Lược sử giáo xứ Trường Cửu
I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ:
Tên gọi giáo xứ Trường Cửu phát xuất từ tên gọi giáo họ Trường Cửu là nơi cha sở tiên khởi cư trú khi mới thành lập giáo xứ. Từ năm 1964 cho đến nay, Trường Cửu đã nhường vị trí làm cư sở của các cha sở cho Trung Ái. Nhà thờ Trung Ái toạ lạc tại thôn Trung Ái, xã Nhơn Hòa, huyện An Nhơn. Trên quốc lộ 19, cách ngã ba cầu Bà Di khoảng 7 km về hướng Phú Phong, vừa qua khỏi cầu Trắng, theo đường hương lộ về phía Đông khoảng 1.200mét sẽ gặp nhà thờ Trung Ái.
Giáo xứ Trường Cửu ngày nay bao gồm năm xã phía Tây Nam huyện An Nhơn: Nhơn Hòa, Nhơn Thọ, Nhơn Lộc, Nhơn Phúc và Nhơn Tân.
II. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ:
Theo báo cáo của Thánh Giám mục tử đạo Stêphanô Thể gởi Hội Thừa Sai Balê năm 1850 thì vùng đất giáo xứ Trường Cửu ngày nay có giáo họ cù Lâm là một trong 18 giáo điểm thuộc hạt (paraecia) Phù Ly. Lúc bấy giờ cù Lâm có 28 tín hữu. Hạt giống đức tin ở cù Lâm vừa mới nẩy mầm đã phải đón nhận những thử thách qua cuộc bách hại thời vua Tự Đức và phong trào Văn Thân. Trong phong trào Văn Thân nhà thờ và nhà giáo dân bị đốt phá bình địa, có khoảng 25 giáo dân bị chôn sống tập thể, ngày nay vẫn còn ngôi mộ. Tương truyền bà vợ tướng Mai Xuân Thưởng nhận một cậu bé làm con nuôi, nhờ đó cậu được sống sót. Cậu bé ấy sau nầy là ông câu Phêrô Trần Hương. Ông lập gia đình sinh ra con cháu họ Trần ở cù Lâm ngày nay: Trần Kinh (con) còn gọi là ông câu Phán, Trần Mỹ Thống (cháu nội) là một Chức việc có công nhiều đối với giáo họ cù Lâm.
Ngoài ra về phía Tây dãy núi An Trường của vùng này có một địa điểm được biết dưới tên là Đất Đạo nằm trong đèo Đá Chẹt chừng 05 cây số. Lúc bấy giờ, đây là một vùng xa xôi hẻo lánh, thánh Anrê Nguyễn Kim Thông đã trưng khẩn để làm nơi trú ẩn cho các tín hữu trong những khi bị cấm cách.
Trước năm 1930, phần đất giáo xứ Trường Cửu thuộc giáo xứ Kim Châu. Thời cha Simon Nguyễn Văn Chính làm cha sở Kim Châu (1894-1897) nhiều giáo họ được ngài thành lập: Đông Viên, Mỹ Ngọc, Trường Cửu, Hòa Tân, Đông Lâm, Trán Long, Nhơn Nghĩa, Thủ Thiện. Trong thời gian làm cha sở Kim Châu, cha Simon Chính cũng thường đến ở tại Trung Ái. Các cha phó biệt lập của Kim Châu lúc đầu ở tại Nhơn Nghĩa (An Thái) có: Cha Tôma Nguyễn Thiện quê Gò Thị, cha Phêrô Lê Vĩnh Phước (1923), cha Phaolô Nguyễn Tấn Thì (1925)…. Vào thời cha Laborier Hảo làm cha sở Kim Châu (1927-1929), cha Thì đến ở tại Trường Cửu (Xã Nhơn Lộc) và phụ trách thêm hai giáo họ Trung Ái và Nghiễm Hòa.
Các cha sở Trường Cửu từ khi thành lập giáo xứ:
1. Cha Phaolô Nguyễn Tấn Thì (1931-1933).
Năm 1931, giáo xứ Trường Cửu được thành lập gồm các giáo họ: Trường Cửu, Mỹ Ngọc, Tráng Long, Nhơn Nghĩa, Cù Lâm, Trung Ái và Nghiễm Hòa. Cha Phaolô Nguyễn Tấn Thì làm cha sở tiên khởi. Cha đã rửa tội được một số tân tòng, nâng đất làm nền nhà thờ và nhà xứ Trường Cửu.
2. Cha Gioan Baotixita Hậu (1933-1939).
Năm 1933, cha J.B. Hậu đến ở Trường Cửu thay cha Thì. Cơn bão tháng 11-1933 làm sập nhà thờ Nhơn Nghĩa. Bấy giờ Nhơn Nghĩa còn ít giáo dân, và được sự đồng ý của Đức Giám mục giáo phận, cha J.B. Hậu cho dỡ nhà thờ Nhơn Nghĩa đem về làm nhà thờ Trường Cửu. Cha Hậu cũng cất lại nhà thờ Cù Lâm (1935) và Trung Ái (1936).
3. Cha Anrê Phan Ngọc Lễ (1939-1942).
Năm 1939, cha Anrê Phan Ngọc Lễ đến thay cha J. B. Hậu. Cha Lễ mở trường học, mời các thầy Dòng Thánh Giuse về dạy học và dạy kinh bổn cho trẻ em.
4. Cha Phaolô Huỳnh Biên (1942-1944).
Tháng 10-1942, cha Phaolô Huỳnh Biên nguyên phó Kim Châu, được bổ nhiệm làm cha sở Trường Cửu. Theo ý Bề trên, ngài đã mua nhiều ruộng cho giáo xứ Trường Cửu.
5. Cha Giacôbê Nguyễn Hữu Thiên (1944-1945).
Tháng 8-1944, cha Giacôbê Nguyễn Hữu Thiên quê ở
Đồng Hâu, đến thay cha Biên.
6. Cha Anrê Nguyễn Hoàng Nhu (1945-1949).
Tháng 9-1945, cha Anrê Nguyễn Hoàng Nhu làm cha sở Trường Cửu. Ngài cất nhà lẫm, đóng bao lơn cung thánh, bàn quỳ chức việc cho Trường Cửu.
7. Cha Gioakim Bùi Vĩnh Mười (1949-1955).
Năm 1949, cha Gioakim Bùi Vĩnh Mười thay cha Nhu. Trong chiến tranh Việt-Pháp nhà thờ và nhà xứ Trường Cửu bị bom đánh sập. Cha Mười tạm ở Trung Ái một thời gian. Sau Hiệp định Genève 7-1954, cha Mười được bổ nhiệm làm cha sở Quảng Ngãi. Trường Cửu không có Linh mục thường trú, cha sở Kim Châu tạm kiêm nhiệm.
8. Cha Philipphê Nguyễn Anh Thọ (1955-1992).
Ngày 17-9-1955, cha Philípphê Nguyễn Anh Thọ được Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi bổ nhiệm làm cha sở Trường Cửu. Cha Thọ thường xuyên ở tại Trường Cửu, tu bổ nhà thờ, mời các cha Dòng Chúa Cứu Thế đến giảng tuần đại phúc, đẩy mạnh công việc truyền giáo, lập hai giáo họ Phụ
Ngọc thuộc xã Nhơn Phúc và Thọ Lộc thuộc xã Nhơn Thọ.
Cha xây dựng nhà thờ Khiết Tâm (Thọ Lộc) năm 1964.
Năm 1964, cha Thọ rời Trường Cửu đến thường trú tại Trung Ái, xã Nhơn Hòa cho đến năm 1992 về nghỉ tại nhà hưu dưỡng linh mục.
9. Cha Phaolô Trương Đình Tu (1992-2010).
Ngày 26-7-1992 Đức cha Phaolô Huỳnh Đông Các đã bổ nhiệm tân linh mục Phaolô Trương Đình Tu làm cha sở Trường Cửu, thay cha Thọ về hưu. Cha Tu vẫn thường trú tại nhà thờ Trung Ái, xã Nhơn Hòa, huyện An Nhơn.
Ngày 01/9/2003 Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn bổ nhiệm tân Linh mục Vinh Sơn Nguyễn Đình Tâm làm phó xứ. Cha sở và cha Phó vẫn ở tại Trung Ái.
Ngày 12/12/2004, cha Vinh Sơn Nguyễn Đình Tâm được bổ nhiệm làm cha phó biệt lập ở tại nhà thờ Khiết Tâm. Cùng ngày hôm ấy, cộng đoàn nữ tu Mến Thánh Giá Qui Nhơn được thành lập tại Khiết Tâm với hai nữ tu: Anê Huỳnh Thị Thanh Ninh và Anna Lê Thị Hà. Việc khôi phục lại nhà thờ Khiết tâm và sinh hoạt phụng vụ hằng ngày tại đây đã đem lại niềm phấn khởi cho bà con trong vùng.
Cơ sở tại Khiết Tâm do cha Philipphê Nguyễn Anh Thọ xây dựng đã bị cũ nát. Ngày 17/11/2003, Toà Giám Mục khởi công tái thiết nhà thờ, đại trùng tu nhà xứ để làm phòng sinh hoạt và phòng ở cho các nữ tu. Một nhà xứ mới cũng được xây dựng trong thời điểm nầy.
10. Cha Vinh Sơn Nguyễn Đình Tâm (2010….)
Ngày 22 tháng 3 năm 2010, cha Vinh Sơn Nguyễn Đình Tâm được Đức Giám mục Phêrô Nguyễn Soạn bổ nhiệm làm cha sở Trường Cửu.
III. HIỆN TÌNH CÁC GIÁO HỌ (cuối năm 2009):
1. Trung Ái, xây năm: 1936, hiện trạng: Xây mới, số gia đình:
46, số giáo dân: 197, bổn mạng: Trái Tim Chúa Giêsu.
2. Cù Lâm, 1936, Mới, 120, 470, Thánh Giuse 19/3.
3. Trường Cửu, Lâu, còn nền, 45, 199, Đức Mẹ Lên Trời.
4. Mỹ Ngọc, 1973, đổ nát, 17, 53, Sinh nhật Đức Mẹ.
5. Cầu Máng, Chưa có, 21, 82, Sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả.
6. Tráng Long, Lâu, Còn nền, 20, 90, Đức Mẹ Thăm Viếng.
7. Nghiễm Hoà, Lâu, Bình địa, 13, 59, Đức Mẹ Thăm Viếng.
8. Phụ Ngọc, 1959, Đổ nát, 17, 55, Đức Mẹ Vô Nhiễm.
9. Khiết Tâm, 2004, Mới, 27, 109, Trái Tim Đức Mẹ.
Nhà thờ Cù Lâm được cha Phaolô Trương Đình Tu tái thiết với diện tích 450 m2.
Nhà thờ Khiết Tâm (1964), Toà Giám mục tái thiết,
khánh thành 25/6/2004.
Nhà thờ Mỹ Ngọc (1973) hư hại nặng, có thể sập bất cứ
lúc nào.
Nhà thờ Phụ Ngọc (1959) hư hại nặng, còn đóng cửa. Nhà thờ Trung Ái được xây dựng năm 1936, diện tích
294 m2. Hiện nay nhà thờ, nhà xứ Trung Ái đã được cha
Phaolô Trương Đình Tu kiến thiết khang trang. Ngày
11/4/2007, cha Tổng Đại Diện Phêrô Hoàng Kym đã chủ tế thánh lễ làm phép nhà thờ Trung Ái. Nhà thờ mới nầy được thiết kế theo kiến trúc Á Đông.
Linh mục, tu sĩ, chủng sinh:
Từ giáo họ Cù Lâm đã xuất thân:
– Cha Phêrô Nguyễn Tuần (1892-1952).
– Cha Phêrô Trần Đức Thích (Qua đời tại Kontum
1958)
– Thầy Cyrille Trần Đức Thành, Dòng Thánh Giuse. IV. NHỮNG DỰ KIẾN:
– Nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho giáo dân.
– Tu sửa nhà thờ Mỹ Ngọc và Phụ Ngọc.
– Xây dựng lại nhà thờ Trường Cửu.
– Xây dựng một nhà nguyện tại Cầu Máng…
————————-
Lm. Gioan Võ Đình ĐỆ