Léopold cadière với vật cổ Huế

L. CADIÈRE VỚI CỔ VẬT HUẾ

Nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan

  1. L. Cadière với cổ vật Huế:

Trong bài diễn văn chào mừng Toàn quyền Đông Dương, R. Orband, chủ tịch Hội những người bạn Huế xưa (L’Association des Amis du Vieux Hué / AAVH / Đô Thành Hiếu Cổ) viết: “Notre distingué Rédacteur du Bulletin, l’érudit et trop modeste Père Cadière, eut un jour, l’idée de grouper les bonnes volontés pour étudier, faire mieux connaître, et par conséquent, aimer la vieille cité des Nguyễn. Cela (AAVH) se passait au mois de Novembre 1913”

Trong “Statuts de l’Association des Amis du Vieux Hué” (Điều lệ của Hội những người bạn Huế xưa) đã được J. L. Charles, quyền Khâm sứ Trung kỳ, duyệt ngày 14 tháng 11 năm 1913, viết: “Art. 2. L’Association des Amis du Vieux Hué a pour objet, de rechercher, de conserver et transmettre les vieux souvenirs d’ordre politique, religieux, artistique et littéraire tant européens qu’indigènes qui se rattachent à Hué et à ses environs” (Điều 2, Hội những người bạn Huế xưa có mục đích sưu khảo, bảo tồn và truyền bá những dấu tích xưa về chính trị, tôn giáo, nghệ thuật và văn chương, của người Âu cũng như người bản địa, gắn bó mật thiết với Huế và vùng phụ cận).[2]

Là người sáng lập, hơn ai hết, học giả L. Cadière thấy cần phải làm rất nhiều việc để có thể đạt được những mục đích nêu trên.

Theo điều lệ, L. Cadière đã cùng với Hội thực hiện một số công trình chính như sau:

1. Xuất bản một tập san tam cá nguyệt bằng tiếng Pháp, lấy tên là “Bulletin des Amis du Vieux Hué”, số đầu tiên ra mắt vào đầu năm 1914, và đình bản vào giữa năm 1944. Suốt 30 năm 6 tháng đó, L. Cadière là Rédacteur du Bulletin (Chủ bút). Thật là hiếm có. Qua đó, chúng ta thấy vai trò chủ chốt của L. Cadière đối với tập san.

2. Thành lập bảo tàng: Do nhu cầu tư liệu hiện vật cho việc nghiên cứu, do “Sự tôn trọng quá khứ và thị hiếu đối với nghệ thuật”[3], góp phần hạn chế sự ra đi của cổ vật cũng như nhu cầu tham quan, thưởng ngoạn của xã hội, AAVH thấy cần phải có một Bảo tàng tại Huế.

L. Cadière viết: “Chúng ta đang dần dần tiến tới việc thành lập một Bảo tàng. Tính hữu ích của một công trình như thế, những người tổ chức của Hội luôn luôn bận tâm đến. Thậm chí đây là một trong những mối bận tâm đầu tiên của họ, sau việc xuất bản Tập san”[4].

Bảo tàng đã được chính thức thành lập theo Nghị định số 1291 do P. Pasquier, Khâm sứ Trung Kỳ ký ngày 24-8-1923, lấy tên là Musée Khải Định.

Lúc đầu chỉ là một bộ sưu tập các đồ do vua quan trong triều ban tặng và do sự đóng góp của các hội viên, thế mà “chỉ mấy năm sau khi Bảo tàng Khải Định thành lập, số lượng hiện vật triều Nguyễn đưa từ Hoàng cung, các lăng tẩm và các nơi khác đến ngày càng nhiều. Số hiện vật mua được từ trong dân gian cũng không ít… số hiện vật bấy giờ lên đến khoảng 10.000 đơn vị”[5].

Đến ngày 28-12-1927 Tòa Khâm sứ Trung Kỳ ra một nghị định thành lập Section des Antiquité Cham (thường được gọi một cách nôm na là Phòng Chàm). Các hiện vật Chàm ở Section des Antiquité Cham (Khu cổ vật Chàm hay Phòng Chàm) có khoảng hơn 85 đơn vị, trong đó, một số do hội viên AAVH sưu tập được trong các cuộc du khảo và một số lớn do Yves Claeys khai quật ở Trà Kiệu cung cấp.

3. Thành lập Thư viện: Hầu hết những hội viên tham gia viết bài cho Tập san đều là nghiệp dư, vì vậy cần phải có một thư viện để cung cấp sách và tư liệu các loại cho họ có điều kiện làm việc.

Thư viện này về sau không những để phục vụ cho hội viên mà còn có thể cho một số người ngoài đến tham khảo.

Riêng bản thân vị Chủ bút Tập san, L. Cadière có một tủ sách và tư liệu đồ sộ. Sau khi Tập san đình bản và Hội chấm dứt hoạt động, số sách và tư liệu này đưa về Dòng Thiên An ở Huế. Đáng tiếc, năm 1968, một quả tên lửa từ máy bay bắn trúng căn phòng lưu giữ, đã thiêu rụi cả kho tàng quý giá này.

4. Tổ chức các cuộc du khảo (des excursions, des promenades de recherches) cho các hội viên viết bài. Đây chính là công việc đi điền dã, nghiên cứu thực địa. Dù là nghiên cứu nghiệp dư hay chuyên nghiệp thì người nghiên cứu cũng cần phải làm việc này để khám phá, sưu tầm tư liệu, hiện vật và tiếp cận di tích lịch sử văn hóa… Đây chính là việc làm, cách đây gần một thế kỷ, L. Cadière đã yêu cầu các hội viên Hội Đô thành hiếu cổ thực hiện: phải biết nhìn chung quanh mình, phải biết hỏi và phải biết lắng nghe. Tập hợp những kiến thức có được trong việc làm đó sẽ giúp người ta có được công trình khoa học có giá trị.

Để có thể “cứu vãn càng nhiều càng tốt quá khứ”, để có thể “đánh thức quá khứ dậy” đối với Huế xưa (Vieux Hué), cần phải nghiên cứu liên ngành (sử học, khảo cổ học, dân tộc học,…) nghiên cứu nhiều đối tượng. Trong đó “đồ cổ” chiếm một trong những vị trí quan trọng.

Qua nghiên cứu đồ cổ Huế một cách khoa học, chúng ta sẽ thấy những người Huế xưa sống như thế nào.

Cũng chính vì vậy mà L. Cadière đã đặc biệt quan tâm đến cổ vật Huế. Ngoài Bảo tàng chỉ để dành riêng cho cổ vật, L. Cadière đã để dành một phần khá lớn trong bộ BAVH để đăng những bài nghiên cứu, giới thiệu, khảo tả đồ cổ Huế.

Ngoài những bài chuyên khảo về đồ cổ Huế như các bài nghiên cứu về Cửu đỉnh truyền quốc trước Thế miếu, Cửu vị thần công trước Ngọ Môn, 33 món đồ đồng như trong sách “Ngự chế minh văn cổ khí đồ”, các vạc đồng thời Chúa Nguyễn, các bia đá ở các lăng vua và ở các cầu bắc qua Ngự hà và nhiều bài khác… Trong những bài như:

– “L’art à Huế”, của L. Cadière, BAVH, N0.1, 1919

– “La musique à Hué, đờn nguyệt et đờn tranh”, của Hoàng Yến, BAVH, No.3, 1919

– “Episode des fête du quarantenaire de S.M. Khải Định”, của H. Délétie, BAVH, No.1, 1925

– “Tombeaux annamites dans les environs de Hué”, của L. Cadière, BAVH, No.1, 1928

– “Le sacrifice du Nam Giao”, của R. Orband và L. Cadière, BAVH, No.1, 1936…

cũng đã đề cập nhiều cổ vật Huế.

Một vấn đề nữa chúng ta cần phải quan tâm là ngay trong số BAVH đầu tiên L. Cadière đã nhắc nhở người trong hội đối với những tiêu bản hiếm hoi còn sót lại, chúng ta phải khẩn trương miêu tả và chụp ảnh để bảo tồn kỷ niệm” (Lâtons-nous de décrire, de photographier les races spécimens qui restent encore, pour en conserver le souvenir)[6].

Sau đó, L. Cadière cho biết “Tập san sẽ gồm có phần bài viết và phần hình ảnh” (le bulletin comprendrait une partie texte et partie illustration)[7].

Với chủ trương này, nhiều cổ vật Huế đủ các loại đã xuất hiện trong một số lớn bài viết, nhiều cổ vật thật không còn xuất hiện trong cuộc sống nữa, hoặc đã bị thất tán, hoặc do không được dùng nên đã mai một, những thế hệ sau chỉ còn biết qua hình ảnh trên tập san.

Không phải bây giờ mà ngay cả những thập kỷ đầu thế kỷ thứ 20, cổ vật Huế đã thất tán một cách đáng báo động.

Năm 1929, P. Jabouille báo động: “… tất cả những tác phẩm mỹ thuật, những đồ đạc bằng gỗ quý giá, những bức tượng, những chiếc chậu, chiếc bình, những đồ đồng, đồ pháp lam, đồ ngà, vũ khí, còn gì thêm nữa đây, những đồ quý đã tạo nên sự tự hào của một triều đình xa hoa, đã làm đẹp cuộc đời các ông hoàng, các vị quan giữ các chức vụ cao nhất, các thương gia giàu có, những đồ vật ấy ra sao rồi? Bị săn đuổi, bị thâu tóm, bị nhượng bán, bị đổi chác, bị lường gạt.

Phần lớn cổ vật đã mãi mãi rời khỏi Annam và Đông Dương để ra đi. Chúng đã được sưu tầm bởi những phòng phát mãi ở Châu Âu và làm giàu thêm cho những bộ sưu tập của người nước ngoài.

Phải chăng đã đến lúc hạn chế sự ra đi này, hay ít ra cũng giữ lại ở Huế những đồ tiêu biểu, những đồ mẫu của tất cả những gì đã tạo nên đời sống nghệ thuật Annam… Hội Đô thành hiếu cổ đã tự nhiên nghĩ đến việc hành động chống lại sự trộm cắp này bằng việc cố gắng tập họp lại tại Tân Thư viện tất cả những gì có thể gợi lại quá khứ…”[8].

Trước đó hơn 10 năm, L. Cadière cũng đã lên tiếng: “On a dépouillé violemment, nous le savons, maintes et maintes fois, notre chère capital, et maintenant encore, le besoin d’argent de ses fils la force souvent de mettre en gage ou de céder définitivement, pour être dispersés dans les cinq régions du monde…” (Tôi biết đã bao nhiêu lần người ta cướp đoạt một cách tàn bạo Kinh đô thân yêu của chúng ta, còn bây giờ thì những đứa con của nó cần tiền mà đem cầm cố hay bán đứt để người ta phân tán nó đi khắp năm châu)[9].

L. Cadière quan tâm nhiều đến cổ vật Huế, không phải vì ông là một nhà sưu tập đồ cổ, mà chỉ vì ông là một học giả yêu mến Huế. Bằng tất cả thiện chí, bằng mọi cách, mọi hình thức, ông muốn giữ những gì còn lại của Huế ngày xưa cho Huế ngày nay.

L. Cadière từng tâm sự: “Nous aimons le Hué d’autrefois parce qu’il nous fait aimer davantage le Hué d’aujourd’hui..” (Chúng tôi yêu Huế ngày xưa bởi vì điều đó làm cho chúng tôi yêu Huế ngày nay nhiều hơn)[10].

Ước gì L. Cadière sống cho đến ngày nay để chúng ta có thể nghe những lời tâm sự như vậy.

Nói như vậy nghe thật vô lý, tuy nhiên, con tim có những lý lẽ riêng của nó.

Với tài năng và trí tuệ xuất sắc đã thấy được Huế xưa có một chiều dài thời gian thăm thẳm.

Cổ vật Huế, đối với L. Cadière, bao gồm những sản phẩm vật chất của quá khứ để thỏa mãn nhu cầu vật chất và tinh thần của con người thời đó, như: công cụ sản xuất và chiến đấu, đồ dùng trong cuộc sống thường ngày, tự khí, pháp khí, tín khí, nhạc khí, nghệ phẩm…

2. Không gian và thời gian đồ cổ Huế:

Không gian Huế ở đây tương đương với một đơn vị hành chính được thành lập vào năm 1307[11], đọc theo âm thanh Hán Việt là Hóa Châu. Châu Hóa thời kỳ đó có diện tích tương đương với tỉnh Thừa Thiên Huế ngày nay. Vào thời kỳ sau đó âm “Hóa”, xem ra đã phát sinh biến âm (đọc trại), cho nên trong sách “Dictionarium Annamiticum – Lusitanum – Latinum” của Alexandre de Rhodes xuất bản ở Rome năm 1651 viết: “Hóa, Kể Hóa, Thoàn Hóa: … regia cocincinenfis à lufitanis dicta Sinua: Kẻ Hoé…”. (Hóa, Kể Hóa, Thoận Hóa: Kinh đô xứ Cô-sinh, mà người Bồ đào nha gọi là Sinua, Kẻ Hóê”[12], trong “Divers voyages et Missions” (Hành trình và Truyền giáo) ông viết: “La ville où le Roi fait son séjour s’appelle Kehue” (thành phố chúa ở gọi là Kẻ Huế)[13]. Vào khoảng năm 1772-1773, trong sách “Dictionarium Annamitico Latinum”, Pierre Pigneaux de Béhaine đã bổ sung cho phần trên bằng chữ Hán Nôm kèm theo: “…: Huế…”[14].

Đơn vị hành chính này đã tồn tại hơn 700 năm, đã hình thành nên một số đặc trưng địa phương về lịch sử, văn hóa, xã hội…, trong đó có đồ cổ.

Một trong những vấn đề liên quan đến đố cổ Huế là nguồn gốc. Có xác định vấn đề này, người ta mới có thể tiến hành sưu tầm, bảo tồn, nghiên cứu.

Đồ cổ Huế phải quan niệm như nghệ thuật Huế, như L. Cadière đã viết: “L’Art à Hué” (Nghệ thuật ở Huế). Cũng vậy, đồ cổ Huế là “Les objets anciens à Hué”, hày “Les choses anciennes à Hué” (đồ cổ ở Huế). Những đồ cổ đó có thể là đồ bản địa (như đồ gốm Phước Tích, Cửu vị thần công…), cũng có thể là đồ ngoại nhập (như đồ Chu Đậu, đồ sứ ký kiểu…), miễn là nó đã từng gắn bó với người Huế, cuộc sống Huế trong quá khứ.

Nếu chúng ta đẩy thời gian lùi xa hơn nữa, thì giới hạn không gian nầy sẽ không còn đầy đủ ý nghĩa nữa.

Về vấn đề nầy, M. Colani đã từng viết: “Parler de province actuelle à propos de préhistoire peut sembler un non sens; nous n’attachons, cela va sans dire, aucune corrélation entre les établissements humains des époques reculées et cette division administrative relativement moderne (nói đến tỉnh hiện nay đối với thời tiền sử, có vẻ có thể là điều vô nghĩa, chúng tôi không gắn, điều đó khỏi phải nói, bất kỳ một mối tương quan nào giữa những xây dựng của con người vào những thời kỳ xa xưa với sự phân chia hành chính mới đây)[15].

Về phạm trù thời gian của Huế xưa, ngay từ những trang đầu tiên của số đầu tiên, bộ Bulletin des Amis du Vieux Hué, L. Cadière đã viết: “L’ensemble des faits qui constituent ce que nous avons appelé le Vieux Hué, peut se diviser, au point de vue chronologique, en quatre périodes: Le Hué préhistorique, le Hué Cham, le Hué annamite, enfin le Hué européen” (Toàn bộ những sự kiện hợp thành cái mà chúng ta gọi là Huế xưa, về mặt niên đại, có thể chia thành 4 thời kỳ: Huế tiền sử, Huế Chàm, Huế An Nam, Huế Âu)[16].

Qua “Plan de recherches pour “Les Amis du Vieux Hué”, chúng ta thấy Cha L. Cadière là một nhà quản lý tài năng, kiến thức sâu rộng, có một tầm nhìn xa.

Về Huế tiền sử, L. Cadière thổ lộ: “C’est uniquement par acquit de conscience que je mentionne le Hué préhistorique. Certainement, avant nous, avant les Annamites, avant les Chams même, l’emplacement où s’élève actuellement Hué a été habité. Par qui? Nous l’ignorons presque totalement” (chỉ để cho lương tâm được yên ổn mà tôi nêu ra Huế tiền sử. Chắc chắn là trước chúng ta, trước người An Nam, trước cả người Chàm, ở chỗ mà ngày nay Huế dựng lên đã có người ở. Họ là ai? Hầu như chúng ta không biết gì hết)[17].

Như chúng ta đã biết, năm 1909, M. Vinet đã thông cho trường Viễn Đông bác cổ Pháp (L’Ecole française d’Extrême-Orient, viết tắt là EFEO) biết đã đào được hơn 200 cái chum, trong đó có nhiều hiện vật gốm và đồ trang sức… ở bãi biển Sa Huỳnh (Quảng Ngãi).

Đây là lần đầu tiên phát hiện được các hiện vật khảo cổ học thuộc văn hóa Sa Huỳnh, một trong ba nền văn hóa thời tiền sơ sử rực rỡ trên đất nước Việt Nam.

Mãi đến năm 1924, H. Parmentier dựa vào những hiện vật do M. Labarre đào được vào năm trước, gần với địa điểm trên, để viết bài ngắn đăng trên Tập san Trường Viễn Đông bác cổ Pháp (Bulletin de L’Ecole française d’Extrême-Orient, viết tắt là BEFEO). Sau đó, cho đến năm 1975, việc nầy cũng chẳng tiến triển được bao nhiêu.

Không chỉ Thừa Thiên Huế, mà ngay cả Quảng Nam, gần Quảng Ngãi, trước 1975 là những vùng trắng văn hóa Sa Huỳnh.

Thế mà ngay từ đầu năm 1914, L. Cadière đã đặt vấn đề một thời tiền sử ở Huế. Điều nầy đáng để cho chúng ta suy ngẫm.

Sau năm 1975, giới khảo cổ học đã phát hiện và khai quật nhiều di chỉ khảo cổ học, và trục vớt từ các lòng sông Thừa Thiên Huế, thu thập được một số lượng lớn hiện vật khảo cổ học thuộc văn hóa Sa Huỳnh, trong đó có nhiều hiện vật tiêu biểu. Trước những thành quả đó, chúng ta không khỏi nhớ đến L. Cadière và cái dự kiến sáng suốt của ông.

Về Huế Chàm, trước khi thành lập AAVH và xuất bản BAVH, L. Cadière đã viết một số bài về Chàm như:

-Description de la statue de la grotte de Chùa Hang. BEFEO, I (1901), N04, pp. 411-413.

-Vestiges de l’occupation chame au Quảng Bình. BEFEO, IV (1904), N01-2, pp. 432-436.

-Monuments et Souvenirs chams du Quảng Trị et du Thừa Thiên. BEFEO, V (1905), N01-2, pp. 185-195.

-A la recherche de ruines chames.

-Notes sur quelques emplacements chams de la province de Quảng Trị. BEFEO, XI (1911), pp. 50-57.

Sau đó, L. Cadière viết một số bài về Chàm đăng trong BAVH như:

-La statue et les autres sculptures chames de Gian Biều.

-Sculptures chames de Thành Trung.

-La Citadelle chame des Arènes.

-Les sculptures chames de Xuân Hòa.

Với Huế tiền sử và Huế Chàm, chúng ta thấy L. Cadière muốn dùng BAVH và Bảo tàng để tái hiện Huế một cách toàn diện, qua cả các thời kỳ lịch sử.

Về Huế An Nam, một điểm mà chúng ta thấy khá rõ, là cổ vật Huế dân chưa có một vị trí tương xứng với nó. Phải chăng đây là một sự hạn chế về nhận thức cũng như điều kiện khách quan.

Về Huế Âu, phải chăng nó chỉ là một phần nằm trong một giai đoạn lịch sử Huế mà thôi.

Nhìn chung lại, căn cứ vào những thành tựu mà chúng ta thừa hưởng được từ L. Cadière, cũng như nhà sử học Pháp Georges Condominas, trước đây đã từng nêu một nhan đề: “Le Père Cadière, pionnier de la Vietnamologie moderne”[18], bây giờ chúng ta cũng có thể nêu ra một nhan đề tương tự: “L. Cadière, pionnier de la Hueologie” (L. Cadière, nhà Huế học tiên phong).


[1] R. Orband. Allocution du Président des Amis du Vieux Hué à M. le Gouverneur Général Sarraut Bulletin des Amis du Vieux Hué, N0 1, 1917, p.8):

“Vị Tổng biên tập xuất sắc của Tâp san, nhà trí thức khiêm tốn: linh mục Cadière nảy sinh một ý nghĩ và tập hợp lại các vị nhiệt tình để nghiên cứu, để hiểu sâu hơn nữa, và như vậy là yêu quý nhà Nguyễn. Sự kiện nầy đã xảy ra vào năm 1913”. Những người bạn cố đô Huế, BAVH, tập IV/ 1917 (Bản dịch của Đặng Như tùng, Tôn Thất Hanh hiệu đính). Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế, 1998, tr. 5).

[2] Documents consernant la société: Statuts de l’Association des Amis du Vieux Hué, Bulletin des Amis du Vieux Hué, N0 1, 1914.

[3] P. Jabouille (Thúy Vi dịch). Lịch sử của Bảo tàng. Trong sách “Bảo tàng Mỹ Thuật Cung Đình Huế”, tập II. Trần Đức Anh Sơn (chủ biên). Trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô Huế xuất bản, Huế 1997, tr.8.

[4] P. Jabouille (Thúy Vi dịch). Lịch sử của Bảo tàng. Trong sách “Bảo tàng Mỹ Thuật Cung Đình Huế”, tập II. Trần Đức Anh Sơn (chủ biên). Trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô Huế xuất bản, Huế 1997, tr.8.

[5] Phan Thuận An, Từ các học hội ở Đông Dương đến Phong Chàm ở Huế. Trong sách “Bảo táng Mỹ Thuật cung đình Huế”, tập II, Trần Đức Anh Sơn (chủ biên). Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế xuất bản, Huế, 1997, tr. 21).

[6] L. Cadière. Plan de recherches pour “Les Amis du Vieux Hué”, BAVH, N0 1, 1914

[7] L. Cadière. Projet pour l’organisation et le développement artistique des AVH. BAVH, N04,1915

[8] P. Jabouille (Thúy Vi dịch). Lịch sử của Bảo tàng. Trong sách “Bảo tàng Mỹ Thuật Cung Đình Huế”, tập II. Trần Đức Anh Sơn (chủ biên). Trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô Huế xuất bản, Huế 1997, tr.7-8.

[9] L. Cadière. Allocution du Rédacteur du Bulletin à Monsieur le Gouverneur Général Sarraut. BAVH, N04,1915

[10] Như trên

[11] Đại Việt sử ký toàn thư (Bản khắc in năm Chính Hòa thứ 18 [1697]. Hoàng Văn Lâu dịch. Tập II, Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội 1985, tr. 90

[12] Alexandre de Rhodes. Dictionarium Annamiticum – Lusitanum – Latinum” của Alexandre de Rhodes. Rome, 1651. Từ điển ANNAM – LUSITAN _ LATINH. Bản dịch của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ quang Chính. Nxb Khoa học Xã hội, 1991

[13] Alexandre de Rhodes. Divers voyages et Missions (Bản Pháp ngữ của Nxb Cramoisy 1653). Bản Việt ngữ của Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên. Tủ sách Đại Kết, Ủy ban Công giáo thành phố HCM, 1994

[14] Pierre Pigneaux de Béhaine.Dictionarium Annamitico Latinum, 1772-1773 (thủ bản). Tự vị Annam Latinh. Bản dịch của Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên, 1999

[15] M. Colani. Note Pré et protohistoriques: province de Quang Binh. BAVH. N01, 1914, p. 1).

[16] L. Cadière. Note pré et protohistoriques: province de Quang binh. BAVH. N01, 1914, p. 1).

[17] L. Cadière. Note pré et protohistoriques: province de Quang binh. BAVH. N01, 1914, p. 1).

[18] Georges Condominas.Le Père Cadière, pionnier de la Vietnamologie moderne. Etudes Vietnamiennes. N0 124, 2/1997

Related posts