Giải viết văn đường trường (Bản tin 10)
BẢN TIN 10
Chúng tôi xin gửi đến quý Ban Biên Tập và độc giả bốn phương bản tin số 10 của Giải Viết Văn Đường Trường, với những bài dự thi cuối cùng.
Hiện chúng tôi đang đúc kết phần sơ khảo để tiến đến chung khảo.
Ban sơ khảo gồm có các ông Trần Như Luận (Hội Văn Học Nghệ Thuật Bình Định), Nguyễn Thanh Xuân (Hội Văn Học Nghệ Thuật Bình Định) và Lê Hồng Bảo (Chủ nhiệm chuyên san Vườn Ôliu, Mạng Lưới Dũng Lạc).
Ban chung khảo gồm có ông Nguyễn Một (Hội Nhà Văn Việt Nam), nữ Tiến sĩ Trầnguyễn Trangđài (Tác giả thơ và văn tại Hoa Kỳ) và Lm Minh Anh (Tác giả và dịch giả thuộc Tgp Huế).
Theo dự kiến, lễ trao giải sẽ được thực hiện trong dịp cử hành ngày Năm Đức Tin của giới cầm bút tại Nhà thờ Chính tòa Qui Nhơn, chiều 21-9-2013. Ngày 22-9-2013, kỷ niệm 101 năm ngày sinh nhà thơ Hàn Mạc Tử, sẽ có cuộc dã ngoại viếng mộ nhà thơ và họp mặt trao đổi về văn thơ Công giáo tại Qui Hòa, nơi nhà thơ đã sống những tuần lễ cuối đời.
Để cổ vũ việc sáng tác truyện ngắn và kịch bản Công giáo, tất cả 24 tác giả dự thi hợp lệ của năm 2013 (dù không có tác phẩm đạt giải) đều được mời tham dự sinh hoạt trên đây. Chúng tôi sẽ có thư mời gửi đến từng tác giả theo đường bưu điện.
Xin chân thành cảm ơn tất cả các tác giả đã tích cực hưởng ứng cuộc thi, kể cả một số vị không đáp ứng đúng thể lệ. Xin cám ơn quý độc giả đã và đang theo dõi cuộc thi.
Nhân đây chúng tôi cũng xin được chia sẻ một điểm thực tế.
Cho tơi lúc này, sự giúp đỡ duy nhất được gửi cho chúng tôi có ghi rõ “Ủng hộ Giải Viết Văn Đường Trường 2013” là 500.000 VNĐ (= 25 USD) của một giảng viên Trường Đại Học Qui Nhơn. Cùng lúc, một thân nhân của chúng tôi tại Úc ủng hộ 5.000 AUD chung cho các công cuộc tông đồ của chúng tôi và chúng tôi chia số tiền này làm đôi, một nửa cho Giải Viết Văn Đường Trường 2013 và một nửa cho Giải Văn Thơ Linh Mục Đặng Đức Tuấn lần thứ IV, 2013. Cuộc thi Giải Văn Thơ Linh Mục Đặng Đức Tuấn, dành cho học sinh ở độ tuổi học giáo lý phổ thông thuộc giáo phận Qui Nhơn, ngoài phần thưởng tiền mặt, còn có một số tiền nhiều hơn được tích lũy cùng với các tiền thưởng khác được tăng đều trong thời gian các em theo học phổ thông và sẽ trao một lần khi các em bước lên bậc đại học (xem www.gpquinhon.org).
Theo quy định trong bản thể lệ cuộc thi Giải Viết Văn Đường Trường, số tiền mặt dành cho các giải thưởng rất khiêm tốn, giải nhất: 10.000.000 $VN, hai giải nhì, mỗi giải 6.000.000 $VN, ba giải ba, mỗi giải 4.000.000 $VN, các giải triển vọng, mỗi giải 1.000.000 $VN. Hai sự giúp đỡ trên đây đủ cho chi phí dự trù, kể cả kinh phí lo tổ chức lễ trao giải và cuộc họp mặt nói trên đây.
Tuy nhiên, với tâm nguyện phát huy Văn học Công giáo Việt Nam, chúng tôi ước mong có thể nâng số tiền thưởng lên gấp ba hoặc ít là gấp đôi. Xin thử đối chiếu với giải truyện ngắn Cơ Đốc của đặc san Hướng Đi trên http://www.songdaoonline.com sẽ thấy sự chênh lệch cụ thể như thế nào.
Chúng tôi cũng ước mong các tác giả và dịch giả Công giáo cùng các cơ sở xuất bản Công giáo hỗ trợ cuộc thi bằng cách tặng sách cho tất cả những người dự thi hợp lệ (24) và các vị giám khảo (6). Quý vị có thể tùy nghi giúp 6, 24 hoặc 30 bản và gửi về Tòa Giám Mục Qui Nhơn, 116 Trần Hưng Đạo, Tp Qui Nhơn. Hiện chúng tôi đã nhận được hơn 30 bản quyển tiểu thuyết Tam Đa Nhà Đạo của tác giả Thái Hà, nxb Hồng Đức Hà Nội, 2013.
Qua những lời chia sẻ này, chúng tôi xin được chân thành biết ơn sự giúp đỡ của quý Ban Biên Tập và mọi ân nhân mà chúng tôi vẫn dâng thánh lễ cầu nguyện riêng vào mỗi ngày Thứ Bảy hằng tuần.
Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.
Quy Nhơn, 06-6-2013
Linh mục TRĂNG THẬP TỰ
Tòa Giám Mục Qui Nhơn
116 Trần Hưng Đạo, Tp Qui Nhơn
ĐTDĐ: 0935-424-449; gopnhattho@yahoo.com
BÀI DỰ THI
Mã số 13-046
TÌNH CHA
(Lc 15,1-3.11-32)
Người cha: Ừ, nếu con muốn thì cha sẽ chia cho con (trong nét mặt buồn rầu, người cha trả lời).
Người kể: Sau khi được cha đồng ý, người con út đã thu gom hết tài sản cha cho, để chuẩn bị cho một hành trình vô định.
Người con út: Gia nhân đâu, tiếp ta sắp xếp những thứ tài sản này, ta phải mang theo tất cả.
Gia nhân: Dạ, cậu Ba, nhưng mà cậu…. cậu Ba đi đâu vậy, sao cậu không chịu ở nhà với ông chủ.
Người con út: can chi đến các ngươi, ta thích đi đâu thì đi. Đừng có hỏi vớ vẩn nữa, mau thu xếp nhanh đi.
Gia nhân: Dạ!
Người kể: Chuẩn bị hành trang xong, người con thứ không từ biệt người cha, lặng lẽ ra đi về một phương trời rất xa, với một phần tài sản không nhỏ. Anh ta đã lao vào một cuộc ăn chơi không lối thoát. Do gặp một toán bạn xấu ở nơi đất khách quê người.
Người con út: Các người có biết ta là ai không? (vẻ mặt nghênh ngang)
Những người bạn: Nhìn thầy ăn mặc cũng bảnh bao, chắc cậu chủ hả? (tay chỉ vào bộ đồ)
Người con út: Sao các người hay vậy, nhưng ta bảo cho các người biết, ta mới đòi cha ta chia tài sản cho ta, các người không được nói với ai nghe (chỉ vào những trang sức và tiền bạc đang cầm trong giỏ).
Những người bạn: Chúng tôi biết rồi.
– Chà…..chà….. kiểu này vô rồi, trúng mánh rồi bây ơi (với nét mặt gian xảo, nhìn chỗ khác nói)
– Mà nè, cậu kia ơi, ở làng chúng tôi có đủ món ăn chơi, đại gia như cậu mà không chơi thì phí đời lắm, theo chúng tôi đi, đã lắm.
Người kể: nghe những lời dụ dỗ của các bạn, và nghĩ rằng nếu không đi thì mất uy tín nên người con út đã đi theo.
Người con út: Ừ thì đi, ta sợ gì các người chứ, tiền ta đầy giỏ này.
Những người bạn: Đi, đi mau, cậu chủ ơi.
Người kể: trong sự náo nhiệt của quán nhậu, với những tiếng đàn trống tưng bừng càng gợi lên trong tim người con út sự phóng đãng, anh ta càng chơi hết mình hơn
Những người bạn: 1.2.3 dzô.dzô, cho thêm ba lít rượu nữa đi, có mồi ngon đem hết ra đi.
Người con út: các huynh đệ cứ thoải mái gọi thức ăn, ta không sợ hết tiền đâu, cứ chơi thoải mái.
Những người bạn: chơi quá xộp, hoan hô cậu chủ một cái (chúng đồng thanh vỗ tay)
Người con út: cũng bình thường thôi có ăn nhập gì đâu.
Người kể: Quá hoang phí vào những cuộc chơi vô nghĩa, người con út đã tiêu sạch số tiền người cha cho, giờ trong người anh ta chỉ con hai bàn tay trắng
Người con út: hết tất cả rồi, biết làm gì giờ đây.
Người kể: Do mất mùa, trong vùng đã phải lâm vào một cảnh đói kém, cùng cực, nhiều người phải chết đói, thây ma phơi đầy đường. Từng là một cậu chủ, nay vì ăn chơi quá sức hết tiền, hết bạc, nên đành phải xin đi ở đợ cho một người trong làng.
Người con út: Ông…ông ơi ông cho tôi được làm người ở của ông đi.
Ông chủ nhà: Ngươi tướng ngươi mà làm được việc gì hả (chỉ thẳng vào mặt).
Người con út: Con van ông, ông sai con việc gì con cũng nhận hết (cúi lạy mụp xuống đất).
Ông chủ: Ta thấy tội cho người, nên miễn cưỡng nhận đó nghe, chứ mà nhận ngươi hổng chừng làm hư bột hư đường hết, thôi vào trong nhà đi.
Người con út: Con lạy ông, con cám ơn ông.
Ông chủ: Bữa nay ngươi đi ra ngoài đồng chăn đám heo cho ta.
Người con út: Dạ! con đi liền (nhanh chân chạy ra đồng)
Người kể: Trong cảnh đói kém như vậy, anh ta nhìn vào máng ăn của heo mà lòng chỉ mong sao giành được phần ăn đó, nhưng không được vì chủ sẽ đuổi. Lương tâm chỗi dậy, ý thức được tội lỗi của mình, anh ta hối hận, và tìm cách để trở về trình bày với cha.
Người con út: Trời ơi! Ước gì giờ này được ăn cái mà heo ăn, nhưng cũng không được nửa (với vẽ than thở), cha ơi con thật có lổi với cha (cúi mặt xuống đất) biết bao người làm công cho cha ta cơm dư gạo đầy mà ta phải ra như vậy! Thôi ta phải về để tạ lổi với cha, ta sẽ nói thế này: Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy (vẻ mặt hối hận)
Người kể: Lương tâm đã chiến thắng, anh vội vã trở về. Tình cha như đỉnh núi Thái Sơn, mổi chiều, người cha đều đứng ở đầu hẻm chờ đợi người con trở về. Thấy con, ông chạnh lòng thương. Không ngại sự dơ bẩn do người con út đã sống với những con heo, ông chạy ra ôm lấy con với nét mặt thương mến.
Người cha: Ta mừng quá, vì con đã trở về.(cười tươi)
Người con út: Cha không giận con sao? (cúi đầu hỏi)
Người cha: Không có gì đê ta giận con cả, con hối hận là ta đã mừng rồi.
Người con út: Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy.(vẻ mặt hối hận, lạy mụp).
Người cha: Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.
Gia nhân: Dạ, ông chủ.
Người con út: Đội ơn cha, cám ơn cha đã tha thứ cho con, con sẽ không tái phạm nữa.
Người cha: Thôi tốt rồi, vui lên, đừng buồn nữa.
Người kể: Tiếng nhạc từng bừng mừng tiệc vì người con út đã hoán cải và trở về với cha. Người con lớn từ ngoài đồng về, không hiểu tại sao lại vui như vậy.
Người con lớn: Bây đâu lại tao hỏi.
Gia nhân: Dạ, có gì không cậu Hai?
Người con lớn: Bữa nay vụ gì mà đãi tiệc vậy?
Gia nhân: Em của cậu đã trở về.
Người kể: Máu ganh tị nổi lên trong lòng người con lớn, anh ta không chịu vào nhà, cha phải lại năn nĩ.
Người cha: Thôi mà con, mau đi vào nhà
Người con lớn: Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng”!
Người cha trả lời: Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng và hoan hỷ, vì em con đây đã chết, mà nay lại sống, đã mất, mà nay lại tìm thấy.”
Người kể: Người con lớn đang hưởng cùng hạnh phúc hằng ngày mà không nhận biết sự đại lượng của người cha. Mỗi người chúng ta cũng vậy. Hãy hồi tâm vì Chúa luôn đợi trông chúng ta trở về với Ngài. Hãy thật sự cảm nhận chúa luôn yêu ta từng giây phút của cuộc đời.
Mã số 13-047
Chuyến xe khách đầu tiên rời thị trấn Dạ Cát lúc trời vừa hửng sáng. Đan ngồi vắt vẻo trên băng ghế cuối, đầu ngó ra phía cửa. Ngắm dòng người, cảnh vật qua ô cửa nhỏ. Đời ở đấy cứ thế lướt đi, nhanh chậm, lắc lư theo vòng lái của bác tài xế. Kể cũng là một cái thú. Xung quanh Đan, một vài vị khách bắt đầu gật gù. Vùi đầu vào giấc ngủ để xua đi cái mệt, hoặc đơn giản hơn là quên đi đoạn đường dài hàng tiếng đồng hồ, lúc tỉnh dậy cũng vừa kịp thời điểm xe vào bến, biết đâu cũng là một cái thú khác. Chuyến xe cũng như đời người, nhiều lúc ngắn ngủi lắm. Chỉ bằng một cái chớp mắt thôi.
Chủng viện Bình Minh rốt cuộc chỉ có những bước đi dè dặt. Người ta cứ mãi loay hoay làm sao để cỗ xe kia không còn chạy với vận tốc ì ạch nhưng cũng chẳng chấp nhận những vòng quay quá nóng. Thiếu đi một cái hồn. Cải cách này nằm gối đầu lên canh tân khác. Nó khiến Đan mệt mỏi. Cung cách mà anh vẫn thường ví von với những đứa trẻ bị tước mất quyền được ngã bởi một dàn barie được dựng nên quá dày đặc. Vô trùng. Đứa trẻ ấy cuối cùng cũng lớn lên, cũng mừng lễ hội trưởng thành như ở một vài nước nào đó mà Đan có dịp đọc trên báo, nhưng rất có thể là một – người – trưởng – thành – không – bao – giờ – biết – cách – tự – đứng – lên. Ở cái xứ này, phàm cái gì không kiểm soát được, hoặc giả không đủ khả năng kiểm soát thì giải pháp đơn giản nhất là cấm. Đan phì cười trước sự lan truyền chóng mặt của hội chứng này. Nó gần như không có ranh giới. Kể cả tôn giáo.
Điện thoại báo có tin nhắn.
– Anh về quê à?
– Kỳ nghỉ cuối cùng của đời chủng sinh. Nhưng sao em biết?
– Anh quên là tôi vẫn dõi theo anh à! Có điều đó là một sự quan tâm trong vô vọng thôi. Thật ra chỉ muốn biết anh đã đi được bao xa? Thế thôi!
Hình ảnh Thư bất chợt tràn về, quét nhanh vào một vùng tối sáng của kí ức. Màu của thời gian. Kỷ niệm ngày xưa giờ loang lổ vết rong rêu. Đan quen Thư từ hồi hai đứa dọn tới ở chung khu ký túc xá của trường. Mất ba tháng để yêu nhau, ba năm quyện chặt vào nhau và có lẽ cả một đời để xem nhau là người xa lạ. Ra trường, đùng một cái Đan xách ba lô vào chủng viện. Vài năm sau Thư cũng làm đám cưới. Chồng cô là con trai của một đại gia có tiếng ở đất Hải Dương. Chuyện tưởng chừng kết thúc. Đan đã phần nào nguôi quên. Nhưng Thư thì như con thú bị trọng thương, cứ mãi bám theo, cứ phải ám ảnh kẻ đã gây ra những vết đau rỉ máu. Anh đi rất xa, đủ để nhận ra rằng tình yêu với em đã hết! – Đan trả lời tin nhắn.
Xe qua cầu Bình Nguyên thì suýt tông phải chiếc xe máy tạt qua đường. Mẹ cha mày, đi đứng thế à? – Bác tài vứt điếu thuốc hút dở qua cửa xe, thủng thẳng buông một câu chửi thề. Tiếng mấy vị khách ở dãy ghế đầu nhao lên đồng cảm. Dân Việt ở đâu cũng thế, người ta bện chặt vào nhau, sẵn sàng nổi xung lên mỗi khi sự an toàn của số đông bị đe doạ, dù bằng cái cách chẳng lấy làm văn minh gì cho lắm. Chẳng thế mà sau sự cố ấy, hành khách trên xe dễ dàng mở lòng với nhau hơn. Tiếng cười nói chộn rộn hẳn lên. Những câu chuyện không đầu không cuối được đan dệt một cách tự nhiên, qua giọng kể mộc mạc nhưng lại có sức thấm đẫm hồn người. Chuyện thằng bé mù chữ bán báo dạo chạy khắp nơi rao tin về một tai nạn xây dựng mà không hay biết rằng nạn nhân trong mẩu tin vừa rao là bố của mình. Chuyện bà vợ kia rủ ông chồng có chứng bệnh hoang tưởng đóng cửa phòng tự vẫn, kết quả là sau khi uống vào nào là cơ man thuốc an thần thì chỉ có người chồng chết. Người vợ bán hết nhà cửa, ruộng vườn trốn đi với người tình trẻ sau khi đã chu đáo lo lắng hậu sự cho ông chồng xấu số. Hay như chuyện một nông dân ở Hải Phòng dùng mìn tự chế với súng hoa cải để giữ đất giữ vườn trước sự cưỡng chế của các nhà chức việc địa phương nhưng cuối cùng thì bất lực, chẳng thể bảo vệ cho mình và người thân trước bản án nhiều tranh cãi…
Những câu chuyện, mặt người, phận đời Đan đã đọc thấy, gặp và chạm ở đâu đó nhưng như thói quen thu mình lại, ngồi bên ô cửa trên mỗi chuyến đi, đã lặng lẽ lướt qua. Vô cảm đã thành căn bệnh trầm kha, lây lan vào cả chủng viện – nơi chưa bao giờ, chưa một ai nghĩ rằng sẽ nhiễm bệnh và đáng ra không bao giờ được quyền nhiễm bệnh. Nụ cười Đan méo xệch đi. Đời luôn có những trớ trêu thú vị. Ở cái nơi chỉ gồm những cái tên xa lạ, lên chung một chuyến xe, ngồi với nhau chỉ một đoạn đường, hết hành trình thì kẻ ngược người xuôi, con người ta lại không mảy may e ngại trút hết những thứ tít tận sâu của tâm can. Đan đồ rằng cánh nhà văn lúc nào cũng ca cẩm không có cảm hứng mới nếu chịu khó bỏ công đi xe khách vài ba bận thôi thì cũng đã có khối cái để viết mà không cần phải nhọc nhằn đi vào những trại sáng tác, bám theo đề tài này đường hướng nọ. Đó là chưa kể khối cái để viết ở đây là những điều rất thật, rất đời. Mùi của nhân sinh bao giờ chả ngai ngái cay nồng.
– Và anh hạnh phúc chứ?
Tin nhắn của Thư kéo Đan ra khỏi mớ triết lý hỗn tạp này để ném vào một đám bòng bong khác. Hạnh phúc là thứ khó nắm bắt nhất trong thế giới hổ lốn này, và chưa hẳn là một điều có thực, kiểu như ‘‘rừng mơ’’ trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa bên Tàu. Nó cũng có thể là một thứ trang sức. Đẹp và sặc sỡ, nhưng người nghèo không mua nổi vì quá đắt đỏ, không ăn được, còn người giàu thì săn đón đổi chác liên tục, miễn sao cho hợp mốt. Hạnh phúc là hai tiếng được nhân loại mơ ước nhất và rất có thể cũng là vô nghĩa nhất. Đan và Thư đã từng đi tìm nó, người này hứa hẹn mang nó lại cho người kia, nhưng cái mà cả hai nhận được chỉ là một thứ khác, na ná như hạnh phúc chứ không phải là hạnh phúc. Đan không còn đủ sức cho cuộc kiếm tìm thứ trang sức xa xỉ kia khi mà kí ức vẫn còn trơ ra đấy những vết thẹo. Kéo nhẹ móc khoá ba lô, Đan lấy ra chiếc áo chùng thâm cũ. Chín năm trời chứ chẳng ít, anh mặc hàng ngày, nhẹ và mỏng manh lắm, nhưng chất nặng những buồn vui, trắc trở. Đan cười, có lẽ đây là chiếc áo rộng nhất trên thế giới này mà con người có thể nghĩ ra được. Thì chẳng phải tấm áo ấy che được vô số cảm xúc giằng xé, bao bọc một cơ thể với quá nhiều tì vết, chất chứa kỳ vọng của biết bao người. Màu đen chẳng phải đã nói là màu của bí ẩn hay sao?
– Em biết là chúng ta đã tìm được gì rồi mà. Anh chỉ ổn thôi.
– Thế anh vẫn đi tiếp chứ, một con đường không dành cho mình?
– Vẫn. Anh đang cố yêu nó!
– Rồi anh sẽ rời bỏ nó như cách anh đã từng buông tay với tôi. Rồi anh sẽ đi tìm một tình yêu khác. Đàn ông các anh là giống thích phũ lắm mà!
Ngần ngừ một lúc rồi Đan cũng trở lại với các ký tự trên bàn phím.
– Không hẳn thế. Con đường này có một thứ ngôn ngữ riêng mà không phải ai cũng có thể đọc được.
– Cũng thế cả thôi. Linh mục bây giờ giống một loại cocktail hơn. Đẹp đấy. Hấp dẫn đấy. Nhưng chẳng còn nguyên chất…
Đan sững lại. Dòng chữ lạnh lùng ấy vừa làm một cú va đập ngoạn mục. Thư sắc sảo và táo bạo ngay cả trong những lúc cô chới với nhất. Ai đó đã nói, sắc đẹp tự nó đã là một thứ tài năng. Thư may mắn sở hữu cả hai báu vật trời cho, ấy thế mà chúng cũng không thể giúp cô có một cuộc sống tròn đầy. Đời Thư là sự chắp nối những đứt gãy này bằng những đứt gãy khác. Ngày Đan quyết định khép lại những hẹn hò, Thư không níu kéo nhưng chỉ cảnh báo anh ‘‘Linh mục được nhận quá nhiều. Nhận thì phải cho. Nhưng chả ai có thể cho cả một đời. Ân điển luôn tiềm tàng những hình phạt vô biên. Có lẽ vì thế mà những người có cái đầu tỉnh táo hơn đã lựa chọn để không trở thành linh mục’’. Thư nói rất nhẹ chứ không gay gắt nhưng Đan có cảm giác như mình vừa trải qua một cơn động đất có cường độ nhiều richter.
– Nhưng sống cho người khác cũng là một lẽ sống – Đan chau mày.
– Nếu không sống nổi cho mình thì lấy gì để sống cho người khác hả Đan? Nếu thứ cả tôi và anh tìm được không phải là hạnh phúc thì còn hi vọng mang nó lại cho ai? Cứ làm người hùng đi, nếu anh còn đủ sức!
Con đường dẫn đến một triền dốc nhỏ. Lắc lư. Những hàng cây ngái ngủ trong nắng mới. Tiếng cười nói lúc nãy cũng bặt dần. Câu chuyện dang dở của năm năm về trước lại hiện về như một thước phim âm bản…
– Tại cái Thư đúng không? Anh vẫn còn yêu nó? – Bà Hoa nhìn sâu vào mắt Đan.
– Bọn con đã chấm dứt. Thư cũng đã có gia đình riêng. Chỉ tại con không đủ tình yêu cho con đường này. Nó vốn không dành cho con, mẹ ạ!
– Bố anh và tôi ngày trước lấy nhau có phải vì yêu đương gì đâu. Thế mà vẫn ăn đời ở kiếp với nhau đấy thôi!
Đan xoắn xuýt mười ngón tay vào với nhau, khẽ khàng:
– Ơn gọi này huyền nhiệm lắm, không đơn giản là chuyện dựng vợ gã chồng đâu mẹ.
– Chẳng thể dừng lại được nữa rồi. Cả anh và mẹ. Lại đây, tôi muốn cho anh xem thứ này! – Bà Hoa đến trước chiếc tủ có đặt bức di ảnh, lấy ra từ ngăn kéo một chiếc hộp màu vàng. Là một tấm áo lễ.
– Bố con trước khi mất đã trao nó lại, dặn mẹ phải đưa tận tay cho con mặc trong ngày lễ thụ phong. Coi như đây là di nguyện của bố!
Đan bất động hồi lâu. Chiếc áo lễ lặng lẽ rơi xuống nền đá lạnh toát. Một sự tĩnh lặng bao trùm.
Đan đến ngồi ở bến sông, hướng cái nhìn lên khoảng thinh không vòi vọi rồi thư thả áp đôi tay xuống lòng đất. Gần chỗ anh ngồi, bạt ngàn loài hoa chưa kịp gọi tên. Hoang dại. Bên kia là quê anh, khói lam chiều nơi căn nhà nhỏ dâng lên những hồn hậu. Gió từ lòng sông thổi vào mát rượi. Bao năm rồi sông chẳng già đi, vẫn cứ chảy đời sông. Giá mà có thể chảy nhịp của sông, giá mà có thể học cách chảy của nước, Đan sẽ chậm nhẹ qua những làng quê, bến xe, phố chợ để cùng đám người khốn khổ kia kể cho nhau nghe câu chuyện về cuộc sống. Mà cuộc sống tăm tối ấy, Đan đồ rằng nó cũng có thể là một thánh đường lắm chứ. Cả thứ tạp âm nhức nhối kia nữa, anh sẽ thổn thức như đã từng thổn thức trước những bản thánh ca ngọt lành. Mấy hôm trước thôi, Đan đọc báo thấy nhà văn Nguyên Ngọc nói Tây Nguyên đang bị băm nát, đang chết đi cái hồn. Bất giác anh muốn đến Tây Nguyên, đơn giản chỉ để xem phận người ở đấy chới với thế nào, có bị băm nát như làng và rừng, như nắng và gió không?
Nắng cứ lui mãi về chiều, toả thứ màu sắc vàng vọt trên mảnh đất nhiều lầm lụi. Căn nhà nhỏ vốn yên ắng giờ rộn hẳn lên bởi sự xuất hiện của mấy vị khách. Bà Hoa chễm chệ trên chiếc ghế chính diện phòng khách, thư thả nhấp chén nước.
– Chỉ ít tháng nữa thôi là cháu Đan làm linh mục. Ông nhà tôi chẳng may vắn số, trước lúc mất dặn tôi phải lo cho cháu một cái lễ thật chu đáo. Còn phải báo công cho tổ tiên họ mạc.
Người đàn ông ngồi cạnh với tấm lưng to bè, nhả từng đợt khói đặc quánh từ điếu thuốc trên tay, xởi lởi:
– Tháng tới em tính làm một chuyến vào Nam, trước là thăm cánh bà con họ hàng trong đó, sau là thưa chuyện của cháu Đan. Phải báo trước để họ còn sắp xếp việc nhà, việc cơ quan nữa.
– Chú Tôn tính như thế là phải. Tôi cũng đã đặt vấn đề thuê hẳn một đầu bếp khách sạn ở Vũng Tàu lên thực đơn cho mấy ngày tiệc. Việc hệ trọng, phải là đầu bếp chuyên nghiệp hẳn hoi chứ chị Hoa nhờ người ở đây, nói thật tôi chẳng yên tâm lắm! – Tiếng một người đàn bà khác.
Ông trùm Văn trầm ngâm suốt từ nãy giờ cũng sốt sắng góp chuyện. Giọng ông nhấn nhá hào sảng, ra cái cung cách của một người đứng đầu họ đạo.
– Sa Nam này từ lúc lập họ đến nay mới có linh mục đầu tiên. Chúng tôi đã bàn với các bậc cao niên trong làng. Các cụ bảo ngày đó không chỉ là lễ tạ ơn của riêng nhà bà cụ Hoa mà còn là ngày hội lớn của Sa Nam. Sẽ có một cuộc đón rước tân chức từ bến sông về nhà thờ họ với trống hội, cờ xí rợp trời. Tôi đi nhiều, thấy các nơi họ tổ chức rình rang lắm. Tiếng là họ lẻ, họ nghèo nhưng phải cho cả xứ này biết cái tầm của Sa Nam không nhỏ một chút nào. Lát nữa thầy Đan về, tôi sẽ bàn kỹ hơn.
Câu chuyện cứ dày lên mãi. Bên này sông đã thấp thoáng lên đèn…
Đan như bị đóng đinh vào bến sông bên kia. Chỉ cách mấy thước sông thôi sao mà vòi vọi thế. Có tiếng người gọi đò.
– Anh đi đây. Đến với một tình yêu mới. Chưa biết phải làm gì. Nhưng cứ đi đã. Ít ra không phải mua một niềm vui ngắn bằng một nỗi buồn dài! – Đan bấm nút gửi tin nhắn, khoác ba lô đứng lên.
Bàng bạc trên sông những vạt sáng nhạt nhoà…
Mã số 13-048
Thế là tôi được chuyển vào một phòng thánh. Ngoái nhìn ra, tôi thấy được cung thánh mới đẹp và lộng lẫy làm sao. Bên trên, nơi cao nhất là nhà tạm. Nơi mà tôi sẽ ở trong những ngày sắp đến. Mọi người xung quanh tôi đều cuống quýt hẳn lên. Đến chiều, chuông nhà thờ đổ vang, báo hiệu một thánh lễ sắp được bắt đầu. Một Soeur đến mở cửa tủ bánh lễ, và lôi chúng tôi ra. Soeur bỏ tôi qua một bên, đổ bánh lễ vào trong rổ, rồi cứ thế, soeur sàng qua sàng lại, cho những mẩu vụn bay ra ngoài. Những chiếc bánh méo mó, đen đủi thì bị bỏ lại. Thế rồi, những chiếc bánh trắng tinh ấy, được đổ vào bình thánh. Còn tôi thì được ưu tiên hơn. Tôi được nằm chung với bánh chủ tế trên đĩa thánh. Tôi hồi hộp đợi chờ những điều sắp xảy ra với tôi.
Thánh lễ bắt đầu với một không khí trang nghiêm. Sau phần phụng vụ Lời Chúa, chú giúp lễ bắt đầu dâng chúng tôi lên bàn thờ. Chiếc bình thánh được dâng lên trước và sau đó là chén thánh. Ngay sau đó, nắp chén thánh và bình thánh được mở ra. Vị chủ tế đưa tôi lên cao và đọc lời nguyện dâng bánh. Tâm hồn tôi lâng lâng khó tả khi được đưa lên cao. Không những tôi mà những chiếc bánh còn lại cũng như thế. Tiếp sau đó là rượu.
Mọi thứ đã sẵn sàng, khi giáo dân đã quỳ xuống hẳn, vị chủ tế đặt tay lên chúng tôi, tiếng chuông bắt đầu vang lên dữ dội. Tôi thấy toàn thân nhẹ hoàn toàn, bức tượng Chuộc Tội trên cao phát sáng. Một thứ ánh sáng chói lòa dọi xuống chúng tôi. Khi bàn tay vị Linh mục làm phép, ở giữa chúng tôi phát ra một ánh sáng vàng như hào quang rực rỡ. Lòng tôi bắt đầu hạnh phúc vì chúng tôi biết Chúa đã ngự vào chúng tôi rồi. Khi tấm bánh của chủ tế được giơ cao, chúng tôi thấy khuôn mặt đầy máu của Chúa hiện ra. Cả chúng tôi cũng thế, trên mình ai cũng có khuôn mặt của Chúa Giêsu. Lòng chúng tôi vui sướng vì phút giây huyền nhiệm này. Thật khó tả sao cho hết, không một bút mực nào có thể nói hết được khung cảnh này.
Rồi những chiếc bánh lễ nhỏ biết giờ của mình phải tan ra đã gần đến nên đã cầu nguyện rất nhiều và ai cũng thảnh thơi và vui sướng. Khi vị chủ tế đưa cả Mình Máu Thánh Chúa lên, thì nhìn kìa, máu Chúa đang nhỏ giọt xuống chén thánh. Chúng tôi reo hò dữ dội, vì chúng tôi biết, bây giờ chúng tôi không còn là một chiếc bánh lễ bình thương nữa mà là Mình Thánh Chúa Kitô. Bài ca hiệp lễ bắt đầu vang lên, tôi bắt đầu chia tay những người bạn bé nhỏ của tôi. Và tất nhiên cả người bạn to hơn tôi nữa. Không có một giọt nước mắt nào nhưng thay vào đó là một niềm vui hiện rõ trên từng khôn mặt.
Khi việc trao ban Mình Thánh Chúa kết thúc, vị chủ tế đưa tôi vào một khung gương hình tròn, được gọi là mặt nguyệt. Tôi được cung kính đưa vào nhà tạm. Vừa đóng cửa, khung cảnh không tối tăm như tôi nghĩ nhưng thay vào đó là một ánh sáng trắng phát ra từ hai bình thánh xua đi bóng tối nơi này. Hai bên có hai thiên thần cầm đèn đứng chầu. Tôi biết rằng, ở đây không còn là những thứ bình thường nữa rồi vì đã có Chúa ở đây mà.
Đêm đã đến, tôi nghĩ về cuộc đời quá nhanh của tôi, biết bao những hạt lúa khác đang nằm yên thân trong thùng, bồ, chum hay một cái bao nào đó. Có đứa được đi xa, xa tít những bờ biển hay dải đất liền. Thật nhanh quá, từ một bông hoa, đến hạt lúa, sàng sẩy chà xát đau đớn mới được hạt gạo trắng tinh. Rồi được trở thành chiếc bánh. Nhưng tôi cảm ơn Chúa vì trong lúc tôi được làm thành một chiếc bánh, Chúa đã giữ gìn tôi không bị cháy vàng đi để rồi phải bị loại ra như những chiếc bánh khác. Tôi nhớ đến đoạn kinh thánh mà tôi đã được nghe của thánh Phaolô: “Tôi sống nhưng không phải là tôi sống, nhưng chính Đức Kitô đã sống trong tôi”. Tôi mỉm cười rồi thiếp đi trong sự bình an của Chúa.
Ngày hôm sau, Thứ Năm đầu tháng, tôi cầu nguyện cho nhiệm vụ cao cả và thiêng liêng của mình. Tối đến, khi mọi thứ đã sẵn sàng, sau tiếng chuông báo hiệu, tôi được vị linh mục cung kính đưa ra ngoài và đặt vào trong hào quang. Những ngọn nến lung linh, hòa theo tiếng hát nhịp nhàng du dương của mọi người, cùng những sợi khói cuồn cuộn bốc cao. Chúa Giêsu bắt đầu hiện ra trong tôi. Khuôn mặt Ngài thật nhân từ, Ngài đưa mắt nhìn xung quanh, tay thì dang ra, trái tim thì lộ ra ngoài, hào quang của Ngài làm tôi lóa mắt. Cộng đoàn lắng nghe lời suy niệm của vị linh mục. Vì là mùa Chay nên bài suy niệm kêu gọi mọi người ăn năn thống hối tội mình và trở về với Thiên Chúa là Cha nhân lành. Xa xa tôi thấy có mấy người cúi đầu khóc lóc, đôi mắt như cầu khẩn điều gì nơi Chúa. Ngài nhìn rõ từng người một. Khi thấy những người ấy khóc lóc, Ngài cũng khóc theo, đôi tay dang ra hơn nữa như thể ôm những người ấy vào lòng.
Khung cảnh thật thiêng liêng, giờ phút thật gần gũi như Cha con lâu ngày gặp mặt. Tôi muốn giờ Chầu lâu hơn thế chứ không phải chỉ ba mươi phút ngắn ngủi như vậy đâu. Khi vị linh mục cầm hào quang Mình Thánh Chúa vẽ một hình thánh giá lớn, Chúa Giêsu đưa tay ban phép lành như thể chào tất cả đoàn con yêu dấu của Ngài. Hào quang Ngài sáng rực rỡ soi chiếu đến từng góc cạnh của nhà thờ. Ước gì tôi cũng được ngồi dưới để được tắm trong ân sủng ấy. Rồi Ngài biến mất, nhưng không rời khỏi tôi.
Sáng hôm sau, giờ cuối cùng trong cuộc đời tôi đã đến. Tôi cầu nguyện thật nhiều, an tâm và vững vàng khi có Chúa hiện diện sống động trong thân thể tôi. Đến lúc ban phát mình Thánh Chúa. Vị Chủ tế đưa tôi ra khỏi nhà tạm. Tôi nhìn ngôi nhà tạm lần cuối để về nhà cùng Chúa tôi. Tôi được đưa ra khỏi mặt nguyệt, những mảnh vụn từ thân tôi rơi vãi ra biến thành những giọt Máu Thánh lấp lánh. Những giọt máu Thánh ấy được vị Chủ tế trút vào chén thánh rất tỉ mỉ, không sót một giọt nào. Tôi bị bẻ ra làm tư, nhưng Chúa vẫn ngự trong từng phần thân thể tôi. Hình ảnh Chúa vẫn còn hiện diện rất rõ.
“Mình Thánh Chúa Kitô!” Vị chủ tế dứt lời, một cụ già thưa “Amen”. Tôi được đưa vào nằm gọn trong miệng bà ấy. Thân thể tôi bắt đầu tan ra. Chúa lại một lần nữa hiện ra làm sáng lên cả tâm hồn bà cụ ấy. Chúa đã ở lại cùng bà. Một tâm hồn thanh sạch không chút bơn nhơ. Tôi chợt nghĩ, con người cũng giống hạt lúa thôi, phải đau đớn dứt bỏ tội lỗi và quên hẳn mình đi, như hạt lúa gạo phải xay xát để trắng sạch. Để Chúa ngự vào lòng, người ta cũng phải thật sạch sẽ và trắng tinh như những chiếc bánh được tuyển chọn. Đến giờ đã định, người ta phải rời bỏ ngôi nhà tạm là thế gian này để tan nát đi mà về cùng Cha trên trời.
Lạy Chúa. Ước gì con có thể rước Chúa được nhiều hơn, được ngồi đối diện với Chúa trong những giờ chầu, để được Chúa yêu thương và nâng đỡ. Vì con biết, Chúa luôn nhìn con và theo con đến suốt cuộc đời. Amen.
Mã số 13-049
Liên cứ ngỡ là sẽ được tận hưởng một mùa hè bình yên nơi làng quê bình dị của mình, được thả hồn trong tiếng sáo diều réo rắt, được ngắm nhìn bầu trời trong vắt sau luỹ tre làng thân yêu, được hít hà hương thơm dìu dịu say say của mùi rơm mới…
Thế nhưng, lần gặp gỡ Khôi hôm ấy đã làm xáo trộn tất cả. Hôm đó, Khôi mời Liên đi uống nước ở quán vỉa hè. Chẳng phải lần này Liên mới đi với Khôi. Mùa hè nào chẳng thế! Kết thúc năm học, về hè, mấy đứa bạn học vẫn thường phone cho nhau, thỉnh thoảng gọi nhau đến mấy quán vỉa hè gặp mặt, nói đủ thứ chuyện tào lao, từ chuyện bầu cử tổng thống Mỹ, đến những xung đột giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, cả chuyện nhà bà Tư xóm trên hồi chiều bị mất con trâu…
Nhưng hôm đó, Khôi chỉ gọi mình Liên đi. Liên đùa: “Chắc không phải có tình ý gì riêng với mình chứ?”. Khôi cười. Nhưng ánh mắt đượm nét buồn u ẩn.
Liên rất thích túm tụm với đám bạn ở các quán vỉa hè như thế này. Nói là quán nhưng thực ra chỉ là mấy bộ bàn ghế nho nhỏ hoặc những chiếc chiếu nhựa trải dưới các gốc cây bên đường. Phục vụ quán chỉ một hoặc hai người. Khách vào quán chủ yếu đám thanh niên làng. Họ nhâm nhi chén nước chè, hoặc nhân trần, trà đá; nhấm nháp mấy món cóc, ổi, xoài dầm… Họ nói chuyện thế sự, tiếu lâm, đời thường… Họ tận hưởng không gian là cả cánh đồng mênh mông thoáng đãng.
Khôi chọn cái bàn nhỏ dưới gốc cây xà cừ phía cuối quán, cách xa mấy đám thanh niên đang ồn ào. Làn gió mát rượi mang theo hương nồng nồng ngai ngái của lúa đương chín. Mảnh trăng non dọi ánh sáng bàng bạc giăng mắc khắp thôn làng. Liên ngắm nhìn Khôi. Những sợi tóc rơi xuống trên vầng trán thư sinh của Khôi không hiểu sao gợi cho Liên một cảm giác se buồn…
Khó khăn lắm, Khôi mới chia sẻ được với Liên những tâm sự sâu kín của mình. Khôi nói rằng Liên là người Khôi tin nhất, rằng Khôi muốn Liên cầu nguyện cho mình…
Liên không thể gọi tên được những cảm xúc của mình lúc ấy. Rối tung. Hỗn độn. Cũng khó khăn lắm, Liên mới cư xử được một cách bình thường với Khôi. Nói là bình thường nhưng có nhiều phần gượng gạo.
Không lẽ thế ư? Những điều Khôi nói là thật? Liên không tin. Hay đúng hơn là không muốn tin. Khôi và Liên là bạn học cùng lớp thời THPT. Nếu nói có một người con trai nào làm trái tim Liên xao xuyến thì đó chỉ có thể là Khôi. Mặc dù, từ lúc còn nhỏ, Liên đã ủ ấp ước muốn được “đi nhà dòng” (như cách nói của người làng quê Liên). Nhìn các soeur trong chiếc áo dòng đen với chiếc lúp đen viền trắng trên đầu, đọc thánh kinh với giọng điệu nhẹ nhàng, cho rước lễ với cử chỉ khoan thai, điềm đạm mà Liên thấy thích quá. Đâu phải như mấy chị gái của Liên, lúc nào cũng tất bật, lo toan; lắm lúc còn cau có, bực bội. Có lần, chị Hai về, khóc lóc, kể tội chồng với mẹ. Sụt sịt một hồi rồi tiếc rẻ: “Biết thế ngày xưa con không lấy chồng, đi tu cho khoẻ”. Mẹ thở dài: “Mày tưởng đi tu mà dễ à! Mà nếu đi tu cho khỏe, để trốn lánh việc đời, thì Chúa đâu có chọn mày!”. Liên tự vấn, mình cũng vì thích phong thái của các soeur mà có ước muốn đi tu. Phải chăng cũng là một cách “trốn lánh việc đời” như mẹ nói? Ước muốn của mình đâu phải xuất phát từ một mục đích cao cả nào? Vậy Chúa có chọn không? Nhưng biết đâu được. Ngày xưa các Tông đồ đi theo Chúa ban đầu cũng đâu phải xuất phát từ mục đích cao cả nào! Họ tưởng theo Chúa sẽ được vinh hoa phú quý ở đời này. Thế mà Chúa vẫn chọn đấy thôi! Cuối cùng, các Tông đồ ấy, họ đã không tiếc cả tính mạng mình để làm chứng cho Chúa, để tiếp tục thực hiện chương trình cứu rỗi nhân loại của Con Người đó sao? Chẳng phải Mẹ Thánh Têrêxa thành Calcutta đã từng nói: “Thiên Chúa biết vẽ những đường thẳng trên những nét cong” đó sao?
Thế nhưng, Khôi đã làm cho Liên phải dao động. Vì Khôi, có lúc Liên đã mơ một giấc mơ khác. Giấc mơ về một mái ấm gia đình. Một ngôi nhà nho nhỏ. Những đứa con ngoan. Những bữa cơm đạm bạc mà ấm cúng….
Nhưng cuối cùng, những rung động đầu đời đó không làm cho Liên thay đổi mơ ước nguyên sơ của mình. Khôi là cành hồng hay là thập giá mà Liên gặp trên con đường mình đi? Có lẽ là cả hai. Liên không sợ phải đối mặt với những tâm tình đó. Nếu không có những cảm xúc như thế, thì đi tu đâu còn là khổ giá? Đấu tranh để vượt qua chính mình. Phải chăng đó mới là tu?
Liên biết, Khôi hoàn toàn không hay biết những tình cảm của Liên đối với mình. Khôi chỉ nhìn thấy ở Liên sự chân thành trong tình bạn. Có lẽ, đó là lí do Khôi chọn Liên để chia sẻ.
“… Liên à! Mình thực sự rất khổ tâm khi phát hiện ra mình là người đồng tính. Mình sợ mọi người sẽ nhìn mình bằng con mắt khác. Liên hãy giúp mình… Liên hãy cầu nguyện cho mình…”
Đất trời như sụt lở dưới chân Liên. Gương mặt Khôi như những mảnh ghép vỡ ra dưới ánh trăng nhàn nhạt…
Những ấn tượng đẹp đẽ của Liên đối với Khôi bỗng chốc như biến thành những đám mây đen đặc quánh, không tan đi, mà bám chặt lấy tâm trí Liên, kết tụ lại trong cái cảm giác như ghê sợ, như muốn xa lánh Khôi…
Liên tự trách mình. Sao mình lại có thái độ kỳ thị với Khôi như thế? Khôi là một con người. Hơn nữa còn là một người bạn rất tốt của Liên. Khôi chắc đang đau khổ lắm? Khôi đã chọn mình để chia sẻ, vậy thì mình phải cố gắng làm sao để không phụ lòng Khôi chứ!
Có lúc Liên hoài nghi, có phải Khôi đồng tính thực sự? Hay chỉ là một sự tự ám thị? Khôi mồ côi cha từ lúc còn nhỏ. Mẹ Khôi một mình nuôi con. Bà đã dồn tất cả tình yêu thương vào đứa con trai duy nhất. Nhưng dù thế nào cũng không thể bù đắp được những thiếu thốn về tình cảm mà chỉ người cha mới có thể đem lại cho con. Liệu có phải vì thế mà Khôi luôn khao khát sự mạnh mẽ của một người đàn ông? Liệu có phải một phần do Khôi chịu ảnh hưởng của xu thế thời đại?… Dù sao, thì những suy nghĩ của Liên vẫn chỉ là những suy nghĩ của người ngoài cuộc. Liên chỉ biết hi vọng rằng, ngày mai, Khôi sẽ khác …
Liên vẫn cầu nguyện. Cho mình. Cho Khôi. Cho các chị gái của Liên. Cho mọi người….
Năm học cuối cùng trôi qua. Liên ghi tên dự tuyển vào một tu viện.
Mẹ Liên lo âu: “Mẹ không phải không ủng hộ mày. Nhưng chỉ sợ đường tu dang dở, người ta lại cười cho, rồi mang khổ vào thân…”
Nỗi lo lắng của mẹ Liên không phải không có căn cứ. Chẳng là ở gần nhà Liên, có chị theo đuổi ơn gọi tu trì mười mấy năm. Mười mấy năm, chị đã bỏ tuổi thanh xuân trong những tháng ngày xa lắc. Mười mấy năm, chị không còn là thiếu nữ trẻ măng ngày nào. Bụi thời gian đã in hằn những nét ưu tư trên vầng trán chị, nhuốm sạm màu da trên đôi má hồng hào của chị ngày nào. Mười mấy năm…, chị nhận về quyết định “không phù hợp”. Chị khóc, nước mắt lặn vào trong. Mẹ chị vật vã. Nhiều người xì xầm “đi không trọn đường tu”. Người làng quê Liên có kiểu “đạo đức” đến “lạ”. Yêu kính các “đấng bậc” (cách gọi của họ về những người tận hiến cho Chúa) hết mực. Nhưng một khi họ có sai lầm hay có điều gì thất thế, thì cũng chê bai không tiếc lời. Liên không hiểu hết những ẩn tình trong quyết định của bề trên tu viện chị ấy. Chỉ hiểu đôi chút qua tâm sự ngắn ngủi của chị, rằng bề trên thấy chị “thiếu sáng suốt trong nhận định”. Liên ngạc nhiên, vì sao mười mấy năm trời, chị mới nhận được quyết định như thế?
Chị vẫn muốn tiếp tục theo đuổi mơ ước của mình, qua một tu viện khác. Liên chỉ biết an ủi chị: “Thiên Chúa luôn có những chương trình riêng của Ngài. Có lẽ Ngài muốn chọn cho chị một con đường khác. Ở nơi nào, chị thấy lòng mình thực sự bình an, chị hãy dừng lại ở đó. Em tin đó là nơi Thiên Chúa muốn chọn cho chị”
Mẹ Liên cũng chỉ vì thương con, sợ con phải chịu khổ. Nhưng Liên không sợ. Cuộc đời là một hành trình đi tìm và thực thi thánh ý Chúa. “Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày”. Ước mơ của Liên vẫn còn vẹn nguyên như ngày xưa. Chỉ riêng mục đích là có chút ít thay đổi. Liên muốn thực sự được hoà mình với Chúa để cảm nghiệm phần nào nỗi đau mà Ngài đã gánh chịu cho nhân loại. Cảm nghiệm sâu xa trong nỗi đau của những người sống bên mình, là mẹ, là Khôi, là chị hàng xóm khát khao ơn gọi tận hiến, là các chị gái của Liên trong bậc sống hôn nhân… Chẳng phải, họ đang vác thập giá của họ đó sao?
Khôi vẫn sống độc thân. Anh tham gia nhiều hoạt động xã hội cũng như giáo hội. Có lần, Khôi chia sẻ với Liên: “Mẹ Khôi bây giờ không lo buồn quá như trước đây nữa. Có lần, mẹ bảo mình hay cứ lấy vợ đi, biết đâu, mình cũng sẽ bình thường như bao người đàn ông khác. Nhưng mình thực sự không muốn bất cứ người con gái nào trở thành vật thử nghiệm cho giới tính của mình. Chỉ khi nào mình thực sự rung động với một người con gái nào đó, mình mới quyết định lập gia đình”
– Còn nếu không? – Liên hỏi, giọng nghiêm trang.
– Thì…. – Chợt Khôi mỉm cười, đưa mắt nhìn Liên – Liên nói đúng, mỗi con người chúng ta đều nằm trong chương trình riêng của Chúa. Nếu Chúa định đó là thập giá mình phải vác, thì mình xin sẵn sàng. Mà chẳng phải chỉ những người như Liên mới đi tu đâu nhé. Suy cho cùng, thì bất cứ ai ở bậc sống nào, dù tận hiến, hay độc thân, hay xây dựng gia đình…, nếu sống đúng bậc mình, thì đều là đi tu đấy thôi. Bởi con đường theo Chúa là con đường thập giá mà.
Đúng thế, Khôi à! Nhưng Liên cũng tin rằng Chúa sẽ không bắt ai phải vác quá nặng, bởi “ách của Ta thì êm ái mà gánh của Ta thì nhẹ nhàng”. Chỉ cần có ơn nghĩa Chúa, mỗi chúng ta sẽ đi trọn đường tu…
Mã số 13-050
Tiết trời tháng tám mát mẻ, gió đưa nhẹ. Như thường lệ, xơ An dậy lúc 5 giờ sáng, vệ sinh cá nhân, sau đó sang nhà nguyện cầu kinh, đọc phúc âm và suy ngẫm. 5 giờ rưỡi, xơ ra ngoài đi bộ và tập thể dục. Cậu Ba – người giúp việc nhà thờ, năm nay khoảng 50 tuổi, dáng người nhỏ thó, đen đúa – cũng đang quét sân. Những cây bạch đàn, cây bàng, cây phượng hai bên lối đi đang mùa thay lá. Mới qua một đêm mà những lá cây khô quắt, cong queo rụng đầy sân.
Xơ An dáng người nhỏ nhắn, nước da trắng, đôi mắt đen và sáng khiến xơ trẻ hơn tuổi 42 rất nhiều. Xơ mặc chiếc áo choàng màu xám, chiếc quần đen ống rộng, đi đôi dép nhựa thấp, màu trắng ngà, đầu trùm chiếc khăn màu xám viền đen che đi mái tóc dày mượt dài tới gót chân nhưng luôn được xơ búi thành một búi lớn ở sau ót.
Sau khi tập mấy bài thể dục, xơ đi về phòng chuẩn bị ăn sáng. Căn phòng nhỏ chừng 15m2, phía trong cùng kê một chiếc giường cá nhân, bên trên là bàn thờ Chúa với tượng Chúa Giêsu chịu nạn. Ở trên cùng, hai bên là hai bức ảnh Đức Mẹ đồng trinh ẵm Chúa trên tay và ảnh gia đình Thánh gia. Ngoài cùng là hai cây đèn cầy màu đỏ đang đốt dở. Bên cạnh là bình hoa tươi. Giữa gian phòng là bộ bàn ghế nhựa màu đỏ sẫm. Sát tường là chiếc tủ nhỏ bằng gỗ đựng quần áo và những vật dụng cá nhân. Trên tường quanh phòng treo la liệt các tranh ảnh, tranh lịch về các sự kiện tôn giáo.
Cuối căn phòng có một cánh cửa hậu thông ra ngoài vườn. Ở đó có bếp nấu và một dãy gồm nhiều nhà vệ sinh cho cả khu nhà chung. Xơ đang lúi húi lấy nước nấu để pha mì gói thì nghe tiếng bước chân chạy vội vàng và giọng hớt hải:
– Xơ An ơi, xơ An có nhà không ạ?
– Có tôi đây. Ai vậy ạ?
Tiếng cửa mở, xơ An quay ra thì thấy bà Hào quần áo dính đầy đất và cỏ may, gương mặt méo sẹo, giọng run run nức nở:
– Xơ ơi, con Hoa nhà con… cả tuần rồi cứ ở ngoài nghĩa trang không chịu về nhà. Sáng nay, có người nói với con là nó xông ra giữa đường đánh và cướp cả rổ cá của người đi chợ ăn ngấu nghiến. Vợ chồng con sợ quá chạy ra dỗ dành mãi mà nó không chịu về.
– Thế là nó lại nhập vào con bé nữa rồi. – Xơ An nói giọng chùng xuống.- Mà sao cả tuần rồi ông bà không nói gì ?
– Dạ, nó đe nếu nhà con hé răng nói với Cha xứ thì nó sẽ vật chết con Hoa… Con sợ nên không dám nói. Nhưng hồi sáng, khi nhìn thấy nó, con sợ nó sẽ không sống nổi xơ ơi!
Xơ An thở dài bảo:
– Bà qua bên nhà xứ hỏi cậu Ba xem cha Quân có nhà không, rồi nói với Cha, nhờ Cha trừ nó đi cho. Tội nghiệp con bé.
– Dạ. Con cám ơn xơ. Con đi đây ạ. – Nói rồi bà Hào lại tất tả đi ra ngoài theo giậu bông giấy đang nở đỏ phía bên trái lối vào sang bên nhà xứ.
Xơ An nhíu đôi mày lại, thở dài, tần ngần một thoáng, xơ đến bên bàn thờ, với tay lấy cỗ tràng hạt xuống, dâng hai tay cung kính đưa tượng Chúa chịu nạn lên hôn một cách sùng kính. Sau đó, xơ ngồi xuống bên mép giường, mắt hướng lên bàn thờ lẩm nhẩm đọc kinh cầu Đức Mẹ Maria. Còn đang khấn nguyện thì tiếng bà Hào lại rụt rè bên ngoài:
– Thưa xơ… con vào được không ạ ?
– Bà vào đi. – Xơ vừa nói vừa cung kính đưa tràng hạt lên hôn rồi đeo vào cổ.
Bà Hào bước vào, ngồi xuống chiếc ghế nhựa, đôi mắt hoen đỏ vẫn còn ngấn nước. Giọng sụt sùi, bà nói:
– Cha Quân đi xức dầu cho ông Thân bên xóm Năm rồi xơ ạ. Cậu Ba nói chắc mấy tiếng nữa cha mới về. Xơ đi với chúng con bắt nó về đây được không ạ ?
– Sáng nay, ông bà chưa đưa nó về nhà à ?
– Dạ chưa xơ à, lúc 5 giờ sáng, ông Thất quét chợ dắt bà bán cá vào đập cửa nhà con báo cho vợ chồng con biết. Khi vợ chồng con ra đã thấy nó nằm trên một nấm mồ cỏ cây rậm rạp, tóc tai bù xù, quần áo rách nát tả tơi, dính đầy đất cát và vẩy cá, máu cá. Vừa thấy vợ chồng con, nó liền vò đầu, bứt tóc tai nó rồi hú hét, la lối ầm ĩ, chửi bới vợ chồng con hãy cút đi để cho nó yên, nếu không nó sẽ đánh chết con Hoa. Nó còn đe dọa vợ chồng con không được đến nhà thờ báo cha nếu không nó sẽ về đốt nhà. Sau đó, nó bốc đất dưới ruộng ném chúng con, đuổi chúng con đi, rồi lại tự tay đấm, vả vào mặt, cấu véo cơ thể nó. Thấy nó làm dữ, vợ chồng con vội vàng bỏ chạy. Được một lát, thấy yên lặng, con quay đầu lại, thì nó đã nằm xuống. Con lo con Hoa không chịu nổi mà chết thôi…
Thế là nó đã quay trở lại, và còn dữ dằn hơn lúc trước rất nhiều. Xơ mím môi lại, hít một hơi dài như chuẩn bị làm một việc rất nặng nề, xơ quay lại bảo bà Hào:
– Bà về nhà tìm mấy người đàn ông thật khỏe mạnh chờ tôi ở đó. Chúng ta sẽ đưa nó về đây.
– Dạ! Đội ơn xơ. Con về.
Bà Hào vội vã đi ra, dắt chiếc xe đạp mi ni Trung Quốc sờn cũ ra khỏi cổng nhà chung, cẩn thận đóng cổng lại.
Còn lại một mình, xơ An quỳ xuống đất, cầu xin Đức Mẹ. “Mẹ ơi, xin cứu giúp chúng con là những kẻ hèn mọn tội lỗi, xin ban cho chúng con đủ sức mạnh xua đuổi ma quỷ. Xin người thêm lòng tin cho chúng con. Chúa đã nói: “Nếu các con có lòng tin chỉ bằng hạt cải, các con có thể khiến núi này dời đi nơi khác”. Thật vậy, lòng tin nơi chúng con vẫn còn nhỏ nhoi yếu hèn lắm. Bằng chứng là Satan vẫn hiện hữu nơi chúng con là những kẻ phàm xác thịt”.
Xưa kia, Chúa đã nhiều lần đối mặt với Satan và trừ khử nó. Mặc dầu nó đã dùng đủ mọi mưu chước cám dỗ Ngài, Ngài vẫn thắng nó, đuổi nó về nơi tối tăm là hỏa ngục để lửa đốt nó đời đời kiếp kiếp. Thế nhưng cho tới ngày nào chưa tận thế, thì nó vẫn được Chúa cho phép đi lại trên thế gian, được cám dỗ loài người ta. Bởi vậy, nó vẫn tìm mọi cách để được ở lại nơi thế gian chờ đợi tới ngày Chúa phán xét.
Nó tìm đến mồ mả, đến nghĩa địa, là nơi tăm tối, là sự chết chóc. Nó yêu thích sự chết. Ma quỷ gần với sự chết. Căn nhà cư trú của nó là sự chết, là mồ mả. Không phải những người nằm dưới đó là bạn bè của nó. Nhưng nghĩa trang là nơi dành cho sự chết. Ngoài nghĩa trang ra chỉ còn một nơi nữa nó có thể cư ngụ là lòng con người. Như Chúa đã nói: “Khốn cho các ngươi cũng giống như những mồ mả tôi vôi, bên ngoài có vẻ đẹp đẽ nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế. Các ngươi cũng vậy, bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác.”( Mt 23,27)
Đức Kitô đã nói lòng con người có thể là một “mồ mả tôi vôi”. Trong ý nghĩa ấy, có biết bao ngôi mộ di động đang đi ngoài đường, ngồi trong quán nhậu, nghỉ ở khách sạn, resort, sát phạt nhau trong những casino… Tuy nhiên, không phải cứ những con người gian ác, xảo trá là bị quỷ nhập. Con bé Hoa mới 16 tuổi, suốt ngày chỉ biết đi học, tối đến nhà thờ đọc kinh, về nhà vâng lời cha mẹ thì biết gì đến tội ác! Vậy mà vẫn bị quỷ nhập, lần này là lần thứ ba rồi. Cha Quân đã hai lần trục nó ra khỏi con bé, thế nhưng cứ được mấy tháng, nó lại nhập vào như thách thức quyền năng của Người. Nó nhập cả những kẻ giả trá, ác nhơn, lại nhập cả vào những người công chính.
Xơ An nhớ lại, dưới thời Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phong thánh cho hai vị từng có thời gian bị quỷ nhập là Cha Gioan Calabria và xơ Mary of Jesus Crucified. Tội nghiệp con Hoa. Buông một tiếng thở dài, xơ An dắt chiếc xe đạp ra khỏi phòng.
Đã 6 giờ sáng, mặt trời bắt đầu ló dạng sau lũy tre làng. Bốn người đàn ông lực lưỡng cùng với vợ chồng ông Hào và xơ An ngồi trên chiếc xe lôi của bác Tài – vẫn chở các cháu đi học trường xa – đi theo con đường mòn giữa cánh đồng xuống nghĩa trang …. Tới cổng nghĩa trang, bác Tài dừng xe lại, mọi người xuống đi bộ vào con đường đất nhỏ hai bên đầy cỏ may. Dường như nghe thấy tiếng xe và biết mọi người tới, từ trong một ngôi mộ um tùm cỏ lác, một bóng người gầy nhỏ liêu xiêu chạy ra lớn tiếng chửi rủa:
– Lũ rác rưởi các ngươi định làm gì ta ? Con mụ áo xám thối tha kia (chỉ xơ An), mi ra đây làm gì? Mi nghe lời thằng áo đen (chỉ cha Quân) định đến bắt ta à? Mi tưởng rằng mụ già khốn kiếp ở trên trời kia (chỉ Đức Mẹ Maria đồng trinh) sẽ che chở cho mi sao ? Hãy tránh xa ta ra, nếu không tất cả các ngươi sẽ gặp tai họa đấy. Các ngươi cút hết đi. Cút đi. Tiếp theo là tiếng la hét chói tai vang vọng khắp nghĩa địa.
Thật bình tĩnh, xơ An bước lại gần cái thân thể chi chít những vết cào xé của đứa con gái đang tuổi ăn, tuổi lớn, áo quần rách nát, hở hết da thịt, bám đầy máu và đất cát. Khuôn mặt bầm dập những vết thương lấp ló sau mớ tóc rối bù. Riêng đôi mắt vằn lên những tia lửa đỏ như muốn lồi ra khỏi hốc mắt đang đằng đằng sát khí hầu muốn nuốt sống bà xơ mảnh mai. Nhẹ nhàng và dứt khoát, xơ An đưa cỗ tràng hạt ra khỏi cổ, hai tay dâng lên cao quá đầu một cách cung kính, miệng hô lớn:
– Nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi là Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần, ta ra lệnh cho ngươi phải ra khỏi người này.
Khi cây Thánh giá đưa lên cao thì cả người bé Hoa run lên, cái đầu nó cúi xuống một cách tội nghiệp, miệng nó la lớn:
– Bỏ cây thập tự xuống mau, ta không thích thứ đó, đừng lại gần ta, đừng lại gần ta. – Câu cuối cùng nó kêu lên như rên rỉ. Đột nhiên, nó bỏ chạy thục mạng. Nghĩa trang nhấp nhô đầy những ngôi mộ mới, cũ giữa những lớp đất ruộng gồ ghề, vậy mà nó chạy băng băng.
Xơ An bị bất ngờ, bà đưa cỗ tràng hạt có tượng Chúa chịu nạn đeo lại vào cổ. Giữa cánh đồng hoang lạnh mà mồ hôi bà vã ra chảy thành dòng từ trán xuống cằm. Gió thổi lướt qua khiến bà rùng mình. Năm người đàn ông chia ra hai hướng chạy theo đón đầu Hoa. Xơ và bà Hào cũng chạy về phía cuối nghĩa trang. Hơn một tiếng đồng hồ rượt đuổi, cuối cùng cũng bắt được nó. Người nắm tay, người nắm chân, thở hổn hển khiêng nó ra xe. Cả ông Hào nữa là năm người mà giữ nó cơ hồ muốn tuột khỏi tay. Đưa nó lên xe rồi, mọi người mới bắt đầu dùng đoạn dây dù to như ngón tay đã chuẩn bị từ trước, trói chặt hai tay, hai chân nó lại. Bác Tài bắt đầu cho xe chạy. Nó luôn miệng chửi thề và lên giọng thách thức xơ An khi xơ An đưa cây Thánh giá trước mặt nó. Ban đầu, nó còn cúi xuống run rẩy vẻ sợ hãi. Nhưng sau, nó nhơn nhơn cái mặt, nhìn thẳng vào cây thánh giá mà lên giọng thóa mạ. Bất lực, xơ An không thể làm gì nữa đành ngồi im lặng. Khi xe chạy tới con đường quẹo vào nhà thờ, nó ngóc đầu dậy chửi thề:
– Các ngươi định đưa ta vào chuồng heo à ? Bọn rác rưởi, lũ ngu độn thối tha kia, cho ta xuống mau, nếu không các ngươi sẽ phải nếm mùi đau khổ đấy. Rồi nó lại chửi đến Cha Quân, chửi cả Đức Giám Mục đã từng làm phép dây stola cho Cha Quân đem về để đuổi nó.
– Thằng cha áo tím (chỉ Đức Giám Mục) tưởng là lấy dây trói được ta ư? Các ngươi lầm to rồi. Ta có quyền năng của ta, không ai làm gì được ta.
Xe vừa đi vào cổng nhà thờ thì người nó oằn lên quằn quại như thể nó bị hàng ngàn mũi kim đâm vào da thịt. Nó rú lên ghê rợn, và tự nhiên cả người nó bay lên không trung như một trái bong bóng, đụng vào nóc xe rơi xuống cái bịch. Quá bất ngờ, cả 6 người trên xe vội vàng lao vào giữ chặt lấy nó. Xe dừng lại, nó vẫn rú lên từng hồi lúc nghe như tiếng chó sói tru trong rừng thẳm, lúc lại như tiếng mèo gào đực trong đêm vắng. Mấy người đàn ông phải khiêng nó xuống, đưa nó vào nhà nguyện, đặt nó lên chiếc ghế dài có bàn quỳ. Nó giẫy nẩy lên gào hét, chửi bới giọng rít qua kẽ răng như tiếng gió giật cành cây trong cơn bão tố những đêm đông dài lạnh giá. Chừng hơn nửa giờ sau, nó thôi gào rú nhưng vẫn lầm bầm chửi bới, tiếng khi to khi nhỏ, lúc lên cao, lúc xuống thấp như con chó bị nhốt trong lồng kêu rít tìm lối trốn thoát.
Có tiếng lao xao bên ngoài, Cha Quân đã về tới và biết chuyện nên đang cho gọi một số người có chức sắc trong nhà xứ đến để bàn thảo phương cách trục nó ra.
Một lúc sau, bốn người đàn ông vào nhà nguyện khiêng nó ra nhà thờ, nó giẫy nẩy lên, oằn mình lên xuống nhằm thoát khỏi nhưng không được, thế là nó trì xuống. Bốn người đàn ông to khỏe cỡ sáu bảy chục ký lô mà không nhấc nổi mình của một cô gái chỉ hơn bốn chục ký. Nó cứ trì nặng xuống, miệng không ngừng gào rú:
– Bỏ ta ra mau, ta không đến cái chuồng heo hôi hám phát nôn ấy đâu. Lũ lợn thối tha các ngươi buông ta ra.
Nhưng cuối cùng, mọi người vẫn khiêng được nó đến nhà thờ. Họ đặt nó xuống ngay chỗ gian cung Thánh, dưới chân Đức Nữ Đồng Trinh Maria. Ngay lập tức, nó bị trôi đi rất nhanh qua các bàn quỳ của hàng ghế ra phía ngoài cửa. Kinh hoàng ở chỗ bàn quỳ chỉ cách mặt đất khoảng 10 cm, vậy mà nó trong tư thế bị trói cả chân lẫn tay cong người như con tôm luộc lại cứ trôi đi như một miếng giấy mỏng giữa dòng nước chảy xiết. Sự việc nằm ngoài sức tưởng tượng của con người. Sau giây phút đó, mọi người vội vã lao theo. Năm sáu người đàn ông ra sức giữ nó lại, dùng hết sức bình sinh khiêng nó lên gian trên cùng để trói nó vào chiếc ghế dài. Mặc dầu vậy, nó vẫn muốn bay bổng lên trần nhà khiến những người theo giữ nó như đang trải qua một cuộc vật lộn không cân sức. Phía trên bàn thờ, Cha Quân khoảng ngoài 60 tuổi, da trắng, mặt vuông chữ điền toát lên vẻ hiền hậu. Ngài mặc chiếc áo choàng trắng, quần tây đen, đi giày đen đang cử hành nghi thức đuổi quỷ. Chỉ đến khi Ngài giơ cây Thánh giá lên cao nhân danh Thiên Chúa thì nó mới chịu ngồi im.
Bên dưới hai hàng ghế là hai ông trùm chánh, phó, ba bà quản, mười hai người thuộc hội con Đức Mẹ, mười hai người thuộc hội gia trưởng và mười hai người thuộc ca đoàn, cả gia đình ông bà Hào và 2 cán bộ xã cũng được mời tới tham dự. Họ đang lớn tiếng đọc kinh cầu các Thánh và những kinh nguyện mở đầu trong sách các phép, việc cầu kinh diễn ra gần hai tiếng đồng hồ. Sau đó, cha Quân đứng dậy và một lần nữa kêu gọi ma quỷ:
– Hỡi Satan, lúc này giờ của mi đã đến. Nhân danh Giáo Hội Công Giáo, nhân danh Thiên Chúa ta ra lệnh cho ngươi phải ra khỏi người này.
– Ta không muốn ra, mi không có quyền hành gì cả. Giờ ta chưa tới.
– Đó là những lời nói kiêu ngạo mà mi và những kẻ trong hỏa ngục cứ ngoan cố nói mãi. Mi thuộc về vực sâu chứ không thuộc về ánh sáng. Hãy trở lại đó đi, hỡi Satan.
– Ta đã nói là ta không đi. Ta không thích nơi đó, nơi đó không tốt.
Cha Quân giơ cao cây Thánh giá và tiếp tục:
– Hỡi satan, ta nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi, nhân danh bí tích Thánh Thể, ta ra lệnh cho ngươi phải ra khỏi nhà Chúa. Các ngươi không được làm gì ở đây. Hãy trở về hỏa ngục là nơi dành cho mi.
– Ta không đi, thằng đểu giả kia. Mi không có quyền hành chi hết.
Lúc này, cả người Cha Quân đã nhễ nhại mồ hôi, không chỉ có thế, mọi người có mặt trong nhà thờ đều toát hết mồ hôi và thậm chí run rẩy sợ hãi.
Bỗng mắt cha Quân chợt sáng lên. Ngài quay hỏi ông Hào:
– Con bé đã chịu phép rửa tội chưa?
Ông Hào ngập ngừng:
– Thưa cha, về việc này…
Bà Hào cướp lời chồng:
– Thưa cha, gia đình chúng con người lương nhưng chúng con tin Chúa ạ! Cháu Hoa cũng tin Chúa ạ!
Cha Quân hiểu ra vấn đề. Cha bảo người đi lấy nước và sau đó, ra hiệu cho bốn người giữ nó đầu hơi ngửa ra phía sau, một người đặt tay phải lên vai nó. Cha lớn tiếng đọc:
Lạy Chúa, nhờ các dấu hiệu của Bí Tích, Chúa dùng quyền năng vô hình mà thực hiện hiệu quả lạ lùng, và đã bằng nhiều cách sửa soạn nước này là tạo vật của Chúa, để bày tỏ ân sủng Bí Tích Rửa Tội
Lạy Chúa, trong chính nước Hồng Thủy, Chúa đã cho thấy hình ảnh ơn tái sinh, để nhờ mầu nhiệm cũng một thứ nước, chấm dứt các tính mê nết xấu, và khơi nguồn các nhân đức.
……
Lạy Chúa, Con Chúa đã được Gioan làm phép rửa trong nước sông Giođan, và được Chúa Thánh Thần xức dầu tấn phong; khi bị treo trên thập giá, Người đã để nước cùng máu chảy ra từ cạnh sườn Người, và sau khi sống lại, Người đã truyền cho các Tông Ðồ rằng: “Các con hãy đi dạy dỗ muôn dân, rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”….
Cha chạm tay vào nước và tiếp:
– Lạy Chúa, chúng con nài xin Chúa cho sức mạnh Chúa Thánh Thần, nhờ Con Chúa, xuống trên giếng nước này, để khi mọi người nhờ Bí Tích Rửa Tội, đã được mai táng cùng Chúa Kitô hầu chết cho tội, thì cũng được phục sinh với Người trong sự sống mới. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
Mọi người thưa : Amen.
Sau đó cha và cộng đoàn tuyên xưng đức tin rồi cha đổ nước lên trán con bé Hoa và đọc: Ta rửa con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.
Trước lúc Cha Quân làm nghi thức rửa tội, ba người đàn ông giữ nó quả quyết nghe thấy tiếng nói rít qua kẽ răng con Hoa: “Ta đi đây, không thể để thứ nước ô uế vấy lên mình ta được. Nhưng ta sẽ trở lại. Các ngươi hãy nhớ lấy.”
Tuy nhiên, đến nay, đã qua hơn mười năm, cô Hoa giờ đã là một người mẹ có hai con. Chồng cô được ơn tin Chúa khi lập gia đình với cô. Cả gia đình có một cuộc sống đạo đầy tràn ân sủng Chúa. Không thấy Satan quay trở lại mà cũng không còn thấy nó lại làm hại ai ở giáo xứ Vĩnh Lạc này.
Mã số 13-051
Bà Năm ngẩn người ra, không hiểu ông muốn nói gì. Bà lúng túng cúi xuống sát bên ông :
– Ông cần gì ?
Ông Năm đã mệt lắm rồi, nhưng dường như lòng khao khát hay cái gì đó tương tự làm ông không dám nhắm mắt lại, ông sợ nhắm lại rồi ông không còn mở ra được nữa. Cố rướn đôi mắt chỉ muốn khép lại, ông nói trong hơi thở sắp tàn :
– Đi mời cha nhà thờ cho tôi xưng tội.
Không phải là bà Năm nghe không rõ, nhưng đúng là bà không hiểu ông muốn gì. Nhìn đôi mắt tha thiết và khẩn khoản của ông, bà biết ông không mê sảng. Nhưng sao ông lại đòi mời cha nhà thờ nhỉ, ông đâu phải là người có đạo.
Ông Năm không để bà Năm phải bối rối lâu, ông đã chết trước khi bà Năm kịp quyết định là có nên đi mời cha nhà thờ cho ông hay không.
Không hiểu sao, bà Năm lại coi ước muốn cuối cùng của ông như một di chúc mà bà có bổn phận phải thực hiện. Có lẽ bà hối hận vì đã chần chừ không mời cha nhà thờ cho ông chăng ? Bà đến nhà thờ để hỏi cha xứ ước muốn xưng tội của chồng bà có nghĩa là gì. Thoáng chút ngần ngừ, cha xứ trả lời :
– Có lẽ ông theo đạo Công giáo. Vì chỉ có người công giáo mới muốn xưng tội trước khi chết.
– Xưng tội là sao hả cha ? – Bà Năm thắc mắc.
– À… là nói cho Chúa nghe những yếu đuối lỗi lầm của mình, những lần mình đã xúc phạm đến Chúa, những điều không tốt mình làm cho người khác… và xin Chúa tha thứ.
– Nhưng chồng con đâu có nói gặp Chúa. Chồng con xin được gặp cha để xưng tội mà.
– Thế này bà Năm à – Cha xứ phân trần – bây giờ con có giải thích bà cũng không hiểu đâu. Trừ phi…
– Trừ phi sao hả cha ?
– Trừ phi bà Năm theo đạo, rồi tự khắc bà Năm sẽ hiểu.
Thế là bà Năm đã vào đạo như thế đó. Bà xin theo đạo để có thể hiểu được ước muốn cuối cùng của chồng bà. Nhưng khi được học giáo lý rồi, lòng bà Năm lại cảm thấy lo lắng. Mỗi lần đến nhà thờ dự lễ là tâm trí bà chỉ còn xoay quanh một câu hỏi: không biết chồng bà có được tha tội không. Chỉ có Chúa mới biết là bà yêu ông nhiều như thế nào, nên bà cảm thấy đau đớn với ý nghĩ ông bị xuống hỏa ngục. Tim bà cứ nhói đau khi tưởng tượng giờ này ông đang phải quằn quại giữa một biển lửa, mà không phải chỉ trong một thời gian nào đó thôi, nhưng là đời đời kiếp kiếp. Đó là số phận của những người đang mắc tội trọng mà chết. Sự lo sợ của bà không phải không có căn cớ, bởi bà biết bí mật của ông, một bí mật mà sau khi ông chết bà mới phát hiện ra. Trong khi dọn lại những hồ sơ giấy tờ của ông, bà biết được rằng quả thật ông là người Công giáo. Không những vậy, trước khi cưới bà, ông đã từng có vợ và hai con. Như vậy, theo luật đạo, ông lấy bà là bất hợp pháp, là phạm tội trọng. Đã vậy, khi sống với bà, ông còn bỏ đạo, không lễ lạy gì cả. Sống với ông mấy chục năm, chưa một lần bà thấy ông nhắc đến Chúa. Ông chôn Chúa sâu xuống tận vực thẳm của lòng ông. Bí mật này của ông bà không dám kể cho ai, nhất là cha xứ. Không phải bà sợ mọi người nghĩ xấu về ông, điều bà sợ là phải nghe một lời phán quyết về số phận đời đời của ông, mà nếu điều đó được nói ra từ miệng cha xứ thì chắc chắn là sẽ không thể thay đổi được. Vì cha xứ là người thay mặt Chúa, nên điều gì cha nói thì chắc như đinh đóng cột, không thể sai chạy vào đâu được. Nghĩ vậy nên bà dặn lòng sẽ giữ bí mật này cho đến khi tìm được một câu trả lời chắc chắn rằng ông không bị phạt xuống hỏa ngục. Nhưng bà biết tìm câu trả lời đó ở đâu bây giờ, bởi tội của ông đã quá rõ ràng như thế, mà ông lại không kịp xưng tội trước khi chết… Bà chỉ còn biết cố giữ cho mình một niềm hy vọng mơ hồ mà bà linh cảm được khi nhìn lại cuộc đời của ông, nhất là sự khao khát mà bà đọc được trong đôi mắt của ông khi ông muốn được xưng tội lúc hấp hối. Chính đôi mắt ấy làm bà day dứt vì nỗi đã không đáp ứng được, và chính nỗi niềm không thể nói trong đôi mắt ấy đã đưa bà vào đạo. Nhưng bà cảm thấy niềm hy vọng của bà vẫn rất chông chênh, bởi lẽ nếu chỉ dựa vào đời sống của ông, thì… mà ông thì đã chết khi chưa kịp xưng tội. Bà nghĩ, phải có một niềm hy vọng nào đó mà không chỉ dựa vào việc con người có sống tốt hay không. Nhưng bà biết tìm niềm hy vọng đó ở đâu bây giờ, vì bà không thể bày tỏ nỗi niềm sâu kín đó cho bất cứ ai. Chúa mà bà mới tin theo vẫn còn rất xa lạ đối với bà, thậm chí bà còn không dám nghĩ đến Chúa cho niềm hy vọng của bà. Vì trong cái biết của bà, thì Thiên Chúa là Đấng sẽ thưởng phạt mỗi người tùy theo việc họ làm là tốt hay xấu. Tuy cả đời bà chưa thấy ông sống ác hiểm với ai, nhưng ông lại bỏ Chúa là một tội nặng lắm.
Cho đến một Chúa nhật nọ, nhằm ngày Lễ Lá, bà nghe đọc lại câu chuyện Chúa chết, trong đó có đoạn:
“… Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: ‘Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với !’ Nhưng tên kia mắng nó : ‘Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái !’ Rồi anh ta thưa với Đức Giê-su : ‘Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi !’ Và Người nói với anh ta : ‘Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng…” (Lc 23,39-43).
Nghe đọc như thế, bà thấy mình như người chết đuối vớ được cái phao, bà ôm chặt lấy đoạn Tin Mừng đó. Bà không còn nghe cũng không còn quan tâm đến những gì xảy ra sau đó nữa. Đoạn Tin Mừng đó, nhất là câu cuối cùng của Chúa Giê-su, như một cơn gió mạnh thổi tan tác đám mây đen vẫn vần vũ trên đầu bà. Chỉ một lời thôi, mà người ăn trộm được Chúa cho lên thẳng thiên đàng. Bà nghĩ, cả đời anh ta chắc hẳn là làm nghề trộm cướp, và dù không hiểu gì về luật lệ thời đó, bà cũng có thể hình dung được anh ta chắc phải là tên cướp của giết người thì mới bị án tử đóng đinh như vậy. Nhưng dường như Chúa Giê-su không quan tâm đến quá khứ của anh ta, Chúa chỉ biết giây phút hiện tại anh ta muốn gì. Anh ta xin Chúa nhớ đến anh trong nước của Chúa, và Chúa đã cho anh ta vào thiên đàng mà không xét đến việc anh ta là một tên cướp giết người… Bà cảm thấy lòng tràn đầy hy vọng. Nhớ lại những trận bóng đá mà bà vẫn ngồi coi cùng ông, có những đội bóng đã gỡ hòa hoặc chiến thắng ở phút cuối cùng, bà gọi đó là phút thứ 90-1. Nhưng ở đây không phải là 1 phút, mà bà nghĩ chỉ cần một giây thôi, đủ để cho người ta kịp ngoái đầu lại. Một giây của hiện tại. Một giây để hối hận. Một giây để nói lên ước muốn cuối cùng của mình như tên ăn trộm bên phải Chúa Giê-su. Song kinh nghiệm cũng dạy cho bà hiểu rằng, để 1 giây cuối cùng có thể ngoái đầu lại, thì người ta đã phải nỗ lực trong suốt 89 phút 59 giây trước đó, hay ít ra trong suốt thời gian đó, người ta đã phải thường xuyên ngoảnh đầu lại. Bởi lẽ nếu không có thói quen ngoái đầu lại, hay ít ra là ước muốn ngoái đầu lại, thì làm sao có thể kịp ngoảnh lại chỉ trong một giây… Bà nhớ lại cuộc đời của ông, nhớ lại ánh mắt tha thiết khẩn khoản của ông lúc hấp hối, và nhất là lời Chúa Giê-su nói với người ăn trộm…Và không chỉ tràn đầy hy vọng, bà đã tin…