Con đường nào ta đi ?
CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG (Năm B, 2011)
LM. Giuse Trương Đình Hiền
Nhạc sĩ tài hoa Phạm Duy đã mở đầu ca khúc “Con đường tình ta đi” bằng những lời thật đẹp :
Con đường nào ta đi, với bàn chân nhỏ bé
Con đường chiều thủ đô, con đường bụi mờ…
Trong khi đó, nữ thi sĩ Phan thị Thanh Nhàn, đã có một bài thơ lục bát mang tên “Con Đường”, rất được các bạn trẻ ưa thích :
Khi anh đi với người yêu
Chỉ xin anh nhớ một điều nhỏ thôi
Con đường ta đã dạo chơi
Xin đừng đi với một người khác em
Hàng cây nào đã lớn lên
Vươn cành để lá êm đềm chạm nhau
Hai ta ai biết vì đâu
Hai con đường rẽ xa nhau xa hoài?
Nếu cùng người mới dạo chơi
Xin anh tránh nẻo đường vui ban đầu
Quả thật, trong nhiều loại hình văn hóa, nghệ thuật, trong nghiên cứu địa lý lịch sử hay trong xã hội đời thường, hình ảnh “con đường” rất được nhắc đến, minh họa, diển tả. Từ “con đương tình ta đi” của Phạm Duy, đến “con đường ta đã dạo chơi” của Phan thị Thanh Nhàn, còn có bao nhiêu con đường hiện thực khác dọc ngang trong lịch sử nhân loại và trong thân phận của kiếp người.
Chúng ta làm sao quên quên được con đường mang tên “Đại Lộ Kinh Hoàng” ở Quảng Trị trong “Mùa Hè đỏ lửa 1972”, hay “con đường chết” của tỉnh lộ 7 trong cuộc rút quân của quân dân Vùng 2 vào tháng 3 năm 1975…
Cho dù trên thế giới hôm nay, quê hương nào, đất nước nào, cũng muốn xây dựng những đại lộ tối tân, hiện đại, những con đường thẳng thóm, đẹp đẽ để nối liền biến giới, để thu ngắn không gian, để người ta có thể giao thoa gặp gỡ…
Tuy nhiên, vẫn còn những con đường ngập tràn máu và nước mắt của chiến tranh, khủng bố, đàn áp và bạo lực, những con đường bùn lầy nhớp nhơ của đói khổ bần hàn, những con đường tăm tối giăng đầy, tội ác rình rập, hiểm nguy chực chờ…
Trong khi đó, hôm nay, giờ nầy, ở giữa khung trời Mùa Vọng, hình ảnh “con đường”, “dọn đường”… luôn thấp thoáng âm vang trong ca kinh lời nguyện của mọi tín hữu : “Có tiếng kêu từ nơi hoang vắng mau dọn đường cho Chúa…”, “dọn đường cho Chúa đi, dọn đường cho Chúa đi”…
Vâng, chúng ta được mời gọi sống “mầu nhiệm con đường”, sống thời gian Phụng Vụ Mùa Vọng nầy bằng một thái độ đức tin đầy năng động tích cực : chuẩn bị một con đường tâm linh xứng hợp để đón gặp Chúa đến. Nói cách khác, để đến với Thiên Chúa và gặp gỡ anh chị em, chúng ta phải đi con đường nào ?
Chúng ta thử tìm vào những chỉ dẫn của Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay để tìm đáp án.
1. Từ tin vui về một con đường trong hoang mạc thời cựu ước
Ở giữa bối cảnh một Giêrusalem hoang tàn đang bị ngoại bang Babylon giày xéo, giữa một đoàn dân cúi đầu trước kiếp khổ nhục lưu đày, lời của Sứ ngôn Isaia vang lên như một Tin Mừng vĩ đại : “Hỡi kẻ loan tin mừng cho Sion, hãy trèo lên núi cao. Hỡi kẻ loan tin mừng cho Giêrusalem, hãy cất tiêng lên cho thật mạnh. Cất tiếng lên đừng sợ, hãy bảo các thành Giuđa rằng : “Kìa Thiên Chúa các ngươi”…” (BĐ 1).
Sau những lời sấm ngôn đó, lịch sử của dân tộc Ít-ra-en đã ghi rằng : Khoảng năm 539 trước công nguyên, Vua Kyrô của Ba-Tư chiếm Ba-by-lon và đã ra sắc chỉ cho phép đoàn dân Do Thái lưu đày được hồi hương, Giê-ru-sa-lem được tái thiết. Hồi đó, một nỗi vui tràn trào dâng ngập lòng dân Ít-ra-en. Họ đã cảm nhận tình thương cứu độ của Thiên Chúa dành cho họ quá thực, quá rõ như có thể mắt thấy tai nghe mà trích đoạn sách Isaia trong BĐ 1 hôm nay đã minh họa :
“Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa,
Tập trung cả đoàn dưới cánh tay.
Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng,
Bầy chiên mẹ cũng tận tình dẫn dắt.”
2. Tới con đường phúc thật của Đức Kitô.
Đó là câu chuyện của thế kỷ VI trước công nguyên.
Trong khi đó, cũng tại vùng đất Palestina khô cằn sõi đá, vào những năm đầu Công Nguyên, Philatô, một tổng trấn Rôma đang cai trị Ít-ra-en bằng độc tài khát máu, thì Gioan với biệt danh “Tẩy Giả”, trong vóc dáng của một “đạo sĩ rừng xanh”, một tiên tri lập dị đã lặp lại lời rao giảng của I-sa-ia hơn 600 năm trước : “Có tiếng người hô trong hoang mạc : hãy dọn đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi…” (TM).
Và sau những lời rao giảng đó, các tác phẩm Tin Mừng đã đồng thanh thuật lại rằng :Vào những “năm thứ 15 dưới triều hoàng đế Ti-bê-ri-ô” sau những lời Gioan Tẩy giả loan báo bên bờ sông Gio-đan, đã có một “Giê-su người Na-gia-rét” xuất hiện với “quyền năng trong lời nói cũng như việc làm” ; và rồi người ta đã kháo láo với nhau :
– ở làng bên có kẻ mù thấy, kẻ què đi ;
– bên thành phố nọ có mấy người phung cùi lành sạch, có kẻ bất toại đứng thẳng lên ;
– và ở đâu đó, tại làng Bêtania thì phải, có chàng Lagiarô chết 4 ngày xác thịt đang thối rửa sống lại ;
– cũng thế, ngay trên con đường thị trấn Naim, một thanh niên đang nằm trong quan tài để được an táng đã được phục sinh ;
– và kìa, ngay giữa hoang mạc cả hàng ngàn người đói mệt được no nê chỉ với dăm chiếc bánh và vài con cá…
Rồi người ta lại còn nghe : ông trưởng tuy thuế vụ Giakê mang tiếng tham nhũng, xảo quyệt tham lam đã cải tà qui chánh, cô gái làng chơi Mai-đệ-Liên đã trở lại hoàn lương, anh chàng Lê-vi hay ngồi ở bàn thu thuế đã bỏ nghề đi làm sứ đồ, và người đàn bà nhà quê tội nghiệp lỡ phạm tôi ngoại tình được cứu thoát khỏi bị ném đá…
Và cứ như thế, toàn dân đâu đâu cũng đuợc nghe một “TIN MỪNG”, “Tin mừng Nước Thiên Chúa” đã đến, “Tin mừng Thiên Chúa là Cha yêu thương như mục tử đi tìm con chiên lạc”, “Tin mừng về một Thiên Chúa làm người và ở giữa chúng ta, cùng chung chia thân phận bần hàn tội lỗi”, “Tin mừng về một cuộc tái sinh vào đời sống mới qua nước và Thánh Thần”, Tin mừng về một cuộc sống phục sinh nhờ cùng ăn Tấm Bánh Thần Linh từ trời ban tặng”, “Tin mừng về một thế giới được qui tụ thành một gia đình con cái Thiên Chúa, mà luật phấp cốt yếu lại là 8 con đường mang tên Tám Mối Phúc Thật”, phát xuất và được định hướng bới một Vị Thầy đã tự xưng rằng “Ta là Con Đường, Là Sự Thật và là Sự Sống”…
3. Con đường nào ta đi hôm nay ?
Hôm nay, sau 2000 năm, chúng ta lại được nghe lại những lời của ngôn sứ : “Hãy dọn đường cho Chúa đi, hãy mở đường cho Chúa đi !”. Và hy vọng điều gì sẽ xảy ra đây ? Những phép lạ, những cuộc đổi đời, những số phận bi đát tối tăm được nhìn thấy ánh sáng và hy vọng, những trái tim đổ nát hoang tàn được chữa lành băng bó ?
Vâng, thế giới hôm nay cũng mang trọn những dấu vết bất toàn của thế giới cách đây 2000 năm trước : một thế giới đang hằn sâu những dấu vết của nô lệ, của lưu đày, của què quặt, của đui mù, của cùi phung, của đói khát… ; một thế giới như một “Giê-ru-sa-lem hoang tàn vắng bóng Thiên Chúa”, vắng bóng những giá trị nhân bản và Tin Mừng đích thực để thay vào đó là hưởng thụ, dục lạc ; một thế giới như một Ít-ra-en lưu đày nô lệ khi :
– thay vì hòa bình an vui lại tràn lan bạo lực, khủng bố, chiến tranh,
– thay vì nhân ái, sẻ chia, huynh đệ, hiệp nhất, lại là ích kỷ, hận thù, ghét ghen,
– thay vì chân thật, trách nhiệm, công lý lại là dối trá, bất công, bạo lực, đàn áp.
– thay vì được xây dựng trên nền tảng là các gia đình hòa thuận, chung thủy, thánh thiêng, lại là các cuộc ly dị, ly thân, phá thai, suy đồi luân lý…
Trong một thế giới như thế, quả thực chúng ta cần có “phép lạ xảy ra”, cần có “Tin Mừng chợt đến”.
Nói cách khác, thế giới hôm nay, chúng ta hôm nay đang cần Chúa Giêsu và Tin Mừng cứu độ của Ngài. Và như thế, không còn con đường nào khác để chúng ta đi, để chúng ta chọn lựa, ngoài việc chúng ta phải mạnh dạn “đón mời Đức Kitô đến” và dấn bước trên chính lối do Ngài đề nghị ; chúng ta phải mở rộng cõi lòng để cho những hạt giống Tin Mừng của Ngài được gieo vãi, hạt giống khó nghèo, yêu thương, xây dựng hòa bình, hiền lành, trong sạch…hạt giống khiêm hạ và phục vụ yêu thương, hạt giống khoan dung và tha thứ.
Tuy nhiên, nếu ngày xưa, cuộc hành trình “vật lý” của dân Ít-ra-en, từ viễn xứ lưu đầy về lại cố hương Giê-ru-sa-lem là cả một cuộc xuất hành nhiêu khê, đòi hỏi nhiều gian nan, từ bỏ, khó nhọc, phấn đấu…thì hôm nay, trong cuộc hành trình tâm linh, cuộc hành trình đón nhận Đức Kitô và sứ điệp của Ngài, luôn phải là một “cuộc xuất hành mới” cam go hơn, thử thách hơn, vất vả hơn mà Lời Chúa diễn tả bằng các hạn từ “bạt xuống nhưng đồi núi”, “lấp đi những hố sâu”, “uống thẳng chỗ quanh co gập ghềnh…” ; đó là sứ điệp “đổi đời” (metanoia), thống hối mà Gioan Tảy Giả kêu gọi ; đó là “tinh tuyền, không chi đáng trách và sống bình an” như niềm mong ước của Thánh Cả Phêrô trong BĐ 2 vừa được công bố…
Đó là cuộc hành trình Mùa Vọng, là “con đường chúng ta đi” hôm nay và mãi mãi. Amen.