Hãy giữ mãi “đôi cánh thiên nga”
Hãy giữ mãi “đôi cánh thiên nga”
Chúa Nhật Thăng Thiên (2012)
Để trình bày một mầu nhiệm cao siêu và lạ lùng, mầu nhiệm Chúa Thăng Thiên, tác giả sách Công Vụ Sứ Đồ đã diển tả cuộc “ra đi về trời của Đức Kitô mang dáng đứng huyền thoại pha lẫn chút cổ tích với những hình ảnh thật gợi cảm “Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người…Và đang lúc các ông còn đăm đăm nhìn lên trời phía Người đi…” (BĐ 1). Cho dù Kinh Thánh dùng diễn ngữ nào chăng nữa, thì niềm tin truyền thống của Giáo hội vẫn đơn giản : “Người lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha” (KTK). Vâng, Đức Kitô không “ra đi” để vĩnh viễn mất hút trong không gian và thời gian, Ngài không ra đi để hoàn toàn “âm dương cách trở”, vĩnh biệt ngàn thu…mà chỉ là một cuộc đĩnh đạt bước vào “hiện hữu mới” , là cuộc chiến thắng khải hoàn tiến vào cung điện thiên cung, để được gần gũi hơn, tự do hơn, quyền năng hơn của một “Đấng Kitô Thiên Chúa uy quyền”, chứ không còn là một “con người Giêsu-Nadarét” trước đó 40 ngày, chỉ là một tội nhân bị kết án tử hình với tấm thân rách nát trước tòa Philatô (Ecce Homo) !
Mầu nhiệm Thăng Thiên chính là “câu trả lời dứt khóat của Thiên Chúa” về chân tính đích thực của Con Một Ngài, Đức Giêsu-Kitô, Đấng từ Thiên Chúa mà đến và lại trở về cùng Thiên Chúa. Thăng Thiên chính là sự xác định rõ ràng về chương trình cứu độ của Thiên Chúa, về cùng đích của cuộc nhập thể và tử nạn-phục sinh của Con Một Ngài, về con đường hạnh phúc đích thực mà Đức Kitô sẽ dẫn đầu đi trước như lời kinh Tiền Tụng hôm nay : “Người lên trời không phải để lìa xa chúng con là những kẻ yếu đuối, nhưng vì là đầu và là thủ lãnh của chúng con, nên Người đã lên trước, để chúng con là những chi thể của Người vững một niềm tin tưởng cũng sẽ được lên theo”.
Như vậy, chúng ta có thể tìm thấy ý nghĩa cốt yếu trước tiên của huyền nhiệm Thăng Thiên đó chính là : một cuộc “ra đi để bắt đầu một hiện hữu mới”.
Chính vì thế, với cái nhìn của đức tin theo Lời Mặc khải, Lên trời, Thăng Thiên chỉ là một “diễn ngữ khác của Phục Sinh, Vượt Qua” nhưng mang âm hưởng của “chiến thắng, viên thành”. Chính vì thế, đừng có ai ngu ngơ như một Phi Hành Gia không gian nào đó của Liên Sô, sau chuyến du hành vũ trụ bay về mặt đất, đã ngông nghênh tuyên bố rằng : “Tôi đã bay ngang dọc khắp không gian nhưng chẳng gặp một ông Chúa nào trên đó cả”. Với một quan niệm và niềm tin lệch lạc như thế, thì với vài khoảnh khắc trong không gian kia làm sao anh ta gặp được Thiên Chúa ; mà cho dù anh ta có đi hết “bầu trời cuộc sống” trong thái độ ngạo mạn kiêu căng như thế, thì mãi mãi Thiên Chúa sẽ “ngàn trùng xa cách”. Điều nầy, thì chúng ta phải công nhận triết gia Pascal có lý khi phát biểu rằng : “Thiên Chúa sẽ vô cùng sáng tỏ cho những ai khao khát gặp gỡ Ngài; nhưng Ngài cũng sẽ vô cùng ẩn kín mịt mù đối với những ai đóng kín tâm hồn và xua tay từ khước”. Cũng trong ý nghĩa đó, chúng ta càng xác tín rằng : Chúa về trời là để “dọn chỗ” hầu “lôi kéo mọi người lên với Ngài” ; nhưng đồng thời, Ngài lên trời cũng là để vạch ra một “hố sâu ngăn cách giữa thiên đàng của những La-da-rô ăn mày và hỏa ngục của những tên trọc phú mà cuộc sống là một cuộc khước từ thuờng xuyên sự hiện diện của Thiên Chúa và ích kỷ triền miên trước anh em đồng loại (xem Lc 16,19-31).
Tuy nhiên, chúng ta còn tìm thấy một ý nghĩa khác nữa tgrong sứ điệp Phụng Vụ Thăng Thiên hôm nay : Chúa lên trời cũng có nghĩa “Ngài đang ở lại” :
Đó chính là khẳng định của các Tin Mừng đặc biệt của Tin Mừng Mác-cô được công bố hôm nay : “Nói xong, Chúa Giêsu đươc đưa lên trời ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng”.
Quả thật, Chúa lên trời để ở lại với chúng ta trong quyền năng Chúa Thánh Thần. Ngài lên trời để ở lại với chúng ta trong Lời Ngài được công bố từng ngày, từng giờ hôm nay; Ngài lên trời để ở lại với chúng ta trong Nhiệm tích Thánh Thể; Ngài lên trời để ở lại với chúng ta trong những người nghèo hèn đói khổ, bị bách hại đau thương như Ngài đã từng xác quyết : “Khi nào ngươi làm cho một người bé nhỏ nhất là ngươi đã làm cho chính ta…”, “Saulô, Saulô, sao ngươi tìm bắt Ta..” ; Ngài lên trời để ở lại trong chúng ta trong những Vị mục Tử thay mặt mặt Ngài chăn dắt đoàn chiên : “Sự gì dưới đất cầm buộc trên trời cũng cầm buộc…” ; Ngài lên trời để ở lại với chúng ta khi chúng ta họp nhau dâng lời cầu nguyện và tiến dâng Hy Tế : “Ở đâu có hai ba người họp lại vì Danh ta, có Ta ở giữa…”…Vâng, chính nhờ mầu nhiệm “Lên trời” mà Đức Kitô Phục sinh không chỉ hiện diện trong những Ngôi Thánh Đường nguy nga đồ sộ, trên cung thánh rực rỡ hào quang ; mà Ngài còn hiện diện nơi những nhà tù tanh hôi, khát máu, nơi những chòi tranh vách đất nghèo nàn, nơi trái tim nồng nàn cháy bỏng của những vĩ nhân như Đức Gioan-Phaolô II, hay nơi tâm hồn khiêm hạ giản đơn của Thánh Têrêxa hài Đồng, của Á Thánh Têrêxa calcutta, của Á Thánh Tân tòng Anrê Phú Yên, của linh mục tù nhân Maximilien Kolbe dám hy sinh cho bạn tù …
Đức Kitô về Trời để ở lại một cách huyện nhiệm khôn lường qua Bí Tích Thánh Thể mà hôm nay, giờ nầy tất cả chúng ta đang qui tụ để một lần nữa được cùng Ngài tái diễn Hy tế cứu độ, một lần nữa được nghe chính Ngài phán dạy qua bàn Tiệc Lời Chúa được công bố. Những lời hôm xưa của Đức Kitô trước khi giã từ các môn sinh : “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” đã được hiện thực không ngừng từng mỗi phút giây trong nhịp sống của Giáo Hội.
Và như thế, ý nghĩa cuối cùng và cũng là việc thực hành sống huyền nhiệm Thăng Thiên đó chính là : Hãy tìm kiếm những sự trên trời.
Nếu cách đây 2000 năm, các thiên thần đã nhắc khéo các tông đồ : “Tại sao các anh cứ đứng đó mà nhìn trời cao ?” (BĐ 1). Qua đó, Lời Chúa cũng muốn nói với chúng ta, với Giáo Hội muôn nơi muôn thuở rằng : Hãy quay về với mặt đất. Hãy quay về với Sứ Mệnh Đức Kitô phán truyền ; hãy quay về với thực tại đời thường để đem men Tin mừng vào thúng bột thế giới, để đem ánh sáng chân lý cứu độ vào bóng tối trần gian. Và các tông đồ đã thật sự quay về để sau đó tung chân đi khắp nẽo đường loan báo Tin vui. Và sau 20 thế kỷ, quả thật ‘tiếng chúng đã vang cùng trái đất và lời chúng đã vang xa khắp cõi địa cầu”.
Sống mầu nhiệm Thăng Thiên hôm nay phải chăng đó là vừa “biết ngước mắt ngẫng cao đầu hướng về trời cao” để nuôi giữ niềm tin yêu hy vọng vĩnh cửu, và vừa biết nhìn thẳng vào cuộc sống đời thường để biết xả thân xây dựng cuộc sống hôm nay. Sống mầu nhiệm Thăng Thiên cũng có nghĩa là vừa biết giữ cõi lòng thanh thản khỏi mọi vướng bận và đam mê nhỏ hèn, ô trọc, nhầy nhụa vật chất và lạc thú tầm thường , vừa biết cần cù xây dựng công lý và yêu thương, sẵn sàng biết cho đi và quảng đại quên mình.
Lời mời gọi của sứ điệp Thăng Thiên hôm nay làm tôi chợt liên tưởng tới câu chuyện “con chim thiên nga mang đôi cánh vịt”.
Chuyện rằng : trong bầy thiên nga bay cao trên vòm trời, có một chú nhìn xuống cánh đồng và chợt thấy một bầy vịt đang tà tà ngụp lặn kiếm ăn trông thảnh thơi, dễ chịu. Thế là chàng thiên nga với đôi cánh trắng mạnh mẽ, có thể bay qua cả một đại dương, đã “hạ cánh xuống chen vai cùng đám vịt đồng”, và chấp nhận ngày lại ngày mò cua bắt ốc…Nhưng rồi, bầy thiên nga trên cao lại xuất hiện. Cuộc sống lên cao, bay xa ẩn sâu trong tiềm thức trỗi dậy. Chú “thiên nga vịt đồng” quyết vỗ cánh để bay lên để nhập đoàn với “đội thiên thần cánh trắng”. Nhưng oái ăm thay ! Đôi cánh ngày xưa bây giờ như ngắn lại. Các đường gân và cơ bắp tóp teo. Chú thiên nga gắng đập cánh nhưng vẫn không cất mình lên nổi khỏi chốn bùn lầy nước đọng. và số phận thiên nga cao đẹp ngày nào vĩnh viễn lìa xa để thôi đành chấp nhận kiếp vịt đồng tà tà ngày qua tháng lại giữa chốn bùn lầy nước đọng….
Vâng, sống mầu nhiệm Thăng Thiên đó là biết không ngừng “chắp cho mình đôi cánh thiên nga” để bay cao khỏi vũng lầy của cái danh cái lợi, cái hận thù ghét ghen, cái nhỏ nhen bũn xĩn…để nhìn xa về phía trước, nhìn lên tận cõi cuối trời mà tin rằng có một “quê nhà đích thật” đang mở cửa đón đợi…
Để được như thế, chúng ta có thể cùng thưa lên với Chúa Giêsu :
Lạy chúa Giêsu,
Chúa đã yêu trái đất nầy,
Và đã sống trọn phận người ở đó.
Chúa đã nếm biết
nổi khổ đau và hạnh phúc,
sự bi đát và cao cả của phận người.
Xin dạy chúng con biết đường lên trời,
nhờ sống yêu thương đến hiến mạng sống cho anh em.
Khi ngước nhìn lên quê hương vĩnh cửu,
chúng con thấy mình được thêm sức mạnh
để xây dựng trái đất nầy,
và chuẩn bị nó đón ngày Chúa trở lại.
Lạy Chúa Giêsu đang ngự bên hữu Thiên Chúa,
xin cho những vất vả của cuộc sống ở đời
Không làm chúng con quên trời cao ;
và những vẽ đẹp của trần gian
Không ngăn bước chân con tiến về bên Chúa.
Ước gì qua cuộc sống hằng ngày của chúng con,
mọi người thấy Nước Trời đang tỏ hiện.
Giuse Trương Đình Hiền