Năm B 

Thân nến hình hài đang sám hối – Chúa Nhật II MC B

THÂN NẾN HÌNH HÀI ĐANG SÁM HỐI
(Chúa Nhật 2 MC năm B 2012)

Jos. Trương Đình Hiền

Trong kinh nghiệm thường thấy, phải chăng, cuộc sống đời thường dễ biến con người “ở lại dưới thấp”, chấp nhận cuộc sống dễ dãi, tự tại an nhàn, một cuộc sống “tà tà mặt đất”, không cần phải cố gắng, nỗ lực hay phấn đấu. Đó là cuộc sống nhàn cư theo cái kiểu:

Thôi công đâu chuốc lấy sự đời,
Tiêu khiển một vài chung lếu láo. (Cao Bá Quát)

Và chính cái cuộc sống ù lỳ, lười biếng đó đã biến con người vốn đã được Thiên Chúa trang bị cho những đôi cánh “thiên nga” để có thể bay bổng đó là lý trí, con tim, lương tâm và tình yêu…thì lại chọn lựa cuộc sống tối tăm của bầy vịt..

Riêng đối với những người Kitô hữu chúng ta, (nhất là các bạn trẻ), trước áp lực của những nhu cầu đơn điệu : cơm áo gạo tiền, bồ bịch vợ con, học hành thi cử…đã khiến nhiều người quên đi hay không còn màng chi đến những mục tiêu cao hơn, xa hơn theo nhưng đòi hỏi của Tin Mừng như :

– Đòi hỏi sống thánh thiện : “Các con hãy thánh như Cha các con trên trời là Đấng thánh”,

– Đòi hỏi sống công chính : “Nếu các anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và biệt phái, thì chẳng được vào Nước trời”

– Đòi hỏi sống chứng nhân, gương sáng : “Chính anh em là muối cho đời….chính anh em là ánh sáng cho trần gian…”

– Đòi hỏi hy sinh : “Ai muốn theo ta hãy từ bỏ mình vác thập giá mình mỗi ngày mà theo Ta”.

– Đòi hỏi yêu thương : “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em”

“Không có tình yêu nào lớn cho bằng kẻ hy sinh mạng sống bạn hữu”

– Đỏi hỏi xả thân phục vụ : “Anh em hãy rửa chân cho nhau như Thầy đã rửa chân cho anh em”

– Đòi hỏi bác ái làm phúc : “Ta bảo thật các ngươi : mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”….

Hôm nay, bàn Tiệc Lời Chúa đã khơi gợi lên những cuộc phấn đấu lột xác của hành trình Mùa Chay được cụ thể hóa qua hình ảnh cuộc “Ra đi sát tế con” của Tổ phụ Áp-ra-ham và cuộc “Lên Núi” biến hình của Đức Kitô . Đó chính là một lời mời gọi tha thiết của Mùa Chay để chúng ta định hướng lại nhịp sống đức tin nếu đức tin đang trên đà sai lệch, làm mới lại lối sống đạo của mình nếu lối sống đạo đã cũ mòn xơ cứng. Đó là cuộc gọi mời không ngừng biết vươn cao và đi xa. Vươn cao khỏi đồng bằng cuộc sống với những nếp nghĩ và cách hành xử tầm thường, cục bộ, ích kỷ, bon chen, ganh tỵ, tham lam ; đi xa khỏi cái tôi với trái tim và con mắt chật hẹp, méo mó, xoi mói, giận hờn, thù oán, kiêu căng…

Thật ra, từ khi chịu phép thanh tẩy, mỗi người Kitô hữu chúng ta được gọi vào một cuộc “biến hình” từ từ và liên tục. Nếu chúng ta chấp nhận đi vào đường hẹp của Thầy Giêsu, chúng ta thật sự được “biến hình đổi dạng và phản ảnh vinh quang rạng người của Thiên Chúa như lời xác quyết của Thánh Phaolô Tông Đồ :

“Chúng ta được biến đổi nên giống cũng một hình ảnh đó, ngày càng trở nên rực rỡ hơn, như do tác động của Chúa là Thần Khí” (2 Cr 3,18)

Lột xác- Biến đổi – Canh tân : đó là cuộc hành trình đức tin của người kitô hữu. Chọn lựa niềm tin như thế không bao giờ là chuyện giỡn chơi mà luôn là cuộc chiến đấu đòi hỏi hy sinh và can đảm. Ngay từ buổi đầu Kitô giáo, Đấng sáng lập đã từ bỏ mái ấm gia đình ở làng quê Na-da-rét để dấn thân rao giảng Tin Mừng và sau đó là vác lấy thập giá lên đồi Sọ để hiến dâng thân mình làm của lễ hy sinh. Các tông đồ đã “bỏ cha, bỏ mẹ, gia đình, thuyền và lưới” để đi theo Đức Kitô và cũng đã kết thúc cuộc hành trình đó bằng những cuộc tử đạo. Và kể từ đó, hàng hàng lớp lớp thế hệ Kitô hữu đã lần lượt nối gót trên cuộc hành trình đức tin mà cái giá phải trả chưa bao giờ thay đổi.

Trong một thế giới mà chủ nghĩa cá nhân đang thắng thế, chủ nghĩa hưởng thụ đang lên ngôi và căn bệnh vô cảm đang trên đường thống trị…quả thật : chọn lựa niềm tin Kitô hữu và sống trọn hảo chọn lựa ấy mỗi ngày quả là một thách đố lớn lao. Chính vì thế, Mùa Chay gọi mời tất cả chúng ta cùng mạnh mẽ lên đường với một cuộc hành trình mới mẻ :  cuộc hành trình mỗi ngày đến với Thánh lễ, là cuộc hành trình ăn năn sám hối đến với tòa giải tội, là cuộc hành trình đến với anh em để hòa giải yêu thương, cuộc hành trình đến với những người yếu đau bệnh hoạn, đói khổ để ủi an, giúp đỡ phục vụ.

Trong cuộc sống đức tin hôm nay, có bao nhiêu cuộc “lên cao” và “đi xa” như thế mà chúng ta chưa làm được hoặc chúng ta cố tình lảng tránh để tìm một nơi ẩn trú an toàn, một pháo đài chắc chắn của tiền bạc, nhà cửa, một đầm lầy dễ dãi của phương tiện hưởng thụ… để được no cơm ấm áo và không sự gì phiền nhiễu, không kẻ quấy rầy.

Riêng đối với các anh chị em dự tòng, sứ điệp Lời Chúa hôm nay đã khắc họa hai hình ảnh thật rõ nét để nhắn gởi cho anh chị em về nỗ lực chọn lựa niềm tin của chính mình. Hình ảnh Áp-ra-ham đầy can đảm và phó thác cho niềm tin vào một Thiên Chúa công chính toàn năng, sẵn sàng sát tế con để thi hành thánh ý ; và hình ảnh của Đức Kitô biến hình trên núi cao Ta-bo, lột bỏ cái xác thân bình thường nhân loại để mặc lấy cái rực rỡ chói ngời của thân xác phục sinh, phải chăng đó chính là chọn lựa “ra đi tìm kiếm đức tin” của anh chị em khi dấn thân cho một niềm tin mới, là cuộc lột xác, khước từ con người cũ với những nếp suy nghĩ và ứng xử tối tăm ngoại giáo để mặc lấy những thái độ và ứng xử sáng ngời của tin Mừng, cho dù Tin Mừng ấy, đức tin ấy, chọn lựa chân lý ấy sẽ là một cái giá thật đắt phải trả cho cuộc đời dễ dãi, phẳng lặng, cho gia tộc, cho quan hệ bạn bè, và cho cả cái sinh mệnh chính trị nữa. Đức tin, một chọn lựa cao giá là thế.

Tuy nhiên, tiêu đích của cuộc hành trình đức tin không dừng lại ở thập giá hay đồi Sọ. Bởi vì nếu Đức Kitô đã hấp hối thương đau nơi vườn Giết-sê-ma-ni trên núi Cây Dầu, thì Ngài cũng đã biến hình rực rỡ trên núi Ta-bo ; hoặc nếu Ngài đã gục đầu tắt thở trong cái chết tủi nhục vào chiều Thứ Sáu trên Núi Sọ, thì cũng trên ngọn núi ở Ga-li-lê Ngài đã oai hùng tập họp các môn sinh để về trời trong chiến thắng vinh quang. Quả thật, bên kia sa mạc và biển Đỏ chính là Đất Hứa, bên kia Thập Giá chính là Phục sinh. Cuộc biến hình trên núi Ta-bo hôm nay chính là dự báo chắc chắn cho cuộc phục sinh vinh hiển của Đức Kitô sau biến cố tử nạn, và là hình ảnh báo trước viễn tượng phục sinh cho cuộc hành trình đức tin của mọi Kitô hữu, của tất cả chúng ta. Còn trong đời thường hôm nay, chúng ta tin rằng : mỗi một thánh lễ, một giờ cầu nguyện sốt sắng dâng lên, sẽ nhận được muôn ơn lành đổ xuống, một nụ cười, một cử chỉ thân ái trao ban, sẽ đem về niềm vui bất tận, một nghĩa cử thứ tha, hòa giải chân tình sẽ trả lại khung trờ bình an cho tâm hồn và cuộc sống, một chiến thắng trước cám dỗ bất chính sẽ rực sáng niềm vui trong sâu thẳm trái tim, một chút hy sinh chịu thiệt thòi mất mát để anh em khác được lợi được nhờ…, sẽ âm vang một hạnh phúc lâu dài bền vững…Vâng, đó chính là những cái phúc thật mà Đức Kitô đã long trọng loan báo trong bài giảng đầu tiên của Ngài ngày xưa. “Phúc cho ai hiền lành, phúc cho ai trong sạch, phúc cho ai biết xót thương, phúc cho ai xây dựng hòa bình…”

Khi tiến bước trên lộ trình Mùa Chay với niềm tin như thế, chúng ta sẽ hân hoan và sốt sắng trước những mời gọi hoán cải, đổi đời, hy sinh, thập giá. Sẵn sàng lên cao trong cầu nguyện gặp gỡ Thiên Chúa để lột xác biến hình và can đảm đi xuống bon chen giữa dòng đời để hy sinh và phục vụ. Và như thế, cuộc đời của chúng ta hôm nay chẳng khác nào :

Thân nến hình hài đang sám hối,
Thiêu từng nếp cũ tháng ngày qua…

Đế rồi sẽ bừng sáng lên trong đêm Vọng Phục Sinh hay sẽ cháy sáng mãi trong vinh quang hằng sống.

Related posts