Có được từ chối cho Rước Lễ không?
Có được từ chối cho Rước Lễ không?
ROMA – Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô, giáo sư Phụng vụ tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ vương các thánh Tông đồ), Roma.
Hỏi: Một linh mục (hoặc một phó tế hoặc thừa tác viên ngoại thường cho Rước lễ) phải làm gì trong trường hợp một người đi lên để Rước lễ, trong khi người ấy không ở trong ân nghĩa Chúa theo nhiều người biết? Một người sống mối quan hệ đồng tính luyến ái tích cực có thể Rước lễ không? Nếu một người đồng tính luyến ái đang sống một cuộc sống khiết tịnh và độc thân, người đó có được xét là sống trong ân nghĩa Chúa không, bao lâu mà người ấy đi nhà thờ và đã xưng tội? Liệu một người đang trong một mối quan hệ đồng tính luyến ái tích cực có thể làm thừa tác viên ngoại thường không, hoặc làm người phục vụ bàn thánh được không? – D.B., Pittsburgh, bang Pennsylvania (Mỹ)
Đáp: Độc giả trên đây chắc là lấy cảm hứng từ một cuộc tranh cãi gần đây liên quan việc từ chối cho Rước lễ tại Tổng Giáo Phận Washington, Mỹ. Mặc dù vụ này đã được bình luận rộng rãi, tôi không tự xem mình là được thông tin đầy đủ về các sự việc, để đưa thêm các nhận định khác hơn là bày tỏ hy vọng rằng vụ việc sẽ cuối cùng được giải quyết, và mọi sự hiểu lầm được làm sáng rõ.
Sau khi nói như thế, tôi sẽ cố gắng giải quyết vấn đề trong tầm tay mình.
Trước hết, bổn phận của mỗi tín hữu là đánh giá liệu mình có sống trong ân nghĩa Chúa hay không để Rước lễ. Để biết điều này với sự chắc chắn luân lý hợp lý, người ta không biết phạm tội nào mà đã không xưng, hoặc không phải ở trong một tình trạng, vốn thông thường sẽ loại trừ việc có thể lãnh nhận bí tích, ví dụ, một cuộc hôn nhân bất thường không được Giáo Hội công nhận là hợp lệ.
Trong khi thi hành sứ vụ, linh mục và thậm chí các thừa tác viên khác thường chiều theo lòng tin tốt của những người đến với bí tích.
Chỉ có Thiên Chúa biết chắc chắn tuyệt đối tình trạng sống trong ân nghĩa Chúa của một người. Cá nhân mỗi người có thể đạt được sự chắc chắn luân lý hợp lý về tình trạng hiện tại của linh hồn mình. Linh mục thường không biết về tình trạng sống trong ân nghĩa Chúa của một người khác. Thậm chí nếu một linh mục biết rằng một người nào đó là người phạm tội thường xuyên, linh mục cũng không thể biết liệu trước khi lên Rước lễ, người ấy đã sám hối chưa, xưng tội chưa và cố gắng chừa tội chưa.
Thậm chí nếu một linh mục trong thực tế biết rằng một người không nên Rước lễ, và sẽ phạm sự thánh nếu Rước lễ, linh mục không công khai từ chối cho Rước lễ. Không ai, ngay cả người phạm tội trọng, bị công khai phơi bày về các lỗi che giấu của họ. Mọi người đều có quyền bảo vệ thanh danh của mình, trừ khi thanh danh bị mất do các hành vi công khai của người phạm tội, hoặc vì một hình phạt công khai.
Đây là một tình huống rất khó khăn cho một linh mục gặp phải, nhưng bằng cách này ngài cũng chia sẻ cùng một thái độ mà Chúa đã chọn, khi làm cho mình sẵn sàng trong Bí Tích Thánh Thể. Hiếm khi một linh mục bị đặt trong một tình huống khó khăn như vậy; Chúa Thánh Thể phải đối mặt với nó mỗi ngày.
Điều 915 của Giáo Luật cho biết các trường hợp chủ yếu, trong đó việc Rước lễ có thể bị từ chối cách công khai. Điều này nói, “Không được nhận rước lễ: những người bị vạ tuyệt thông và cấm chế sau khi hình phạt đã tuyên kết hay tuyên bố; những người khác cố chấp trong một tội nặng công khai.”
Trường hợp đầu tiên nhắc đến những người mà một hình phạt giáo luật về vạ tuyệt thông hay cấm chế đã được công khai áp đặt vì một tội nặng theo Giáo luật.
Nó không nhắc đến những người có thể đã rơi vào một hình phạt tự động (chẳng hạn tham gia việc phá thai) mà không biết. Tất nhiên, những người trong tình huống này không nên Rước lễ, cho đến khi bị vạ tuyệt thông được cất bỏ, nhưng linh mục không nên từ chối cho Rước lễ ngay cả khi ngài biết rằng hình phạt vẫn còn.
Trường hợp thứ hai, những người cố chấp kiên trì trong tội nặng tỏ tường, là khó hơn để xác định và thường đòi hỏi một nghiên cứu cho mỗi trường hợp. Ngay cả những chuyên gia giáo luật không đồng ý về các áp dụng thực tế. Nhưng hầu như tất cả đều đồng ý rằng luật nên được giải thích cách hạn hẹp và rằng mọi yếu tố – sự cố chấp kiên trì và tội nặng hiển nhiên – phải được đồng thời hiện diện, trước khi việc Rước lễ có thể được công khai từ chối.
Thật khó xác định liệu một tội nặng là hiển nhiên. Để được như vậy, tội này phải được biết bởi một phần lớn của cộng đồng, và điều này cũng có thể tùy thuộc vào bản chất của bản thân cộng đồng. Ví dụ, nó là một điều thuộc về một ngôi làng thôn quê yên tĩnh, nơi ai nấy đều biết mặt nhau, hoặc nó là một điều thuộc về một giáo xứ thành phố lớn, nơi sự việc chỉ có thể được biết khi nó xuất hiện trên các phương tiện truyền thông.
Sự cố chấp kiên trì cũng khó để xác định, và thường đòi hỏi rằng linh mục đã có thể trò chuyện với người phạm tội, và đã cảnh báo là không cho Rước lễ cho đến khi người ấy không còn phạm tội nữa.
Vì cả hai yếu tố phải hiện diện, linh mục chỉ có thể đưa ra lời cảnh báo rằng việc Rước Lễ sẽ bị công khai từ chối, khi tội lỗi được biết đến rộng rãi, và ngài đã không biết rõ điều đó qua Bí tích Hòa giải.
Có thể có các trường hợp khi mọi yếu tố đều hiện diện, bởi cách thức mà một người tiến đến gần bàn thờ. Ví dụ, nhiều Giám mục Mỹ đã từ chối cho Rước lễ đối với người choàng khăn quàng vai cầu vồng. Trong trường hợp này, người ấy sử dụng một biểu tượng, vốn công khai bênh vực một lối sống mà Giáo Hội cho là phạm tội nặng.
Có thể có một số trường hợp khác, khi một linh mục phải quyết định do sự thôi thúc của thời điểm, ví dụ, khi một người ở trong một tình trạng mặc trang phục khác phái quá rõ ràng, và không nhận thức đầy đủ về việc mình làm. Các trường hợp như vậy liên quan nhiều hơn đến trật tự công cộng và tôn trọng Mình Thánh Chúa, hơn là phán đoán đến tình trạng nội tâm của người ấy.
Một trường hợp khác là khi một người là không Công Giáo cách rõ ràng. Tình huống như vậy thường phát sinh tại các đám cưới và đám tang. Nhiều giáo phận và giáo xứ đã chuẩn bị cách xử lý cho các dịp như vậy, và khuyên nhủ những người tham dự về các điều kiện để rước lễ trong Giáo Hội Công Giáo. Điều này giúp như là một lời nhắc nhở cả cho người Công giáo, ít thực hành đức tin của họ, cũng như cho tín hữu thuộc các giáo phái khác và tôn giáo khác.
Cuối cùng, Giáo Hội phân biệt giữa một xu hướng đồng tính luyến ái và hành vi đồng tính luyến ái. Trong khi xu hướng là bị rối loạn, nó không làm cho người ta thành người có tội – miễn là người đó sống một cuộc sống khiết tịnh. Thật vậy, không có lý do một người như vậy không thể đạt được một mức độ cao của sự thánh thiện.
Còn một người hành động trên xu hướng đồng tính luyến ái thì phạm tội trọng. Với ý thức này, tôi nghĩ rằng rõ ràng những người đồng tính luyến ái tích cực không được Rước lễ. Tuy nhiên, cánh cửa bí tích hòa giải luôn luôn là mở cửa cho họ, khi họ có sự hối cải chân thành và sửa đổi.
Bất cứ ai, vì bất kỳ tội nặng nào, không được Rước lễ và không tham gia vào tác vụ. Có thể có trường hợp ngoại lệ cho quy tắc này, khi một người tạm xa rời ân nghĩa Chúa mà không kịp xưng tội trước khi tham dự Thánh lễ. Tuy nhiên, không có trường hợp ngoại lệ trong trường hợp của những người thường xuyên bị loại trừ khỏi việc Rước lễ. (Zenit.org 27-3-2012)
Nguyễn Trọng Đa
Vietcatholic News