Về Gò Duối
Nếu ở miền sông nước phía nam, với hệ thống kênh rạch chằng chịt, địa danh thường gắn liền với con kênh, cái nước như kênh Chợ gạo, kênh Vĩnh Tế, kênh Ba Bò …thì vùng miền trung quê tôi địa danh thường gắn liền với vùng đất trống cao hơn mặt ruộng, gọi là GÒ, nào là Gò Bồi, Gò Thị, Gò Đền, Gò Duối, Gò Dưa…Họ Đạo Gò Duối là một trong nhiều Họ Đạo đặt mình trên cái GÒ đặc trưng vùng miền này.
Nhìn về phía bắc Phú yên ta thường nhớ đến Sông Cầu nhưng có ai biết rằng Sông Cầu được nhắc đến chính nhờ cái dáng nhẹ nhàng thanh cao của những con người quen tiếp xúc với giới thượng lưu qua nghề dệt lãnh, dệt gấm vốn là sản phẩm dành cho người quý phái ( xem Non nước Phú yên của Nguyễn đình Tư ) của quê hương Gò Duối êm đềm này.
Tiết trời đang nóng dần, có thể vì sợ sự thô kệch của chúng tôi làm mất đi sự yên lành vốn có hoặc trước khi đến Gò Duối, chúng tôi muốn thanh luyện mình bằng cách đi qua vùng đất thánh Thạch Khê, nơi máu của những chứng nhân đức tin đã làm cho Gò Duối tồn tại, một hành trình đường vòng xa xôi chắc làm không ít người mỉm cười thú vị về một chuyến đi khác thường. Từ Tuy hòa qua cầu Bình phú về Tòa Giám Mục Quy Nhơn vòng lên Phú Tài, vượt đèo Cù Mông , nhận lấy hương lúa của cánh đồng Thạch Khê kiên trung chúng tôi về thăm Họ đạo Gò Duối ngày nào.
Tìm trên ghphuyen.com, Gò Duối hôm nay ít oi, nhỏ nhắn so với các họ đạo khác thuộc hạt Phú yên, nếu họ đạo cực nam (Đông mỹ) có trên 2000 giáo dân thì Gò Duối , điểm cực bắc giáo hạt chỉ trên 200 tín hữu, đưa ra con số để chúng ta có điều kiện hình dung về những thao thức khôn cùng của các chủ chăn.
Tiếp bước những cha sở tiền nhiệm, đặc biệt cha già Phaolô Trương Đắc Cần , người chủ chăn luôn vì đàn chiên được trao, Ngài đã kịp gìn giữ, xây dựng nhà thờ, nhà xứ…vào thời kỳ khó khăn của đất nước, không chỉ khó khăn về cơ sở thờ tự mà còn khó khăn về việc duy trì, củng cố đức tin đang giao động của số giáo dân còn lưu lại sau khi chiến tranh kết thúc, cha sở Phêrô Nguyễn Xuân Hòa, có lẽ là linh mục nhỏ con nhất trong các linh mục của Hạt Phú yên cũng là người con của Tuy Hòa mà chỉ hơn một tháng nữa ( 27-5 -2010), đúng một năm làm mục tử nơi đây đang phấn đấu hết mình cho công cuộc loan báo tin mừng mà những công trình trước mắt là một minh chứng: một sân tiền đường, một vườn hoa, một núi Đức mẹ đang dần hoàn thành, đặc biệt số tín hữu được tăng lên gần 300, một tín hiệu đáng mừng, một dấu chỉ ơn Chúa đang đổ xuống giáo xứ này…
Ngày mới nhận xứ, chúng tôi nói nhỏ với nhau rằng: “Không biết Cha Phêrô Hòa sẽ làm được gì cho Gò Duối nhỏ bé kia “chúng tôi nói với nhau bằng cái nhìn hoài nghi nhưng chúng tôi đâu biết rằng Thiên Chúa đã thực hiện bao việc lạ lùng nơi đây. Hưởng ứng lời mời của Tuy hòa, Cha đã lo cho 15 anh chị tân tòng hành hương Tuy hòa vào Chúa nhật áo trắng, chúa nhật Kính Lòng thương xót Chúa, một sự quan tâm với những anh em vừa mới tin Chúa làm chúng tôi suy nghĩ và hạnh phúc rất nhiều.
Giáo xứ Gò Duối đang chuyển mình, ánh sáng nơi mặt tiền nhà thờ đang xua đi bóng đêm của những năm tháng khó nghèo cũng là lúc ánh sáng Tin Mừng đang chiếu vào từng góc nhà , mảnh ruộng hầu đánh thức mọi người tìm về với tháp chuông chưa cao lắm nhưng cũng đủ để họ ngắm nhìn và quy phục.
Chúng tôi nhắc lại lời chúc lên đường của chúng tôi khi chúc Cha về với Gò Duối như một lời chúc tiên tri:
Trên bờ hồ Tibêria Xuân Lộc (Xã Xuân Lộc nay được chia thành ba xã Xuân lộc, xuân Hải, Xuân Bình – Nhà thờ Gò Duối nằm ở thôn Bình Thạnh, xã Xuân Bình) có chàng ngư phủ Xuân Hòa đang chèo con thuyền Xuân Bình, tiếp tục thả lưới ở chỗ nước sâu đem về cho Giáo Hội những mẽ cá diệu kỳ.
Chúng tôi rời Gò Duối bằng lời chúc lên đường bằng an của Cha Phêrô Hòa cùng những người giúp việc nhà xứ. Tạ ơn Chúa và không quên hẹn ngày trở lại.
————
Trần trần