Để Thiên Chúa tiếp tục vào đời
Để Thiên Chúa tiếp tục vào đời
(CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG (Năm B 2011)
LM. Giuse Trương Đình Hiền
Trong làng thi nhân Công Giáo Việt Nam, có thi sĩ Hàn Mặc Tử được xem như “Cây đại thụ” của nền thi ca đạo. Đặc biệt ông để lại một bài thơ bất hủ : Ave Maria, trong đó có những lời thơ nhăc đến biến cố Truyền Tin rất đẹp và trang trọng :
Hỡi Sứ-thần Thiên-Chúa Gabriel,
Khi người xuống truyền tin cho Thánh-nữ,
Người có nghe xôn-xao muôn tinh-tú,
Người có nghe náo động cả muôn trời?
Người có nghe thơ mầu nhiệm ra đời
Để ca-tụng, — bằng hương hoa sáng-láng,
Bằng tràng hạt, bằng Sao Mai chiếu rạng,
Một đêm xuân là rất đỗi anh-linh? …
Vâng, Lời chào của thiên sứ Gabriel chính là TIN VUI trọng đại làm “xôn xao muôn tinh tú”, làm “náo động cả muôn trời” ; vì khởi đi từ tin vui Truyền tin nầy, nhất là, từ sau hai tiếng “XIN VÂNG” của cô thôn nữ Maria, lời hứa cứu độ bao ngàn năm loan báo đã bắt đầu hiện thực, niềm hy vọng thiên sai khiến dân Ít-ra-en dài cổ ngóng trông nay đã tác thành : “Ngôi lời đã trở thành xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1, 14)
Chúng ta cùng nhau dừng lại để lắng nghe những đề nghị của sứ điệp Lời Chúa.
Ca dao Việt Nam có lời rằng :
Yêu nhau yêu cả lối đi,
Ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng.
Nếu “Thiên Chúa yêu thế gian đến đổi đã ban Con Một” (Ga 3, 16), thì chính Người Con Một đó đã thể hiện tình yêu của Thiên Chúa bằng sự chấp nhận “yêu cả lối đi” nhân loại, cho dù lối đi đó cuối cùng sẽ dẫn ngài đến tận đồi Canvê để chịu đóng đinh thập giá.
Ngài đã yêu và đảm nhận cuộc sống làm người một cách trọn hảo. 4 sách Tin Mừng là 4 cuốn nhật ký về tình yêu cuộc sống con người của chính Chúa Giêsu.
Sau lời “Xin vâng” của Đức Trinh nữ Maria, Ngôi Hai Thiên Chúa đã bắt đầu chọn đi trên nẻo bấp bênh đó của kiếp phận con người :
– Ngài được cưu mang chín tháng trong lòng mẹ như bao vạn triệu con người để rồi cất tiếng khóc oa oa chào đời nơi hang lừa máng cỏ.
– Cũng như bao vạn sinh linh khác, Ngài cần sự sống được chuyển thông từ dòng sửa mẹ, để đi ra cuộc đời bằng xác thân mỏng manh yếu đuối của một bé thơ.
– Để chung chia số phận lầm than của những người lao công vất vả, Ngài đã chọn nghề thợ mộc âm thầm suốt 30 năm trong xưởng thợ Na-da-rét, bằng mồ hôi mệt nhọc nuôi sống bản thân và phụng dưỡng cha mẹ.
– Chính tình yêu thương đã khiến Ngài không cầm lòng khi nhìn thấy người chị Matta, Maria phải mất em, khi chứng kiến mẹ già thành Naim vĩnh biệt con trai yêu dấu, ông Giairô mất đứa con gái rượu, nên đã Ngài đã quyết định thi thố quyền năng “hoàn sanh cải tử”.
– Và Ngài đã biểu lộ tình yêu thương cách đặc biệt đối với những thân phận tật nguyền, bệnh hoạn cả thể xác lẫn tinh thần khi sẵn sang dung các phép lạ như dấu chỉ tình thương cứu độ của Thiên Chúa tình yêu : những người phong cùi được chữa lành, mù thấy được, què đi được, câm, điếc, quỷ ám, bại liệt…đã được trả lại cuộc sống bình yên.
Ánh mắt yêu thương của Ngài không chỉ dừng lại trên những nổi đau thể xác mà còn đi đến tận những nổi đau tinh thần : Ngài đã đem niềm hy vọng làm lại cuộc đời cho Mai-đệ-liên, xóa đi nổi hổ thẹn ê chề của người phụ nữ ngoại tình bị loài người kết án.
Và vì yêu cuộc sống, cuộc sống vĩnh cửu của mọi con người, nên Ngài đã chấp nhận “trở thành hạt lúa mì chôn vào lòng đất” qua cuộc tử nạn đơn đau của con đường thập giá để từ đó phát mùa lúa mới của ân sủng cứu độ nhờ cuộc phục sinh vinh thắng.
Khi dấn bước vào đời, phải chăng Con Thiên Chúa muốn đích thân kết bạn với chúng ta cho dù tội lỗi đã làm cho ta mất đi khuôn mặt giống ảnh hình Thiên Chúa.
Quả thật, khi mang lấy kiếp phận loài người, Ngôi Lời đã dạy chúng ta phải yêu thươn con người, bởi vì kể từ biến cố nầy, khuôn mặt của nhân loại sẽ lại được tái tạo sao cho giống ảnh hình của Thiên Chúa, con của một Cha, anh em một nhà, cho dù khác nhau về màu da, tôn giáo, ngôn ngữ, ý thức hệ…
Trong một thế giới mà sự lãnh đạm, thờ ơ, vô tâm đã trở thành quy tắc ứng xử, chủ nghĩa vụ lợi, cá nhân và ích kỷ đang lên ngôi, nạn tàn sát sự sống thai nhi đã đến hồi nghiêm trọng cảnh báo, một thế giới mà nạn chiến tranh, khủng bố, bạo lực xã hội và trong gia đình lan tràn khắp chốn, thì “Sứ điệp Truyền Tin” hôm nay và Giáng Sinh vài ngày nữa quả thật cần thiết biết bao ! Cần thiết biết bao cuộc nhập thể của Ngôi Lời trong mọi cơ cấu của xã hội để hoán cải , để chữa lành, để phục sinh.
Và mỗi người Kitô hữu chúng ta có trách nhiệm để làm cho Mầu Nhiệm Truyền Tin, Mầu Nhiệm Ngôi Lời nhập thể hiện thực trong cuộc sống nầy, cuộc đời nầy, như cách cảm nhận của một bài thơ :
Lạy Chúa, xin cứ dùng con theo ý Chúa,
Làm chân tay cho những người què cụt
Làm đôi mắt cho ai phải đui mù,
Làm lỗ tai cho những người bị điếc,
Làm miệng lưỡi cho những người không nói được,
Làm tiếng kêu cho người chịu bất công.
Lạy Chúa, xin cứ gởi con ra đồng lúa,
Để đem cơm cho người đói đang chờ,
Và đem nước cho người họng đang khô,
Đem thuốc thang cho người đang đau ốm,
Đem áo quần cho người đang trần trụi,
Đem mền đắp cho người rét đáng run.
Lạy Chúa, xin cứ gởi con ra đường vắng,
Thắp đèn soi cho ai bước trong đêm,
Đốt lửa ấm cho những ai giá lạnh,
Truyền cảm thông cho lữ khách đơn côi,
Nâng phẩm giá cho kẻ đời chà đạp,
Đem tự do cho những kiếp đọa đầy…
(NCĐ)
Và chúng ta đừng quên rằng, cách đây 2000 năm, người thôn nữ thánh thiện, trinh trong Maria ở làng Na-da-rét, bằng hai tiếng “XIN VÂNG” ngoan ngùy và dũng cảm, đã biến cuộc đời thành quà tặng để Thiên Chúa nhập thể làm người và hiện diện giữa lòng thế giới, như lời diễn giải tuyệt vời của ca khúc “từ lúc Mẹ nói lời xin vâng” của NS. Trầm Hường :
“từ lúc Mẹ nói lời xin vâng, Mẹ trở nên Thánh Mẫu tuyệt vời…kỷ nguyên mới đã đến trong đời…Ngôi Lời Thiên Chúa đến với nhân loại…Huyền diệu quá muôn đời tiếng Xin Vâng”.
Còn không mấy ngày nữa chúng ta mừng đại lễ Giáng Sinh. Ước gì, ngày từ hôm nay và mãi trong cuộc đời, con người và cuộc sống chúng ta sẽ là “địa chỉ thích hợp” để từ đó Thiên Chúa tiếp tục “vào đời” và mang cho thế giới niềm vui, tin yêu và hy vọng. Amen.