Luân lý và truyền giáo
LUÂN LÝ VÀ TRUYỀN GIÁO
của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II
NHẬP ĐỀ
Việc loan báo Tin Mừng nhằm mục đích làm cho người ta đón nhận Đức Kitô bằng đức tin, đồng thời thay đổi cách sống xuyên qua một cuộc hoán cải sâu xa. Quả thế, đón nhận Đức Kitô không chỉ là chấp nhận một số chân lý nào đó về Thiên Chúa, nhưng đòi buộc một cuộc tái cấu trúc ý nghĩa của cuộc sống, của lịch sử, của những giá trị văn hóa, những thái độ và cách sống. Tầm quan trọng của việc rao giảng luân lý Kitô giáo thường bị quên lãng trong các sách viết về việc truyền giáo. Đó là một thiếu sót cần phải vượt qua, nhất là trong bối cảnh văn hóa hiện nay.
Thực sự có một mối tương quan chặt chẽ và biện chứng giữa luân lý và truyền giáo. Luân lý không phải là một xiềng xích, một ngục tù, một chướng ngại đối với tự do và sự thăng tiến con người. Luân lý không phá hủy sự tự do, nhưng giả thiết con người có tự do và góp phần phát triển sự tự do ấy : nếu không có tự do thì không thể nói đến luân lý. Ngay cả một nền luân lý tự nhiên cũng nhằm mục đích xây dựng và nâng cao con người, bởi vì nó là con đường phải đi qua để con người tự biến đổi chính mình từ tình trạng bản năng thú vật thành con người tự do biết tự chủ. Luân lý cũng nghiên cứu hành vi của con người trong tương quan với cùng đích, tức là sự thể hiện trọn vẹn của họ. Ở một mức độ cao hơn, luân lý Kitô giáo góp phần xây dựng con người mới, con người hoàn thiện, nhờ công trình cứu độ của Đức Giêsu Kitô. Vì thế, chúng ta có thể nói rằng luân lý cũng là một con đường truyền giáo. Đây là luận đề được gặp thấy bàng bạc trong Thông điệp Veritatis Splendor của Đức Chân phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, mà chúng ta có thể tổng hợp thành ba điểm : 1) Nền tảng chung của luân lý và truyền giáo ; 2) Tương quan giữa luân lý với đức tin và truyền giáo ; 3) Luân lý của việc truyền giáo.
1. NỀN TẢNG CHUNG CỦA LUÂN LÝ VÀ TRUYỀN GIÁO
Vấn để tương quan giữa luân lý Kitô giáo và công cuộc truyền giáo phải tìm thấy câu trả lời trước tiên trong nền tảng của chúng. Nền tảng chung có thể được tìm thấy trong mầu nhiệm Nước Trời cũng như trong lời mời gọi con người đạt đến sự hoàn thiện và hạnh phúc vĩnh cửu.
1.1. Nền tảng cứu độ học
Ngay từ khởi thủy Thiên Chúa Cha đã có ý định cứu độ nhân loại. Đó là một kế hoạch tình yêu, từ đó phát sinh sứ mạng của Đức Kitô, của Chúa Thánh Thần và của Giáo Hội. Đứng trước kế hoạch này con người được mời gọi đáp trả bằng sự hoán cải, một sự vượt qua liên tục từ “cuộc sống theo xác thịt” đến “cuộc sống theo Thần Khí”. Theo Thông điệp Veritatis splendor, đời sống luân lý xuất hiện như sự đáp trả những sáng kiến tình yêu của Thiên Chúa đối với con người.[1] Tất cả được thực hiện trong mầu nhiệm Nước Trời do Đức Kitô loan báo và thiết lập và qua Giáo Hội với sức mạnh của Thánh Thần.
Nét đặc trưng nhất của Nước Trời hệ tại sự bày tỏ lòng thương xót và tha thứ của Thiên Chúa. Chính mạc khải về Nước Trời đòi hỏi một sự đón nhận trọn vẹn và tin tưởng đối với lời loan báo của Chúa Giêsu và một sự hoán cải tận căn. Nước Trời đến bằng ân sủng, nhưng con người không thể đón nhận Nước ấy mà không thay đổi tâm hồn và cách sống (x. Mt 5,20). Bài giảng trên núi vốn được coi như bản hiến chương của luân lý Tin Mừng đã làm nổi bật một cuộc hoán cải như thế. Theo Veritatis Splendor, trong bài giảng trên núi Chúa Giêsu đã kiện toàn các giới răn của Thiên Chúa, đặc biệt giới răn yêu thương tha nhân, bằng cách nội tâm hóa và triệt để hóa các đòi hỏi của các giới răn ấy;[2] bài giảng ấy đã làm cho các giới răn hướng về sự hoàn thiện của tám mối phúc thật.[3] Những đòi hỏi triệt để này phát xuất từ đức tin và tạo nên sự mới mẻ của Kitô giáo.
Nước Trời mà Chúa Giêsu loan báo và khai mào phải được triển khai dọc theo chiều dài lịch sử nhân loại bằng sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Giáo Hội. Động lực sâu xa của sứ vụ này phát xuất từ lệnh truyền của Đấng Phục Sinh: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15). Chính lệnh truyền này đã xác định lý do hiện hữu của Giáo Hội.[4] Chúng ta có thể bổ túc lệnh truyền trên đây bằng lệnh truyền trong Tin Mừng theo thánh Matthêô: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19-20). Khi liên kết hai hình thức lệnh truyền này lại với nhau, chúng ta sẽ khám phá ra rằng lệnh truyền ấy chứa đựng vừa việc loan báo Tin Mừng, vừa việc giảng dạy luân lý.
Mục tiêu của việc truyền giáo là công bố Tin Mừng và biến đổi con người về phương diện luân lý. Dĩ nhiên sự biến đổi mang tính hữu thể của con người qua bí tích rửa tôi đã được thực hiện ex opere operato và ngay lập tức, nhưng sự biến đổi luân lý đòi buộc một sự cộng tác tích cực của con người và đòi hỏi nhiều thời gian.
Để hiểu được những đòi hỏi luân lý khác được bao hàm trong mệnh lệnh truyền giáo của Đức Kitô, chúng ta cần quay trở lại đoạn Tin Mừng theo thánh Matthêô về sứ vụ của nhóm Mười Hai (x. Mt 10,1-16) và đoạn Tin Mừng theo thánh Luca về sứ vụ của bảy mươi hai môn đệ (x. Lc 10,1-12). Sứ vụ mà Chúa Giêsu giao phó cho các tông đồ và các môn đệ cũng chính là sứ vụ của Ngài: loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa, chữa lành bệnh tật và trừ quỉ. Việc loan báo Tin Mừng về Nước Trời, vốn bao hàm sự chữa lành, sự giải thoát và bình an, cũng đòi hỏi những thái độ luân lý phải có nơi các tông đồ, như xả thân cách vô vị lợi, tinh thần khó nghèo, tinh thần cộng tác và hiệp nhất, sự phó thác cho Thiên Chúa, sự dịu dàng và khiêm tốn.
1.2. Nền tảng nhân học và Kitô qui
Mối liên hệ mật thiết giữa luân lý và truyền giáo không chỉ dựa trên nền tảng cứu độ học là việc thực hiện Nước Trời, nhưng còn trên nền tảng nhân học và Kitô qui với quan niệm về phẩm giá và hạnh phúc của con người. Sở dĩ như thế là vì cả luân lý lẫn việc truyền giáo đều góp phần vào sự phát triển và thể hiện toàn diện con người, với tư cách là một thụ tạo được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa trong Đức Kitô và được mời gọi hiệp thông với Thiên Chúa là cùng đích và hạnh phúc trọn vẹn của con người. Như vậy, sau mầu nhiệm về Nước Thiên Chúa thì chính mầu nhiệm về con người là nền tảng của luân lý và truyền giáo, với những câu hỏi căn bản như sau: Con người là gì? Ý nghĩa và mục đích cuộc đời là gì? Đâu là con đường dẫn đến hạnh phúc đích thực? [5]
Được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, con người thực sự là một hữu thể mở ra về phía siêu việt. Họ không tìm thấy nơi mình một câu trả lời thỏa đáng cho vấn nạn về ý nghĩa cuộc sống. Nơi mỗi người tiềm tàng một khát vọng và một hướng chiều về Tuyệt Đối mà chỉ Thiên Chúa mới có thể làm cho thỏa mãn.[6]
Quan niệm như thế về con người hoàn toàn ngược lại những gì đang được phổ biến trong thế giới ngày nay với một thuyết nhân bản đóng kín phủ nhận mọi chiều kích siêu việt của con người. Vì thế, nhằm mục đích truyền giáo, thông điệp Veritatis Splendor đã ủng hộ một thuyết nhân bản siêu việt, một quan niệm Kitô giáo đích thực về con người: con người đã được tạo dựng bởi Thiên Chúa và được cứu độ bởi tình yêu của Đức Giêsu Kitô để được sống muôn đời.[7] Chỉ trong Đức Kitô con người mới có thể tìm thấy câu trả lời dứt khoát cho mọi nghi vấn tôn giáo và luân lý mà họ nêu ra, như lời dạy của công đồng Vaticanô II mà thông điệp Veritatis Splendor đã lặp lại: “Thực vậy, huyền nhiệm con người chỉ thực sự sáng tỏ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể”,[8] vì mầu nhiệm này “mạc khải thân phận của con người và ơn gọi trọn vẹn của họ”. [9]
Quan niệm Kitô giáo này có một tầm quan trọng rất cao đối với việc truyền bá Tin Mừng và luân lý Kitô giáo. Giáo Hội có sứ mệnh rao giảng Tin Mừng cho con người để họ nhận biết Thiên Chúa là nguồn mạch phẩm giá của họ và giảng dạy luân lý Kitô giáo để giúp họ sống phù hợp với phẩm giá ấy. Khía cạnh trổi vượt nhất của phẩm giá con người hệ tại việc con người được mời gọi hiệp thông với Thiên Chúa. Thiên Chúa tạo dựng con người cho Ngài và vì vinh quang của Ngài. Vì thế, tự bản chất con người là một hữu thể hướng về Thiên Chúa như cùng đích và chính trong Thiên Chúa là Thiện Hảo cuối cùng và toàn diện mà con người mới thể hiện chính mình và thỏa mãn khát vọng của con tim.
Phẩm giá của con người gắn liền với ơn gọi của họ. Con người được tạo thành giống hình ảnh Thiên Chúa, nhưng con người chưa hoàn toàn như thế (x. Cl 3,9-10 ; Ep 4,22 ; Rm 8,29), trái lại họ phải trở nên như thế mỗi ngày (x. Rm 8,15.23). Con người được mời gọi thể hiện chính mình bằng cách sống phù hợp hoàn toàn với hình ảnh Thiên Chúa. Đức Kitô là hình ảnh tuyệt hảo của Thiên Chúa, chính Ngài là con người hoàn hảo, là Đấng đã phục hồi hình ảnh Thiên Chúa nơi con cháu Ađam mà nguyên tội đã làm biến dạng.[10] Do đó cùng đích của con người hệ tại việc họ phải trở nên đồng hình đồng dạng với Con Thiên Chúa (x. Rm 8,29), để thực hiện ơn gọi của mình và đạt đến cùng đích, tức là vừa trở nên hoàn thiện vừa đạt được hạnh phúc.
Chính trong viễn tượng này mà khi thi hành sứ vụ truyền giáo Giáo Hội cho thấy Tin Mừng Đức Kitô mang lại câu trả lời đích thực cho vấn nạn về ý nghĩa cuộc sống, sự hoàn thiện và hạnh phúc đích thực của con người.
2. TƯƠNG QUAN GIỮA LUÂN LÝ VÀ ĐỨC TIN
Trong thế giới tục hóa hiện nay, người ta sống “như thể Thiên Chúa không hiện hữu”, và não trạng này cũng ảnh hưởng đến thái độ và cách sống của các kitô hữu nữa.[11] Trong một số trường hợp, họ không còn sống phù hợp với đức tin của họ: đức tin là một chuyện, còn đời sống là chuyện khác.[12] Đức tin trở nên khô cằn, không tạo được cảm hứng nào cũng không hướng dẫn được gì. Trong bối cảnh ấy, Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của một sự liên kết sâu xa giữa luân lý và đức tin và ngài khẳng định rằng không được phá vỡ sự hòa điệu giữa đức tin và cuộc sống.[13] Vì vậy, vấn đề tương quan giữa luân lý và truyền giáo được xây dựng trên tương quan giữa luân lý và đức tin.
2.1. Sự thống nhất và tương tác giữa luân lý và đức tin
Trong thế giới tục hóa hiện nay, nơi mà “sự nghi ngờ mối liên hệ nội tại và bất khả phân ly giữa đức tin và luân lý đang lan tràn”,[14] sự tách rời giữa đức tin và luân lý tạo nên một trong những ưu tư mục vụ gay gắt nhất của Giáo Hội. Do đó các kitô hữu phải nhanh chóng khám phá sự thống nhất giữa hai lãnh vực này để sống sao cho phù hợp với đức tin của họ. Thông điệp nhiều lần nhắc đến sự tương hợp cần phải giữ giữa đức tin và phong hóa, bởi vì đức tin Kitô giáo không chỉ là một toàn bộ những mệnh đề phải được đón nhận bằng trí óc, nhưng là một chân lý cần phải sống, phải thể hiện.[15] Đức tin cần phải thấm nhập vào đời sống và làm cho nó biến đổi. Công đồng Vaticanô II đã nêu rõ những điều kiện của một sự thống nhất sâu xa của cuộc sống kitô hữu.[16]
Nhưng sự thống nhất này hệ tại đâu?
Trước hết, sự thống nhất giữa đức tin và luân lý hệ tại cảm thức tôn giáo về chính hành động luân lý. Điều này được diễn tả qua cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và chàng thanh niên giàu có. Câu hỏi của chàng thanh niên được coi như đại diện cho bất kỳ người nào đã mang một tính chất tôn giáo. Trong câu hỏi, anh đã đặt ra cho Chúa Giêsu một vấn nạn về điều thiện phải làm để được sống đời đời. Thế nhưng, « hỏi về điều thiện tựu trung có nghĩa là hướng về với Thiên Chúa là Đấng tràn đầy sự tốt lành».[17] Một khi hướng về hạnh phúc tối hậu là chính Thiên Chúa, câu hỏi luân lý xuất hiện như một câu hỏi tôn giáo căn bản. Như thế, Thiên Chúa mà người ta đón nhận trong đức tin cũng là Đấng họ tìm thấy như điểm qui chiếu tuyệt đối cho mọi lãnh vực của cuộc sống.
Một cách đặc biệt, sự thống nhất giữa luân lý và đức tin được tìm thấy trong chính Đức Kitô, Đấng nối kết nhân tính với thiên tính trong chính bản thân Ngài. Nét đặc trưng của đức tin Kitô giáo là sự tập trung vào con người của Đức Giêsu Kitô là đường, sự thật và sự sống. Do đó, đức tin Kitô giáo không chỉ là một sự tiếp nhận các chân lý do Ngài mạc khải, nhưng còn là sự đón nhận con người của Ngài, chia sẻ cuộc sống và thân phận của Ngài, tham dự vào sự vâng phục tự nguyện và đầy tình yêu của Ngài đối với thánh ý Chúa Cha[18] bằng cách tuân giữ mọi giới răn của Ngài, đặc biệt giới răn yêu thương. Việc tuân giữ các giới răn đạt đến đỉnh cao trong việc bước theo Đức Kitô. Chính vì vậy, cuối cùng Chúa Giêsu đã đề nghị chàng thành niên đi theo Ngài. Thật là mâu thuẫn khi tin vào Đức Kitô mà không bước theo Ngài như con đường dẫn đến sự thật và sự sống. Như thế, nét đặc trưng của đức tin Kitô giáo hệ tại việc bước theo Đức Kitô; đó không phải là một sự bắt chước bên ngoài, nhưng là một thái độ nội tâm sâu xa được biểu lộ qua một đời sống luân lý tốt lành theo nghĩa là “ngôn hành của Đức Giêsu, những hành động và huấn lệnh của Ngài, tạo nên qui luật luân lý của đời sống kitô hữu”.[19]
Sự tương tác giữa đức tin và luân lý hệ tại trước hết nơi ảnh hưởng của đức tin đối với luân lý. Với lý trí tự nhiên con người có thể nhận biết luật tự nhiên và các qui luật luân lý phổ quát. Tuy nhiên trong tình trạng hiện nay của bản tính nhân loại bị ảnh hưởng bởi nguyên tội, lý trí cần đến đức tin và mạc khải để có thể biết được các chân lý luân lý.[20] Nét đặc trưng của luân lý Tân Ước hệ tại việc đón nhận tình yêu của Thiên Chúa, sự đón nhận ấy chỉ có thể có được nhờ đức tin. Từ việc đón nhận tình yêu này phát sinh những đòi hỏi luân lý khác đối với các kitô hữu, những đòi hỏi này thật là khó hiểu đối với luân lý ngoại giáo, chẳng hạn như tình yêu và sự tha thứ đối với kẻ thù, sự hiến thân đến độ tử đạo, v.v. Cũng như tình yêu Thiên Chúa không thể bị giản lược thành chiều kích nhân loại, những đòi hỏi phát xuất từ tình yêu ấy cũng vượt trên khả năng hiểu biết của lý trí tự nhiên và chỉ có thể được chấp nhận trong đức tin.
Nếu đức tin Kitô giáo tập trung trên con người của Đức Giêsu và dẫn đưa người kitô hữu bước theo Ngài và trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài, thì nó cũng góp phần đem lại cho luân lý một chiều kích mới mang tính đặc trưng Kitô giáo. Đàng khác, đức tin Kitô giáo mở ra cho cuộc sống con người một chân trời đầy tràn ý nghĩa và mới mẻ triệt để. Trong đức tin, người ta có thể tố giác và phê phán mạnh mẽ việc tôn thờ lý trí như một quyền năng tối thượng trong lãnh vực luân lý, mọi hình thức phủ nhận phẩm giá siêu việt của con người là hình ảnh hữu hình của Thiên Chúa vô hình, mọi thái độ tự mãn theo tinh thần vụ luật, mọi hình thức của thuyết tương đối tôn giáo và luân lý, mọi nguy cơ vụ hình thức, mọi luận đề phi nhân hóa con người…[21] Tắt một lời, đức tin dẫn đưa đời sống luân lý của người tín hữu vào một bối cảnh mới và đem lại cho họ một định hướng toàn bộ. Sự phong phú của đức tin ảnh hưởng trên luân lý xuyên qua mối tương quan mà các chủ đề đặc trưng Kitô giáo có đối với các động lực, các giá trị và các khát vọng luân lý.
Nếu đức tin ảnh hưởng mạnh mẽ trên luân lý và làm cho luân lý Kitô giáo đạt đến tầm vóc cao hơn các nền luân lý khác, thì đối lại, luân lý cũng đóng một vai trò quan trọng đối với đức tin. Trước hết, thần học luân lý có một tầm quan trọng đối với đức tin bởi vì nhờ nó mà sự mới mẻ và đặc biệt của đức tin Kitô giáo có thể được trình bày bằng những từ ngữ mang tính phổ quát, dễ hiểu đối với mọi người. Đó là một trong những lý do khiến ta có thể xem việc trình bày luân lý Kitô giáo như một phương tiện hữu hiệu để rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc và các nền văn hóa khác nhau.
Tiếp đến, mặc dù Kitô giáo không phải là một tôn giáo thuần túy luân lý và đức tin không thể bị giản lược nơi khía cạnh luân lý, tuy nhiên, Kitô giáo hàm chứa một dấn thân mang tính luân lý, bởi lẽ đức tin sẽ trở thành vô nghĩa nếu nó không bao hàm những quyết định thuộc bình diện luân lý. Do đó, không thể thực hiện việc giáo dục đức tin nếu không có việc giáo dục luân lý, bởi vì kinh nghiệm đức tin không chỉ là một sự hiểu biết thuộc bình diện tri thức, nhưng đúng hơn là một quyết định cá nhân trước biến cố cứu độ mà Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử và trong đời sống con người.
Ngoài ra, đối với những người chưa biết Chúa, đời sống luân lý tốt lành của họ trở thành một sự chuẩn bị để họ tiếp nhận đức tin Kitô giáo, như trường hợp viên sĩ quan Rôma Cornêliô (x. Cv 10,2). Đức tin Kitô giáo được chứng thực bằng đời sống luân lý tốt lành, như lời thánh Giacôbê đã nói: “Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết” (Gc 2,17). Chính qua hành động, nhất là những việc làm của đức ái, mà đức tin được biểu lộ và sinh hoa kết trái.
2.2. Tương quan chặt chẽ giữa luân lý và truyền giáo
Thông điệp Veritatis Splendor đã dạy: “Việc rao giảng Tin Mừng bao hàm vừa lời loan báo vừa sự đề xuất luân lý”,[22] điều đó muốn nói rằng việc đề xuất luân lý cũng góp phần vào việc loan báo Tin Mừng. Việc rao giảng chân lý về con người và về ý nghĩa cuộc sống bao hàm những đòi hỏi luân lý, tạo thành một phần căn bản trong mệnh lệnh truyền giáo của Đức Kitô (x. Mt 28,19-20). Tương quan giữa luân lý và truyền giáo xuất hiện cách rõ ràng hơn nếu chúng ta xét đến mục đích, các phương tiện và những con đường truyền giáo.
Mối liên hệ mật thiết giữa luân lý và truyền giáo được nhìn thấy trước hết nơi mục đích mà công cuộc truyền giáo hướng đến: đó là sự hoán cải. “Chính Chúa Giêsu, trong khi rao giảng về Nước Thiên Chúa và về tình yêu cứu độ, đã đưa ra một lời kêu gọi đức tin và sự hoán cải”.[23] Quả thế, việc loan báo Tin Mừng nhằm mục đích dẫn đưa con người đến đức tin. Nhưng đức tin sẽ chỉ là không tưởng và vô nghĩa nếu không có một sự biến đổi con người về phương diện luân lý, không có một sự thay đổi trong hướng đi của cuộc sống.
Ở đây chúng ta chạm đến một khái niệm nền tảng về truyền giáo và sự sự cải hóa.[24] Đối với Giáo Hội, truyền giáo chính là mang Tin Mừng đến mọi môi trường nhân loại và biến đổi con người từ bên trong. Do đó mục đích của truyền giáo là sự đổi mới nội tâm và khi loan báo Tin Mừng Giáo Hội cũng tìm cách cải hóa lương tâm con người, cả cá nhân lẫn tập thể,[25] biến đổi “các tiêu chuẩn phán đoán, các giá trị quyết định, các điểm quan tâm, các dòng suy tư, các nguồn cảm hứng và các kiểu sống của nhân loại, tương phản với Lời Chúa và chương trình cứu độ”.[26]
Đức Gioan Phaolô II, trong thông điệp Redemptoris Missio, cũng đã trình bày cách rõ ràng mục đích này của việc truyền giáo: đó là sự hoán cải hoặc canh tân đức tin và đời sống kitô hữu.[27] Thế nhưng, mọi cuộc hoán cải đều đòi hỏi một sự đổi mới trên bình diện luân lý, vì thế, theoVeritatis Splendor, việc truyền giáo vừa rao giảng các chân lý đức tin, vừa trình bày các nền tảng và nội dung của luân lý Kitô giáo như những qui tắc cần thiết để đổi mới cuộc sống.[28]
Thứ đến, mối liên hệ giữa luân lý và truyền giáo nằm trong các phương tiện loan báo Tin Mừng. Theo Veritatis Splendor cũng như tất cả các văn kiện của Giáo Hội về truyền giáo, các phương tiện của việc rao giảng Tin Mừng là loan báo và làm chứng. Giáo Hội trực tiếp nhấn mạnh đến tầm quan trọng quyết định của việc loan báo và của chứng từ đức tin sống động trong đời sống đức ái của các cộng đoàn kitô hữu, trong sự trung thành của họ đối với các giáo huấn Tin Mừng và trong việc họ cố gắng thực hiện một cuộc “tân Phúc Âm hóa”. Đây là một thách đố của thời đại chúng ta đang sống, ít ra trong nhiều dân tộc, và nó được định nghĩa như một “sự loan báo Tin Mừng luôn luôn mới và luôn chứa đựng sự mới mẻ, một cuộc Phúc Âm hóa phải luôn luôn mới trong sự nhiệt thành, trong các phương pháp, trong cách diễn tả”.[29] Một sự nhiệt thành trên bình diện luân lý là điều cần thiết để việc loan báo được hữu hiệu.
Chính vì thế, việc loan báo Tin Mừng phải đi đôi với việc làm chứng, còn việc làm chứng chuẩn bị và đồng hành với lời rao giảng, như thông điệp đã khẳng định: việc loan báo Tin Mừng “cho thấy tính chất đích thực của nó và đồng thời triển khai mọi sức mạnh truyền giáo của nó khi nó được thực hiện bởi việc trao ban không những lời được công bố, mà còn lời được sống”.[30] Lý do là vì “nhờ đời sống luân lý, đức tin trở nên ‘lời tuyên xưng’, không những trước mặt Thiên Chúa, mà còn trước mặt người đời: đức tin trở thành lời chứng”.[31]
Quả thế, theo Ad Gentes, Evangelii Nuntiandi và Redemptoris Missio, chứng từ của một cuộc sống mới làm nảy sinh những câu hỏi nơi mọi người và mở ra một con đường ngày càng rộng cho hoạt động của Chúa Thánh Thần, và như thế nó đặt ra những tiền đề khiến cho mầu nhiệm Đức Kitô có thể chiếu sáng rạng ngời.[32] Cũng vậy, theo Veritatis Splendor, đời sống thánh thiện “là phương thế đơn giản nhất và hấp dẫn nhất” cho việc truyền giáo.[33]
3. LUÂN LÝ CỦA VIỆC TRUYỀN GIÁO
Để việc truyền giáo có kết quả, ngoài việc rao giảng Tin Mừng và luân lý Kitô giáo, Giáo Hội còn phải nắm vững luân lý của việc truyền giáo. Giáo Hội phải tôn trọng quyền của mọi người được có một văn hóa riêng, tôn trọng căn tính văn hóa của mọi dân tộc và phẩm giá của con người. Việc truyền giáo bằng con đường luân lý hệ tại một sự cởi mở, một cuộc gặp gỡ và đối thoại giữa luân lý Kitô giáo và luân lý có sẵn trong các nền văn hóa. Điều này giả thiết và đòi buộc một sự tự hủy (kénosis) của mầu nhiệm Nhập Thể (x. Pl 2,1-6). Sự tự hủy này bao hàm thái độ kiên nhẫn, quảng đại, khiêm tốn, kính trọng và cộng tác.
Ngoài ra Giáo Hội còn phải đối thoại với các lương tâm cá nhân, phải kính trọng lương tâm của người được rao giảng Tin Mừng, bởi vì lương tâm đồng hóa với con người xét như là chủ thể của luân lý và của quyết định trách nhiệm, bởi vì “con người có quyền hành động cách tự do theo lương tâm, để có thể đảm nhận những quyết định luân lý một cách cá vị.”[34]
Lương tâm, cho dù sai lầm bất khả thắng, vẫn tạo nên phẩm giá của con người.[35] Ngay cả sự đón nhận đức tin cũng không thể xảy ra bên ngoài cơ cấu quyết định của lương tâm, vì “lương tâm là tâm điểm sâu kín nhất và là cung thánh của con người, nơi đây con người chỉ hiện diện một mình với Thiên Chúa và tiếng nói của Ngài vang dội trong thâm tâm họ.”[36] Sự chọn lựa của đức tin chỉ có thể xảy ra trong sự tôn trọng hoàn toàn đối với lương tâm. Hơn nữa, sự tôn trọng lương tâm của kẻ khác cũng là một đòi hỏi phát xuất từ bối cảnh văn hóa của thế giới hiện nay, bởi vì theo Veritatis Splendor, “cảm thức sắc bén nhất về phẩm giá con người và về duy nhất tính của họ, cũng như sự kính trọng phải có đối với con đường của lương tâm, là một kết quả tích cực của nền văn hóa hiện đại.”[37]
Dĩ nhiên khi rao giảng Tin Mừng, Giáo Hội tìm cách hoán cải lương tâm con người, nhưng khẳng định về một trật tự luân lý khách quan và phổ quát đi liền với việc loan báo sứ điệp Tin Mừng không hủy bỏ giá trị của con người trong chủ thể tính và duy nhất tính của họ. Không thể chấp nhận bất kỳ cố gắng nào nhằm áp đặt cho con người những giá trị luân lý mà họ chưa biến thành của mình qua trung gian của lương tâm, bởi vì như thế là xâm phạm đến phẩm giá của họ. Cũng vậy, mọi ép buộc trong lãnh vực tôn giáo và mọi hình thức lèo lái lương tâm có nguy cơ làm cho con người xa lánh con đường cứu độ, bởi vì việc rao giảng Tin Mừng và mời gọi hoán cải phải làm cho con người ý thức trọn vẹn mình được kêu gọi trong tự do và để được tự do thực sự.
Sự kính trọng lương tâm con người trong khi thi hành sứ vụ truyền giáo còn được diễn tả qua sự tôn trọng “luật tiệm tiến” hay qui luật của sự phát triển. Sự tôn trọng này là một đòi hỏi không những trên bình diện phong hóa, mà còn trên bình diện lương tâm cá nhân. Người ta không thể bắt buộc một người thực hiện một giá trị luân lý mà người ấy chưa có thể hiểu hay thực hiện được; nhưng điều ấy không có nghĩa là không tìm mọi cách để bày tỏ cách rõ ràng lý tưởng của giá trị luân lý ấy. Đó là một sự chờ đợi mang tính sư phạm vừa tôn trọng thời gian phát triển, vừa hướng đến một thái độ khoan dung. Nhưng không được lẫn lộn sự khoan dung với thái độ khuất phục thụ động trước sự ác; ngược lại, sự khoan dung phát sinh từ ý muốn không khuất phục trước sự ác, tìm cách tránh một sự ác lớn hơn có thể xảy đến do sự can thiệp không hợp thời. Tuy nhiên, việc tôn trọng luật tiệm tiến sẽ mất giá trị đích thực của nó nếu nó không thúc đẩy việc đào tạo lương tâm.
KẾT LUẬN
Giáo huấn của thông điệp Veritatis Splendor về mối tương quan giữa luân lý và truyền giáo rất phù hợp với xã hội Việt Nam của chúng ta. Quả thế, Việt Nam là một đất nước có một nền văn hóa truyền thống đề cao luân lý, xem đó vừa như tiêu chuẩn để đánh giá con người, vừa như khuôn mẫu để giáo dục con người và xã hội. Có thể nói, đây là một nền luân lý rất cao, được đúc kết từ đạo hiếu và tín ngưỡng thờ Trời của dân tộc, từ tam giáo Khổng – Phật – Lão du nhập từ nước ngoài. Khi Kitô giáo đến Việt Nam thì đã gặp thấy ở đó một nền luân lý khá cao, mặc dù về phương diện tôn giáo còn pha lẫn nhiều mê tín. Thực tại luân lý ấy vừa là một thuận lợi, vừa là một thách đố đối với việc rao giảng Tin Mừng. Thuận lợi vì luân lý là mẫu số chung giữa văn hóa truyền thống Việt Nam và đạo lý Tin Mừng, là khởi điểm tốt để Tin Mừng có thể được mọi người đón nhận, nhất là trong hoàn cảnh hiện nay, khi xã hội ngày càng suy đồi về đạo đức do ảnh hưởng của nền văn minh vật chất và hưởng thụ trong bối cảnh toàn cầu hóa, khiến nhiều người ưu tư thao thức. Tuy nhiên, Giáo Hội gặp phải một thách đố to lớn: làm sao để rao giảng Tin Mừng cho một dân tộc vốn tự hào về nền luân lý truyền thống của họ ? Nếu Giáo Hội chỉ giới thiệu cho người Việt Nam những giá trị đạo đức mà họ đã có thì có gì là hấp dẫn. Vì thế, khi rao giảng Tin Mừng cho dân tộc này, Giáo Hội cần phải trình bày một nền luân lý không phải thuần túy nhân bản, nhưng là một luân lý phát xuất từ đức tin, từ những chân lý mạc khải, để giúp người ta đạt đến một sự công chính lớn hơn sự công chính của người đời (x. Mt 5,20 ; 5,46-47), vì đó là sự hoàn thiện theo khuôn mẫu của Cha trên trời (x. Mt 5,48), như Chúa Giêsu đã nói trong Tin Mừng. Luân lý sẽ trở thành phương thế hữu hiệu để truyền giáo, khi nhờ đời sống luân lý, ánh sáng sẽ “chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời”(Mt 5,16), như lời Đức Kitô đã dạy.