Tết nguyên đáng

Tết Nguyên đán là dịp sum họp gia đình, để kính nhớ tổ tiên, thăm viếng nhau gia tăng tình thân ái và cũng là dịp rất thuận tiện để gặp gỡ những người mới tin và những người chưa tin đang cần được nghe Tin Mừng.

Với những những người chưa tin, Tết Nguyên Đán trao tặng cho ta những cơ hội bằng vàng để gây tình thân ái. Với những người đã cùng chia sẻ tình thân ái, Tết Nguyên Đán cho ta cơ hội tiếp nối và đào sâu mối gặp gỡ, chăm sóc hạt giống đã gieo.

Viếng thăm ngày cuối năm, đầu năm. Thiệp tết. Email. Điện thoại chúc mừng Năm Mới, với những lời chúc xuân ý nhị, không khuôn sáo.

Gặp gỡ ngày xuân không nguyên nơi lời ta nguyện chúc cho người khác mà còn cả nơi lòng tốt và những tâm tình cao đẹp qua những lời cầu chúc chân thành mà ta hoan hỉ biết ơn đón nhận.

Ta vui mừng mở rộng cửa tiếp đón người khác đến chúc lành cho ta. Đây là dịp quý để giải tỏa ngộ nhận “theo Đạo bỏ Ông bỏ Bà”. Không cần dài lời, chỉ cần làm sao để hương đèn trên bàn thờ gia tiên sẽ nói thay ta …

Ngày Tết, trong những gia đình theo đúng tinh thần Việt Nam, ẩn dưới những niềm vui rộn rã đầu xuân là cả một thực tại linh thiêng trầm mặc đầy ắp không gian: Cõi hữu hình và cõi vô hình đan dệt vào nhau, ông bà tổ tiên đã khuất như thể đang có mặt giữa con cháu cách thân thiết, gần gũi, linh thiêng và đầy an ủi.
Có được bầu khí ấy là nhờ các nghi lễ rất nghiêm túc của phụng tự gia đình. Các nghi lễ này mở đầu với giờ “cúng đón” (đón ông bà về ăn tết với con cháu) vào ngày 29 hoặc 30 tết, và kết thúc với giờ “cúng đưa” (tiễn chân ông bà) vào ngày mùng 3 hoặc mùng 4 tết (có nhà cúng đưa từ chiều mùng 2). Người công giáo biết rằng các linh hồn đã về với Thiên Chúa vẫn hiệp thông với các tín hữu ở trần gian thường xuyên chứ không riêng mấy ngày tết, cho nên không có chuyện đón ông bà về ăn tết và tiễn ông bà đi. Ngày nay cả nơi đại chúng người lương, không mấy ai còn hiểu hai chữ đón đưa ấy theo nghĩa đen, nhưng hiểu theo một nghĩa tượng trưng sâu sắc, nhằm xác định một thái độ nội tâm và đánh dấu khoảng thời gian họ muốn dành để tưởng nhớ gia tiên cách thật sâu đậm, khoảng thời gian họ muốn để cho tâm hồn lắng đọng trong niềm cảm mến biết ơn.

Trong khoảng thời gian ấy, bàn thờ gia tiên lúc nào cũng dìu dặt khói hương. Mỗi ngày người ta cúng hai hoặc ba lần vào đúng giờ cả nhà đã qui định trước. Mỗi gia đình có một người trực ở nhà để giữ cho hương đèn được ấm cúng liên tục, và để lo sửa soạn thức ăn, đến giờ thì bày lên bàn thờ, thành tâm cầu nguyện. Người trực đóng vai đại diện gia đình, luôn ở trong tâm tình cung kính trước sự hiện diện của anh linh tiên tổ, để bày tỏ niềm biết ơn và tưởng nhớ.

Khi đón nhận các truyền thống tốt đẹp của dân tộc, người công giáo nhằm đạt được phần tinh hoa chứ không vụ vào những hình thức rườm rà. Tuy vậy, trong mức độ vừa phải, hình thức vẫn cần thiết. Để phục hưng và phát huy được bầu khí linh thiêng thuận lợi cho tình cảm và hạnh phúc gia đình, rất cần giữ lấy những hình thức diễn tả tối thiểu và chính yếu. Xin nhớ chăm sóc bàn thờ gia tiên thật tươm tất trang trọng.

Nếu giáo xứ có thánh lễ tại nghĩa trang vào ngày mùng hai Tết, bạn có thể giới thiệu với bạn hữu người lương và mời những người có thân nhân yên nghỉ tại nghĩa trang ấy tham dự thánh lễ. Đừng quên gợi ý cho họ thấy người Công giáo dành ngày đầu năm để kính thờ Thiên Chúa và ngày mùng hai Tết mới dành riêng kính nhớ Tổ Tiên.

Xin nói thêm một việc tiếp đón bất thường gia đình ban có thể may mắn gặp được: những người di dân cơ nhỡ không có một mái nhà để về hoặc không đủ tiền về quê sum họp với gia đình trong dịp tết. An ủi biết bao cho họ khi được một gia đình mở rộng vòng tay thân ái, đón nhận họ như một thành viên của gia đình. Ngày chung thẩm Chúa Giêsu sẽ thêm vào diễn từ biết ơn của Ngài câu này: “Và khi Ta không có nơi ăn tết, con đã tiếp đón Ta”.

Kính chúc mọi người đầy ắp ơn lành của Chúa Xuân. Chúa Xuân đang đến, không chỉ nơi thiên nhiên mà cả nơi những con người sống động ngay bên ta.

Linh mục TRĂNG THẬP TỰ
gopnhattho@yahoo.com

Related posts

Leave a Comment