Văn hóa & Đức tin 

Kitô giáo tại Pháp: Tàn lụi hay chuyển mình

KITÔ GIÁO TẠI PHÁP: TÀN LỤI HAY CHUYỂN MÌNH

Cao Như Sơn Michel Barnouin

Nguyên Giáo sư Đại chủng viện Xuân Bích, Phú-Xuân, Huế

Nguyễn Đăng Trúc & Đỗ Tân Hưng chuyển qua Việt ngữ

Tình trạng Kitô giáo ở Pháp hiện nay có vẻ nghịch thường. Một mặt, Kitiô giáo xem ra hùng mạnh, chi phối sinh hoạt văn hóa và nghệ thuật. Mặt khác, người ta thấy Kitô giáo hầu như biến mất: các thánh đường như trống vắng tín hữu tham dự phụng vụ vào Chúa nhật. Thanh niên không tha thiết gì mấy với lý tưởng sống đời giáo sĩ phục vụ các giáo xứ hay sống đời tu trì. Giới truyền thông báo chí lại thường dửng dưng hoặc châm biếm lập trường của Giáo hội.

Người Việt-Nam đến định cư ở trên đất Pháp ngỡ ngàng trước cảnh tượng nầy, một cảnh tượng trái ngược với những hình ảnh đạo hạnh của các vị thừa sai đến từ nước Pháp từ hai thế kỷ nay. Hoặc giả họ về tỉnh thành may ra thấy được vài nét đa dạng khác, ở đấy còn có những người vẫn giữ đạo rất sốt sắng, ít là nơi những người trọng tuổi. Và người ta còn chút thắc mắc để đặt thành vấn đề. Trong khi chính những người dân Pháp thì không chút ngạc nhiên. Không nói ra, nhưng họ đều biết rằng tình trạng hiện nay xuất phát từ những ảnh hưởng đang tác động trên cuộc sống xã hội chính trị và văn hóa của họ suốt hai hay ba thế kỷ qua. Diễn tiến đó đối với họ hoàn toàn tự nhiên.

Nhưng qua các vị giám mục, Giáo hội tại Pháp tự đặt câu hỏi cho chính mình. Với tư cách tập thể, các ngài đã công bố một bức “Thư gởi người Công giáo ở Pháp”(Nhà Xuất Bản Le Cerf, năm 1994, được bổ túc năm 1996) với nhan đề: “Đề nghị Đức Tin trong xã hội hiện đại”. Gần đây Đức cha Hippolyte SIMON, một giám mục Pháp, nghiên cứu tận tường đức tin Kitô giáo trong xã hội ngày nay và trình bày chi tiết trong một cuốn sách. Sách được trình bày qua hình thức một cuộc đối thoại với một ký giả. Tựa đề là “Tự do hay thần tượng?” (Nhà xuất bản Cana và DB, năm 2003). Ngài đề cập tới những thần tượng của nền văn minh mãi hóa đang bị nhu cầu tiêu thụ khống chế. Đức Tin Kitô giáo đề nghị một cái nhìn mới, ngược lại, phát sinh từ sự bừng khởi của tự do hướng đến một tương lai vô tận của nhân vị con người. Chúng ta thử rút ra một vài nét chính của tác phẩm nầy.

DƯ LUẬN CÔNG CHÚNG KẾT ÁN GIÁO HỘI THUỞ XƯA

Khi nói đến dư luận quần chúng đối với Giáo hội, là nói về việc gì ? Hẳn là nói tới điều mà giới truyền thông lặp lại như một chuyện đương nhiên được mọi người xưa nay đều biết không cần chứng cớ hay biện minh làm gì. Thật ra, những nhà trí thức Pháp có ảnh hưởng vào thế kỷ thứ XVIII, trong phong trào “Ánh Sáng”, dựa vào khả năng lý trí để phê phán Giáo hội về những sai lầm gia trọng (như vụ Galilée) và những tội ác (như Tòa Án Dị Giáo). Từ những sự kiện ấy, họ bác khước niềm tin vào sứ điệp mà Giáo hội tuyên dương là được Thiên Chúa mạc khải. Cùng một trật, họ tỏ ra hâm mộ những nền văn minh khác, như nền văn minh Trung Hoa, và nghĩ rằng những nền văn minh đó đảm bảo một đời sống nhân linh vượt lên trên đời sống những Kitô hữu ở Âu châu.

Đức cha SIMON đề cập đến các nội dung nầy trong bối cảnh của vấn đề về SỰ DỮ phổ cập. Các lý thuyết gia quên vấn đề căn cơ nầy khi khai triển những kế hoạch để canh tân nhân loại, kể cả bằng võ lực. Đức Cha nhấn mạnh (trang 137) rằng “bất cứ ai muốn làm cách mạng đến nói với chúng ta rằng sự dữ sẽ được tiêu trừ là một người nói dối, và người ấy sẽ lôi cuốn nhân loại nhảy nhào vào vực thẳm để kết thúc trong kinh hoàng. Mỗi khi Kitô hữu hành động như vậy, chẳng hạn như Tòa Án Dị Giáo, thì họ cũng không thể tránh khỏi thảm họa.”

Thật thế, Giáo hội thời Trung Cổ và cho đến thời Cách Mạng Pháp đã thân cận với quyền bính của vua chúa trần thế. Giáo hội đã lạm dụng quyền nầy. Giáo hội tưởng tượng có thể sử dụng những phương tiện trần thế để bảo vệ đức tin Công giáo. Trước hết điều đó ngược lại với Phúc Âm và kế đó là vô luân, cho dẫu khi dư luận nói chung lúc bấy giờ đã chấp nhận như thế. Ngày nay Giáo hội bị xem là “mắc tội về lối thống trị nầy trong quá khứ” (tr. 94), “luôn bị ngờ vực là muốn cai quản xã hội”…”đóng vai trò tôn giáo Nhà Nước và làm tổng giám thị Quốc Gia.”(tr. 142).

Ngược lại “chúng ta đang bước vào thời kỳ Quốc Gia pháp trị và chính sách biệt lập tôn giáo” (tr. 147). Đức Cha SIMON nói rằng trách vụ thiêng liêng của Kitô giáo vẫn luôn khẩn trương. Trước đây, đối với nhiều người chủ trương ‘chính sách biệt lập tôn giáo’ có nghĩa là một ý đồ phá hại Giáo hội. Thế nhưng một chính sách biệt lập tôn giáo như thế lại giúp Giáo hội tránh được lời buộc cáo tôn giáo độc đoán chuyên quyền, và hỗ trợ cho tự do lương tâm được triển nở, một sự tự do vốn là yếu tố thiết yếu cho một đức tin chân thật. Vì vậy phải loại trừ những “khẩu hiệu lỗi thời” bởi vì “chúng ta đã sống trong một thế giới đã thay đổi. Tương quan giữa Giáo hội và xã hội dân sự đã đảo lộn” (tr. 156).

DÂN PHÁP YÊU MẾN GIÁO HỘI MUÔN THUỞ

Một điều mâu thuẫn: Một mặt nước Pháp biết mình phát sinh như một quốc gia Công giáo và luôn mãi tìm gặp ở đó nhiều giá trị văn hóa. Mặt khác nước Pháp muốn mình tân thời và không cần Thiên Chúa. Như Đức Cha SIMON nói: “Nước Pháp là nước Kitô giáo qua nhiều định chế của mình. Gia sản, những định chế lớn được hướng dẫn bởi tâm tư Kitô giáo…Những ngày lễ, những niên lịch, những tên gọi.” Dẫu vậy người ta cũng nói ngược lại rằng: “Nhưng điều đó đang tàn dần. Những ngày nghỉ lễ Phục Sinh là những ngày nghỉ ‘mùa xuân’. Những ngày nghỉ lễ Giáng Sinh là những ngày nghỉ lễ cuối năm, và càng ngày người ta càng chọn những tên tuổi trong các truyện trên đài truyền hình Hoa kỳ để đặt tên cho con cháu” (tr. 230)

Tình trạng phức tạp tương tự đối với những buổi lễ rửa tội, làm phép cưới và nghi thức tống táng: đa số dân chúng muốn cử hành những nghi lễ nầy “ở trong nhà thờ”, cho dẫu họ không sống đạo và ít tin tưởng. Bởi vì đó là truyền thống trong gia đình đã có “từ lâu rồi”, như một tập tục nối kết hiện tại với quá khứ và tạo thành sự nhất thống của toàn thể gia đình khi sum họp. Người ta tự hỏi đây có phải là điều còn sót lại của ngọn lửa Kitô giáo còn nhen nhúm hay không? Có phải đây là biểu lộ mối khắc khoải thâm sâu về ý nghĩa sự sống sự chết hay không? Đây có phải là một thứ tình cảm tôn giáo tự nhiên, độc lập với đức tin Kitô giáo đặt trọng tâm ở Chúa Giêsu Phục Sinh không? Đây hẳn là điều mà Đức Cha SIMON gọi là một thứ tình cảm tôn giáo “ngoại đạo” theo bản năng, tự nhiên và tốt lành, gắn liền với mầu nhiệm của bản tính con người, dẫu con người không hay biết, mầu nhiệm về phẩm giá vô song vì được tác tạo theo hình ảnh Thiên Chúa.

Dân Pháp cũng yêu thích các ngôi thánh đường. Đó là thành phần chính của gia sản kiến trúc. Người ta thích thăm viếng, học hỏi. Người ta buồn tiếc khi thấy những ngôi thánh đường ở các làng quê bị đóng cửa. Điều đó có nghĩa là những người giữ đạo tích cực ít đông đảo hơn. Hoặc giả (phản ứng khác) là người ta dồn sức tu bổ, trang hoàng và biến thành những bảo tàng viện luôn mở cửa đón tiếp du khách. Nhưng như thế gia sản đó đã chết về phương diện đức tin. Nhà Nước đã nhận ra sự kém hiểu biết của giới trẻ đối với gia sản tôn giáo nên tổ chức ngay trong những trường công lập một chương trình giáo dục về những sự kiện tôn giáo hay cả những học thuyết tôn giáo. Nhưng sự khách quan vô tư đó có thể nói được là điều cơ bản của đức tin không? Đức tin là gì nếu không phải là một sự liên kết, một sự dấn thân tin tưởng, một kinh nghiệm tâm linh? Đức Cha SIMON thường xuyên nhấn mạnh: chỉ có đức tin mới có thể nói về đức tin, và đề nghị đức tin ấy cho người khác qua chứng nghiệm sống động và hiện thực.

THIÊN CHÚA ĐÃ BỊ LÃNG QUÊN?

THIÊN CHÚA ĐÃ TÌM LẠI ĐƯỢC ?

Khi người ta lướt qua những sách vở ở đại học, những tài liệu giáo khoa, những bài báo của các ký giả hay những nghị luận về những vấn đề xã hội, nếu phải đề cập đến vấn đề tôn giáo, thì tôn giáo sẽ được nhắc nhở là những tình cảm chủ quan. Muốn nói cái gì thật thì người ta tránh nhắc đến bất cứ điều gì liên quan đến Thiên Chúa. Người ta giả thiết rằng Thiên Chúa không thể ở trong phạm trù một chân lý khách quan được chấp nhận một cách hợp lý. Người ta nghĩ rằng Ngài không hiện hữu như một thực tại, mà chỉ như một giấc mơ thi phú. Người ta quả quyết điều đó bởi vì các kiến thức khoa học không dành một chỗ nào cho Thiên Chúa hay cho ý tưởng về sự Tạo Dựng. Và người ta tin tưởng rằng không gì có thể hiện hữu ngoài điều mà các khoa học dựa trên lý trí tự nhiên hiểu biết được.

Thái độ có tính cách giáo điều đó đã thống trị nước Pháp từ thế kỷ thứ mười tám và càng lâu càng mạnh mẽ hơn nữa. Thái độ đó được củng cố nơi nền văn minh đang bị các kiến thức khoa học và vô tuyến truyền hình khống chế. Những kiến thức ở mức nầy chất đầy não bộ chúng ta bằng số lượng dữ kiện và hình ảnh rất hấp dẫn, nhưng không dành một chỗ nào cho những thắc mắc quan trọng hơn đối với cuộc sống cá nhân chúng ta. Kỳ thực, chúng ta là ai? Tại sao chúng ta sống? Xã hội, với tiền của và phương tiện truyền thông “có thể chi phối tâm trí để cắt xén chúng ta … ra thành những phần tử định lượng được, mặc cả được, trao đổi được”. Mỗi một người trở thành “một cá nhân ở giữa những cá nhân lưu động khác…một cá nhân hoán chuyển nhau được, chỉ đơn thuần là một con số mà thôi, một con mối trong tổ mối”. Trong lúc đó “con người, có khả năng tự nhận thức, là một nhân vị tuyệt đối cá biệt. Nhưng cũng một trật con người có thể cảm nghiệm nỗi vui thâm sâu tự biết mình hiện hữu trong sự thông hiệp với người khác”. “trong một tương giao chân thành có tính cách bằng hữu, tríu mến hay thiết thân cha-con”. Chúng ta phải bảo vệ “chỗ nương náu cuối cùng của nhân loại chúng ta…của sự tự do chúng ta, của quyền lợi được sống của chúng ta trong những mối tương giao thân mật”. Bởi vì “mỗi người phải gánh trách nhiệm về cách họ đối xử đối với người khác và đối với Thiên Chúa”. Thật ra chính Thiên Chúa đảm bảo sự siêu việt tâm linh và sự tự do cá nhân của chúng ta theo hình ảnh hiệp thông của Ngài ở trong Ba Ngôi. (trang 83-85).

Một lối ý thức về cuộc sống con người và ý thức chính thân phận con người như thế luôn gắn liền với một nỗ lực giải thoát (khỏi tăm tối), một kinh nghiệm giúp chúng ta tìm lại Thiên Chúa.

THIÊN CHÚA VÀ KIẾN THỨC KHOA HỌC: XUNG KHẮC HAY LIÊN MINH ?

Ở Pháp thông thường người ta cho rằng hiểu biết theo lý trí luôn đi đôi với chủ trương về sự xung đột giữa ý niệm về Thiên Chúa và khoa học. Muốn cắt nghĩa vũ trụ, thì cứ việc khám phá những nguyên nhân tiềm ẩn của mọi hiện tượng quan sát được. Vì khoa học chỉ quan sát điều gì thuộc về vật chất, thì chỉ cần những nguyên nhân vật chất là được. Do đó không có vấn đề Thiên Chúa ở đây. Và nếu có vấn đề Tạo Dựng, thì chỉ cần đặt câu hỏi mà những tư tưởng gia lỗi lạc không ngừng lặp lại: – tại sao thế giới hiện hữu hơn là hư không?

Nhưng trước khi đạt tới khoa học duy lý, nhân loại đã tưởng tượng những nhân vật thần thoại để cắt nghĩa những hiện tượng vũ trụ tự nhiên mà nguyên nhân còn mơ hồ. Chẳng hạn những cơn giông bão, sự vận hành của các tinh tú. Thường thường những người có tín ngưỡng đã nói tới Thiên Chúa và những sự can thiệp nhất định nào đó của Ngài như muốn nói rằng khoa học chưa cắt nghĩa được. Và chỉ thế thôi. Nhưng người ta lại tưởng tượng một cách sai lầm rằng có một lãnh vực riêng được Thiên Chúa cai quản mà những nguyên nhân khoa học không mảy may chi phối. Một ý tưởng khờ khạo như thế xuất hiện và lên án tố cáo Thiên Chúa chẳng hạn gây ra những trận động đất nào đó trên quả địa cầu. Và với sự tiến bộ của khoa học, bấy giờ người ta lại nghĩ rằng không có Thiên Chúa nào can dự vào đó cả.

Vài tư tưởng gia áp đặt ý tưởng về sự xung khắc của hai lực khống chế, làm như Thiên Chúa và nhân loại cùng chung một thân thế. Và sự đối kháng “như thể con người chiếm một phần đất và Thiên Chúa chiếm phần còn lại”…”Nhiều người đã trình bày tương tự về một thứ cạnh tranh giữa Thiên Chúa và nhân loại như thể chúng ta tranh giành nhau một không gian giới hạn.”

Thực ra “con người càng cao cả thì càng phải tôn vinh Đấng Tạo Hóa, càng triển khai sự cao cả của Thiên Chúa”…”Thiên Chúa càng cao cả thì tặng phẩm Ngài ban cho con người càng lớn lao”. Như thế “chúng ta tự tôn vinh thân phận của chính chúng ta”. Vả lại Đức Kitô đã nói cho chúng ta rằng “Thiên Chúa không ở trước mặt chúng ta như một bậc thầy để thống trị chúng ta, để hạ thấp chúng ta, nhưng như là một Đấng…ban cho chúng ta một phương tiện để hoàn thành chính chúng ta” (tr. 102-104). Ngài đích thật là một người cha.

Vả lại “ý nghĩa về sự tự do có trách nhiệm” không ngăn cản việc “nhìn nhận chúng ta cũng cần một Đấng Cứu Thế.” Nhờ đức tin, chúng ta đặt “những bước chân chúng ta vào những bước chân của Đức Kitô để cứu thoát chúng ta, để giúp chúng ta vượt qua được sự chết ngõ hầu cùng với Ngài đạt tới sự phục sinh.” (tr. 105).

Nhưng đồng thời, người ta cũng bắt đầu nhận ra rằng lập luận của giới trí thức duy khoa học của Pháp về Thiên Chúa là một ý thức hệ chỉ biết đến đồ vật .. Thiên Chúa họ nêu lên vốn xa lạ với Thiên Chúa mà Chúa Giêsu mạc khải và Giáo hội đề nghị với chúng ta.

KITÔ GIÁO, VẤN NẠN CHUNG CỦA THẾ GIỚI

Người Pháp thích tưởng tượng họ đi trước những dân tộc khác trong lãnh vực trí thức và văn hóa. Điều đó đôi khi cũng có đúng. Giờ đây nên công nhận rằng nền văn minh nhân loại chúng ta có tính cách thế giới, đâu đâu đều có những sự tiến hóa tương tự. Nếu người ta tưởng rằng những xứ xưa kia nổi tiếng là Kitô giáo đang bị khủng hoảng, thì cần phải nói thêm là sự khủng hoảng đó là chung cho cả thế giới, cho dù ở dưới những hình thức khác nhau tùy theo địa phương.

Khắp nơi đều có những cố gắng để kiểm thảo, những trào lưu canh tân, những tiến bộ để tân phúc âm hóa trong từng địa hạt và địa phương nhất định. Đức Cha SIMON đúng là một chứng nhân của sự đổi mới đó. Sách của ngài dẫn chứng những thành công kiểm chứng được, và đồng thời không che giấu một số những yếu đuối và dòn mỏng. Tác giả không nhằm trình bày một Kitô giáo hời hợt dễ dãi, nhưng nhấn mạnh đến những yêu sách của một đức tin chân thật ở nơi Đấng Phục Sinh (tr. 90) và ở nơi mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa (tr. 82). Chân lý đòi buộc sự can trường nhưng đem lại tự do.

Nhất là cần biết ngờ vực chính mình khi đoán xét người khác. Mỗi người đều là nạn nhân của sự cám dỗ dễ bị thu hút bởi những thần tượng mà xã hội làm cho chúng ta tôn sùng, và của những xét đoán vội vàng mà chúng ta muốn dùng để khống chế những ai nghe chúng ta. Chúng ta hãy để Thiên Chúa đoán xét, và nên dấn thân cải thiện những thiếu sót và điều chỉnh lệch lạc trong dư luận. Chúng ta cần giúp mỗi một người tự giải thoát khỏi áp lực buộc họ hành động và suy nghĩ chung chung như mọi người. Bởi vì khuynh hướng ấy có lẽ sẽ đưa tới sự tăm tối hơn là ánh sáng.

Trong những năm sắp đến, hẳn sẽ có những đổi thay và chúng ta lại có dịp để học hỏi.

Related posts