Nẻo đường hồn nhiên của Tin mừng: Những bài ca đạo hiếu

Tết Nguyên Đán là đại lễ gia đình. Đó đây vang lên những bài ca cầu cho cha mẹ của nhạc sĩ Phanxicô. Cho tới nay tại những vùng xa xôi hẻo lánh, những nơi chỉ có rải rác dăm mười gia đình Công giáo, hoàn cảnh sống đạo lắm khi vẫn còn hết sức khó khó khăn. Người dân có thể bị khó dễ chỉ vì đọc Kinh Thánh hay nghe nhạc thánh. Thế nhưng những bài ca cầu cho cha mẹ của Phanxicô thì chẳng ai nghe hát mà lại nỡ dập tắt. Cả những người hết sức ác cảm với Đạo Chúa cũng mong cho con cháu họ được thấm nhuần những bài ca ấy. Đó có thể là nhịp cầu để các phụ huynh không phân biệt lương giáo cùng trao đổi về việc giáo dục gia đình mà ai cũng bận tâm. Hơn nữa, qua đó nhiều phụ huynh người lương sẽ bắt đầu để ý tới giá trị của giáo lý và đức tin Kitô giáo.

CD nhạc “Cầu cho cha mẹ” đã được người ta tự động in sang nhiều chục ngàn bản. Nếu bạn cần một bản có chất lượng cao để chép lại tặng cho những vùng sâu vùng xa, bạn có thể liên hệ với tác giả qua email:.

Từ đầu năm 2008, Giáo phận Qui Nhơn đã khởi động chương trình mười năm truyền giáo dọn mừng kỷ niệm 400 năm Tin Mừng đến với quê hương Giáo phận tại giáo điểm Nước Mặn (1618-2018), cạnh thị trấn Gò Bồi, quê hương nhà thơ Xuân Diệu. Chiến tranh tàn khốc đã xóa sổ hàng loạt giáo xứ tại ba tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên, hiện còn 20 giáo xứ chưa được phục hồi. Đến thăm khuôn viên Tòa Giám Mục Qui Nhơn ta có thể thấy trưng bày 20 ngôi nhà nhỏ xíu với dòng chữ thương nhớ các giáo xứ ấy. Mỗi ngôi nhà cất giữ một hộp nhỏ chứa chút đất lấy từ nền ngôi nhà thờ đã từng là trung tâm của những xứ đạo sầm uất. Có người gọi đó là nghĩa địa các giáo xứ.

Công cuộc truyền giáo để phục hồi những giáo xứ ấy cần hàng chục ngàn CD “Cầu Cho Cha Mẹ” để gởi đến mọi gia đình Công giáo rải rác tại những nơi hẻo lánh, và qua những gia đình Công giáo, sẽ được gởi đến cả những gia đình không Công giáo. Những bài ca ấy không những sẽ gột rửa thành kiến “theo Đạo bỏ ông bỏ bà” và làm sáng rực lên giáo lý đạo hiếu của Kitô giáo mà còn xây dựng cõi lòng cho thế hệ mới ngay từ tuổi ấu thơ. Nếu bạn muốn đóng góp đôi phần kinh phí để thực hiện những CD ấy giúp vào kế hoạch 400 năm Nước Mặn, bạn có thể gởi về địa chỉ chúng tôi (Lm Võ Tá Khánh, Tòa Giám Mục Qui Nhơn, 116 Trần Hưng Đạo, Tp Qui Nhơn), chúng tôi sẽ thực hiện theo ý bạn. Xin chân thành cảm tạ.

II.

Mùng hai tết kính nhớ Ông Bà Tổ Tiên. Bạn hát những bài cầu cho cha mẹ còn sống và cả những bài cầu nguyện cho Ông Bà Tổ Tiên đã qua đời. Loạt thứ hai sẽ gồm những bài nào đây? Từ vực sâu u tối? Từ chốn luyện hình u tối?

Có thể trong thâm tâm bạn đang cảm thấy có điều gì đó không ổn.
Một giáo dân cao niên nhiều lần than thở với tôi:

– Những bài hát cầu hồn ấy khiến con nản quá. Từ vực sâu u tối! Thật không hiểu được tại sao những người lành thánh như thế, cả các cha và các soeurs, vừa nhắm mắt xuôi tay là bị tống giam liền! Ông Bà con qua đời đã hơn năm mươi năm, ngày giỗ người ta vẫn hát những bài ấy! Thiện chí của con cái Chúa đi về đâu? Chúng con sống đạo để làm gì? Thiên Chúa nhân ái ở đâu?

Có thể nhiều người ngoài Công giáo cũng có suy nghĩ ấy. Suy nghĩ ấy có thể tạo những ngộ nhận cản trở việc tiếp nhận Tin Mừng.

Đến chính bản thân tôi nhiều khi cũng cảm thấy thế. Trong nghi thức an táng, linh mục chia sẻ những lời đầy hy vọng về mầu nhiệm Phục sinh, ca đoàn hát những bài rất lạc quan: “Khi Chúa thương gọi tôi về”, “Con vẫn trông cậy Chúa”… Phần cử hành chính thức vừa kết thúc liền nghe cất lên: “Từ chốn luyện hình u tối, vọng tiếng bao linh hồn khóc than…”

Ô không, thông điệp Spe Salvi số 45-48 không coi luyện ngục là nơi giam cầm tù tội nhưng là thời gian thanh tẩy bi hùng của lòng Chúa thương xót.

Người ta thường quên rằng luyện ngục là ơn vô cùng lớn lao của lòng thương xót Chúa. Đó là cuộc thanh tẩy cuối cùng ngay trước cửa thiên đàng, cuộc thanh tẩy vô cùng hoành tráng cho ta được nên tinh tuyền thánh vẹn xứng đáng hiệp nhất với Thiên Chúa Chí Thánh trong hạnh phúc sâu thẳm và đời đời. Ước gì có thêm nhiều nhà thơ và nhạc sĩ Việt Nam đọc quyển sách tuyệt vời của Thánh Gioan Thánh Giá, tựa đề “Ngọn lửa nồng của tình yêu”, diễn giải bài thơ có đoạn mở đầu như sau:

Ôi ngọn lửa tình nồng
Thì ra Người đã
Đốt giữa lòng em
Vết phỏng thật êm ái.

Vết phỏng ấy chính là nỗi nhớ, nỗi khát, nỗi tương tư hướng về Đấng là Tình yêu vô cùng vô tận.

Ước gì nhiều nhạc sĩ sẽ cảm nghiệm và viết lên được điều đó, để ta sẽ đưa tiễn người quá cố lên chặng chót trước cửa trời với những khúc ca réo rắt: “Xin hãy thanh tẩy con bằng lửa thánh. Xin hãy đốt hết mọi bợn nhơ còn sót lại. Cho con nên thỏi kim loại chảy tan trong lò lửa thánh mà được nên tinh tuyền.”

Để đẩy mạnh công cuộc truyền giáo, ước mong những người phụ trách ca đoàn trong tang lễ lưu tâm chọn những bài hát đầy lạc quan tin tưởng. Ước mong các nhạc sĩ Công giáo sớm góp phần sáng tạo thêm những bài ca cầu nguyện cho người quá cố theo hướng tích cực nhất, giúp người lương dễ nhận ra niềm hy vọng Kitô giáo.

—————
Linh mục TRĂNG THẬP TỰ

Related posts

Leave a Comment