Văn hóa Việt Nam – XVIII
[ 40 ] Giao lưu văn hóa Việt-Âu trước thời Nguyền
Nói về giao lưu văn hóa Việt-Âu, chúng ta có thể chia làm hai chặng: Trước thời Nguyễn và Trong thời Nguyễn, hoặc từ thế kỷ XVI tới 1802 và từ 1802 tới 1956.
Trước thời Nguyễn, yếu tố Âu châu mang văn hóa vào Việt Nam, hầu hết là những người theo Thiên Chúa giáo, thuộc ngành Kitô Công giáo Roma. Họ đa số là nhà buôn, số rất ít là nhà truyền giáo, mà vẫn phải nhờ phương tiện nhà buôn để tới và trụ lại trên đất nước chúng ta. Thiên Chúa Giáo, danh xưng đúng hơn là Kitô giáo, phát sinh từ Ysrael , ở Tây Băc Á, truyền qua đế quốc Roma từ đầu công nguyên. Từ thế kỷ thứ Năm đến thứ Tám các dân du mục – xưa gọi là man di – từ bắc phương chia nhau đế quốc Roma, đã theo Kito giáo , lập thành các nước châu Âu.
1. Bối cảnh lịch sử
Chúng ta đã biết
1.1.Lịch sử thế giới ghi nhận rằng:
“Thế kỷ XV, khi người Bồ Đào Nha và Y-Pha-Nho chiếm đất thực dân, thì phần đông các nước Châu Âu về kinh tế đã hướng theo chiều tư bản chủ nghĩa, về chánh trị áp dụng chánh sách quân chủ chuyên chế. Tại Bồ Đào Nha, một nước nhiều thị trường nhất, vua Jean II [1] không thèm triệu tập quốc hội nữa.
Vua chiếm hết các nguồn lợi ở thuộc địa. Từ năm 1503, vua đứng ra mua gia vị, cho bọn trung gian bán lại. Lợi về phần vua từ 50 đến 60 phần trăm.
Ở Ba Tây, lúc đầu người Bồ Đào Nha nào cũng được tới buôn bán miễn là nộp 10 phần trăm tiền lời mua bán nô lệ và 28 phần trăm tiền lời các thứ hàng hóa nhập cảng khác. Nhưng về sau bọn quan lại chiếm độc quyền thương mãi.
Từ thế kỷ 16 trở đi vua Bồ Đào Nha trực tiếp tổ chức công việc cai trị thuộc địa để củng cố uy quyền của họ ở đó. Các hội buôn ở Ấn Độ, Châu Phi và Ba Tây dần dần lọt vào các xí nghiệp thương mãi vĩ đại do vua làm chủ.
Người Y-Pha-Nho khi tìm được Tân thế giới chỉ chiếm giữ quần đảo Antilles. Họ bắt đầu khai thác đồn điền…
………… Dần dần người Y-Pha-Nho chiếm cả đại lục trừ xứ Ba Tây [2]của người Bồ Đào Nha và vùng Đông Bắc Mỹ đến thế kỷ 16 bị người Anh và Pháp chiếm cứ…[3]
Sự phát triển hàng hải của người Bồ Đào Nha và sự mở mang đế quốc thực dân của người Y-Pha-Nho gây nhiều ảnh hưởng quan trọng cho nền kinh tế thế giới.
Ảnh hưởng đầu tiên là các đường giao thương giữa châu Á và châu Âu thay đổi làm cho các hải cảng Đại Tây Dương phát đạt mà các hải cảng Địa Trung Hải sa sút…
Về mặt tinh thần, kiến thức loài người nhờ những phát kiến vĩ đại ấy mà mở rộng thêm. Những điều mới lạ thức tỉnh óc khoa học, thúc giục con người lao mình vào công cuộc tìm tòi, nghiên cứu…” [4]
Về phương diện nghiên cứu triết học, thần học và các khoa học tự nhiên, nước Pháp không thua dân tộc nào ở Âu châu hồi đó; nhưng về hàng hải, còn lâu Pháp mới theo kịp Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và xứ Venitia. Mãi năm 1598, Pháp mới chiếm được một phần nhỏ ở Bắc Mỹ châu, tức vùng Virginie và Canada. Phải tới thời Louis XIV với 72 năm cai trị [5], Pháp mới có hải thuyền sánh được với Anh và Hòa Lan. Tuy thế, khi máy hơi nước ra đời, Anh sẽ vượt lên xa các nước, rồi trở thành vương quốc rộng nhất trong thế kỷ XIX.
1.2.Lịch sử Giáo Hội Kitô-giáo
Lịch sử Giáo Hội Kitô-giáo cũng cho người ta quan niệm rằng hàng chục thế kỷ Giáo Hội này lan tràn khắp Âu châu tới biển Bắc Băng Dương và Đại Tây Dương và miền Bắc Phi, tới vùng Sa mạc mênh mông miền Nam…. Họ ngưng tại đó, vì cứ tưởng rằng đã thi hành xong lệnh truyền của Ngài Sáng Lập, Đức Kitô: Loan báo Tin Mừng đến tận cùng thế giới.
Khi hàng hải phát triển, người ta mới thấy rằng còn những dân tộc, những vùng đất chưa nghe loan báo Tin Mừng. Giáo Hội Kitô-giáo, đứng đầu là Giáo-hoàng, phải tìm cách cho thày giảng tới những vùng “đất mới” này.
Không có phương tiện, Giáo hoàng của thế kỷ XV và XVI ủy cho triều đình Bồ Đào Nha nhiệm vụ truyền Đạo và bảo trợ nhà truyền giáo, vì những người đó đều là Kitô-hữu.
1.3. Lịch sử Việt Nam trong Đông Nam Á
Lịch sử Việt Nam thế kỷ XVI bắt đầu với Lê Túc Tông, tiếp liền Lê Uy Mục không thể đứng vững, nếu không có Mạc Đăng Dung trợ lực; nhưng chỉ một phần tư thế kỷ sau, nhà Mạc bắt đầu chia cắt giang san nhà Lê. Chúng ta đi vào nội chiến với Lê – Mạc – Trịnh – Nguyễn Tây Sơn, Nguyễn Phúc. Phe nào cũng muốn thắng, nên phe nào cũng tìm thế lực ngoài yểm trợ. Cố vấn Tây Phương và vũ khí Tây Phương còn quan trọng trong chiến tranh hơn hàng hóa vải vóc và đồng hồ…
Người và hàng hóa đương nhiên mang theo những yếu tố văn hóa. Âm thầm, vua chúa và nhân dân chúng ta đã chủ động tiếp thu và bắt đầu giao lưu văn hóa với Tây Phương.
Cũng ngay từ thế kỷ XVI, các nhà truyền Đạo Kitô theo các tàu buôn Bồ Đào Nha vào Việt Nam. Để có nơi ở và phương tiện sống, họ thường làm nhân viên của công ty hoặc của thương điếm. Ngoài những giờ làm việc đó, họ truyền Đạo. Để dễ hiểu, người ta đặt lên và gọi Đạo Kitô là “Hoa Lang Đạo ”.
Khi nào vui vẻ vì thương thuyền và hàng hóa, tặng phẩm v.v. các vua chúa Việt Nam cho họ tự do truyền giáo và người dân theo Đạo. Khi nào thấy bất lợi và nghi ngờ họ làm lợi cho đối phương , vua chúa ra lệnh ngăn cấm.
Sang thế kỷ XVI và XVII, khi Tây Ban Nha thành cường quốc kinh tế và đế quốc chinh phục Tân Thế Giới Mỹ châu, họ cũng chinh phục mấy ngàn hòn Đảo trong Thái Bình Dương, ở về phía Đông Nam nước ta, làm nên một nước mang tên vua Tây Ban Nha, nước Philippines. Vì trước chưa hề thành một dân, một nước, nên Tân quốc gia này rất sớm bị Tây-hóa và trở thành nước Công-giáo duy nhất ở Á-châu. Các nhà buôn và các thừa sai truyền giáo tại Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam và Chiêm Thành, Châm, Chân Lạp cũng thêm những người mang quốc tịch Tây Ban Nha, rồi Pháp, Italia. Tuy mang quốc tịch khác nhau, có khi dòng giống khác nhau, họ đều là những nước đang phát triển nhờ văn hóa Công-giáo. Họ đến, không chỉ truyền Đạo, mà gián tiếp cũng mang vào những yếu tố văn hóa Tây Phương của văn minh Thiên-Chúa-giáo.
Nguyễn Hiến Lê nhận xét đơn giản:
“Từ thế kỷ 17, người Âu đã sang buôn bán ở nước ta. Trước hết, người Bồ Đào Nha mở thương điếm ở Hội An, thuộc tỉnh Quảng Nam, đồng thời người Hòa Lan cũng mở thương điếm ở Phố Hiến (Hưng Yên). Người Bồ Đào Nha giúp khí giới cho chúa Trịnh, người Hoà Lan giúp khí giới cho chúa Nguyễn.
Sau, Anh và Pháp theo gót, xin vào buôn bán. Lúc đó, đã có một số giáo sĩ vào truyền đạo Da-tô, khi thì được lưu thông dễ dàng, khi thì không. Tóm lại, ảnh hưởng của người Âu chưa có gì.” [6]
Hẳn chúng ta nên nhìn kỹ hơn và phân tích kỹ hơn.
2. Vài nét văn hóa Tây-phương vào Việt Nam trước 1802
Dầu “đơn giản hóa vấn đề”, chúng ta vẫn cần ghi nhận:
2.1.. Gián tiếp và Trực tiếp
Trước hết, có thể nói văn hóa Tây phương vào Việt Nam theo đường gián tiếp và trực tiếp. Gián tiếp do thương mại cổ thời (như thấy trong di chỉ Trăm Phố). Gián tiếp qua ngả Trung quốc, Nho sĩ và chữ Hán. Trực tiếp do chính người Tây phương du nhập.
Ngay từ thời Tây Hán, nhiều nhà truyền giáo Kitô-giáo đã tới Trung quốc. Thời Nguyên thống trị Trung Hoa, có những người Âu như Marco-Polo được bổ nhiệm vào những chức vụ cao trong triều. “Minh Thái Tổ sau khi đuổi người Nguyên, bài xích người Tây phương triệt để. Đến năm 1516, vua Vũ Tôn mới cho người Bồ Đào Nha đến ở Quảng Châu. Kế đó, người Anh, Hòa Lan, Y Pha Nho [7] cũng được tới Trung Quốc buôn bán và truyền Đạo.
Năm 1601, Ricci [8] được vua rước tới Bắc Kinh dạy hoàng thái tử. Giỏi khoa học, ông dịch hình học Euclide ra tiếng Mãn Thanh, cùng làm sách Vạn Quốc Dư Đồ. Kế ông, có người Đức Schall. Ông này lập một xưởng đúc súng (1636). Ngoài ra, giáo sĩ dòng Jésuite [9] còn đến truyền bá các thứ khoa học như Thiên văn học, Lịch pháp, cơ khí học, số học, địa lý học, dược học, pháp thuật v.v.… Khoa học Tây phương bắt đầu truyền sang Trung Quốc từ đó.” [10]
Với cầu hán tự, những gì thuộc Văn Hóa Tây phương nhập vào Trung quốc, cũng không bao lâu sau có ở chúng ta. Ngay đến cuốn Giáo-lý Công giáo của Cha Ricci cũng thành sách học đạo của một số nho sĩ và sách dạy Đạo của một số “thầy giảng” tiên khởi Việt Nam, thế kỷ XVI-XVII. Những sách khoa học do giáo sĩ này sáng tác cho người Tàu, hiển nhiên cũng có nhiều người Việt hoặc Nhật, hoặc Cao-ly đọc và học thêm văn hóa Tây phương.
Trực tiếp là chính các người Âu tới buôn bán hoặc truyền Đạo hoặc phục vụ triều đình cũng mặc nhiên hoặc công nhiên truyền bá văn hóa của họ vào cho người Việt Nam.
2.2. Từ thương phẩm tới vũ khí, từ lái buôn đến cố vấn và giáo sĩ truyền giáo.
Chúng ta đều biết: Con đường tơ lụa có thể là “xa lộ quốc tế dân dụng” đầu tiên nối liền hai ba đại lục và hàng hóa chuyên chở trên đó đa phần từ Nam Đông phương sang Tây phương và Trung Cận Đông: Tơ lụa, tiêu, ớt,… đá quí, đồ gồm sứ và đồ đồng.… Nhưng vải dệt máy và súng đạn thì Tây phương tiến bộ hơn Đông phương trầm lặng. Chính vì thế, khi khai thác đường hàng hải thì tàu Tây chở sang những vải dệt máy, đồng hồ… và súng đạn.
Khởi đầu, chính vì Tây phương kỹ nghệ hóa sớm hơn, mà cũng vì chúng ta nội chiến nhiều hơn.
2.3. Tôn giáo và học thuyết xã hội
Dầu từ những bộ tộc du mục, mang dòng máu hiếu động và hiếu chiến, người Tây phương cũng đã hàng chục thế kỷ học làm nông và theo đạo lý Kitô-giáo [11], nhưng họ vẫn mang khuynh hướng xã hội tự do, bình đẳng. Họ tin sức mạnh của công lý. Có gạt đạo lý qua bên, họ cũng tin mạnh được yếu thua. Khác hẳn quan niệm tam cương ngũ thường của Nho giáo và lề thói các dân tộc Đông Nam Á châu chúng ta.
Chính vì thế, từ thế kỷ XVI tới nay, các chính quyền ở Việt Nam (giống như cả vùng) thường vẫn ưa thích và lợi dụng văn hóa phẩm và con người Tây-phương, nhưng lại đề phòng, ngăn ngừa hoặc nghiêm khắc cấm đoán việc truyền Đạo Kitô, nhất là chi Giáo Hội Rôma, vì chi này tổ chức chặt chẽ hơn các chi hội “cải cách” hoặc “tân giáo”, hoặc gọi chung là “tin lành”. Ngay đến anh em Tây Sơn, người “đạo dòng”, một khi nắm quyền cũng theo cung cách đó.
Mặt khác, tin hay không tin, người ta vẫn phải nhận rằng bạo lực chẳng bao giờ có kết quả tốt đẹp lâu bền.
Chính vì thế, mà mỗi khi “nới lỏng” hoặc “làm ngơ”, chính quyền lại thấy số tín đồ Công-giáo đã tăng quá mức mình tưởng và chấp nhận. Năm 1658 có chừng 300.000 tín đồ Công-giáo người Việt Nam. Dầu loạn lạc, dầu chiến tranh chết chóc, dầu chính quyền cấm đoán, năm 1848, khi Minh Mệnh nằm xuống sau ba lệnh cấm Đạo chính Ông ban hành, số tín đồ Công giáo vẫn lên tới 420.000.
Kết quả : Khung trời Tôn giáo ở Việt Nam, từ thế kỷ XVI đã thực tế có thêm những người và nét văn hóa Kitô-giáo: trong kiến trúc, thi ca, quan niệm và tổ chức đời sống. Những nét văn hóa Công-giáo không dễ hòa đồng vào với các tôn giáo khác, ngoại trừ hình thức cung kính và thi ca.
Lm. Nguyễn Thế Thoại
————————————
[1] 1495-1521
[2] Bresilia
[3] Thật khó hiểu : “Từ1506”, “từ thế kỷ XVI”, “đến thế kỷ XVI”… tác gỉa muốn nói về những năm nào ? Năm nào Bồ Đào Nha ? Năm nào Tây Ban Nha ? Năm nào người Anh ? !
[4] Nguyễn Hiến Lê – Thiên Giang, Lịch Sử Thế Giới, cuốn III, ch. III
[5] 1643-1715
[6] Sđd. IV, tr. 100-101
[7] Y Pha Nho = Tây Ban Nha = Espana = Espagne
[8] Giáo sĩ Matteo Ricci “Lợi Mã Đậu”
[9] Quen gọi “Dòng Tên”
[10] Nguyễn Hiến Lê, sđd, tr. 173-174
[11] “Anh em chỉ có một Cha trên trời, một Thầy là Đức Kitô, còn tất cả là anh em.”, Kinh Tân Ước, Mt 23, 8