Màu xanh dương có phải là màu phụng vụ không?
ĐTC Biển Đức XVI chỉ mặc áo lễ xanh dương trong vài dịp lễ trọng Đức Mẹ mà thôi
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô, giáo sư phụng vụ tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.
Liên quan đến bài trả lời của chúng tôi về màu áo phụng vụ (xin xem bài ngày 3-7), có một câu hỏi liên quan đến sự thay đổi màu áo lễ. Một độc giả từ Oregon, Mỹ, hỏi: “Liệu một linh mục có thể thêm vào hoặc thay đổi màu áo lễ, vốn được chỉ định cho mỗi mùa phụng vụ không. Chẳng hạn, trong Mùa Vọng, thay vì màu tím, cha xứ giáo xứ tôi sử dụng áo lễ màu xanh dương như là màu sắc của mùa này. Cha giải thích là cha muốn tránh màu lẫn lộn giữa Mùa Vọng và Mùa Chay, và cũng để tôn vinh Đức Maria, nên màu xanh dương là màu sắc phù hợp hơn”.
Đáp: Màu xanh dương không phải là một trong các màu sắc phụng vụ bình thường. Tuy nhiên, áo lễ xanh dương có thể được sử dụng như một đặc ân của Đức Giáo Hoàng. Đặc ân này đã được ban cho một số đền Đức Mẹ và cho một số quốc gia dành cho các lễ trọng của Đức Trinh Nữ. Màu xanh dương này không thể được sử dụng để thay thế cho màu tím.
Nếu một cha xứ nghĩ rằng cần phải phân biệt Mùa Vọng và Mùa Chay, thì ngài có thể sử dụng các sắc thái khác nhau của màu tím cho áo lễ. Như vậy cha không cần phải làm trái luật phụng vụ, khi kết hợp màu sắc không được chấp thuận cho qui định chung của phụng vụ.
Một độc giả khác hỏi: “Tại sao trong ngày lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, áo lễ lại màu trắng? Điều này gây khó hiểu cho tôi, bởi vì trong lễ Máu Châu Báu Chúa Kitô, linh mục dùng áo lễ màu đỏ”.
Đáp: Lý do cho sự khác biệt bắt nguồn từ trong lịch sử và ý nghĩa của cả hai lễ này.
Trong Sách Lễ Rôma hiện tại, việc cử hành lễ Máu Châu Báu chỉ đơn giản là công thức của một Thánh Lễ tùy nhu cầu. Trong lịch của hình thức ngoại thường, lễ này vẫn là một lễ trọng.
Lễ này dường như bắt nguồn ở Tây Ban Nha hồi thế kỷ 16. Lễ được đưa đến Rôma bởi Thánh Gaspar del Bufalo (1786-1837), vị sáng lập Dòng Thừa Sai Máu Châu Báu.
Lễ này trước tiên được cấp phép cho Dòng này, và được chỉ định vào ngày thứ sáu sau Chủ nhật 4 Mùa Chay. Một số giáo phận trên khắp thế giới, trong đó có vài giáo phận Mỹ, cũng chọn mừng lễ này.
Lễ Máu Châu Báu vẫn là một lễ địa phương cho đến năm 1849. Trong năm ấy, do tình hình rối loạn chính trị, ĐTC Piô IX đã phải chạy khỏi Rôma và đến ở tại Gaeta. Trong cuộc lưu vong, Ngài được tháp tùng bởi Linh mục Giovanni Merlini, bề trên tổng quyền Dòng Thừa Sai Máu Châu Báu. Vị linh mục thánh thiện này đề nghị với ĐTC nên có lời hứa mở rộng lễ Máu Châu Báu cho toàn thể Giáo Hội, nếu Ngài quay trở về lại Rôma. ĐTC xét là chưa thích hợp để đưa ra lời hứa như thế, nhưng Ngài sẵn sàng mở rộng lễ nầy cho toàn Giáo Hội. Ngày hôm đó là ngày Thứ Bảy 30-6, và trùng hợp với ngày Rôma được giải thoát khỏi các phần tử nổi dậy. Vì lý do này, ĐTC ban sắc lệnh rằng lễ Máu Châu Báu sẽ được cử hành vào Chủ nhật đầu tiên của tháng Bảy mỗi năm.
Vì vậy, ở nhiều nơi, lễ này được cử hành hai lần, một lần trong Mùa Chay và một lần trong tháng Bảy. Sau này ĐTC Piô X, trong một nỗ lực để giảm số lượng của các lễ mừng vào ngày Chủ nhật, đã ấn định lễ Máu Châu Báu được mừng vào ngày 1-7 hàng năm. ĐTC Piô XI đã nâng hạng phụng vụ của lễ vào năm 1933 nhân dịp mừng 1900 năm ngày Chúa Giêsu chịu nạn chịu chết, nhưng bậc của lễ được giảm một lần nữa, trong cuộc cải cách phụng vụ của ĐTC Gioan XXIII.
Năm 1969, lễ này được gỡ khỏi lịch Giáo Hội hoàn vũ. Lý do đưa ra là: “bởi vì Máu Châu Báu của Chúa Kitô Cứu Thế đã được tôn kính trong các lễ trọng cuộc Khổ nạn, lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô (Corpus Christi) và lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, và trong ngày lễ Suy Tôn Thánh Giá. Nhưng Lễ Máu Châu Báu của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, được đặt trong số các Lễ tùy nhu cầu”.
Thật là hợp lý khi người ta dùng áo lễ màu đỏ, bởi vì nguồn gốc lễ này được liên kết chặt chẽ với cuộc Khổ nạn của Chúa Kitô. Cũng thật là hợp lý khi Máu của Người là châu báu, bởi vì Máu này là giá chuộc mà Người đã trả cho việc cứu chuộc nhân loại.
Trong khi đó lễ Thánh Tâm, với chủ đề Khổ nạn không hề thiếu vắng, lại tập turng nhiều hơn vào chủ đề của tình yêu mãi mãi mà Chúa Kitô dành cho chúng ta, và nó liên quan mật thiết đến việc tôn kính Thánh Thể. Vì lý do này, và bởi vì nó là một lễ trọng phụng vụ, áo lễ màu trắng là thích hợp hơn.
Sự khác biệt về lối nhấn mạnh ấy có thể được nhìn thấy trong lời nguyện mở đầu của hai lễ này:
“Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã trối lại cho chúng con bí tích Mình Và Máu Thánh Chúa, để chúng con đời đời tưởng nhớ Chúa đã chịu khổ hình và sống lại vinh quang. Xin cho chúng con biết một niềm sùng kính mến yêu bí tích kỳ diệu này để luôn được nghiệm thấy ơn Chúa cứu chuộc chúng con. Chúa hằng sống và hiển trị cùng Thiên Chúa Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời”.
“Lạy Chúa, khi chúng con cử hành lễ Thánh Tâm Ðức Kitô, Con Một Chúa yêu dấu, Chúa ban cho chúng con được vui mừng tưởng niệm những kỳ công Người đã thực hiện vì thương yêu chúng con. Xin dạy chúng con biết tìm đến Thánh Tâm Người để hưởng tận nguồn ơn cứu độ trào dâng. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời”. (Zenit.org 17-7-2012)
Nguyễn Trọng Đa
Vietcatholic News