Năm B 

Ngôn sứ hôm nay và hành trang “Đa-vít

Ngôn sứ hôm nay và hành trang “Đa-vít

(CHÚA NHẬT XV (TN B 2012)

 

LM. Giuse Trương Đình Hiền

 

          Trong nhân sinh quan của người Kitô hữu thì “ơn gọi tông đồ”, “sứ mệnh ngôn sứ” ngay từ thuở bình minh khai sinh lập đạo đã được xem như là “qui luật của muôn đời”, như là “căn tính” gắn liền với thiên chức và đời sống thuộc về Chúa Kitô, Đấng vốn là Vị Tông Đồ, là Ngôn sứ  của Chúa Cha như chính Ngài đã khẳng quyết : “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21). Mà chẳng phải chỉ có vào thời Tân ước, ngay từ xa xôi trong lịch sử cựu ước, đã biết bao lần chúng ta nghe vang lên nhiều “chuyện kể” hay ho về ơn gọi ngôn sứ, một ơn gọi gần như “độc quyền” thuộc về phía Thiên Chúa. Như hôm nay, trong bài đọc 1, Amos được gọi làm ngôn sứ như chuyện trong mơ : “Tôi không phải là ngôn sứ, cũng chẳng phải là người thuộc nhóm ngôn sứ. Tôi chỉ là người chăn nuôi súc vật và chăm sóc cây sung. Chính Đức Chúa đã bắt lấy tôi khi tôi đi theo sau đàn vật, và Đức Chúa đã truyền cho tôi : “Hãy đi tuyên sấm cho Ít-ra-en dân Ta”.

          Quả thật, một khi Chúa đã “bắt lấy”, thì con người chỉ còn có một con đường duy nhất theo cách của sứ ngôn I-sa-ia đó là : “Dạ, con đây, xin sai con đi” (Is 6,8). Vì nếu cưởng chống kiểu tiên tri Gio-na, thì cuối cùng Chúa cũng cho cá mập đớp vào bụng rồi quăng đến nơi phải đến (Gn 2,1-11), hay như cái kiểu “coup de foudre” trên đường Damas dành cho Saolô đã khiến anh chàng Pharisiêu ghét cay ghét đắng kitô giáo nầy đã “quay hẳn 180 độ” để trở nên Tông Đồ và là “Tông đồ thứ thiệt” của Tin Mừng Phục Sinh ! Và như thế, ai trong chúng ta đều cũng có thể hát lên “từ ngàn xưa Cha đã yêu con, Cha gọi con giữa muôn người…”, để rồi khiêm tốn như Đức Trinh Nữ Maria cuối đầu trước dự định tình yêu của Thiên Chúa : “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa” (Lc 1,38), hay cầu xin cho được một chút mạnh mẽ can đảm để sẵn sàng thực thi thánh ý như chính Con Thiên Chúa khi cất bước vào đời : “Lạy Thiên Chúa, nầy con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10,7).

          Thế nhưng có người lại thắc mắc : Đi đâu và làm ngôn sứ là làm những gì? Cách đây hơn 2000 năm, địa chỉ trước tiên mà Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể vào đời để thực thi sứ mệnh đó chính là “nhà mình” : “Người đã đến nhà mình” (Ga 1,11a), ngôi nhà mà ở đó “người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1, 11b), có khi tỏ thái độ dè bĩu rẻ khinh, như tường thuật của Phúc âm Mác-cô trong Chúa Nhật tuần trước : “Ngôn sứ có bị rẻ rúng thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình” (Mc 6,1-6). Chính trong ý nghĩa đó mà chúng ta hiểu được rằng : mọi nơi và mọi thời vẫn có và vẫn còn những địa chỉ “nhà mình” từ chối Đức Kitô, những “Na-da-rét” khép lòng trước sứ điệp phúc âm, những “Bê-lem” đóng chặt cánh cửa để khước từ những “đôi uyên ương Giuse-Maria” đi tìm một chỗ dung thân cho ngày “sinh hoa mãn nguyệt”.

Địa chỉ mà những ngôn sứ, những tông đồ của thời đại hôm nay phải dấn thân tìm đến nào có xa lạ gì đâu khi vẫn còn đầy dẫy những gia đình mà ở đó người cha rượu chè be bét, người mẹ bạc bài suốt sáng thâu đêm, con cái bị vất ra đầu đường xó chợ ; có xa lạ gì đâu khi vẫn còn biết bao bệnh nhân trong các bệnh viện đang thoi thóp chống chọi từng phút giây với cơn đau và tử thần trong khổ sầu và thất vọng ; khi vẫn còn hàng triệu bạn trẻ thác loạn vì xì ke ma túy, trác táng buông thả với yêu cuồng sống vội ; có xa lạ gì đâu khi còn biết bao thân phận của những công nhân, nông dân nghèo khổ bị bóc lột tàn nhẫn trên những công lao của nước mắt và mồ hôi ; có xa lạ gì đâu khi còn biết bao địa chỉ là những nhà tù đầy ắp những “tù nhân lương tâm” chỉ vì chấp nhận trả giá cho những đòi hỏi của tự do công bình và bác ái ; và còn biết bao địa chỉ, nơi mà những tiếng thét gào của những em bé muốn được làm người nhưng đành vĩnh biệt cuộc sống khi chưa kịp nhìn thấy ánh sáng hay chưa nên hình nên dạng ; nơi mà những bóng tối âm u của thủ đoạn lọc lừa, của tính toan gian ác, đang kết bầy kết nhóm vì quyền lợi riêng tư mà sẵn sàng sử dụng mọi phương tiện bạo tàn, hạ cấp cho dù là chiến tranh, bạo lực, hay khủng bố…

          Vâng, bao lâu còn thế giới nầy là bấy lâu còn quỷ ma và tật bệnh ; ở đâu có con người là ở đó có tội lỗi, sai lầm, tội ác. Chính vì thế vẫn còn có biết bao nhiêu địa chỉ đang vẫy gọi bước chân người ngôn sứ, đang kêu cứu những Tông đồ. Người ngôn sứ đích thực không phải chỉ đến để “giảng rao sự sám hối” mà còn phải “khu trừ ma quỷ và xức dầu chữa lành các bệnh nhân”. Cho nên, điều quan trọng hơn ở đây, lúc nầy lại là hãy kiểm tra xem chúng ta, “những ngôn sứ của thời đại”, đang lên đường với thứ vũ khí nào trong tay, với hành trang nào đang có ! Có phải là những chiếc “áo giáp và thanh gươm nặng nề của Go-li-át” (1 Sm 17,32-51), hay là tấm áo da cừu, cây gậy với vài viên đá cuội và cái dây phóng đá của chàng thanh niên chăn chiên Đa-vít ? Mà Chúa Giêsu hôm nay cũng đã căn dặn như một “lệnh lên đường” kia mà ! “Không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy ; không được mang lương thực, bao bị, tiền giắt lưng ; được đi dép nhưng không được mặc hai áo”.

          Thế đó ! hành trang tông đồ, vũ khí của người ngôn sứ dùng để lên đường dấn thân chiến đấu với quỷ ma và tật bệnh, với tội lỗi và bóng tối lại chỉ là “sự khó nghèo” trong tin yêu phó thác, là niềm trông cậy trong sức mạnh và sự trợ giúp của chính Thiên Chúa, là những giá trị và cung cách ứng xử mang dáng đứng khiêm hạ, yêu thương…Và chúng ta cũng thừa biết, với những vũ khí và trang bị đơn sơ đó, Đa-vít đã tiến ra nghênh chiến với kẻ thù bằng một “bí kíp” đặc biệt khiến không chỉ đối phương mà ai ai cũng sững sờ kinh ngạc : “Ta đến với ngươi nhân danh Thiên Chúa các đạo binh”. Với “bí kíp độc môn” nầy, “khi Đa-vít xuất chiêu” kẻ thù liền gục ngã. Và chính “Hậu Duệ” của Ngài, người thanh niên thợ mộc làng Na-da-rét, Đức Giêsu-Kitô cũng đã lại “xuất chiêu” theo “bí kíp” của tổ tiên đã từng thực hiện như thế khi chấp nhận con đường khó nghèo và tự hạ thẳm sâu của khổ nạn để đập tan thế lực của tội lỗi và sự chết.

          Và hôm nay, với địa chỉ là “ngôi nhà ViệtNamnầy”, chúng ta lại được mời gọi lên đường trong sứ mệnh của những nhà “ngôn sứ mới”, của những “tông đồ của thời đại”. Xin Chúa hãy đong đầy trong chúng ta ngọn lửa của nhiệt tình, màu xanh của ước mơ và sự trần trụi của tin yêu phó thác. Đó chính là hành trang, là vũ khí “Đa-vít” để chiến đấu và chiến thắng.

            Cho dẫu biết ở cuối đường sứ mệnh có thể là tù tội truân chuyên, có thể là đau thương khổ nạn, có thể là cái chết, như chính Đức Kitô đã từng thông báo : “Ai muốn theo Ta hãy vác thập giá” ; hay như những tâm sự của một người vợ trẻ Huỳnh Thục Vy viết cho chồng : “Dù bị khủng bố tinh thần và mệt mỏi về thể xác ; nhưng anh ơi, niềm tin của em, sự khao khát của em đối với tự do vẫn là cả một nỗi niềm to lớn không dứt. Anh hiểu em mà, phải không anh? Em là đứa không chịu nổi những sự lố bịch, những bất công và sự “chướng tai gai mắt”. Đối với những thứ đó, dù biết mình chỉ là một cá nhân nhỏ bé và bất toàn, em luôn muốn san phẳng chúng đi.”, thì chúng ta vẫn sẽ không chùn bước một khi đã được Đức Kitô trân trọng kêu mời và trao ban sứ mệnh.

Related posts