Năm B 

Kitô hữu, nhà tiếp thị Tin Mừng

KITÔ HỮU, NHÀ TIẾP THỊ TIN MỪNG

(Chúa Nhật II TN B – 2012)

LM. Giuse Trương Đình Hiền

Quảng cáo – Tiếp thị – Vận động… đó là một dịch vụ, một công việc, một chiến dịch gần như không thể thiếu trên thương trường và trong xã hội cuộc sống hôm nay.

Ngày 15.10.2011, hãng Honda đã bỏ ra 990.000.000 USD để có được một mẫu quảng cáo cho dòng xe Honda Accord.

Ông Obama, để được ngồi vào Nhà Trắng đã phải chi phí cho cuộc vận động tranh cử ít nhất cũng trên 100 triệu USD.

Trong khi đó trên màn ảnh nhỏ, chương trình quảng cáo luôn là “show diễn” trung thành và đều đặn nhất của mọi kênh.

Từ chuyện quảng cáo, vận động, tiếp thị, chúng ta hãy liên tưởng tới nhân vật Giêsu Kitô, Vị Cứu Chúa của chúng ta. Cách đây 2000 năm, kể từ sau biến cố thảm sầu vào chiều thứ Sáu trên đồi Sọ, quả thật, nếu không có một “chiến dịch tiếp thị” khôn ngoan và can đảm, một chương trình giới thiệu đầy xác tín và nhiệt tình của các môn sinh, thì e rằng thế giới chẳng mấy người biết được một Đức Giêsu Thiên Chúa làm người và là Đấng Cứu độ chúng sinh.

Chúng ta không phủ nhận quyền năng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần luôn là yếu tố cốt lõi và quyết định. Tuy nhiên, “sự giới thiệu”, lời loan báo, cuộc sống chứng nhân của các Kitô hữu về Chúa Kitô không phải là không quan trọng. Chính vì thế, ngày từ buổi bình minh Kitô giáo, Đức Kitô đã ra lệnh cho các môn sinh : “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, rao giảng Tin Mừng cho muôn loài thụ tạo” (Mc 16,15), “Chính anh em là những chứng nhân về những điều nầy” (Lc 24,48). Thánh Phaolô, một nhà truyền giáo vĩ đại đã thấm thía chân lý nầy nên đã nói : “Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe ? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng? “ (Rm 10,14)

Sự kiện đầu tiên và cuối cùng mà trích đoạn Tin Mừng Gioan vừa được công bố hôm nay nhấn mạnh chính là “lời giới thiệu về Đức Kitô của Gioan Tẩy Giả” :  Thấy Đức Giêsu đi ngang qua, ông lên tiếng nói : “Đây là Chiên Thiên Chúa” (Ga 1,36), và cuộc “dẫn dụ” của Anrê, bào huynh của Phêrô : Trước hết, ông gặp em mình là là ông Si-mon và nói : “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia”. Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giêsu. (Ga 1,40-42)

Với lòng xác tín mãnh liệt, với kiến thức sâu sắc và chín chắn, với con tim chân thật đầy trách nhiệm…, lời giới thiệu về Đức Kitô của Gioan Tẩy Giả đã tức khắc mang lại hiệu quả : Hai môn đệ nghe ông nói liền đi theo Đức Giêsu (Ga 1,37). Riêng Anrê, chắc chắn đã rất vui mừng vì người em Si-mon đã được chọn cách đặc biệt : Đức Giêsu nhìn ông Si-mon và nói : “Anh là Si-mon, con ông Gioan, anh sẽ được gọi là Kê-pha” (Tức là Phê-rô) (Ga 1,42). Sau đó khoảng 3 năm, người chài lưới trên biển hồ Galilê, tức Tông đồ Cả Phêrô, tới phiên mình, cũng có một bài giới thiệu khá dài về Đức Giêsu và đã mang về một thành công vang dội : Vậy những ai đón nhận lời ông, đều chịu phép rửa. Và hôm ấy đã có thêm khoảng ba ngàn người theo đạo. (Cv 2,41).

Và những gì đã diễn ra sau đó : cả đế quốc Rôma, cả vùng Địa Trung Hải, rồi lan dần sang Châu Phi, châu Âu, lan rộng sang châu Mỹ, đi tới những đại lục mênh mông của Á Châu, Chúa Giêsu và Tin Mừng của Ngài đã không còn xa lạ. Cho đến hôm nay, đã có một phần ba nhân loại nhận biết, yêu mến và tôn thờ Chúa Giêsu là Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ.

Điều gì đã làm nên chuyện lạ lùng đó. Phải chăng đó chính là “cuộc truyền giáo” của cả Hội Thánh, là công cuộc giới thiệu Đức Kitô của muôn thế hệ Kitô hữu, là một chiến dịch “tiếp thị Tin Mừng” xuyên suốt và không ngừng nghỉ suốt 2000 nay của toàn thể Dân Chúa.

Nhưng, để có 1 phần 3 nhân loại được nhận biết Đức Kitô, Dân Chúa đã “chi phí” không biết bao nhiêu máu xương và nước mắt, hy sinh và nguyện cầu, sự thánh thiện và ân sủng, việc lành phúc đức và các phương tiện truyền thông, kinh Mân Côi và thánh lễ…

Riêng tại giáo xứ Tuy Hòa chúng ta, để giới thiệu Chúa Giêsu cho anh em lương dân trong dịp Giáng Sinh 2011 vừa qua đã mất đứt hơn 90 triệu đồng.

Nói như thế để chúng ta thấy rằng, việc giới thiệu Chúa Kitô, việc loan báo Tin Mừng phải luôn chiếm ưu tiên hàng đầu trong sinh hoạt sống đạo hôm nay và ngày mai. Đáng tiếc, ngày hôm nay, có nhiều người trong chúng ta quá coi trọng và đầu tư cho những công cuộc “tiếp thị sản phẩm trần tục” mà lại lãnh đạm và thờ ơ với sứ mệnh chứng nhân, truyền giáo.

Hội Thánh sẽ ra sao, nếu Dân chúa không còn tìm thấy những con người như Gioan Tẩy Giả, như Anrê, như Phêrô, như F.X, như Anrê Phú Yên ?

Thiên Chúa, Đức Kitô vẫn không ngừng mời gọi : “Hãy đến mà xem”. Nhưng để có được nhiều người “đến xem và ở lại với Chúa”, với Giáo Hội, thì chính chúng ta phải là những trung gian, những nhà tiếp thị, những chiếc cầu nối. Vâng, theo ngôn ngữ của xã hội hôm nay, người Kitô hữu phải là những “nhà tiếp thị Tin Mừng”.

Related posts