ĐI TU – SƯỚNG HAY KHỔ?
Cách đây vài hôm, tôi ghé tiệm tạp hóa mua mấy thứ cần. Chị chủ tiệm đon đả chào mời, bắt chuyện và thổ lộ tâm tư: Em khổ quá Sơ ơi, biết zầy... đi tu như các Sơ cho sướng!
Rồi huyên thuyên kể về những nỗi khổ của mình… Nào là chồng chị vô tư chẳng biết lo lắng gì, rồi đến cơm áo gạo tiền... Thoáng qua tới tháng trả tiền thuê nhà, tiền học cho con... những ngày đông khách mình muốn anh ấy giúp bán nhưng không dám nhờ, anh bận café với bạn, gọi về giúp thế nào cũng bị ăn mấy câu chửi thề. Nhìn cuộc sống của các Sơ thanh thản, bình an...!
Tôi cười, nói đùa với chị: Hối tiếc phải không? Muộn rồi!!!
Chị cười. Tôi tranh thủ động viên: Chị biết không? Trời cho người phụ nữ có trái tim yêu thương, vừa đảm đang vừa trung hậu, luôn sáng tạo để xây dựng gia đình mình trở thành tổ ấm, nơi sum vầy, chia sẻ yêu thương. Có phải chị đang là người sắp xếp tổ chức cuộc sống gia đình trong việc lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch thu, chi... đó là cái nhất rồi.
Chị tiến lại gần nói thêm: Khi anh đi chơi, khách đông em gọi về, anh chửi thề nhưng vẫn vui vẻ đi giao hàng. Thật ra anh hiền lành, tử tế, mỗi tội ham chơi...,
Ngập ngừng nhìn vào mắt tôi, chị vui vẻ nói: Nhưng đi tu như các Sơ vẫn thấy sướng hơn đó!
***
Chia tay người tiểu thương, tôi miên man suy nghĩ về câu hỏi không phải của riêng chị này và của nhiều người, ngay cả người đang sống đời thánh hiến: “Đi tu, sướng hay khổ?”
“Đi tu, sướng hay khổ?” Nghe đơn giản, “sướng - khổ” theo suy nghĩ của nhiều người. Họ nghĩ “tu” theo lý giải của Truyện Kiều “Tu là cõi phúc tình là dây oan”. Câu hỏi đụng đến bản chất của đời sống tâm linh, ý nghĩa của sự từ bỏ và quan niệm của mỗi người nhìn nhận hạnh phúc. Khách quan, nhìn người tu ta thấy họ không phải lo cơm áo gạo tiền, tình cảm, sự nghiệp…
Tuy nhiên, chữ “Tu” mang nhiều ý nghĩa, tuỳ mỗi tôn giáo. “Tu” nói chung nghĩa là “sửa”: đi tu là để sửa mình. Chắc hẳn, Phật giáo, Ấn giáo, Hồi giáo, Kitô giáo… hiểu và sống chữ “tu” rất khác nhau.
Riêng đối với Nữ tu hay nữ tu sĩ theo Wikipedia Tiếng Việt là những người phụ nữ tự nguyện rời bỏ cuộc sống vật chất, xa lánh khỏi trần thế, sự đời để sống một cuộc sống khép kín, chuyên tâm cho việc tu hành, cầu nguyện, chiêm nghiệm cuộc đời thế thái nhân gian ở tu viện, tự viện, thiền viện hoặc các địa điểm tôn giáo khác.
Đối với đạo Công giáo, theo Giáo luật, điều 607§1: Ðời sống tu trì, xét vì là sự hiến dâng hoàn toàn bản thân, biểu lộ trong Giáo Hội cuộc kết hôn huyền diệu mà Thiên Chúa đã thiết lập như dấu chỉ của đời sau. Như vậy tu sĩ hoàn tất sự trao hiến toàn vẹn tựa như hy lễ dâng cho Thiên Chúa, nhờ đó tất cả cuộc đời của họ trở nên việc liên lỉ thờ phượng Thiên Chúa trong đức ái.
Đối với riêng tôi, đi tu theo Linh đạo Dòng Mến Thánh Giá, tôi được mời gọi: Hướng trọn lòng trí và cuộc sống vào Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh là đối tượng duy nhất. Thông dự vào tinh thần trung gian của Đức Giêsu Kitô và tiếp nối sứ mạng của Người bằng việc chuyển cầu và dấn thân phục vụ ưu tiên giới nữ, giới trẻ trong lĩnh vực văn hoá, xã hội, y tế, luân lý và đức tin.
Vậy, đi tu là sướng hay khổ?
1. Nhìn từ bên ngoài – “Đi tu chắc sướng lắm!”
Trong con mắt người đời, đi tu là không còn bon chen, không áp lực kiếm sống, không bị vướng vào vòng xoáy tiền tài – danh vọng – tình cảm, người tu có vẻ như thoát được những khổ đau mà người sống giữa đời vướng phải. Đặc biệt trong thời đại công nghệ, khi xã hội đầy biến động, áp lực công việc, nỗi lo cơm áo gạo tiền, nhiều người nhìn đời tu như một “nơi trú ẩn” an toàn.
Có người nghĩ rằng người đi tu chỉ có đọc kinh, cầu nguyện, Thánh lễ, mục vụ không phải lo nghĩ gì, bận tâm điều gì... mọi sự có Nhà dòng lo: cơm ăn, áo mặc, thuốc men, phương tiện đi lại... sống cuộc đời yên bình, như thế chẳng phải sướng sao?
Tuy nhiên, đây chỉ là cái nhìn bên ngoài, giống như nhìn một ngọn núi từ xa: rất đẹp, bình yên, nhưng không nghĩ rằng đường lên núi phải bắt đầu từ dưới chân, rồi leo dốc, có chông gai, cát bụi, sỏi đá...
2. Nhìn từ bên trong – Người trong cuộc nói: “Đi tu không phải để sướng”
Đi tu không phải để trốn đời nhưng là để sống cho một lý tưởng.
Để sống lý tưởng đời tu, ứng sinh cần phải biết phân định. Phân định thiêng liêng cần đến lý trí, sự thận trọng, nhưng thế thôi chưa đủ, còn cần được gắn kết với ý nghĩa cuộc đời. Nghĩa là tìm kiếm kế hoạch mầu nhiệm và độc đáo mà Thiên Chúa dành cho mình. Phân định để cảm nhận sống ơn gọi thánh hiến là quà tặng của niềm vui và hy vọng.
Nhiều bạn trẻ nghĩ: “Tu là không yêu ai, chắc nhẹ lòng lắm!”. Nhưng thử nghĩ xem, buông được tình cảm đâu phải chuyện dễ. Không phải cứ khoác áo dòng, ở trong Tu viện, Chủng viện là xong. Nỗi khổ của người tu không phải là không được yêu ai, phải dè sẻn trong chi tiêu, không được xài những thứ tiện nghi hiện đại, sử dụng vật chất trong khuôn phép, có kiểu áo đó, màu đó mặc hoài... mà là những trận chiến bên trong nội tâm của mình. Mỗi ngày đi qua với một “cuộc chiến không ai thấy”, chỉ bản thân người tu mới biết rõ mình đang phải đấu tranh với cái gì?
Chiến đấu với cái tôi của mình!
Bỏ cái tôi với những thói quen xưa cũ. Bỏ những thứ cồng kềnh là: quyền lực, tiền bạc, danh vọng, ý riêng, tự kiêu, bảo thủ… Bao lâu ta còn luyến tiếc những thứ đó, thì bấy lâu ta đặt ý ta trên ý Thiên Chúa, và ta không thể nhận ra kế hoạch của Thiên Chúa để thi hành. Bởi thế, Đấng đáng kính Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã khẳng định: “Bỏ tất cả mà chưa bỏ mình thì con chưa bỏ gì cả, vì chính mình con sẽ dần dần quơ góp lại những gì con bỏ trước” (ĐHV, số 3).
3. Sướng hay khổ không nằm ở nơi chốn “tu viện” hay “ngoài đời” nhưng là chính bản thân mỗi người.
Chị có thể đang sống ngoài đời, có gia đình, con cái, làm việc vất vả để mưu sinh, gặp đủ thứ áp lực mà vẫn bình ban, dù chị không thấy mình hạnh phúc như người khác, nhưng người khác thấy chị hạnh phúc. Vì sao? Vì chị biết sống nhẹ nhàng, chăm chỉ, yêu gia đình, quên mình, biết làm việc để xây dựng hạnh phúc và vun đắp tương lai cho gia đình.
Ngược lại, có ai đó sống trong Tu viện mà tâm không yên, lòng còn tiếc nuối sự đời, bon chen, nhỏ nhen, ti tiện, hơn thiệt so bì được mất, thì dù họ ở trong nơi yên tịnh đến mấy, họ vẫn khổ.
Suy cho cùng, sướng hay khổ không phụ thuộc vào cá nhân chị, có đi tu hay không đi tu, mà là chị có biết mình và sống hết mình với chọn lựa của mình hay không mà thôi.
Chị đã từng leo núi chưa? Lúc đang leo, mệt bở hơi tai, đổ mồ hôi, khát nước… rất khổ. Nhưng khi lên đến đỉnh, nhìn xuống cảnh đẹp, chúng ta sẽ thấy: kết quả của cái khổ lúc nãy làm nên niềm vui này.
“Tu” cũng vậy. Nó không “sướng” theo kiểu sống thoải mái, không lo cái ăn cái mặc, có nhiều tiền hay ít tiền, muốn ăn xài, du lịch... mà “sướng” vì cảm thấy đời mình có ý nghĩa. Cảm thấy mình đang đi đúng đường, đang sống và thực hiện kế hoạch mà Thiên Chúa đã dành riêng cho mình.
Thế nên, có thể nói: “đi tu khổ.” Nhưng nếu hỏi: “Có hạnh phúc không?” – tôi trả lời: “Rất hạnh phúc.”
Trong những ngày này, Giáo hội mời gọi cầu nguyện và cổ võ cho ơn gọi sống đời thánh hiến,
Tôi muốn có câu hỏi dành cho bạn trẻ, bạn có muốn đi tu không?
Và... câu hỏi không phải “Đi tu sướng hay khổ?”
Thiết nghĩ không nên hiểu “sướng – khổ” theo nghĩa trắng – đen, mà là cơ hội để ta nhìn lại chính mình: ta đang sống thế nào, đang tìm kiếm điều gì, ta có hạnh phúc với chọn lựa của mình hay không?
Đi tu không sướng như người đời tưởng, cũng không khổ như người đời nghĩ. Đó là một hành trình. Một hành trình nghiêm túc, cam go, nhưng rất đẹp. Nó không dành cho tất cả, nhưng ai dám bỏ mình để dấn thân, sẽ thấy đây là một cuộc lữ hành đầy niềm vui và hy vọng.
4. Khổ hay sướng – không nằm ở con đường, ở cách nhìn, ở cảm nhận... nhưng là hạnh phúc đã được minh chứng. “Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Ðây chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy”. Chúa Giêsu trả lời rằng:“Thầy bảo thật các con, chẳng ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, đồng ruộng vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ lại không được gấp trăm ở đời này về nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái và ruộng nương, cùng với sự bắt bớ, và ở đời sau được sự sống vĩnh cửu. Nhưng có nhiều kẻ trước nhất sẽ nên rốt hết, và những kẻ rốt hết sẽ nên trước nhất”. (Mc 10, 28-31)