Tin Giáo Phận-Giáo xứ 

Lược sử Cô nhi viện Mằng Lăng

Lược sử Cô nhi viện Mằng Lăng

conhivien-manglang

1. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ :

Cô Nhi Viện Mằng Lăng thuộc thôn Hội Tín, xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Trên Quốc lộ IA Từ Bắc vô Nam qua trụ cây số 1300 sẽ gặp cầu Ngân Sơn bắc qua sông Kỳ Lộ, dân địa phương gọi là sông Cái. Qua khỏi cầu Ngân Sơn chừng 600 mét, hoặc nếu từ Nam ra Bắc, cách ngã ba Chí Thạnh 02 Km, gặp trụ cây số 1301, đi theo huyện lộ về hướng Đông 1900 mét sẽ đến Cô Nhi Viện, tọa lạc bên cạnh nhà thờ Mằng Lăng.

2. THÀNH LẬP :

Căn cứ báo cáo của cha M. Fourmond (Rapport n° 312, Chapitre V Groupe Des Missions De Cochinchine & Cambodge ), Cô Nhi Viện Mằng Lăng được cha Joseph Lacassagne (Cố Xuân), cha sở Mằng Lăng (1888-1900), thành lập.

Khi cha Joseph Lacassagne đến Mằng lăng là lúc phong trào Văn Thân vừa chấm dứt (Văn Thân 1882 – 1886). Một trong những ưu tiên mục vụ của cha nhằm ổn định đời sống giáo dân sau cuộc bách hại là thành lập Cô nhi viện, qui tụ trẻ mồ côi vì người thân của họ đã chết trong phong trào Văn Thân.

3. BỔN MẠNG CÔ NHI 

Khi mới thành lập, Cô Nhi Viện Mằng Lăng được phú dâng cho Mẹ Maria, Mẹ của các cô nhi, mừng vào ngày lễ Sinh Nhật Mẹ, ngày 08/09. Từ ngày các nữ tu Mến Thánh Giá Qui Nhơn phụ trách, thánh Têrêxa Hài Đồng được chọn làm bổn mạng Cô Nhi Viện (01/10). Ngoài ra hằng năm có lệ chạp mả vào ngày 20 tháng Chạp âm lịch. Lệ này chấm dứt khi Cô nhi viện di cư vào Tuy Hòa. Từ khi nữ tu Théophine phụ trách cộng đoàn, để việc tập họp mừng Bổn Mạng khỏi bị trắc trở lụt lội, mưa gió, cộng đoàn cô nhi viện đã chọn ngày lễ Mẹ Thiên Chúa (01/01).

4. TÌNH HÌNH NHÂN SỰ CÔ NHI

Tôn chỉ và mục đích Cô Nhi Viện Mằng lăng là thực hiện công tác xã hội và nhân đạo. Nhận nuôi dưỡng, dạy dỗ các trẻ mồ côi thành người tử tế và nhận nuôi dưỡng, giúp đỡ những người già yếu, tàn phế không nơi nương tựa. Sổ sách từ ngày thành lập cho đến năm 1948 đã bị thất lạc. Tính theo sổ rửa tội từ ngày 30/03/1948 – 06/06/1999 có 440 người được nhận vào viện nuôi dưỡng. Một số em đã chết từ nhỏ, các em lớn lên đến tuổi trưởng thành, lập gia đình và hòa nhập vào lòng cuộc sống xã hội như mọi người. Hiện nay ở tại nhà cô nhi có một số các em nhỏ và một số là những cô nhi khuyết tật, nay đã lớn, không thể lập gia đình.

4. NHÂN SỰ PHỤ TRÁCH:

Ngay từ đầu, các nữ tu Phước viện Mằng Lăng được ủy thác phụ trách việc chăm sóc các em mồ côi. Danh sách các nữ tu phụ trách Cô Nhi Viện thời kỳ đầu đã bị thất lạc. Thế hệ sau, có các dì như dì Khen, dì Lịnh, dì Phan (Bà Rita, khấn dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn vào ngày 31/5/1960), Dì Xứ (Bà Isabelle, khấn dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn vào ngày 31/5/1960). Kể từ năm 1958, Cô Nhi Viện Mằng lăng được các nữ tu thuộc Hội Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn đảm nhiệm. Các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn phụ trách cộng đoàn Cô Nhi Viện lần lượt theo thứ tự thời gian:

01. 1958 – 1975 : Nữ tu Michelle Lê Thị Thành Tâm
02. 1975 – 1984 : Nữ tu Sophia Nguyễn Thị Ngọc Lan
03. 1984 – 1989 : Nữ tu Théophine Nguyễn Thị Mỹ Hảo
04. 1989 – 1990 : Nữ tu Thecla Lê Thị Thừa
05. 1990 – 1992 : Nữ tu Michelle Lê Thị Thành Tâm
06. 1992 – 2009 : Nữ tu Clothilde Trần Thị Kim Liên
07. 2009 – 2010 : Nữ tu Elise Nguyễn Thị Sơn
08. 2010 – 2012 : Nữ tu Maria Nguyễn Thị Ngọc Ánh
09. 2012 –          : Nữ tu  Elisabeth Nguyễn Thị Kim Khuê

5. CƠ SỞ VẬT CHẤT:

Nguyên cơ sở vật chất đầu tiên là các dãy nhà tranh vách đất được thiết dựng trên thửa đất ngay trước nhà thờ Mằng Lăng. Thửa đất nầy ngày nay có tổng diện tích 8.525 m². Các dãy nhà bằng gạch ngói ngày nay vẫn đang sử dụng đã được xây dựng từ lúc các nữ tu dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn phụ trách.

Nữ tu Isabelle Huỳnh Thị Xứ khởi công xây dựng dãy nhà ngủ các em với kích thước 10m x 25m chia làm 4 phòng. Khi phần móng vừa xong, Nữ tu Michelle Lê Thị Thành Tâm tiếp tục hoàn thành. Nhờ sự giúp đỡ của Mẹ Julienne, nữ tu Michelle chở sắt thép về theo đường thủy (từ cảng Qui Nhơn về bến Hội Phú), xây thêm ngôi nhà có trần đúc với kích thước 8,6m x 19,7m chia làm 3 phòng. Nữ tu Michelle xây lại nhà bếp, nhà cơm bằng vật liệu rắn chắc với kích thước 7m x 14m thay cho mái tranh vách đất đã xiêu vẹo. Mùa đông năm 1965, chiến tranh xảy ra trên vùng đất này. Nữ tu Michelle đưa toàn bộ các em cô nhi vào Tuy Hòa, lập nhà cô nhi viện tại góc đường Lê Lợi – Phan Đình Phùng, thị xã Tuy Hòa cũng với hội danh Cô Nhi Viện Mằng lăng. Cơ sở này có diện tích 20m x 35m, nhà một tầng trệt, hai tầng lầu.

Năm 1970, Bà Michelle lập trại chăn nuôi heo tại Đông Tác, Tuy Hòa để thêm nguồn nuôi sống các em. Cơ sở chăn nuôi nầy được Dì Matta Lê Thị Hòa, nữ tu Phước Viện Mằng Lăng, chị ruột của Bà Michelle phụ trách. Năm 1972, Bà Michelle dẫn một số các em lớn vào Bình Tuy khai khẩn đất hoang, trồng hoa màu. Năm 1975, các em ở cơ sở nầy được nhà nước quản lý, sau đó các em tản lạc, lập gia đình, mỗi em mỗi ngả. Bà Michelle vẫn bám lại cơ sở nầy, hiện nay là Cộng đoàn Hiệp Đức, Lập Đức, Tân Lập, Hàm Thuận Nam, Bình Thuận.

Năm 1976, nhà nước trưng dụng cơ sở tại Tuy Hòa. Nữ tu Sophia Nguyễn Thị Ngọc Lan và nữ tu Théophine Nguyễn Thị Mỹ Hảo đưa các em về lại cơ sở cũ tại Mằng lăng. Trong thời gian chiến tranh, dãy nhà ngủ các em bị sập một phòng, trần nhà đúc trúng bom, bị thủng một lỗ lớn, cả trần rêm nứt. Lúc bấy giờ chỉ chắp vá, tu sửa nhẹ những hư tổn trong chiến tranh để có tạm sử dụng.

Năm 1993 nữ tu Clothilde Trần Thị Kim Liên xây thêm trên trần nhà đúc một phòng 7m x 8,6m, nâng cao trần nhà bếp và chỉnh trang lại số phòng ốc, nhà vệ sinh.

Năm 2008, Nữ tu Elise Nguyễn Thị Sơn xây dãy phòng bệnh cho các em nhằm khi các em bị bệnh, các em không nằm ở phòng ngủ như xưa nay.

Năm 2011, Soeur Maria Nguyễn Thị Ngọc Ánh đã sửa sang lại một số phòng ốc, làm lại nhà bếp thoáng mát hơn.

6. ĐỜI SỐNG HẰNG NGÀY :

Từ khi được thành lập cho đến năm 1960, nguồn kinh tế của cô nhi viện được Nhà chung tài trợ. Mỗi tuần, một người lãnh 1 giạ lúa (7kg) tại kho lẫm nhà chung, cạnh cô nhi viện. Ngoài ra còn nhờ vào vài sào ruộng của Nhà chung giao cho cô nhi trực tiếp sản xuất. Khi nữ tu Michelle phụ trách cộng đoàn, nhờ cha Augustinô Nguyễn Thanh Long, cha Phaolô Nguyễn Xuân Bàn và nữ tu Gertrude giúp nữ tu Michelle mua bán gạo kiếm chút lời. Nhờ số tiền lời mua bán gạo, bà Michelle mua được 62 sào ruộng hai vụ tại Đồng Chẹt, thuộc thôn Hà Yến, xã An Thạch. Nhờ có số ruộng này cô nhi tự cung tự cấp lương thực cho tới khi di cư, năm 1965.

Khi dời cô nhi vào Tuy Hòa, nhờ nguồn trợ cấp xã hội, các nhà hảo tâm và mở cơ sở chăn nuôi tại Đông tác, huyện Tuy Hòa. Cơ sở này do dì Martha Lê Thị Hòa đảm nhiệm. Năm 1973, bà Michelle đưa các em cô nhi có sức khỏe vào Hàm Tân khai thác đất đai, lập cơ sở sản xuất. Cơ sở nầy ngày nay là cộng đoàn Hiệp Đức, Tân Lập, Hàm Thuận Nam, Bình Thuận.

Từ ngày hồi cư về Mằng lăng, kinh tế của Cô nhi viện nhờ vào số ruộng tại Đồng Chẹt. Năm 1979, số ruộng tại Đồng Chẹt được hoán chuyển về thôn Phú Thịnh, xã An Thạch. Hiện nay Cô nhi viện còn trực tiếp canh tác 10.098m² ruộng tại thôn Phú Thịnh, xã An Thạch; 1.520m² đất tại thôn Hội Tín, xã An Thạch; chăn nuôi gia súc và một số em khuyết tật làm những nghề thủ công như đan áo len, khăn quàng cổ, thêu khăn tay gởi đi bán trong nước và ngoài nước. Ngoài ra còn có sự giúp đỡ không thường xuyên của các nhà hảo tâm.

7. HƯỚNG TỚI TƯƠNG LAI

Các cơ sở vật chất của Cô Nhi Viện Mằng Lăng được xây dựng đã lâu, còn bị bom là rêm nứt. Những việc tu sửa lâu nay có tính cách tạm thời nhằm giải quyết nhu cầu cấp bách theo tình huống. Hiện nay cơ sở vật chất Cô Nhi Viện đã xuống cấp. Do đó việc xây dựng mới cơ sở vật chất để phục vụ các em cô nhi là cần thiết. Lại nữa, Mằng Lăng là quê hương của Á thánh Anrê Phú Yên. Hiện nay bà con khắp nơi hành hương về quê Á thánh Anrê Phú Yên rất đông nhưng khuôn viên nhà thờ Mằng Lăng không đủ đáp ứng nhu cầu. Vì vậy, để Cô Nhi Viện Mằng Lăng vẫn được sinh hoạt bình thường trong khi xây dựng cơ sở mới, đồng thời khi Cô Nhi Viện có cơ sở mới thì khu đất của Cô Nhi Viện được giáo phận cải tạo làm Trung Tâm Hành Hương Anrê Phú Yên. Cơ sở mới của Cô Nhi Viện Mằng Lăng sẽ được xây dựng tại khu đất Phước Viện Mằng Lăng, tổng diện tích khu đất 6.400m², liền kề phía sau nhà thờ Mằng Lăng.

THAY LỜI KẾT

Nhìn lại hành trình hơn 100 năm qua, nhìn thấy sự xuyên suốt tình thương của Thiên Chúa quan phòng, Đấng chăm sóc và xử công minh cho cô nhi quả phụ, Đấng cho họ bánh ăn, áo mặc (Đnl 10,18). Do đó, Cô Nhi Viện Mằng Lăng đang tiếp tục hành trình, một hành trình đầy niềm vui, tin tưởng và hy vọng. Hy vọng với niềm vui được Thiên Chúa chăm sóc qua biết bao nhà hảo tâm quảng đại giúp đỡ những em bé chào đời chưa một lần được thấy mặt ba mẹ, những em bé vì hoàn cảnh gia đình phải xa lìa vòng tay người thân, những em bé đã bị từ chối vì lý do riêng tư của mẹ cha…

Kính dâng lên Thiên Chúa muôn vàn cảm tạ.
Xin tri ân những nhà hảo tâm
Xin ghi nhớ mồ hôi, công khó, gương yêu thương phục vụ của những người đi trước.

Tác giả bài viết: Lm. Gioan Võ Đình Đệ
Nguồn tin: Gpquinhon.org

Related posts