Thần học 

Biết Đức Maria qua Kinh Thánh

Edward P. Sri

 Lệnh truyền của Đức Maria cho những người phục vụ tại – “Hãy làm những gì ông ấy bảo các anh làm” (Ga 2, 5) là những lời cuối cùng của Mẹ được ghi nhận trong Kinh Thánh. Còn hơn là một lời khuyên tuân phục, những lời này âm vang giao ước hôn nhân giữa Tân Lang Giavê với Tân Nương là dân Israel.

ducmeĐức Maria và núi Sinai Trước tiên, những lời của Đức Maria làm nhớ lại tiếng đáp trả tuân phục giao ước trong Cựu Ước. Chẳng hạn, chủ đề “thi hành những điều Thiên Chúa phán truyền” đã xuất hiện 3 lần khi dân  Israel thiết lập giao ước với Giavê trên núi Sinai. Lần đầu tiên là khi Môisen thông báo cho dân Israel biết nhiệm vụ và bổn phận của họ là dân Chúa chọn, cả cộng đoàn trả lời: “Tất cả những gì Thiên Chúa phán chúng tôi sẽ thi hành” (Xh 19, 8). Và khi Thiên Chúa thiết lập giao ước này với Israel trong một nghi lễ trên núi Sinai, ông Môisen long trọng tuyên bố lời Chúa cho dân, và cộng đoàn đáp lời: “Mọi lời Thiên Chúa đã phán chúng tôi sẽ thi hành” (Xh 24, 3. 7).

Những lời tương tự sau này cũng được lập lại trong lịch sử Israel khi họ nhắc lại giao ước lúc đặt chân định cư trong miền Đất Hứa (Gs 24, 24) và khi bắt đầu xây lại Giêrusalem sau thời lưu đày ở Babylone (Nkm 5, 12). Như vậy, ở mỗi thời điểm quan trọng trong lịch sử Israel – giao ước ở Sinai, tiến vào đất Hứa, tái xây dựng Giêrusalem – làm những gì Thiên Chúa nói là điều tiên quyết và có liên hệ chặt chẽ với sự tuân phục được ghi trong giao ước.

Điều này soi sáng cho những lời nói của Đức Maria tại bữa tiệc cưới Cana. Vào lúc hừng đông của thời cứu thế, một thời điểm quan trọng nữa trong lịch sử Israel đã đến. Khi Đấng Cứu Thế sắp thể hiện phép lạ đầu tiên của mình để khai mạc sứ vụ công khai, một lần nữa chúng ta gặp lại chủ đề “Làm những gì Thiên Chúa nói”. Đức Maria bảo những người phục vụ: “Hãy làm những gì ông ấy bảo”, và với những lời này, Đức Mẹ đã làm vang vọng lại lời tuyên xưng đức tin của dân Israel tại núi Sinai. Đức Maria “một cách nào đó đã nhân cách hoá toàn dân Israel trong bối cảnh giao ước” và là một đại diện trung thành của dân Israel.[1]

Tổ phụ Giuse và Chúa Giêsu 

Thứ đến, những lời của Đức Maria cũng gần giống với những gì mà vua Pharaon đã nói về tổ phụ Giuse trong sách Sáng Thế. Khi nạn đói khắc nghiệt xảy ra ở Ai Cập, Pharaon đã bổ nhiệm Giuse coi sóc việc lưu trữ thu hoạch lúa mì trong những năm được mùa trước nạn đói và phân phát khi lụt lội xảy ra. Khi người dân đói khát kêu la xin cứu trợ thì vua Pharaon nói với họ: “Hãy chạy đến với Giuse; hãy làm những gì ông ấy bảo” (Kn 41, 55) – một câu nói hầu như tương tự với những gì mà Đức Maria đã nói sau này tại Cana.

Mối liên hệ trong Kinh Thánh giữa việc làm những gì mà Giuse bảo với việc làm những gì Đức Giêsu nói hoàn toàn rất có ý nghĩa vì có một vài điểm tương đồng giữa tổ phụ Giuse và Đức Giêsu trong hai cảnh này. Như tổ phụ Giuse khắc phục việc thiếu lương thực với kho trữ lúa, Đức Giêsu cũng khắc phục việc thiếu rượu tại đám cưới bằng cách biến đổi một lượng lớn nước thành rượu. Như tổ phụ Giuse được cho là có Thánh Thần Thiên Chúa lúc bắt đầu công việc (Kn 41, 38), Đức Giêsu cũng được mô tả là có Chúa Thánh Thần ngự trên Ngài lúc khởi đầu sứ vụ (Ga 1, 32). Như tổ phụ Giuse bắt đầu trữ lúa cho dân lúc 30 tuổi (Kn 41, 46), Chúa Giêsu cũng vừa tuổi 30 khi đãi rượu cho dân tại tiệc cưới (Lc 3, 23). Và như những lời của Pharaon nói về Giuse – “Hãy làm những gì ông ấy bảo” – đó là lúc Giuse nắm quyền cai trị, thì lời của Đức Maria – “Hãy làm những gì ông ấy bảo các anh làm” – đó cũng là lúc Đức Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai với phép lạ đầu tiên trong sứ vụ cao cả của mình.

Lễ Vượt Qua thứ ba

Những lời của Đức Maria cũng mang ý nghĩa Thánh Thể. Ta có thể nhận ra điều này khi thấy Tin Mừng Thánh Gioan được cấu trúc quanh ba ngày lễ Vượt Qua trải theo dòng đời ba năm của Đức Giêsu.

Trong Tin Mừng Thánh Gioan, mỗi một trong ba ngày lễ Vượt Qua đều là dịp làm phép lạ có liên quan đến bánh hoặc rượu hoặc cả hai. Lễ Vượt Qua đầu tiên xảy ra gần thời điểm tiệc cưới Cana (xem Ga 2, 13 và các câu trước đó), khi Chúa Giêsu biến nước thành rượu lúc cần thiết. Lễ Vượt Qua thứ hai lại là một phép lạ nữa khi Chúa Giêsu ban lương thực dồi dào lúc cần thiết: hoá bánh ra nhiều để nuôi sống 5.000 người (Ga  6, 4). Trong buổi tiếp kiến chung vào 5 tháng Ba 1997, Đức Gioan Phaolô II đã nói rằng hai phép lạ đầu tiên vào những ngày lễ Vượt Qua này – có liên quan đến rượu tại Cana và bánh trong nơi thanh vắng – đã tiên báo một phép lạ vĩ đại xảy ra vào ngày lễ Vượt Qua thứ ba: biến nước và rượu thành Mình và Máu Đức Kitô.

Chúa Giêsu làm phép lạ biến nước thành rượu lúc gần ngày lễ Vượt Qua của người Do Thái (cf. Ga 2, 13), cũng như phép lạ hoá bánh ra nhiều (cf. Ga 6, 4). Như vậy, Ngài tỏ ý định chuẩn bị cho bàn tiệc Vượt Qua thực sự, bí tích Thánh Thể. Ý nguyện của Ngài tại tiệc cưới Cana dường như được nhấn mạnh hơn nữa với sự hiện diện của rượu, ám chỉ đến máu của Giao Ước mới, cũng như qua bối cảnh của một bữa tiệc. Như thế, Đức Maria đã có được phép lạ đầu tiên của rượu mới tiên báo cho bí tích Thánh Thể, dấu hiệu sự hiện diện của người Con phục sinh của Mẹ giữa các môn đệ.

Vì thế, trong văn mạch của Tin Mừng Thánh Gioan, lệnh truyền của Đức Maria tại Cana  có thể bao hàm ý Thánh Thể, vì “rượu ngon” mà Đức Maria chỉ cho những người phục vụ, chính nó là hình bóng của rượu siêu nhiên trong bí tích Thánh Thể.

Tin tưởng không do dự

Hãy xét xem lệnh truyền “Hãy làm những gì ông ấy bảo các anh làm” của Đức Maria đã có ảnh hưởng sâu đậm trên những người phục vụ, khơi gợi cho họ tin tưởng cách triệt để vào Chúa Giêsu như thế nào. Hãy tự đặt mình vào vị trí của họ. Chúa Giêsu bảo họ đổ nước đầy sáu chum đá lớn dùng để làm nghi thức thanh tẩy của người Do Thái rồi múc ra đem cho người quản tiệc. Khá là kỳ quặc khi Chúa Giêsu bảo những người phục vụ đổ nước đầy các chum này rồi múc đem cho chủ của họ đãi khách.

Cần phải có nhiều lòng tin mới làm được việc đó! Hãy tưởng tượng xem những người phục vụ nghĩ gì: “Đổ đầy các chum này ư? Với nước? Rồi đem cho khách uống? Làm sao chuyện này có thể giải quyết được vấn đề chứ?”. Từ cái nhìn con người, kế hoạch của Chúa Giêsu thật vô lý. Song trước hết và trên hết, Chúa Giêsu không đòi những người phục vụ hiểu kế hoạch của Ngài, nhưng cứ tin vào Ngài.

Tương tự, chúng ta đôi lúc không nắm bắt công việc của Chúa trong đời sống mình. Chúng ta không thấy rõ Ngài đưa dẫn mình đến nơi đâu. Song như Đức Gioan Phaolô II nhắc nhớ trong buổi tiếp kiến ngày 26 tháng Hai 1997, lệnh truyền “Hãy làm những gì ông ấy bảo các anh làm” của Đức Maria kêu mời chúng ta tin tưởng vào Chúa Giêsu không chỉ khi ta hiểu được mà đặc biệt khi “ta không hiểu ý nghĩa hay ích lợi của những gì mà Đức Kitô đòi hỏi”.

Đức Maria gợi hứng cho sự mau mắn tuân phục

Với bối cảnh này, chúng ta có thể thấy những lời “Hãy làm những gì ông ấy bảo các anh làm” của Đức Maria gợi hứng cho những người phục vụ lòng tin khác thường. Thật vậy, Tin Mừng Thánh Gioan nêu bật sự đáp ứng của những người phục vụ như là các môn đệ đầy lòng tin, tức khắc tuân theo lệnh truyền của Đức Kitô, dầu cho lệnh truyền có vẻ bí nhiệm như thế nào đó.

Chúa Giêsu đưa ra hai lệnh. Trước tiên, Ngài bảo họ: “Hãy đổ nước đầy các chum”. Tin Mừng Thánh Gioan ngay sau đó đã nói rằng những người phục vụ không chỉ vâng lệnh Đức Giêsu mà còn thi hành một cách quá hoàn hảo: “Và họ đã đổ đầy cho đến miệng chum” (Ga 2, 7). Thứ đến, Chúa Giêsu bảo họ: “Bây giờ hãy múc ra và đem cho ông quản tiệc”, và Tin Mừng Thánh Gioan ghi: “Họ đã đem cho ông” (Ga 2, 8). Hãy lưu ý Tin Mừng Thánh Gioan cho chúng ta thấy những người phục vụ đã tuân hành chính xác những gì được sai bảo:

Chúa Giêsu | Những người phục vụ

Hãy đổ đầy các chum | “Họ đã đổ đầy các chum” (Ga 2, 7)
Hãy đem cho người quản tiệc“ | “Họ đã đem nó” (Ga 2, 8) [2]
Rõ ràng, những người phục vụ này nghe theo lời khuyên của Đức Maria, “Hãy làm những gì ông ấy bảo các anh làm”. Như thế, họ được hình dung như là những môn đệ trung thành, tuân nghe lời của Đức Kitô. [3]

Sự trở lại của Tân Lang 

Cuối cùng, câu nói “Hãy làm những gì ông ấy bảo các anh làm” của Đức Maria trong bối cảnh phép lạ biến nước thành rượu và bữa tiệc cưới đã mạc khải Đức Giêsu như vị Tân Lang cứu thế đến để làm mới giao ước hôn nhân của mình với Tân Nương là dân Israel.

Hãy xem biểu tượng phong phú của rượu đối với người Do Thái xưa. Trước hết, các ngôn sứ dùng hình ảnh của rượu để tiên báo sự phục hồi của dân Israel và việc Đấng Cứu Thế đến. Trong tương lai, khi Thiên Chúa cứu thoát dân Israel khỏi các địch thù, sẽ có bữa đại tiệc rượu (Is 25, 6) với rượu tuôn chảy tràn lan (Am 9, 13-14; Ge 2, 24; 3, 18). Trong bối cảnh này, số lượng rượu dồi dào tại bữa tiệc Cana ngầm nhắc rằng lời tiên tri Cựu Ước về thời cứu thế sắp được ứng nghiệm.

Thứ đến, rượu cũng mang ý nghĩa biểu tượng cho hôn nhân vì nó cử hành sự kết hợp hạnh phúc của cô dâu chú rể trong sách Diễm Ca (Dc 1, 2.4; 4, 10; 5, 1; 7, 9; 8, 2). Như vậy, trọng điểm của rượu trong bối cảnh tiệc cưới Cana nhắc nhớ tình yêu giữa đôi vợ chồng.[4]

Đây là hàm ý quan trọng vì trong Cựu Ước, giao ước của Thiên Chúa với dân Israel được mô tả như mối quan hệ hôn nhân. Tân Lang Giavê cưới Tân Nương Israel trong giao ước tại Sinai. Israel sẽ là cô dâu trung thành khi tuân phục giao ước. Nhưng sau này, khi phá vỡ giao ước với Giavê và bắt đầu thờ lạy các thần thánh khác, Israel được miêu tả như là một người vợ bất trung, ngoại tình và ngay cả một ả điếm (xem Gr 2, 1-2; 3, 1-12; Ed 16; Hs 2).

Tuy nhiên, ngôn sứ Hôsê loan báo rằng Giavê vẫn trung thành với dân Israel dù cho họ bất trung. Thật vậy, một ngày kia Thiên Chúa sẽ dành lại được trái tim của dân Israel và làm mới lại mối liên hệ của họ trong giao ước hôn nhân kéo dài đến thiên thu (Hs 2, 19-20).

Trong thế kỷ đầu tiên, người Do Thái mong chờ Đấng Cứu Thế đến và vị Tân Lang Thiên Chúa của họ sẽ cứu vãn và phục hồi giao ước tình yêu như ngôn sứ Hôsê đã tiên báo. Chúa Giêsu có dụng ý khi chọn làm phép lạ đầu tiên của mình là ban rượu dồi dào trong bối cảnh bữa tiệc cưới. Điều đó ngầm nói rằng vị Tân Lang đã đến để đi vào tiệc cưới và tái hợp chính mình với Tân Nương, dân Israel sa ngã.

Đức Maria và trái tim của Tân Nương

Tin Mừng Thánh Gioan đã phá lệ khi đề cao biểu tượng hôn nhân, dùng chính từ “đám cưới” đến hai lần trong 3 câu mở đầu câu chuyện này (Ga 2, 1-3). Với sự nhấn mạnh về đám cưới này, ta tưởng sẽ đọc được điều gì đó về cô dâu chú rể. Nhưng khá ngạc nhiên, câu chuyện không nói gì về họ mà thay vào đó hai nhân vật chính của câu chuyện là Đức Maria và Chúa Giêsu.

Chính vì thế mà nhiều người cho rằng Đức Maria và Chúa Giêsu là biểu tượng của cô dâu chú rể, loan báo sự hồi phục giao ước hôn nhân giữa Israel và Giavê như Hôsê đã tiên báo. Với Đức Giêsu thì điều này đã trở nên rõ ràng. Ngài được đồng hoá với Tân Lang cứu thế trong Tin Mừng Thánh Gioan (Ga 3, 29) và là vai diễn chính tại tiệc cưới Cana, cung cấp rượu thời cứu thế trong bối cảnh bữa tiệc cưới.

Chúng ta đã thấy Đức Maria đại diện cho dân Israel như thế nào trong câu chuyện này, nó âm vang lời đáp trả đầy yêu thương của dân Israel với Giavê khi lần đầu ký kết giao ước trên núi Sinai. Qua câu nói “Hãy làm những gì ông ấy bảo các anh làm”, Đức Maria nhắc lại những lời nguyên thuỷ của dân Israel nói lên lòng trung thành của giao ước hôn nhân này – những lời thề nguyền này đã bị phá vỡ qua nhiều thế kỷ tội lỗi và thờ ngẫu tượng, nhưng nay đã được phục hồi vì vị Tân Lang cứu thế đã bắt đầu sứ vụ công khai với phép lạ đầu tiên của mình.

Dưới ánh sáng này, “Hãy làm những gì ông ấy bảo các anh làm” không nên hiểu như là một lời bảo phải tuân thủ chán ngắt một ông chủ nắm hết quyền lực. Đúng hơn, những lời của Đức Maria phản ánh trái tim của một tân nương hết lòng yêu thương tân lang của mình. Là người đại diện trung thành của dân Israel, Đức Maria mời gọi những người phục vụ, các môn đệ, và tất cả chúng ta tuân phục ý muốn của vị Tân Lang, nóng lòng tìm cách thi hành trọn vẹn những gì mà Ngài muốn.

chuyển ngữ
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính

[1] Ignace de la Potterie, Mary in the Mystery of the Covenant, tr. 190. Cũng xem A. Serra, “Bibbia,” trong Nuovo Dizionario di Mariologia, ed. S. De Fiores & S. Meo (Milano: Edizioni San Paolo, 1986), tr. 253
[2] Xem Ignace de la Potterie, Mary in the Mystery of the Covenant, tr. 190.
[3] Thật ý nghĩa, Tin Mừng Thánh Gioan giới thiệu họ không như những người tôi tớ thuần tuý, nhưng là những người phục vụ theo nghĩa một môn đệ. Thay vì dùng một từ Hy Lạp để chỉ các tôi tớ (doulois), Tin Mừng Thánh Gioan miêu tả những người này như là những người phục vụ (diakonois), một từ Hy Lạp được dành cho những môn đệ đích thực của Đức Giêsu trong Tin Mừng Thánh Gioan. Ví dụ, trong Gioan 12, 26, Chúa Giêsu nói về những môn đệ trung thành của mình rằng: “Nếu ai phục vụ [diakonei] Ta, người ấy phải theo Ta; và Ta ở đâu, thì người phục vụ Ta [diakonos] cũng sẽ ở đó”. Như vậy, lệnh truyền của Đức Maria “Hãy làm những gì ông ấy bảo các anh làm” đã có tác động mạnh mẽ. Đức Maria đã khích lệ những người phục vụ đáp trả như những môn đệ gương mẫu, tức khắc vâng theo Đức Giêsu. Xem Ignace de la Potterie, Mary in the Mystery of the Covenant, tr. 190.
[4] I. de la Potterie, Mary in the Mystery of the Covenant, tr. 194.

Related posts