Kinh Lạy Cha của Linh mục trong Năm Đức Tin – Lời nguyện thứ V
TRONG NĂM ĐỨC TIN
Lời nguyện thứ V
“Và tha nợ chúng con,
như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”
“Xin tha nợ chúng con”. Lời cầu xin này trước hết là một lời tuyên xưng niềm tin vào lòng thương xót và sự tha thứ của Thiên Chúa. Tội lỗi không chỉ là sự lỗi phạm của một thụ tạo đối với Đấng Tạo Hóa, mà còn là sự xúc phạm đến tình yêu của một người Cha. Thiên Chúa tự mặc khải chính mình như Thiên Chúa nhân hậu và từ bị. Các ngôn sứ trình bày một Thiên Chúa nhân từ, tha hết mọi nợ nần, xóa sạch mọi tội lỗi, thanh tẩy toàn vẹn con người. Sự tha thứ và lòng nhân hậu của Thiên Chúa lớn hơn tất cả những tội lỗi của con người. Đức Giêsu đã đặt Thiên Chúa làm khuôn mẫu của lòng thương xót (x. Lc 6,35) cho những ai nhận Người làm Cha và phải bắt chước Người để trở thành con cái đích thực của Người (x. Mt 5,44-45.48).
“Lời cầu xin của chúng ta bắt đầu bằng ‘việc xưng thú’, qua đó chúng ta vừa thú nhận sự khốn cùng của chúng ta và đồng thời vừa tuyên xưng lòng thương xót của Người. Niềm hy vọng của chúng ta thật vững chắc, bởi vì trong Con của Người, ‘chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi’ (Cl 1,14; x. Ep 1,7). Chúng ta gặp được dấu chỉ hữu hiệu và chắc chắn về ơn tha thứ của Người trong các bí tích của Hội Thánh Người (x. Mt 26,28; Ga 20,23)”.[1]
Qua lời cầu nguyện này, tội nhân không đến với Thiên Chúa trong sự sợ sệt. Động từ “xin tha” được đặt ở đầu lời cầu xin, bởi vì ơn tha thứ là cái gì đi trước và mang tính nhưng không, tình phụ tử của Thiên Chúa đi trước tội lỗi và không bị tội lỗi xóa bỏ. Con người tiếp cận một ơn tha thứ đã có đó, như đứa con hoang đàng phó mình cho người cha đang chờ đón nó.
“Như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Nhiều nhà chú giải cho rằng sự tha thứ của Thiên Chúa được gắn liền với sự tha thứ của con người. Điều đó không có nghĩa là Thiên Chúa tha thứ theo mức độ tha thứ của chúng ta, bởi vì sự tha thứ của Chúa thì vô cùng lớn lao. Điều ấy chỉ muốn nói rằng tội lỗi khiến con người đóng kín trên chính mình và do đó chỉ có thể được tha thứ khi con người tự mở ra với đức ái. Con người không thể đón nhận tình yêu của Thiên Chúa mà đồng thời khép kín tình yêu đối với tha nhân bằng sự không tha thứ. Con người phải cộng tác vào sự tha thứ của mình.
Nếu ơn tha thứ của Thiên Chúa là nhưng không, thái độ đầu tiên phải có là cầu xin sự tha thứ như một ơn thuần túy của Thiên Chúa, chứ chúng ta hoàn toàn không xứng đáng, và chúng ta cũng không thể mua được cho dầu chúng ta có tha thứ cho anh em. Nhiều lúc chúng ta cầu xin Thiên Chúa tha thứ mà vẫn chưa có khả năng để tha thứ cho nhau. Điều quan trọng là sự mở rộng cho tình yêu của Thiên Chúa bằng ước muốn tha thứ cho nhau. Và dấu hiệu duy nhất của ước muốn ấy là cầu nguyện cho kẻ thù.
Chúa Giêsu không những dạy chúng ta cầu xin Chúa Cha tha thứ tội lỗi chúng ta, nhưng chính Người còn đứng ra bàu chữa cho chúng ta trước mặt Cha Người. Trên thánh giá Đức Giêsu cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Chúa Giêsu nói với Phêrô: “Thầy đã cầu nguyện cho anh, để anh khỏi mất đức tin” (Lc 22,32). Nói như thế cũng có nghĩa là: “Thầy đã cầu nguyện cho anh để tội lỗi của anh được tha”. Thực ra chúng ta không xa lời cầu nguyện của Chúa Giêsu cho thánh Phêrô. Quả thế, xin cho khỏi mất đức tin hay xin cho tội lỗi được tha, cũng như nhau, bởi vì tội lỗi luôn phát sinh từ sự yếu kém hay mất đức tin.
2. LINH MỤC VÀ SỰ SÁM HỐI
Cầu xin ơn tha thứ là động thái đầu tiên của lời kinh cầu xin, như lời người thu thuế: “Xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18,13). Đó là bước đi đầu tiên để có thể cầu nguyện cách đúng đắn và tinh tuyền. Lòng khiêm tốn đầy tin tưởng phó thác đặt chúng ta vào trong ánh sáng của sự hiệp thông với Chúa Cha và Con của Người là Chúa Giêsu Kitô, và hiệp thông với nhau (x. Cv 6,6; 13,3): khi đó “bất cứ điều gì chúng ta xin, chúng ta được Người ban cho” (1Ga 3,22). Chúng ta phải cầu xin ơn tha thứ trước khi cử hành thánh lễ, cũng như trước khi cầu nguyện riêng.[2]
Lòng thương xót của Thiên Chúa không có giới hạn, nhưng ai cố tình từ chối đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa qua việc sám hối, thì người đó cũng khước từ ơn tha thứ tội lỗi cho mình và ơn cứu độ do Chúa Thánh Thần ban tặng. Nghe lời Chúa khuyên dạy mà nhớ mình là kẻ tội lỗi, điều đó cần thiết biết bao, hợp lẽ khôn ngoan và ích lợi dường nào!
Trong tự sắc Porta fidei, số 6, ĐTC Bênêđictô XVI đã nói: “Năm Đức Tin là năm mời gọi sám hối và canh tân cách chân thực và mới mẻ, để trở về với Chúa là Đấng Cứu Độ duy nhất”. Sau đó, trong số 13, ngài viết: “Một điều quan trọng trong Năm Đức Tin là duyệt lại lịch sử đức tin của chúng ta, trong đó có một mầu nhiệm khôn lường giữa sự thánh thiện và tội lỗi… Lịch sử tội lỗi phải thúc giục mỗi người hoán cải chân thành và trường kỳ để cảm nghiệm lòng từ bi của Chúa Cha, Đấng đến gặp tất cả mọi người”.
Các linh mục thường giảng dạy và kêu gọi các tín hữu sám hối, nhưng nhiều lúc các ngài không biết tự mình sám hối. Thay vì nhìn vào lỗi lầm của mình để sám hối, nhiều khi các linh mục lại tự phụ vì đã không phạm những lỗi khác. Thay vì sánh mình với những người tốt hơn, các ngài lại tự sánh mình với những người tầm thường.
Chúa muốn đừng ai trong chúng ta tự mãn như chẳng có tội lỗi gì, rồi tự cao tự đại mà hư hỏng thêm, nên đã dạy chúng ta biết là ngày nào chúng ta cũng phạm tội và truyền cho chúng ta ngày nào cũng phải xin ơn tha thứ. Thánh Gioan cũng khuyên dạy chúng ta trong thư của Người: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta. Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta” (1Ga 1,8-9). Lời cầu xin tha thứ buộc chúng ta phải canh tân hằng ngày. Lời cầu xin nhắc chúng ta nhớ đến Đấng phải trả giá cho việc tha thứ bằng cách bước vào đau khổ và cái chết. Lời cầu xin này kêu gọi chúng ta phải biết ơn và cùng với Người chiến đấu và gánh chịu điều xấu bằng tình yêu.
3. LINH MỤC VÀ SỰ THA THỨ CHO NHAU
Lời cầu xin này hết sức quan trọng, đến nỗi đây là lời cầu xin duy nhất mà Chúa phải nhắc lại và triển khai thêm trong Bài giảng trên núi: “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mt 6,14-15). Và thánh Phaolô cũng đã nhắn nhủ các tín hữu: “Phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô” (Ep 4,32)
Tha thứ có cái giá của nó, nhưng trước tiên cho chính người tha thứ: người đó phải lướt thắng điều xấu đã đến với mình, điều làm cho mình ray rứt và bây giờ sẽ cố gắng cùng với người phạm lỗi đi vào một tiến trình chuyển đổi và thanh tẩy nội tâm và cả hai phải cùng đau khổ vì điều xấu và lướt thắng nó. Ngay ở điểm này chúng ta gặp được mầu nhiệm thập giá của Đức Kitô: Chúa phải trả giá bằng cái chết để đem lại cho chúng ta ơn tha thứ, Người mang lấy thương tích để chúng ta được chữa lành (x. Is 53,4-6).
“Thầy không bảo là tha đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18,22). Câu trả lời của Đức Kitô thật thú vị! Ta hãy làm một con tính: lấy 1440 phút của một ngày chia cho 490 lần là kết quả của 70 lần 7, thì trong một ngày cứ 3 phút cần phải tha thứ một lần. Như thế tha thứ cho nhau là thái độ thường xuyên và cần thiết cho cuộc sống thường ngày. Tha thứ không “quen” số lượng và không biết đến “chấm hết”. Tha thứ là thái độ sống hằng ngày và không ngừng nghỉ.
Ngạn ngữ Đức có câu: “Nếu Chúa không khoan dung, thiên đàng sẽ trống rỗng”. Là những linh mục, mặc dù cùng chung một lý tưởng, một nền giáo dục, một chương trình đào tạo rất kỹ lưỡng và rất lâu dài, lâu hơn nhiều ngành nghề ở ngoài xã hội, nhưng chúng ta cũng vẫn là những con người xác thịt, không hoàn hảo, vẫn có những lời gây thương tích, có khi vô tình, có khi cố ý, những ác cảm tự nhiên, những tình huống trong đó các tính tự ái va chạm nhau. Nếu Đức Kitô đã thường xuyên đòi hỏi chúng ta phải tha thứ những xúc phạm, hẳn nhiên đó là vì Người nhìn thấy nơi sự tha thứ lý chứng vững chắc nhất của tình huynh đệ chân thật
Tha thứ là bài học quan trọng mà Chúa Giêsu thường dạy cho nhóm môn đệ của Người. Có thể nói đó là một nét đặc trưng của giáo huấn Tin Mừng, phát xuất từ gương mẫu của Thiên Chúa Cha và của Chúa Giêsu, cũng như từ bản chất của Hội Thánh là một cộng đoàn yêu thương huynh đệ. Nếu sự tha thứ là một bổn phận của các Kitô hữu đối với nhau, thì nó càng là bổn phận giữa hàng linh mục là những anh em với nhau trong chức thánh.
Tha thứ là tìm kiếm một cái nhìn mới về các mối tương quan giữa anh em với nhau. Sự tha thứ bao gồm một ý muốn sáng tạo, hay đúng hơn là tái tạo. Sáng tạo là tạo ra một cái gì mới từ cái không có. Cái không có mà từ đó phát xuất sự tha thứ chính là cái thiếu thốn hay cái trống rỗng mà lầm lỗi đã đem vào trong mối tương quan giữa ta với anh em. Tha thứ không phải chỉ là được giải thoát khỏi gánh nặng đau đớn của mình, nhưng cũng chính là giải thoát người khác khỏi gánh nặng của phán đoán nghiêm khắc mà ta có về họ, là khôi phục trong mắt ta phẩm giá của họ. Thế nhưng tha thứ quả là một hành động liều lĩnh, vì kẻ xúc phạm có thể khước từ sự tha thứ của ta, và như thế ta bị xúc phạm thêm một lần nữa. Sự tha thứ đích thực đòi hỏi một sự chiến thắng trên nỗi lo sợ bị xúc phạm thêm một lần nữa.
Ngoài ra, ta cũng phải loại bỏ mọi thứ kiêu căng tinh tế khi tha thứ. Chúa Giêsu đã tha thứ không phải với thái độ trịch thượng, nhưng Người tỏ ra giản dị, khiêm tốn và cảm thông. Cùng với sự tha thứ tội lỗi, Chúa Giêsu cũng chấp nhận những khuyết điểm của con người. Người chấp nhận Phêrô mặc dù tính ông bốc đồng và hấp tấp. Người yêu Tôma dù ông cứng lòng tin. Để có thể tha thứ cho anh em thì trước hết chúng ta phải có kinh nghiệm được tha thứ. Chúng ta phải biết nhận ra rằng mình cũng có những khuyết điểm, bất toàn, tội lỗi, và cần được tha thứ. Đồng thời chúng ta cũng dễ dàng đón nhận cách khiêm tốn sự tha thứ và giúp đỡ của kẻ khác. Đừng bao giờ giành độc quyền tha thứ, nhưng hãy biết để kẻ khác tha thứ cho mình.
2. Các linh mục có thể làm gương cho giáo dân về sự sám hối như thế nào? Việc xưng tội của linh mục nên được tổ chức cách nào cho thích hợp nhất?
3. Trong khi thi hành nhiệm vụ mục tử, các linh mục có thể gặp những hiểu lầm, những xúc phạm từ phía giáo dân, cũng như chính linh mục làm cho giáo dân bị xúc phạm. Đâu là cách tốt nhất để thực hiện sự tha thứ và để được tha thứ?
4. Giữa anh em linh mục với nhau cũng có lúc không vừa ý, nhất là giữa cha xứ và cha phó. Phải làm hòa với nhau như thế nào để thể hiện tình huynh đệ linh mục và để tránh gây gương xấu cho giáo dân?