Năm B 

Tin Mừng trong dáng đứng từ bỏ

 TIN MỪNG TRONG “DÁNG ĐỨNG TỪ BỎ”

(Chúa Nhật IV TN B – 2012)

    Dẫn nhập đầu lễ :

          Nếu trọng tâm của sứ điệp Lời Chúa trong Chúa Nhật tuần trước là Tin Mừng và Ơn gọi: Tin Mừng được Đức Kitô loan báo và Ngài kêu gọi nhiều môn sinh tiếp tay với Ngài để Tin Mừng đến với mọi người. Thì Chúa Nhật hôm nay, Đức Kitô làm chứng sức mạnh và quyền năng của Đấng loan báo Tin Mừng : “Người giảng dạy như Đấng có uy quyền”, và của Tin Mừng được loan báo : “Hãy im đi và xuất khỏi người nầy”.

          Đức tin, nếu chỉ là một tuyên xưng và chấp nhận suông một Đức Kitô quyền năng thì chưa đủ ; mà phải là một cuộc gặp gỡ, hoán cải và để cho Đức Kitô và Tin Mừng của Ngài thực sự giải thoát toàn vẹn con người chúng ta khỏi cuộc sống nô lệ tội lỗi.

 Giảng Lời Chúa :

 1. Đức Kitô trong “chiến dịch đầu tiên” xây dựng Nước Trời.

          Hơn ai hết, Chúa Giêsu ý thức sứ mệnh cứu thế của Ngài khó khăn như thế nào. Trước một thế giới mà đã bao nghìn năm chìm trong sự thống trị của ác thần, thì hôm nay, Ngài đến để chính thức bắt đầu một cuộc “tuyên chiến công khai, trực diện” để giải thoát nhân loại khỏi quyền lực sự chết.

          Trong sự khôn ngoan của một Rabbi, một ngôn sứ, một nhà giải phóng, Chúa Giêsu bắt đầu sứ mệnh với một số chọn lựa đầy tính chiến lược :

  • Địa điểm : thành phố cảng Capharnaum : Đối với thế giới hôm nay, Capharnum có thể ví được như là một London, Marseil, New York, hay Hồng Kông. Một vị trí chiến lược tập họp đầy đủ mọi thành phần của thế giới….Thật là thích hợp để “cái thế gới thu nhỏ” nầy đón nhận sứ điệp Tin Mừng và nhìn nhận Đấng Cứu Thế đã đến.
  • Nơi làm diễn đàn : Hội trường Do Thái : một vị trí mà công năng cốt yếu là để cầu nguyện, công bố và diễn giải Lời Chúa. Chúa Giêsu đã nhiều lần lựa chọn nơi đây để làm “diễn đàn” công bố Tin Mừng, giảng dạy “một giáo lý mới”, một “Đạo” mới để thay thế cho một lối giải thích Lời Chúa theo một “con đường mòn” của các rabbi nhân loại.
  • Phương pháp : Vận dụng lối trình bày giáo lý, Lời Chúa “như Đấng có uy quyền”, như chính Đấng làm ra Lề Luật, như chính Thiên Chúa, chứ không “nhai lại” truyền thống của các kinh sư, lặp lại những lời rao giảng cũ các bậc tiền nhiệm và không đưa ra được một tuyên bố mới mẻ, dứt khoát nào…Kèm sau lời giảng dạy “như Đấng có uy quyền” là “dấu lạ trừ quỷ”. Một cuộc tuyên chiến trực diện với thế lực đen tối và chứng tỏ “trên cơ” khi trấn áp, truyền lệnh buộc thần dữ khuất phục.
  • Cùng với Đức Kitô, chúng ta có “chiến dịch” nào trong công cuộc rao giảng Tin Mừng hôm nay ?

          Đây không là chuyện của chỉ một số người, mà là ơn gọi cơ bản của mọi Kitô hữu. Nhờ bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức, chúng ta được tham dự vào sứ mệnh ngôn sứ của Chúa Kitô để cùng với Người, góp phần xây dựng Nước Thiên Chúa, đẩy lùi bóng tối của sự dữ và tội lỗi.

          Để thực hiện công cuộc vĩ đại đầy nhiêu khê nầy, chúng ta phải vận dụng mọi phương thế khả thi và hữu hiệu. Nhà thờ, vẫn là nơi thuận tiện nhất đáp ứng được công cuộc công bố và rao giảng Lời Chúa, học hỏi giáo lý và cầu nguyện để Lời Chúa thấm nhập…Càng trung thành họp nhau nơi Nhà Chúa để nghe Lời Chúa được công bố, càng thường xuyên tiếp cận giáo lý của Hội Thánh qua con đường Tông Truyền, chúng ta sẽ được biến đổi, hoán cải để thuộc trọn về Chúa Kitô hơn ; và nhờ đó việc công bố Tin Mừng và xây dựng Vương quốc Thiên Chúa sẽ được duy trì và phát triển tốt hơn.

          Tuy nhiên, Tin mừng sống động đó chính là cuộc sống thấm nhuần Lời Chúa, được trang bị dồi dào bằng sức mạnh Thánh Thần, với trái tim đầy niềm xác tín và đầy lửa tình yêu. Sở dĩ Đức Kitô đã được các cử tọa đánh giá là “giảng dạy như Đấng có uy quyền”, vì Ngài luôn kết hợp mật thiết với Chúa Cha và trong quyền năng của Chúa Thánh Thần. Người tông đồ hôm nay của Chúa Kitô cũng không thể đi con đường nào khác.

2. Tin Mừng trong “dáng đứng từ bỏ” :

          Sự hiện hữu của thần dữ trong thế giới là điều hiển nhiên. Chúng ta không lẫn tránh, trốn chạy các “thế lực đen tối” nầy. Bởi vì đó là một lực lượng thường xuyên trấn áp và lôi kéo con người chống lại Thiên Chúa và xây dựng một nền văn minh của chết chóc, thù hận, thất vọng, trụy lạc…

          Tuy nhiên, chúng ta cần tỉnh táo để nhận ra những gương mặt của thần dữ hôm nay đang núp bóng dưới những vẽ hào nhoáng, quyến rũ, dịu dàng, đầy mê hoặc của quyền lực, tiền bạc, sắc đẹp, sự thành công, hưởng thụ…Những cơn cám dỗ của ma quỷ dành cho Chúa Giêsu khi khai mạc cuộc đời công khai vẫn còn nguyên tính thời sự trong xã hội chúng ta hôm nay. Đức Kitô đã chiến thắng bằng sức mạnh của Lời Thiên Chúa.

          Việc sống và loan báo Tin Mừng đồng thời cũng có nghĩa đẩy lùi vương quốc của thần dữ và bóng tối. Sau lời giảng dạy, Đức Kitô đã trục xuất thần ô uế bằng lời quyền năng : “Hãy im đi và ra khỏi người nầy !”. Ngài không thuyết giáo suông và bỏ lại thân phận con người dưới sự áp chế của ma quỷ và tội lỗi. Dấu là trừ quỷ hôm nay là dấu chỉ tiên báo cuộc chiến thắng toàn cục sẽ được Ngài thực hiện dứt khoát qua cuộc tử nạn-Phục Sinh của Ngài. “Ngài đã chết để chiến thắng sự chết và sống lại để khơi nguồn sự sống mới” (KGTT IV)

          Chúng ta phải xác quyết rằng : Tin Mừng không bao giờ đi tìm sự thỏa hiệp với sự dữ, ma quỷ. Lời tuyên bố “từ bỏ” khi chịu phép Thánh Tẩy là một khẳng định bất di bất dịch trong niềm tin của mọi Kitô hữu muôn nơi và muôn thuở. Chính “Tin Mừng trong dáng đứng từ bỏ” nầy sẽ dẫn chúng ta và thế giới tiến bước trên lộ trình của ánh sáng để đi vào Vương quốc của Chúa Kitô. Amen.

   LM. Giuse Trương Đình Hiền

Related posts