “vương quốc chân lý và sự sống, vương quốc thánh thiện và ân phúc, vương quốc công bình, yêu thương và hòa bình”.[3] Vì thế có thể nói lời cầu xin này liên quan đến sứ vụ ngôn sứ của linh mục.
Ngoài ra, người linh mục chỉ có thể xây dựng Nước Trời theo cách thức và đường lối của Chúa, chứ không bằng cách thức của loài người. Đó là cách thức của người tôi trung, của người phục vụ trong khiêm hạ. Bằng cách này Thiên Chúa đã giải thoát con người khỏi vương quyền của Satan.
Lời cầu xin thứ hai này của kinh Lạy Cha giúp chúng ta chỉnh đốn đời sống và hành động của mình theo trật tự của Thiên Chúa. Khi thế giới ở trong trật tự của Thiên Chúa thì Nước Trời hiện diện. Ngoài ra chúng ta cần ý thức rằng con người chúng ta không có khả năng xây dựng Nước Trời, mà chúng ta chỉ có thể cộng tác với Chúa trong công trình đặc biệt này.
3. LINH MỤC VÀ SỨ VỤ TRUYỀN GIÁO
Giáo Hội đã nhận lãnh sứ mệnh rao truyền và thiết lập Nước Trời trong mọi dân tộc; Giáo Hội là mầm mống và khai nguyên của Nước ấy trên trần gian.[4]
Xã hội hiện đại với các đặc tính duy thế tục, duy vật chất, lãnh đam tôn giáo, tự do phóng túng, hưởng thụ, cá nhân chủ nghĩa, chủ trương tương đối hóa về luân lý và tôn giáo, đang tạo ra những khó khăn rất lớn cho việc rao giảng Nước Trời. Đứng trước thực trạng đó, từ những thập niên cuối cùng của thế kỷ XX, Giáo Hội đã phát động một công cuộc Tân Phúc Âm Hóa trên toàn thế giới.
Để mở đầu Năm Đức Tin, Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới đã được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI triệu tập vào tháng 10 năm 2012 với đề tài “Tân Phúc Âm Hóa để thông truyền đức tin Kitô giáo”. Đó là một dịp thích hợp để dẫn đưa toàn thể Giáo Hội tiến vào một thời điểm để đặc biệt suy tư và tái khám phá đức tin..[5] Trong tông huấn Pastores dabo vobis, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã khẳng định “sự cần thiết tuyệt đối phải làm cho công cuộc Phúc Âm hóa có được những ‘nhà Phúc Âm hóa mới’, đầu tiên là các linh mục”.[6]
Một nét mới mẻ trong giáo lý của công đồng Vaticanô II về chức vụ và đời sống linh mục là nhấn mạnh việc loan báo Tin Mừng như nhiệm vụ hàng đầu của linh mục. Loan báo Tin Mừng chứ không phải là cử hành thánh lễ và các bí tích. Đó là một khẳng định quan trọng, về mặt lý thuyết thì không mới lạ lắm, nhưng về mặt thực tế và mục vụ có những hậu quả rất lớn. Giáo Hội đã tìm lại được tính năng động và di động của thời Công vụ Tông đồ.
Có lẽ đa số các linh mục chúng ta trong thực tế vẫn coi việc rao giảng Tin Mừng là rao giảng cho cộng đoàn các tín hữu thôi, còn việc rao giảng cho người ngoài Kitô giáo là nhiệm vụ của một số người có ơn gọi đặc biệt. Nay thì công đồng dạy rất rõ ràng là tất cả mọi linh mục, do chức vụ của mình, đều “mắc nợ với mọi người về việc thông truyền chân lý Tin Mừng mà mình nhận được nơi Chúa”.[7]
Trong tự sắc Porta fidei, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã viết: “ ‘Tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng ta’ (2Cr 5,14): chính tình yêu Chúa Kitô làm đầy tâm hồn chúng ta và thúc đẩy chúng ta loan báo Tin Mừng”.[8] Bao giờ linh mục cũng phải ấp ủ trong lòng thao thức rao giảng Tin Mừng về Nước Thiên Chúa. Họ phải nói như thánh Phaolô: “Khốn cho tôi nếu tôi không loan báo Tin Mừng” (1Cr 9,16). Rao giảng như thế nào, bằng cách nào, đó là vấn đề khác.
Ngay cả đối với các tín hữu, họ cũng cần được nghe rao giảng chứ không phải chỉ lãnh bí tích là đủ. Vả lại công đồng còn dạy rằng chính thừa tác vụ Lời Chúa cũng không thể thiếu đối với thừa tác vụ bí tích. Sở dĩ thế “vì đây là những bí tích đức tin, mà đức tin lại được phát sinh và nuôi dưỡng bằng lời giảng dạy…, đặc biệt trong phần phụng vụ Lời Chúa của thánh lễ”.[9]
Giáo Hội phải rao giảng Tin Mừng như Chúa Giêsu, nghĩa là không phải chỉ bằng lời nói mà còn bằng hành động, không phải chỉ xướng lên sứ điệp cứu độ mà còn thực hiện nó và sống chết vì nó. Phải rao giảng từ kinh nghiệm sống, từ xác tín sâu xa của mình.
Đời sống của chúng ta phải là dấu hiệu làm cho lời rao giảng trở nên đáng tin đối với người nghe. Lời Chúa không hiển nhiên, vì đó là lời nhập thể vào ngôn ngữ loài người.
Đó là một hạn chế mà Thiên Chúa đã chấp nhận khi đến với loài người. Vì thế con người phải có lòng tin mới chấp nhận được. Người rao giảng phải giúp cho lòng tin đó được dễ dàng hơn nhờ đời sống thánh thiện của mình. Giáo huấn của Giáo Hội phong phú và đẹp đẽ biết bao, nhưng vẫn chỉ là chữ chết nếu không có những vị thánh mang lại cho giáo huấn ấy một sự khả tín.
Chỉ linh mục thánh thiện mới có thể trở thành một chứng nhân trong suốt của Đức Kitô, của Tin Mừng trong một thế giới ngày càng thế tục hóa. Người ta, nhất là người trẻ đang chờ những kẻ dẫn đường. Linh mục chỉ có thể làm người dẫn đường và thầy dạy trong mức độ ngài trở thành chứng nhân chân chính.
Chứng tá đời sống còn cần hơn bao giờ hết đối với con người thời nay. Ngày nay người ta không thích lý thuyết nhưng đòi thực tế và hiệu năng, do đó họ dễ nghe theo chứng nhân hơn thầy dạy. Đừng để cho cuộc sống, hành động và tác phong chúng ta mâu thuẫn với điều chúng ta giảng dạy. Người ta càng kính trọng các linh mục thì họ càng dễ thất vọng khi chúng ta sống quá tầm thường.
Vì thế, trong tự sắc Porta fidei, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã khẳng định: “Điều mà thế giới ngày nay đặc biệt cần đến, đó là chứng tá đáng tin cậy của những người được Lời Chúa soi sáng trong tâm trí, có khả năng mở tâm trí của bao nhiêu người mong ước Thiên Chúa và sự sống chân thực, sự sống không tàn lụi”.[10] Thiết tưởng lời khẳng định này đặc biệt nhắm đến các linh mục.
1. Ngày nay người ta đề cao những giá trị của khoa học và kỹ thuật, xem đó như tiêu chuẩn của tiến bộ. Làm cách nào để giúp anh chị em giáo dân xác tín vào những giá trị của Nước Trời mà Giáo Hội đang rao giảng?
2. Chúa dạy tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước hết, nhưng cuộc sống hiện nay khiến người ta có nhiều lựa chọn ưu tiên khác. Làm thế nào để giữ được nấc thang giá trị theo Tin Mừng Nước Trời trong các lựa chọn hằng ngày?
3. Việt Nam là một nước có nhiều tôn giáo lớn đã ăn sâu vào văn hóa và cuộc sống của người dân. Đó là một thách đố lớn đối với công cuộc truyền giáo. Trong hoàn cảnh đó, đâu là những khó khăn mà các linh mục gặp phải khi thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng?
4. Tân Phúc Âm Hóa là rao giảng Tin Mừng với nhiệt tình mới, bằng những phương pháp mới và với những cách diễn tả mới. Đâu là những phương pháp và cách diễn tả mới để rao giảng Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay?