Văn hóa & Đức tin 

Từ cấm kỵ

TỪ CẤMKỴ

Trong video sau đây: Sarkozy: casse-toi pauv’ con! – YouTube trên website của tờ Le Parisien, Tổng Thống Pháp, Sarkozy, ”buông câu” xúc phạm ông nọ (ở Hội Chợ Nông Nghiệp) đã nói với mình như sau: ”A, không! Đừng sờ tôi! Cậu làm tôi dơ!” (Ah, non! Touche-moi pas! Tu me salis!) Ông Sarkozy trả lời: ”Casse-toi, pauv’ con!” (Cút đi, thứ ngu dốt!) Chữ ”pauv’ con” là cách phát âm của ”pauvre con”.

Sau đó, không ít người Pháp cho rằng ”văn hóa chết” của Sarkozy sẽ ”góp phần” vào việc ông ta ”tái thất cử” vì ông không biết ”uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”! (Il ne savait pas tourner la langue sept fois avant de parler!)

Vào Lễ Giáng Sinh năm 2008, tại thành phố Elblag, ở Ba Lan, cảnh sát cấm dân cư ”chửi thề” và phạt (155 đôla Mỹ) người nào vi phạm luật ấy. Nhờ vậy, thành phố Elblag ”thu được” hàng ngàn euro và không khí trong ngày Lễ Giáng Sinh đỡ bị “ô nhiễm” bởi những từ chướng tai.

Ở Việt Nam, trong những gia đình còn ”lễ giáo”, Ông-Bà, Cha-Mẹ thường dạy cháu, con mình như sau: ”Chim khôn hót tiếng rảnh rang. Người khôn ăn nói dịu dàng dễ nghe. Lời nói không mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Học ăn, học nói, học gói, học mở. Ăn có nhai, nói có nghĩ. Người giàu tặng của, người khôn tặng lời. Rượu lạt uống lắm cũng say. Người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm.”

Người Lào thì có danh ngôn: ”Người chẳng có trí tuệ, không thể nói năng dịu dàng.” Ông James E.Young phát biểu: ”Mình được Trời ban cho tiếng nói để mà gọt giũa tư tưởng.” Các Cụ ngày xưa dạy: ”Ngậm máu phun người, dơ miệng mình trước.” (Hàm huyết phún nhân, tiên ô tự khẩu.)

Nhưng tôi chẳng hiểu tại sao, khi chửi bậy, nhiều người Việt mình không nhắm ngay đối tượng, mà lại ”lôi” Mẹ người ấy ra? Người Anh cũng chửi, dùng từ bắt đầu bằng mẫu tự F, không có chữ ”Mother” (Mẹ) trong đó. Xin kể câu chuyện như sau:

Ở quán ăn nọ, trong lúc ”bực mình” vì cô bán hàng, ông người Anh kia hét lớn chữ vừa nêu, quay sang nhìn tôi và hỏi: ”Anh có thấy không? F… nó!” Tôi hỏi: ”Ông là người Anh?” Ông ta khoái chí, bắt tay tôi. Tôi nói tiếp: ”Do you mind if I ask you another question?” Ông ta đồng ý. Tôi hỏi: ”Ông có biết nguồn gốc của chữ F…không?” Ông ta ú ớ và hỏi lại tôi như tôi đã hỏi ông ta. Để ông ta thấy có người cảm thông mình, mà bớt nóng giận, tôi giải thích nguồn gốc của chữ ấy. Sau đó, tôi mới cắt nghĩa các mẫu tự kết thành chữ ấy.

Nhân đây, trước ”hiện tượng chửi tục” quá phổ biến ở Việt Nam như nhiều Trang Mạng đã phê phán, nhắm giúp các bạn trẻ bỏ hẳn lối chửi tục ”vô luân”, tôi xin trình bày ngắn gọn về nguyên nhân có chữ ”vừa nêu” của người Anh:

1. Ngày ấy, dân số nước Anh giảm sút trầm trọng. Nhà vua lo lắng, mới cho các nữ tù nhân ”làm gái” được phép quan hệ với nam tù nhân để có con mà cứu vãn nạn thiếu dân.

2. Ở trong Hoàng Tộc, ai muốn có con cũng phải được phép của nhà Vua.

Như vậy, ”việc làm vừa nêu” phải được nhà Vua ”kiểm tra, cho phép” thì mới có giá trị. Dù sao, tôi vẫn ngại viết ra chữ ấy nên chỉ ghi lại nguyên văn hàng chữ và tô đậm các mẫu tự đầu của mỗi từ như sau: ”Fornication under the control of the King.” Xin cứ ghép các mẫu tự tô đậm, quý Vị sẽ thấy chữ mà ông người Anh kia đã dùng để chỉ sự bực bội của mình. Hàng chữ vừa nêu có nghĩa: ”Giao hợp dưới (chịu) sự kiểm tra của đức Vua.” Nhưng, dần dà theo thời gian, chữ ấy đã trở thành: động từ; (thành) ngữ động từ (đằng sau có ”around, off, over, up, with); danh từ (có ”all”); tính từ (có ”ed” trước ”up” hay kết hợp với ”ing”…); tán thán từ!

Tóm lại, như đã trình bày, không ít người Anh nói chữ ấy để biểu lộ sự bất mãn, bực bội, chê bai công việc, hiện tượng nào đó, chứ không có ý chửi tục, chẳng hạn cuốn ”Longman Dictionary of Contemporary English, New Edition” ghi thế này: ”…you then! I’ll go on my own.” (Mày cà chớn mà! Tao vẫn làm theo cách của tao!”) Ngoài ra, trong tự điển vừa nêu, sau chữ chữ ”ấy”, người ta có ghi ”taboo spoken”, tạm dịch: kỵ nói!!!

Nhưng điều đáng buồn là Tự Điển Anh-Việt (Bản Dịch của Viện Ngôn Ngữ Học Việt Nam) lại thêm chữ ”mẹ” trong cách dịch một số câu tương tự của tiếng Anh!!! Đó là sơ suất mà tôi kính mong Viện Ngôn Ngữ Học Việt Nam hôm nay nên ”hiệu đính” để tỏ lòng kính trọng chữ MẸ thiêng liêng của mọi người nói chung, nhất là của người Việt chúng ta!

Dù chữ ấy bằng tiếng Anh có nghĩa không tồi tệ như cách chửi trong tiếng Việt, tôi vẫn xin các bạn trẻ đừng dùng nó bởi vì nó sẽ gây ngộ nhận và ấn tượng xấu nơi người nghe, vì không phải tất cả người ngoại quốc hay dân bản xứ nói tiếng Anh đều biết rõ nguyên nhân như đã trình bày.

Bên Kitô Giáo, trong Tin Mừng, Thánh Mathêô cũng dùng từ rất dễ nghe: ”Nhưng chàng không biết đến nàng.” Còn trong Tin Mừng theo Thánh Luca, Trinh Nữ nói nới Thiên Sứ như sau: ”Vì tôi không biết đến đàn ông nào cả.” (For I know no man. – Car je ne connais point d‘homme. – quoniam virum non cognosco. – ἐπεὶ ἄνδρα οὐ γινώσκω.) Tiếc rằng một số bản dịch không đúng nguyên văn!!! Trong bài khác, tôi sẽ nói về chữ ”lịch sự” của tiếng Việt, Anh, Pháp, Đức…

Phan văn Phước
Đức Quốc, 31.01.2013

Related posts