Giải đáp 

Phụ nữ làm Chưởng nghi được không?

Ghi chú : Chưởng Nghi :Masters of Ceremonies (MC) Trưởng ban nghi lễ.

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma. 

Hỏi: Hình như có một xu hướng trong một số Giáo phận Mỹ là bổ nhiệm nữ giáo dân làm Chưởng nghi. Việc này có đúng với Phụng vụ không? Sách Lễ Nghi Giám Mục, trong phần có tiêu đề “Nhiệm vụ của các thừa tác viên trong phụng vụ của Giám mục” nói trong các khoản 34, 35 và 36 như chỉ liên quan đến nam giới, vì nói rằng “ông (chưởng nghi) chịu trách nhiệm hoặc nên làm điều này điều nọ”. Ngược lại, trong phần tiếp theo, về người phụ trách phòng thánh, nói là “ông hoặc bà nên làm điều này điều nọ “ – rõ ràng cho phép sử dụng cả hai phái tính. Xin cha vui lòng nhận xét về việc sử dụng hợp pháp nữ giáo dân trong vai trò Chưởng nghi. – G. F., New Orleans, Louisiana, Mỹ

Đáp: Tôi sẽ thảo luận vấn đề này từ quan điểm giải thích luật phụng vụ mà tôi tin là đang được sử dụng. Tuy nhiên tôi phải công nhận rằng luật này là chưa hoàn toàn rõ ràng.

Như bạn đọc của chúng tôi nêu ra, Sách Lễ Nghi Giám Mục đề cập đến một người nam khi nhắc đến chức Chưởng nghi, và rõ ràng làm một sự phân biệt khi nhắc đến người phụ trách phòng thánh. Câu hỏi đặt ra là: Điều này phản ánh một ý định của luật không, hay chỉ đơn giản dự đoán thực tế vào thời điểm xuất bản sách mà thôi?

Ý kiến cá nhân của tôi là sách Lễ Nghi Giám Mục không có một ý định đặc biệt để loại trừ nữ giới, nhưng chỉ đơn giản phản ánh luật hiện hành khi được xuất bàn năm 1984. Luật này ngăn ngừa các công việc tại bàn thờ được thực hiện bởi nữ giới.

Tương tự như vậy, Sách Lễ Nghi dường như giả định rằng công việc này nên được thực hiện bởi thư ký của Giám mục hay một giáo sĩ khác được chỉ định, để đi cùng với Giám mục trong các chuyến thăm giáo xứ trong giáo phận. Thật vậy, theo sách lễ nghi trước kia, vị chưởng nghi của Giám mục phải là một linh mục ít nhất 25 năm tuổi. Luật nói rằng tất cả những người tham gia vào buổi lễ phải chú ý và vâng lời Chưởng nghi mà không thảo luận. Trong buổi lễ, Chưởng nghi là người chỉ huy, chứ không phải là người phục vụ.

Các phụ tá Chưởng nghi có thể là phụ phó tế hoặc trẻ tuổi hơn. Khi vắng Chưởng nghi có chức thánh, một thừa tác viên khác có thể thay thế. Tuy nhiên, luật nói rằng trong trường hợp này, Chưởng nghi không có quyền ra lệnh cho các thừa tác viên có chức thánh.

Sách Lễ Nghi Giám mục hiện nay không nhắc đến việc vâng lời Chưởng nghi, hoặc không đòi hỏi cách đặc biệt rằng Chưởng nghi phải là một linh mục. Thật vậy, khoản 35 nói rằng trong buổi lễ “Chưởng nghi thực hiện sự thận trọng lớn nhất: ông không nói nhiều hơn là cần thiết, cũng không thay thế các phó tế hay phụ tá bên cạnh chủ tế. Chưởng nghi nên thực hiện trách nhiệm với sự kính cẩn, nhẫn nại, và chú ý cẩn thận”.

Việc sử dụng từ ngữ “ông hay bà” khi nhắc đến người phụ trách phòng thánh cũng phản ánh thực tế, vì phụ nữ thường phục vụ như là người phụ trách phòng thánh trong các nhà thờ và tu viện.

Vì vậy, tôi sẽ nói rằng việc sử dụng các đại từ phân biệt trong Sách Lễ Nghi chỉ đơn giản phản ánh thực tế rằng khả năng của một nữ Chưởng nghi là không bao giờ được tưởng tượng. Bởi vì điều này là chưa đủ để trả lời câu hỏi liên quan đến tính hợp pháp hiện nay của nữ Chưởng nghi, chúng ta phải tìm thêm nơi khác để trả lời.

Năm 1994, Hội đồng Tòa thánh về giải thích Văn bản pháp luật công bố một sự giải thích cho khoản luật số 230.2 của Bộ Giáo Luật. Số này nói: “Các giáo dân có thể được chỉ định tạm thời đảm nhận việc đọc sách trong các việc phụng vụ. Cũng thế, tất cả các giáo dân có thể thi hành những công tác của người chú giải, ca trưởng hoặc những công tác khác theo quy tắc luật định” (Bản dịch Việt ngữ của Bộ Giáo Luật do các Linh Mục sau đây thực hiện: Nguyễn Văn Phương, Phan Tấn Thành, Vũ Văn Thiện, Mai Ðức Vinh).

Hội đồng Tòa thánh này được hỏi liệu các chức năng phụng vụ, mà theo khoản luật trên có thể giao cho các giáo dân, có thể được thực hiện bởi người nam và người nữ bình đẳng không, và liệu việc phục vụ tại bàn thờ có thể được kể vào các công tác ngang tầm với các công tác khác theo quy tắc luật định không.

Hội đồng Tòa thánh trả lời “có”, theo các hướng dẫn được Tòa Thánh đưa ra.

Sự giải thích này đặc biệt nói đến vấn đề các em gái giúp lễ, nhưng các tiêu chuẩn được sử dụng có thể bao gồm một cách hợp lý trường hợp của nữ Chưởng nghi vào “các công tác khác” theo quy tắc luật định.

Vì vậy, tôi có thể nói rằng, do thiếu hướng dẫn cụ thể của Tòa Thánh về hướng ngược lại, một nữ Chưởng nghi có thể được sử dụng xét theo quan điểm luật phụng vụ.

Chúng ta nên nhớ rằng khoản luật 230.2 có tính cách cho phép, chứ không có tính cách luật lệ. Không có quyền về phía tín hữu để mong ước công tác này.

Nói tóm lại, việc cho phép trong vấn đề trên của một số Giám mục thì không thể được xem là ràng buộc đối với các Giám mục khác. Trong thực tế, đó là thẩm quyền của mỗi Giám mục để có sự phán đoán thận trọng về điều phải làm, với một tầm nhìn cho sự phát triển có trật tự của đời sống phụng vụ trong giáo phận của ngài. (Zenit.org 29-1-2013)

Nguyễn Trọng Đa

Vietcatholic News

Related posts