Năm B 

Yên nghỉ trong Vương quốc sự sống

Yên nghỉ trong Vương quốc sự sống
(CHÚA NHẬT KITÔ VUA (NĂM B 2012 )

LM. Giuse Trương Đình Hiền

1. Đã có một Vị Vua và một Vương quốc như thế trên trần gian

Phụng vụ hôm nay dành riêng để tôn vinh Chúa Giêsu với tước vị đặc biệt : VUA VŨ TRỤ.

Để đi sâu vào mầu nhiệm nầy, có lẽ chúng ta lại phải ngược dòng thời gian để trở về với bối cảnh của xứ Palestina của 2000 năm trước…

giesuHồi ấy, tại Palestina, một xứ đang bị đế quốc Rôma đô hộ, đang khát khao một nhà giải phóng, một minh quân, một Đấng Cứu tinh như lời hứa của các sứ ngôn, đã tưng bừng rạng rỡ hẳn lên với một tin vui : Có một vị Rabbi đến từ Na-da-rét mà phong cách ứng xử, lời giảng dạy và quyền uy choáng ngợp chắc chắn sẽ đăng quang làm vua Ít-ra-en. Và đã có hàng hàng lớp người đua nhau đến với Ngài như đi trẫy hội. Mọi người bỗng dưng rạo rực vui mừng và tràn trề hy vọng về một ngày mai tươi sáng. Từ Capharnaum tới Giêricô, từ hoang mạc tới thị thành, từ ven biển hồ tới lưng chừng đồi núi…đâu đâu cũng nghe những tin vui xiết kể : những kẻ què đi được, những người mù sáng mắt, người điếc nghe, người câm nói, bao nhiêu người phung cùi được lành sạch, những kẻ bại tay, những người loạn huyết, cả những người bị quỷ ma ám hại lâu năm…cũng được chữa lành.

Làm sao mà chẳng tin “Nước của Vua Giêsu đang đến gần”, làm sao mà chẳng muốn tôn Ngài lên làm Minh Chủ để đem về một triều đại thái bình thịnh trị, no cơm ấm áo, như lời loan báo từ nghìn xưa của các sứ ngôn, như hình ảnh của sứ ngôn Đa-niel được nhắc đến trong BĐ 1 hôm nay : “…và đây tôi thấy như Con Người đến trong đám mây trên trời, Ngài tiến đến vị Bô Lão, và người ta dẫn Ngài đến trước mặt vị Bô Lão. Vị nầy ban cho Ngài quyền năng, vinh dự và vương quốc: tất cả các dân tộc, chi họ, và tiếng nói đều phụng sự Ngài; quyền năng của Ngài là quyền năng vĩnh cửu, không khi nào bị cất mất; vương quốc của Ngài không khi nào bị phá huỷ.”

Và dự định suy tôn Giêsu lên làm vua của dân Do Thái suýt nữa đã trở thành hiện thực sau phép lạ “Năm chiếc bánh và hai con cá” thành đại tiệc đãi mấy ngàn người mà Tin mừng Gioan đã thuật lại : “Nhưng Đức Giêsu biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình” (Ga 6,5-15).

Quả thật, với những thành công vang dội như thế, ai mà chẳng tin rằng : giấc mộng đế vương của Rabbi Giêsu đến từ Na-da-rét sẽ trở thành hiện thực nay mai, khi Ngài cùng đoàn môn đệ lên đường trở về Giêrusalem, thành đô muôn đời của các bậc đế vương trong lịch sử Dân Chúa. Vì vậy, hai môn đệ Giacôbê và Gioan con của ông bà Giêbêđê đã thậm thò thậm thụt nhờ mẹ đến để định chơi trò hối lộ : “Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy” (Mt 20,20-23)

Thế nhưng oái ăm thay, càng tiến gần về Giêrusalem, Vị Tiên tri đến từ Nadarét càng tung ra những lời rao giảng sao mà khó nghe, sao mà lạ đời : Nào “ai ăn thịt và uống máu tôi sẽ được sống đời đời”, nào “Con Người sẽ bị nộp vào tay kẻ dữ, bị kết án chết và ngày thứ ba sẽ sống lại…”, nào “Ta là mục tử tốt lành sẽ chết cho đoàn chiên…”, nào “hạt lúa mì có chết thối đi mới sinh hoa kết trái…”. Và trong khi bàn dân thiên hạ đang nô nức đợi chờ ngày chấp chánh đăng quang của Ngài với vương trượng và ngai vàng, với quyền uy choáng ngợp thì mọi sự đã sụp đổ tan tành với hung tin : Giêsu Na-da-rét bị kết án tử hình.

Và lạ lùng thay, chính Chúa Giêsu lại chọn chính thời điểm oái ăm nầy để tự khẳng định, để đăng quang vương quyền với câu trả lời cho Philatô mà Tin Mừng hôm nay đã thuật lại : “Tôi là Vua. Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là chỉ để làm chứng về Chân lý. Ai thuộc về Chân lý thì nghe tiếng Tôi”.

Và nhất là sau đó : Sự kiện “Chiều Thứ Sáu Tử nạn đã lật nhào tất cả ! Cho dù “bản án trên thập giá có được viết bằng 3 thứ tiếng Hy lạp, Do Thái, La Tinh với hàng chữ lớn “GIÊ-SU NA-DA-RÉT, VUA DÂN DO THÁI”, thì cũng chẳng thuyết phục được đám đông dám đặt hy vọng và tin tưởng vào một ông Vua Giêsu đang bị đóng đinh vào thập giá. Quả thật, không ai có đủ tầm nhìn xa hơn nữa, xuyên qua cái nảo nề bi thương của thập giá, để thấy và hiểu chính lời của Đức Kitô vừa nói trước tòa Philatô : “Nước Tôi không thuộc thế gian nầy”. Nhưng đó lại là Tin Mừng, là sự thật, một sự thật tuyệt đối của niềm tin kitô giáo mà nếu loại trừ hay không đón nhận thì chẳng còn gì là niềm tin như lời xác quyết của thánh phaolô :

“Trong khi Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đức Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ.” (1 Cr 2, 22-23)

Vâng, chính “Đức Kitô bị đóng đinh” thập giá với cuộc phục sinh của Ngài đã khai mở một dân tộc mới, một dân tộc của ơn cứu rỗi, một vương quốc và tư tế của Thiên Chúa như BĐ 2 trong sách Khải Huyền hôm nay đã xác quyết : “Người đã dùng máu Người mà rửa chúng ta sạch mọi tội lỗi, và đã làm cho chúng ta trở nên vương quốc và tư tế của Thiên Chúa, Cha của Người. Nguyện chúc Người được vinh quang và quyền lực muôn đời. Amen.

2/. Con đường tiến vào vương quốc của Đức Kitô

Nếu Đức Kitô đã lựa chọn những khoảnh khắc đặc biệt không ai ngờ để “đăng quang”, để tự xác nhận Vương quyền : khoảnh khắc của một “hang Bê lem” với hình hài một bé thơ nhỏ hèn mỏng manh yếu đuối để nhận lãnh thái độ tôn thờ phủ phục của Ba Vua phương đông với vàng nhủ hương và mộc dược, hay khoảnh khắc của một tội nhân chen chúc giữa đô hội anh em bước xuống dòng sông Giođan để được Gioan làm phép rửa mà sau đó là lời tuyên bố chính thức của Chúa Cha để ấn chứng vương quyền : “Đây là Con yêu dấu của Ta. Các ngươi hãy nghe lời Người” ; hay đặc biệt nhất, khoảnh khắc của môt tên tử tội bị kết án trươc tòa án nhân loại đã long trọng tuyên cáo “Ông nói đúng. Tôi là Vua”, và khoảnh khắc bị đóng đinh trên cây khổ giá mà chính con người phong tặng vương quyền với những dòng chữ “khinh mạn dể duôi” : “Giêsu Na-da-rét, Vua dân Do Thái”…thì phải chăng Ngài muốn xác định cái vóc dáng, cái hình hài, cái biên giới, cái nội dung của “Vua Kitô và Vương Quốc Nước trời” hoàn toàn khác biệt với cái “vương quốc trần tục”, vương quốc của chính trị và kinh tế, vương quốc của chiến tranh và bạo lực, vương quốc của tiền bạc và hưởng thụ.

Và vì thế, để dấn thân vào Vương quốc đó, để thuộc về thần dân của Vua Kitô, chúng ta lại phải mang một “căn cước khác”, một hộ chiếu khác, không dựa trên tiền tài hay sắc đẹp, quyền lực hay ma mánh, dối trá hay thủ đoạn…Phải có con mắt mới tinh trong sáng, phải có cõi lòng thanh thản bao dung, phải có con tim hiền lành và khiêm hạ, phải có cả hy sinh và sám hối…mới có thể nhìn ra Đức Kitô, Vị Vua quyền năng đang hiện diện ở đó trong những người nghèo, trong những người anh em chung quanh, trong một xã hội nhầy nhụa và phức tạp, trong mọi cơ chế tưởng chừng như đã vắng bóng Thiên Chúa tự thuở nào. Vì đã không có “con mắt như thế, cái nhìn như thế, niềm tin như thế” nên những kẻ dữ trong dụ ngôn “Ngày Phán xử” đã ngạc nhiên : “Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu ?”. Vâng Vua Kitô đang ở đó, trong những con người nhỏ bé, bất hạnh đó.

Tóm lại, lễ Chúa Ki-tô Vua hôm nay, vừa mời gọi chúng ta tái khẳng định niềm tin vào Chúa Ki-tô, Vua vũ trụ, là Đấng qui tụ chúng ta và đang dẫn chúng ta vào Vương quốc tình yêu và sự sống của Ngài. Đồng thời cũng gọi mời chúng ta kiểm tra cuộc sống theo Chúa Ki-tô mỗi ngày theo những giá trị của Tin Mừng mà Ngài đòi hỏi, đó là :

– đi trên nẻo đường Tám mối phúc thật : “Phúc cho ai khó nghèo…, hiền lành…, sầu khổ…, khát khao công chính, xót thương người…, tâm hồn trong sạch…, xây dựng hòa bình…, bị bách hại sống công chính…” (Mt 5,1-12)

– không ngừng hoán cải để mỗi ngày trở nên chân thật, trong sáng như trẻ nhỏ : “Thầy bảo thật anh em : nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18, 1-4) ;

– Đó là không ngừng thực thi giới luật bác ái yêu thương và nhận ra gương mặt của Chúa nới những anh chị em bé nhỏ nghèo hèn : “Nào những kẻ Cha Ta đã chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn…”

Và như thế, chúng ta không cần phải đợi đến ngày tận thế để được Vua Kitô phán xét và đưa vào Vương Quốc của Ngài ; nhưng chắc chắn, hôm nay, bây giờ, chúng ta đã thực sự ở trong Vương Quốc ấy, cũng như các Mục Đồng và ba đạo sĩ Phương Đông đã tìm gặp Vua Kitô nơi hang đá Bêlem hay như tên trộm bị đóng đinh bên hữu cách đây 2000 năm đã yên nghỉ bình yên trong Vương quốc sự sống. Amen.

Related posts