Củng cố và canh tân tình huynh đệ linh mục trong giáo phận (bài 3)

Bài chia sẻ của ĐGM. Matthêu Nguyễn Văn Khôi trong cuộc tĩnh tâm thường niên của các linh mục giáo phận Phan Thiết từ ngày 9 đến 13-1-2012, theo chủ đề “Củng cố và canh tân tình huynh đệ linh mục trong giáo phận”

3.

XÁC ĐỊNH LỘ TRÌNH

CỦA TÌNH HUYNH ĐỆ LINH MỤC

Nếu nguồn mạch, nơi phát xuất của tình huynh đệ linh mục là mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, cộng đoàn các môn đệ qui tụ xung quanh Đức Kitô, Mầu nhiệm Hội Thánh, Bí tích Thánh Thể và Bí tích Truyền Chức Thánh, và nếu nguồn mạch xác định dòng chảy của con sông theo kiểu agire sequitur esse, thì chúng ta có thể khẳng định rằng lộ trình của tình huynh đệ linh mục cũng được xác định bởi linh đạo hiệp thông được khám phá nơi mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, nơi cộng đoàn huynh đệ giữa các môn đệ Đức Kitô, nơi mầu nhiệm Hội Thánh, nơi sự kết hiệp với Đức Kitô và với nhau trong bí tích Thánh Thể và nơi việc thực thi đức ái mục vụ giữa các linh mục với nhau do Bí tích Truyền Chức Thánh đòi hỏi. Vì thế, Chỉ Nam Linh Mục, số 19, đã không ngần ngại gọi tình huynh đệ linh mục là linh đạo đặc thù của linh mục giáo phận.

Linh đạo linh mục giáo phận vừa có tính bí tích, vừa có tính mục vụ. Tình huynh đệ này là tình huynh đệ giữa những người được thánh hiến bởi bí tích truyền chức thánh, nên mang tính bí tích của sự hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa (x. 1 Ga 4,7-21). Tính chất giáo phận của tình huynh đệ này không được diễn tả qua một định chế như tình huynh đệ trong các cộng đoàn dòng tu, nhưng mang tính mục vụ và hướng đến dân Chúa. Linh đạo linh mục giáo phận được tái khám phá nơi tình huynh đệ. So với hoạt động mục vụ, tình huynh đệ diễn tả sự hiệp thông trong Giáo Hội cách cơ bản hơn.

1.  SỐNG HIỆP THÔNG VỚI THIÊN CHÚA BA NGÔI

Tình huynh đệ linh mục bắt nguồn từ Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi nên phải được thể hiện trước hết bằng việc các linh mục sống hiệp thông với Ba Ngôi Thiên Chúa. Chính trong Thiên Chúa, các linh mục mới có thể nhận ra và sống với nhau như anh em. Cũng như trong một gia đình, con cái càng gắn bó với cha mẹ thì càng trở nên một với nhau. Chữ “hiếu” của con cái đối với cha mẹ là nền tảng của chữ “đễ” giữa anh chị em một nhà. Thánh Gioan Tông Đồ cũng đã dạy: “Ai yêu mến Đấng sinh thành, thì cũng yêu thương kẻ được Đấng ấy sinh ra” (1 Ga 5,1).

Uỷ ban Giáo hoàng về Đại hội Thánh Thể Thế giới, trong văn kiện có tựa đề Thánh Thể, hiệp thông với Đức Kitô và với nhau. Suy tư thần học và mục vụ hướng tới Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 50 cử hành tại Dublin, Ireland, 10-17/6/2012, số 35, đã viết: “Linh đạo hiệp thông đưa chúng ta vào chính cung lòng mình mà chiêm ngắm Mầu nhiệm Ba Ngôi, Đấng cư ngụ trong chúng ta, Đấng mà chúng ta cũng phải có khả năng thấy được ánh sáng của Ngài chiếu toả trên khuôn mặt anh chị em chung quanh chúng ta. Điều đó đòi chúng ta phải có khả năng nghĩ tới anh chị em chúng ta trong đức tin, nghĩ tới họ trong tình hiệp nhất thâm sâu của Nhiệm Thể Chúa Kitô, và do đó nghĩ tới họ như họ là một phần của chính cái tôi”.

Cha Anthony de Mello, SJ, kể một câu chuyện thật ý nghĩa mà ai cũng thích kể đi kể lại. Ngày kia một vị linh sư Ấn giáo hỏi các đệ tử của ông như sau: “Làm sao biết được lúc nào đêm tàn và ngày mới bắt đầu?”. Một đệ tử giơ tay xin trả lời: “Thưa thầy, đó là khi ta trông thấy một con thú từ đàng xa và ta có thể nói đó là con bò hay con ngựa”. Câu trả lời không làm cho vị linh sư ưng ý chút nào. Một đệ tử khác xin trả lời: “Thưa thầy, đó là khi ta thấy một cây lớn từ đàng xa và ta có thể nói đó là cây xoài hay cây mít”. Vị linh sư cũng lắc đầu. Khi các đệ tử nhao nhao muốn biết câu giải đáp, vị linh sư mới ôn tồn nói: “Khi nhìn vào khuôn mặt của bất cứ người nào và nhận ra đó là người anh em, thì đó là lúc đêm tàn và ngày mới bắt đầu”.

Khuôn mặt của tha nhân vốn là khuôn mặt của người anh em vì cùng có chung một Cha trên trời, nhưng sở dĩ người ta không nhận ra không phải vì bóng tối ở bên ngoài, nhưng vì con mắt của người ta bị mù loà do bóng tối của tâm hồn, một tâm hồn không phản chiếu ánh sáng tình yêu phát xuất từ mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Vì thế, Thánh Gioan Tông Đồ đã dạy: “Ai nói rằng mình ở trong ánh sáng mà lại ghét anh em mình, thì vẫn còn ở trong bóng tối. Ai yêu thương anh em mình thì ở lại trong ánh sáng, và nơi người ấy không có gì nên cớ vấp phạm. Nhưng ai ghét anh em mình thì ở trong bóng tối và đi trong bóng tối mà chẳng biết mình đi đâu, vì bóng tối đã làm cho mắt người ấy ra mù quáng” (1 Ga 2,9-11).

Trước hết, linh mục phải sống trong niềm vui vì được Thiên Chúa Ba Ngôi đặc biệt yêu thương và tuyển chọn lên chức linh mục với sứ mệnh rao giảng tình thương của Thiên Chúa và dẫn đưa mọi người vào mầu nhiệm Thiên Chúa, để họ sống hiệp thông với Ngài ở đời này và đời sau được mãi mãi kết hiệp với Ngài trong tình yêu và hạnh phúc vĩnh cửu. Chính niềm vui ấy sẽ khiến các linh mục liên kết với nhau và hăng say cộng tác, nâng đỡ nhau trong công tác tông đồ, đồng thời dễ dàng thực thi tình huynh đệ đối với nhau.

Ngoài ra, Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi còn là mầu nhiệm hiệp thông trong sự khác biệt giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Sống Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, các linh mục cũng sống hiệp thông với nhau trong sự tôn trọng những khác biệt của nhau trong linh mục đoàn, để sự khác biệt ấy thay vì trở thành lý do của sự chia rẽ, phân cách, thì trái lại trở thành nguồn mạch của sự phong phú và bổ túc cho nhau.

2. SỐNG GẮN BÓ VỚI ĐỨC KITÔ

Nguồn mạch thứ hai và cũng là khuôn mẫu của tình huynh đệ linh mục là cộng đoàn môn đệ chung quanh Đức Kitô. Vì thế, lộ trình của tình huynh đệ linh mục cũng phải được thể hiện xuyên qua sự gắn bó của linh mục với Chúa Kitô như các môn đệ ngày xưa. Nói cách khác, để có thể gắn bó với nhau như anh em trong chức linh mục, mỗi linh mục phải luôn gắn bó với Đức Kitô là Đấng đã kêu gọi và tuyển chọn mình và các anh em làm linh mục để cùng chia sẻ sứ vụ của Ngài. Trong Tông huấn Pastores dabo vobis, số 12, Đức Gioan Phaolô II đã viết: “Người linh mục tìm gặp trọn vẹn sự thật về căn tính của mình trong sự kiện mình tham dự một cách loại biệt vào Đức Kitô và nối tiếp chính Đức Kitô… Bởi đó, quy chiếu về Đức Kitô là chìa khoá tuyệt đối cần thiết để có thể thấu hiểu thực tại linh mục”, cũng như tình huynh đệ giữa các linh mục.

Uỷ ban Giáo hoàng về Đại hội Thánh Thể Thế giới, trong văn kiện có tựa đề Thánh Thể, hiệp thông với Đức Kitô và với nhau. Suy tư thần học và mục vụ hướng tới Đại hội Thánh Thể quốc tế lần thứ 50 cử hành tại Dublin, Ireland, 10-17/6/2012, số 34, cũng đã viết: “Điều cần hơn cả là cổ vũ một linh đạo hiệp thông tập trung vào việc gặp gỡ chính con người Đức Giêsu Kitô. Như Đức Bênêđictô XVI đã viết trong số 1 của thông điệp đầu tiên của ngài, Deus Caritas est – Thiên Chúa là Tình Yêu, ‘là Kitô hữu không phải là kết quả của một chọn lựa luân lý hay một ý tưởng cao quý, nhưng là việc gặp gỡ một biến cố, một ngôi vị, cuộc gặp gỡ mang lại cho đời sống chúng ta một chân trời mới và một hướng đi mang tính quyết định’. Dưới ánh sáng khoa Giáo Hội học về hiệp thông của Công đồng Vatican II đặt trọng tâm vào con người Đức Giêsu Kitô, có thể nói ngày nay Chúa Thánh Thần đang thúc đẩy toàn thể Giáo Hội theo hướng cổ vũ một nền linh đạo hiệp thông mà nhờ đó chúng ta được nhìn thấy và gặp gỡ Đức Giêsu Kitô. Có lẽ một trong những diễn tả mạnh mẽ nhất về hiệp thông được trình bày dưới hình thức tình yêu huynh đệ đã được tìm thấy trong văn bản Huấn quyền gửi toàn thể Giáo Hội, trong đó Đức Gioan Phaolô II đã giải thích về những đặc tính chính yếu của linh đạo cộng đoàn. Linh đạo này là căn nguyên của mọi ơn gọi. Linh đạo này phải được thực hiện trong những mối quan hệ giữa các giám mục, linh mục và phó tế, giữa linh mục và giáo dân, giữa giáo sĩ và tu sĩ, giữa các hiệp hội và các phong trào trong Giáo Hội”.

Đối với linh mục, mối quan hệ căn bản nhất chính là mối quan hệ với Đức Kitô. Đó là mối quan hệ sống động và thân tình phát sinh từ ơn tuyển chọn của Đức Kitô và từ sự đáp trả của mỗi linh mục. Sự đáp trả ấy không chỉ là một câu nói trong ngày thụ phong, nhưng là trọn vẹn cuộc sống gắn bó với Ngài. Càng gắn bó với Đức Kitô thì các linh mục càng trở nên thân thiết với nhau, vì Đức Kitô là trung tâm của sự quy tụ, là điểm đồng quy của những con đường phát xuất từ nhiều hướng khác nhau.

Sau cuộc khổ nạn của Đức Giêsu có hai môn đệ đã rời bỏ anh em tại Giêrusalem để trở về làng Emmaus. Trước đây họ gia nhập nhóm môn đệ bởi vì họ đặt niềm tin và hy vọng vào Đức Giêsu như là Đấng sẽ giải phóng Israel. Nay Ngài đã bị xử tử, không còn ở với các môn đệ nữa, vì vậy họ cảm thấy không còn lý do để ở lại với các anh em môn đệ khác. Một cộng đoàn không còn Đức Giêsu ở giữa thì chẳng còn gì để nói, để gắn bó. Thế nhưng Đức Giêsu phục sinh đã hiện diện trên con đường đào ngũ của họ như một người bạn đường và một người thầy. Ở cuối con đường vào giây phút cuối ngày, “họ đã nài ép Ngài rằng: ‘Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn’. Bấy giờ Ngài mới vào và ở lại với họ” (Lc 24,29). Chúng ta hãy để ý đến hai chữ “ở lại” thật nhiều ý nghĩa này. Sau khi tỏ mình ra cho họ trong bữa ăn tối, Ngài đã biến mất. Ngài đi đâu? Biết tìm Ngài ở địa chỉ nào bây giờ? Một lời hứa của Chúa Giêsu chợt thoáng qua trong đầu họ: “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy thì có Thầy ở đấy” (Mt 18,20). Đúng rồi, cứ trở lại với các anh em thì chắc chắn sẽ gặp Ngài ở đó. Thế là ngay lập tức họ quay trở lại Giêrusalem, gặp nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp, và quả thật liền ngay sau đó, Đức Kitô Phục Sinh đã xuất hiện đứng giữa các ông. Chính Đức Kitô đã đưa họ trở về với anh em và chính khi trở về với anh em thì họ đã gặp gỡ Đức Kitô.

Thư của Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi cộng đồng Dân Chúa nhân dịp bế mạc khoá họp thường niên lần II, ngày 7-10-2011, số 5, đã kêu gọi mọi thành phần Dân Chúa tại Việt Nam trong suốt Năm Phụng vụ 2012 này hãy ở lại với Chúa Giêsu như các môn đệ ngày xưa, để mang trong lòng mình những tâm tình của Chúa, tâm tình hiền lành và khiêm nhường, thương xót và tha thứ, dấn thân và phục vụ. Lời kêu gọi ấy rất thích hợp với các linh mục là những người tiếp nối lộ trình của các môn đệ ngày xưa. Chính những tâm tình mà các linh mục học được nơi Chúa Giêsu rất cần thiết để xây dựng tình huynh đệ giữa họ với nhau.

2.  SỐNG MẦU NHIỆM HIỆP THÔNG HỘI  THÁNH

Nguồn mạch thứ ba của tình huynh đệ linh mục là Mầu nhiệm Hội Thánh như một sự nối dài và mở rộng cộng đoàn môn đệ Đức Kitô, vì thế lộ trình của tình huynh đệ linh mục còn phải được thể hiện xuyên qua việc sống Mầu nhiệm Hội Thánh như là gia đình, như là thân thể và như là sự hiệp thông.

Trước hết, vì Hội Thánh được trình bày như một gia đình có chung huyết thống, nên các linh mục có chung ân sủng bí tích nhằm mục đích xây dựng gia đình Hội Thánh cũng phải coi nhau như anh em một nhà, cùng nhau sống tình hiệp thông huynh đệ. Tình huynh đệ giữa các linh mục vừa là điểm khởi hành vừa là điều kiện để các linh mục có thể xây dựng tình huynh đệ giữa mọi thành phần Dân Chúa. Làm sao các linh mục có thể kêu gọi các tín hữu yêu thương nhau như anh chị em, trong khi chính các linh mục lại không coi nhau như anh em một nhà?

Thứ đến, vì Hội Thánh là Nhiệm Thể Đức Kitô với nhiều chi thể khác nhau, nhưng sống động và phát triển nhờ một linh hồn là Chúa Thánh Thần, nên các linh mục được thánh hiến bởi Chúa Thánh Thần và được Ngài sai đi xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô cũng phải hiệp nhất với nhau, tôn trọng những khác biệt của nhau, quan tâm giúp đỡ lẫn nhau: “Anh em như thể chân tay, rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần”. Các linh mục tuy nhiều, nhưng tất cả đều hành động nhân danh một Đức Kitô duy nhất và do đó họ chỉ là một trong Đức Kitô. Vì vậy, các linh mục phải sống hiệp thông và thực hành linh đạo huynh đệ giữa họ với nhau để trở nên biểu tượng của sự hiệp nhất trong Nhiệm Thể Đức Kitô là Hội Thánh, đồng thời nên chứng tá cho niềm tin, mẫu mực của bác ái và hiệp nhất.

Sau nữa, là “con người của hiệp thông”, các linh mục phải thực thi tình huynh đệ như một cách thế sống Mầu nhiệm Hội Thánh như là sự hiệp thông (koinonia). Trong Tông huấn Pastores dabo vobis, số 16, Đức Gioan Phaolô II đã dạy: “Linh mục là tôi tớ của Hội Thánh xét như là hiệp thông, bởi vì – trong sự hiệp nhất với giám mục và mối liên kết chặt chẽ với linh mục đoàn – linh mục xây dựng sự hiệp nhất của cộng đoàn Hội Thánh trong sự hoà điệu của nhiều ơn gọi, nhiều đặc sủng và nhiều hình thức phục vụ khác nhau”.

Trong Tông huấn về Đời sống Thánh hiến Vita consecrata, số 42, Đức Gioan Phaolô II cũng dạy: “Đời sống huynh đệ, hiểu như là một đời sống chia sẻ trong tình yêu, là một dấu chỉ hùng hồn về sự hiệp thông Hội Thánh”. Đó là sự thể hiện giới răn mới, giới răn đặc biệt của người môn đệ Đức Kitô mà Ngài đã trân trọng trao ban như một di chúc trong đêm cuối cùng trước lúc ra đi trở về với Thiên Chúa Cha. Nội dung của giới răn đặc biệt đó chính là tình bác ái huynh đệ, được coi như một dấu chỉ riêng biệt nhờ đó mọi người có thể nhận ra chúng ta là những môn đệ đích thực của Đức Kitô.

Các linh mục không hề đơn độc. Chính trong thân thể Đức Kitô là Hội Thánh mà họ được mời gọi để phục vụ. Chúa Giêsu không gọi riêng rẽ các tông đồ, nhưng Ngài gọi và lập thành nhóm Mười Hai (x. Mc 3,13). Từ đây, một nguyên tắc quan trọng trong việc đào tạo linh mục là ai không có khả năng liên đới với Hội Thánh, với anh em, để cùng thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng mà Chúa Giêsu đã giao cho Hội Thánh, thì đó là dấu không thích hợp với ơn gọi linh mục. Cụ thể là ai không thể liên kết với giám mục và với linh mục đoàn là dấu không phù hợp với ơn gọi linh mục. Bởi vậy, các chủng sinh phải được đào tạo để có khả năng tương quan với người khác: khả năng hoà nhập, lắng nghe, sống chung và làm việc chung với những người trong cộng đoàn.

3.  SỐNG MẦU NHIỆM HIỆP THÔNG THÁNH THỂ

Nguồn mạch thứ tư của tình huynh đệ linh mục là Bí tích Thánh Thể, bí tích của sự hiệp nhất (x. 1 Cr 10,17). Vì vậy, để sống tình huynh đệ với nhau, các linh mục không thể không sống Mầu nhiệm Thánh Thể mà họ cử hành mỗi ngày. Hội Thánh cử hành Thánh Thể, nhưng chính Thánh Thể làm nên Hội Thánh, vì khi cử hành Thánh Thể là bí tích của sự hiệp nhất và hiệp thông thì Hội Thánh cũng được xây dựng và phát triển với tư cách là Nhiệm Thể Đức Kitô, một cộng đoàn hiệp nhất và hiệp thông. Chúng ta cũng có thể nói như vậy về mối tương quan giữa Thánh Thể và tình huynh đệ linh mục.

Cộng đoàn Hội Thánh là cộng đoàn của những người đã cùng chết với Đức Kitô trong phép rửa (x. Rm 6,1-11), và đã trở thành con người mới trong mầu nhiệm Phục sinh. Đó là những con người sống bởi Thần Khí của Đấng Phục Sinh và bởi Bánh trường sinh là chính Đức Kitô. Con người mới theo Thánh Phaolô trước hết phải là con người “chết đối với tội lỗi” (Rm 6,11), sống kết hiệp với mọi người (x. Ep 2,13-17), ăn ở khiêm tốn, hiền từ nhẫn nại, bác ái và chịu đựng lẫn nhau (x. Ep 4,2-3); mỗi người tuy nhận được ân sủng theo mức độ khác nhau, nhưng phải liên kết gắn bó chặt chẽ với nhau như các bộ phận của cùng một thân thể Đức Kitô (x. Ep 4,15-16). Lý do là vì trong Mầu nhiệm Thánh Thể mỗi hạt lúa hay mỗi trái nho không còn là mình, nhưng đã hoàn toàn nên một với những hạt lúa và những trái nho khác. Trong khi xã hội ngày nay cổ vũ con người theo chủ nghĩa cá nhân, thì Tin Mừng đòi hỏi những con người giống như hạt lúa mì, phải biết chết đi cho chính mình để làm nảy sinh đời sống huynh đệ.

Bổn phận của những người cử hành Thánh Thể là phải sống hiệp thông với nhau như là điều kiện để được thực sự hiệp thông với Đức Kitô. Thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrintô đã vạch ra cho các tín hữu của ngài thấy rằng những chia rẽ xảy ra nơi các cộng đoàn cử hành Thánh Thể hoàn toàn ngược lại với điều mà họ đang cử hành. Vì thế Thánh Tông đồ đã mời gọi họ suy nghĩ về thực tại đích thực của Bí tích Thánh Thể là bí tích của sự hiệp nhất, để giúp họ quay về với tinh thần hiệp thông huynh đệ (x. 1 Cr 11,17-34).[1]

Trong bữa tiệc Thánh Thể đầu tiên do chính Chúa Giêsu cử hành vào tối Thứ Năm Tuần Thánh trước khi tự nộp mình chịu chết, trước lời cầu nguyện cho sự hiệp nhất, Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh cây nho và cành nho để nói lên sự cần thiết phải hiệp nhất với Ngài để sống và để sinh hoa kết trái (x. Ga 15,1-17). Nếu rượu nho được chế biến từ muôn ngàn trái nho hợp lại để rồi từ đó Chúa Giêsu biến nó thành Máu Thánh Ngài, thì hình ảnh cây nho và cành cũng nói lên sự hiệp nhất như là điều kiện để phát triển. Thân nho là Đức Kitô, cành nho là mọi người tín hữu. Cành nho không thể phát triển và sinh hoa kết trái nếu không dính liền với thân nho. Tình huynh đệ linh mục cũng là một hoa trái của việc kết hợp với Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể.

Như thế, trong Bí tích Thánh Thể, chính sự kết hiệp theo hàng dọc với thân là Đức Kitô là điều kiện cho sự kết hiệp hàng ngang giữa các anh em linh mục với nhau, để rồi từ đó tiến đến việc kết hiệp với mọi người. Ngoài ra, không phải là vô lý khi tất cả các trình thuật về biến cố Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể đều nhấn mạnh đến sự kiện Chúa cầm lấy bánh bẻ ra. Cử chỉ này không phải chỉ có ý nghĩa là sự phân chia cho mỗi người một miếng bánh, nhưng trước tiên nó diễn tả sự hy sinh. Chúa Giêsu đã tự bẻ gãy chính mình để vâng phục thánh ý Chúa Cha cho đến chết và để đem lại sự sống cho mọi người, như một tấm bánh bị bẻ ra, bị ăn, bị tan biến, bị tiêu hoá. Cũng vậy, khi cử hành Thánh Thể, mỗi linh mục cũng được mời gọi tự bẻ gãy chính mình, bẻ gãy cái tôi ích kỷ của mình, để nuôi dưỡng sự hòa hợp trong cộng đoàn, để đáp ứng với mọi đòi hỏi của anh chị em.

Vì vậy, khi cử hành Thánh Thể, bí tích diễn tả cái chết của Đức Kitô để cho mọi người được sống, linh mục được mời gọi trao hiến trọn cuộc sống và cái chết của mình cho Thiên Chúa và cho anh chị em. Trước hết, chúng ta trao tặng tất cả những gì làm thành cuộc sống, như thời gian, sức khoẻ, nghị lực, khả năng, tình thương và nụ cười. Đồng thời chúng ta cũng chia sẻ với nhau những gì chuẩn bị cho cái chết, từ những thất bại, tủi nhục, bệnh tật, cho đến những giới hạn, những khuyết điểm và đau khổ, kết hiệp với lễ hy sinh của Chúa Giêsu.

Có một thực trạng đau lòng là ngày nay nhiều khi người ta đụng độ với nhau vì Thánh Lễ, người thì muốn nghi lễ phải thế này, kẻ lại muốn thế kia, thậm chí có lúc họ biến thánh lễ thành cơ hội để tranh đấu. Thật là buồn khi sự chia rẽ như thế xảy ra trong khi cử hành bí tích hiệp nhất huynh đệ. Các tín hữu nói trên có lẽ không biết hay đã cố tình quên đi ý nghĩa của Bí tích Thánh Thể vì sự xúi giục của dục vọng, của hận thù, như đã từng xảy rạ tại giáo đoàn Côrintô của Thánh Phaolô ngày xưa.

Chính từ Bí tích Thánh Thể là bí tích của tình yêu, các linh mục sẽ tìm được sự trợ giúp cần thiết để thực thi đức ái mục vụ của Bí tích Truyền Chức Thánh, như lời Đức Gioan Phaolô II đã dạy trong Tông huấn Pastores dabo vobis, số 23: “Đặc biệt bắt nguồn từ Bí tích Truyền Chức Thánh, đức ái mục vụ sẽ được biểu hiện tròn đầy và sẽ tìm được lương thực chính yếu nơi Bí tích Thánh Thể”. Chính vì thế, Chúa Giêsu đã thiết lập Bí tích Truyền Chức Thánh gắn liền với Bí tích Thánh Thể.

5. THỰC THI ĐỨC ÁI MỤC VỤ CỦA BÍ TÍCH TRUYỀN CHỨC THÁNH

Cuối cùng, tất cả các linh mục đều được sinh ra từ Bí tích Truyền Chức Thánh, họ trở thành anh em với nhau do chức linh mục và trong chức linh mục, cùng nhau chia sẻ chí hướng phục vụ Thiên Chúa và tha nhân, cùng nhau gánh vác công việc mục vụ do Đức Kitô giao phó. Nếu trong xã hội có những người anh em kết nghĩa và những người đồng chí, thì giữa các linh mục cũng có gì tương tự như thế và còn hơn thế nữa. Lộ trình của tình huynh đệ linh mục phải được thể hiện qua việc cùng nhau sống ơn gọi được nhận lãnh qua bí tích truyền chức thánh, đó là ơn gọi thực thi đức ái mục vụ.

Đức ái mục vụ là đức ái mà người mục tử phải có để có thể phục vụ đoàn chiên theo gương Chúa Kitô là Vị Mục Tử Nhân Lành. Trong Tông huấn Pastores dabo vobis, số 49, Đức Gioan Phaolô II đã viết: “Linh mục là con người của đức ái; linh mục được mời gọi dạy cho người khác biết noi gương Đức Kitô và biết sống giới răn mới là giới răn yêu thương huynh đệ” (x. Ga 15,12).

Đức ái mục vụ là đề tài căn bản của tất cả mọi dề tài về linh mục. Đề tài về tình huynh đệ linh mục được đặt ngay sau đề tài về đức ái mục vụ và mật thiết gắn liền với nó. Lý do là vì để có thể dạy các tín hữu sống giới răn yêu thương huynh đệ và thể hiện đức ái mục vụ đối với đoàn chiên thì trước tiên các linh mục phải thực thi đức ái mục vụ đối với các anh em linh mục của mình. Có thể nói các anh em trong linh mục đoàn phải là đối tượng ưu tiên nhất của đức ái mục vụ nơi mỗi linh mục. Bởi lẽ, theo lời dạy của Công đồng Vatican II trong Sắc lệnh về Chức vụ và Đời sống Linh mục Presbyterorum Ordinis, số 7: “Không một linh mục nào có thể chu toàn đầy đủ sứ mệnh của mình một cách lẻ loi và hầu như riêng rẽ, nhưng phải hiệp sức với các linh mục khác, dưới sự điều khiển của các vị lãnh đạo trong Hội Thánh”. Sự liên kết giữa các linh mục ngày nay càng trở nên cần thiết hơn, bởi lẽ không linh mục nào được trang bị đầy đủ để thi hành sứ vụ một mình và độc lập. Các linh mục phải giúp đỡ nhau, liên kết với nhau bằng đức ái mục vụ, bằng tình huynh đệ chân tình.

Tình yêu thương huynh đệ là dấu chỉ riêng biệt làm nên căn tính của các linh mục là những môn đệ của Đức Kitô: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,34-35). Lệnh truyền này đưa tình yêu đến mức vô biên, như Thánh Augustinô đã nói: “Mức độ của tình yêu là yêu không mức độ”, vì Đức Kitô đã yêu thương các môn đệ đến cùng (x. Ga 13,1), đến cùng trong thời gian và trong mức độ, cho đến chết trên thập giá, như lời Ngài đã nói: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15,13).

Cũng như các môn đệ ngày xưa, các linh mục ngày nay là những người theo Đức Kitô để học hỏi nơi Ngài bài học yêu thương. Các linh mục phải yêu thương nhau như Đức Kitô yêu thương các linh mục, có nghĩa là không được dừng lại ở bất cứ cấp độ nào, nhưng phải vượt qua mọi rào cản, mọi ranh giới. Đó là một tình yêu vừa siêu nhiên vừa mang tính nhập thể. Thiếu chiều kích siêu nhiên, tình yêu của chúng ta không đủ để diễn tả tình huynh đệ mà Thiên Chúa đòi hỏi, vì động lực của thứ tình yêu đó không phải vì Chúa và vì anh em, nhưng vì tình cảm cá nhân của mình. Một tình huynh đệ siêu nhiên đích thực chỉ có khi ta nhìn thấy Thiên Chúa nơi người anh em của chúng ta. Tình huynh đệ ấy còn phải mang tính nhập thể, nghĩa là nó phải được diễn tả bằng những thái độ và hành vi cụ thể thiết thực đối với người anh em đang sống trong những hoàn cảnh cụ thể.

Công đồng Vatican II trong Hiến chế Lumen Gentium, số 28, đã dạy: “Một tình huynh đệ thắm thiết nối kết tất cả các linh mục với nhau vì cùng nhau tham dự một chức thánh và một sứ mệnh chung. Tình huynh đệ đó phải bộc lộ một cách tự phát tự nguyện qua sự tương trợ cả tinh thần cũng như vật chất, trong phạm vi mục vụ cũng như trong phạm vi cá nhân, trong các buổi hội họp cũng như trong sự hiệp thông với nhau qua đời sống, việc làm và tình bác ái”.

Tiếp lời Công đồng, Đức Gioan Phaolô II, trong Tông huấn Pastores dabo vobis, số 23, đã viết: “Bên trong cộng đoàn Hội Thánh, đức ái mục vụ của linh mục yêu cầu và đòi hỏi, một cách riêng rẽ và loại biệt, mỗi linh mục phải giữ quan hệ ngôi vị với linh mục đoàn, trong sự lệ thuộc giám mục và cùng với giám mục, như công đồng đã minh thị phát biểu: ‘Đức ái mục vụ đòi buộc các linh mục, nếu như không muốn chạy đua cách vô ích, phải làm việc bằng cuộc sống trong sự hiệp thông trường kỳ với các giám mục và với các anh em khác trong hàng linh mục’ (Presbyterorum Ordinis, số 14)”.

Trong số 74, ngài đã minh định thêm: “Tình huynh đệ linh mục không loại trừ một ai; dầu vậy, trong chiều hướng lựa chọn theo tinh thần Tin Mừng, linh mục có thể và phải dành những ưu tiên cho người nào đang cần giúp đỡ và cần khích lệ nhất. Tình huynh đệ ấy dành một sự quan tâm đặc biệt đối với các linh mục trẻ, duy trì một thái độ đối thoại chân tình và huynh đệ với những linh mục thuộc lứa tuổi trung bình hoặc cao niên, cũng như đối với những linh mục nào vì lý do này hay lý do khác đang phải đương đầu với những khó khăn. Còn về những linh mục đã rời bỏ tác vụ hay không còn trung thành với thừa tác vụ, tình huynh đệ ấy cũng không bỏ rơi họ, nhưng ngược lại dõi theo họ với một sự chú tâm còn huynh đệ hơn”. Nếu chúng ta biết rằng tình yêu là trọng tâm của tất cả mục vụ, lúc ấy chúng ta sẽ dễ dàng hiểu rằng các linh mục cần phải sống giữa họ “một tình huynh đệ thân mật”.

Tóm lại, với niềm xác tín tôi không làm linh mục một mình, các linh mục cần hiệp thông với nhau trong tình bác ái và huynh đệ. Vì cùng lý tưởng và cùng chí hướng, linh mục trở nên anh em với nhau và nên bằng hữu của nhau. Được liên kết qua Bí tích Truyền Chức Thánh trong tinh thần bác ái huynh đệ, các linh mục sẽ tìm được tình bạn chân thành, để san sẻ cho nhau mọi vui buồn sướng khổ, cảm thông cho nhau về những yếu đuối lầm lỗi và nâng đỡ khích lệ nhau trước những khó khăn thử thách trong đời sống cá nhân cũng như trong công việc mục vụ. Coi nhau như anh em và như bạn hữu, các linh mục cần phải sống thật lòng với nhau, chân thành với nhau, hết tình hết mình với nhau, nhất là liên kết với nhau, nâng đỡ nhau bằng lời cầu nguyện.

————————————————

[1] x. GIOAN-PHAOLÔ II, Thông điệp Giáo Hội từ Thánh Thể Ecclesia de Eucharistia, số 35.40.

 

+ Gm. Matthêu Nguyễn Văn Khôi

Related posts