Con rắn trong Thánh Kinh
Dân tộc Việt Nam sắp bước vào năm con rắn, năm Quý Tỵ. Trước thềm năm Con Rắn, chúng ta nói đến vài hình ảnh (chưa đầy đủ) về con rắn trong dòng lịch sử cứu độ, được nhắc đến trong những trang Kinh Thánh.
Ngay cuốn sách đầu tiên của Kinh Thánh, sách Sáng thế, rắn đã xuất hiện. Nó vươn mình cho tới tận cuốn sách cuối cùng của Thánh Kinh, sách Khải huyền. Càng bò dọc dòng lịch sử cứu độ, nó càng phát triển, càng hung tợn, càng quỹ quyệt, càng đáng sợ. Sách Khải huyền nhắc lại “con rắn xưa” trong địa đàng, nhưng không còn gọi cách đơn thuần là rắn, mà vì sự đáng sợ của nó, sách Khải huyền đã gọi nó là con “mãng xà”.
Rồi từ Sáng thế đến Khải huyền, danh từ “rắn” được đề cập 51 lần trong 24 sách. Nói chung, trừ “con rắn đồng” trong sách Dân số, nơi Thánh Kinh, Rắn là hiện thân của ma quỷ, luôn gây rối, quấy động, làm hại, tìm cách phá công trình của Thiên Chúa… Thánh Kinh chứng minh, biết bao tang tóc, đổ vỡ do kẻ cám dỗ mang hình tượng “rắn” gây ra.
1. Con rắn cám dỗ trong sách Sáng Thế.
Con rắn thật khôn khéo, quỷ quyệt biết cách gợi sự hiếu kỳ của người nữ. Khi cám dỗ Eva, con rắn nói rất ít, chỉ 2 câu. Ngay câu đầu: “Có thật Thiên Chúa bảo: “Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn không?”(St 3, 1), nó đã khiến Eva ngờ vực lời, tình yêu, sự ân cần săn sóc của Thiên Chúa. Đến câu thứ hai: “Chẳng chết chóc gì đâu! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện, điều ác” (St 3, 4), con rắn đã đủ sức khiến Eva hành động ngay: Eva đã phạm tội.
Bà Eva đã thảo luận với con rắn khá vòng vo: “Trái các cây trong vườn thì chúng tôi được ăn. Còn trái trên cây ở giữa vườn, Thiên Chúa đã bảo: Các ngươi không được ăn, không được động tới, kẻo phải chết” (St 3, 2-3). Cuối cùng Eva đã không thắng nổi sức quyến rũ của tội lỗi. Thực ra, khi nói vòng vo, bà Eva đã cho thấy, bà đã không cố gắng chống trả cám dỗ. Phần nào, bà đã tự mình ưng thuận cám dỗ ngay từ khởi đầu. Bà đã không can đảm dứt khoát rằng: Ta không cần biết mi nói gì. Hay: ta không cần nghe mi. Hay: Chúa đã nói với ta. Hay: Mi có quyền gì mà dám nói về Chúa như thế… Bà đã không đủ tích cực chống trả cám dỗ. Vì thế, không dứt khoát chống trả cám dỗ, người ta sẽ ngã nhào vào cám dỗ, đó là kinh nghiệm ngàn đời của loài người chúng ta.
Rồi từ cuộc sa ngã đầu tiên đó, loài người mang lấy án phạt, bị sự chết xâm nhập vào tâm linh, thể xác và linh hồn, bị tội lỗi thống trị đời sống. Cũng từ đó, loài người bắt đầu đi từ yếu đuối này đến yếu đuối khác, sa ngã này đến sa ngã khác. Càng sinh thêm số người trên mặt đất, loài người càng nhiều đổ vỡ, tội ác, xa cách Thiên Chúa, đến nỗi Người phải gột rửa trần gian bằng “Ðại hồng thủy”. Chỉ trừ gia đình Noe được cứu sống nhờ lòng yêu mến Thiên Chúa. Một “Tân thế giới” được tái lập từ dòng giống Noe…
Loài người vẫn bị tội lỗi chế ngự. Họ cứ làm điều dữ trước mặt Chúa. Suốt dòng lịch sử, giữa Thiên Chúa và Ma quỷ có sự tranh chiến không ngừng. Từ địa đàng, Ma quỷ ra sức phá hoại chương trình của Thiên Chúa. Tức thì, Người tuyên bố một cuộc chiến tranh trường kỳ giữa “dòng dõi người nữ” và “dòng dõi con rắn” (St 3, 15)kể từ khi tạo thiên lập địa mãi đến ngày chung tận của trần thế.
2. Con rắn đồng trong sa mạc nơi sách Dân Số.
Một biến cố lịch sử nữa liên quan trực tiếp đến con rắn, đó là biến cố vượt sa mạc của dân Dothái. Sách Dân Số 21, 4-9 kể rằng. Thời gian mà Dân Chúa, dân Dothái lang thang trong sa mạc càng dài (dài đến 40 năm), họ càng ngao ngán, càng mỏi mòn. Nhất là phải đối diện với quá nhiều cơ cực: nào đói, nào rét, nào thiếu thốn, rồi nắng, nóng, thú dữ hoành hành, cộng với những cuộc chiến đấu với nhiều dân tộc… đã gây nên trong dân không biết bao nhiêu bất mãn. Họ muốn nổi loạn, chống đối người lãnh đạo họ là ông Môsê, và chống đối cả Thiên Chúa. Họ đã thực sự đi từ nghi ngờ tình yêu của Thiên Chúa đến oán trách Người.
Hình như, một lần nữa, bàn tay ma quỷ đã thành công trong việc xúi giục dân phạm thượng, nói nghịch cùng Chúa. Tai ương lại ập đến trên dân: Vì tội của mình, họ bị rắn lửa cắn. Sau khi bị tai ương kinh khiếp này xảy đến, toàn dân bắt đầu tỏ lòng ăn năn. Rồi con rắn bằng đồng đã được treo lên, bởi lệnh truyền của Chúa. Rắn đồng là một “linh dược” chữa những người bị rắn cắn bằng cách “nhìn lên” nó. Thực ra, con rắn đồng không thể cứu sống ai. Chính tình yêu của Thiên Chúa đã cứu sống con người. Một khi họ chấp nhận “nhìn lên” rắn đồng, tức là họ đã có sẵn lòng thống hối, họ đã chấp nhận giáo huấn và lệnh truyền của Chúa, họ đã tin Chúa và chấp nhận uy quyền cứu sống của Người được thực trong hành động “nhìn lên” của họ.
Con rắn lửa là biểu tượng của ma quỷ. Con rắn đồng báo trước Chúa Cứu Thế sẽ đến sau này. Chính Chúa Cứu Thế đã xác nhận với Nicôđem rằng: “Xưa ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga 3, 14). Ngày xưa tin vào Thên Chúa, nhìn lên rắn đồng sẽ được cứu sống về thân xác. Nay ai tin vào Chúa Kitô phó thác đời mình cho tình yêu cứu độ của Người, họ sẽ được cứu sống về linh hồn.
Ma quỷ luôn luôn phá hoại công trình của Thiên Chúa. Lịch sử nhiều lần cho thấy, Thiên Chúa xây dựng, còn ma quỷ tìm cách phá đổ. Người mưu điều ích lợi cho loài người, ma quỷ lạm dụng sự ích lợi đó để biến thành tai họa, hủy diệt sự sống đời đời của mỗi con người. Ma quỷ lợi dụng những gì loài người ưa thích để xô họ vào đó khiến họ đam mê mà xa cách Thiên Chúa, chống lại mầu nhiệm thánh ý của Người…
Lẽ ra, câu chuyện về con rắn đồng, bằng chứng của tình yêu đại lượng vô bến vô bờ của Thiên chúa, phải được kết thúc bằng một cái kết có hậu, thì nó là một kết thúc đáng trách. Bởi thay vì Dân phải hết lòng thờ lạy Ðức Chúa là Chúa Trời của họ, thì họ lại quay lưng với Người, và thờ lạy “rắn đồng”, y như nó là cứu cánh cuối cùng và tối hậu của họ vậy. Mãi đến đời vua Êdêchia, con rắn đồng mới bị phá hủy: “Chính vua đã dẹp các tế đàn ở nơi cao, đập bể các trụ đá, bổ các cột thờ và đập tan con rắn đồng mà ông Môsê đã làm, vì cho đến thời đó, con cái Israel vẫn đốt hương kính nó; người ta gọi nó là Nơ-khút-tan” (2V 18, 4).
3. Con Mãng xà và “người đàn bà” trong sách Khải Huyền.
Cuộc giao tranh giữa một bên là Thiên Chúa cùng miêu duệ của Người là Hội Thánh và bên kia là ma quỷ vẫn đang tiếp diễn. Trận chiến ác liệt với “con Mãng xà tức là con rắn xưa, mà người ta gọi là ma quỷ, hay Satan, tên chuyên mê hoặc toàn thể thiên hạ”, được ghi nhận trong Khải huyền chương 12, 9. Tại đây chúng ta thấy “con mãng xà” hung hăng, dữ tợn, đầy sát khí, đang tranh chiến với “người đàn bà”. Còn “người đàn bà”, nhờ có sự cứu thoát bởi uy quyền của Thiên Chúa, nên được an toàn… Sau này thiên thần Micael và các thiên thần, theo lệnh Thiên Chúa, đã hủy diệt con mãng xà. Cuộc chiến của con mãng xà thất bại, nói lên sự toàn thắng của ơn cứu độ chung cuộc mà Chúa Kitô thực hiện.
Cuộc chiến giữa “con mãng xà” và “người đàn bà” ám chỉ những cơn bách hại mà Hội Thánh phải nếm trải suốt hơn hai ngàn năm qua. Từ ngàn xưa, ma quỷ chưa bao giờ dung tha cho tất cả những ai xưng mình là con Thiên Chúa. Nay cũng vậy, chúng vẫn một lòng thù ghét “dòng dõi người nữ” là Hội Thánh của Thiên Chúa. “Người đàn bà” vừa là hình ảnh của Hội Thánh, vừa là hình ảnh của dân Dothái. Hay đúng hơn, hình ảnh “người đàn bà” là hình ảnh Dân Thiên Chúa, dù là dân Cựu Ước hay Dân Tân Ước.
Vì con cái Thiên Chúa ở khắp thế gian, trải qua mọi thời đại là “dòng dõi người nữ” trong Sáng Thế, hay dòng dõi “người đàn bà” trong Khải Huyền, là dân riêng được tuyển chọn của Thiên Chúa. Vì thế, ma quỷ không để yên cho họ làm theo thánh ý Người. Từng giây phút, ma quỷ tìm cách cám dỗ họ trở mặt với Chúa, bất tuân Lời Người, đi xa đường lối Người, gây nên không biết bao nhiêu đổ vỡ và tội lỗi. Lẽ ra họ phải biết ơn Đấng đã tạo dựng và cứu chuộc mình. Và vì lòng biết ơn ấy, họ phải đêm ngày ra sức nối kết lòng người, làm cho mọi người nên một trong đức tin, trong lòng yêu mến, thì vì ảnh hưởng bởi ma quỷ, họ chia rẻ, xâu xé, tranh chấp lẫn nhau. Đi theo đường lối của ma quỷ, họ tranh chấp quyền lợi có khi cá nhân, có khi tập thể. Họ ra sức tranh giành địa vị, tranh giành ảnh hưởng, gây đau đớn cho nhau. Họ chuốc hận thù, tìm đủ mánh khóe, thủ đoạn để khai trừ nhau. Nhất là những ai sống lành thánh, càng bị nhiều khó khăn, càng bị thù ghét, ghen tương… Họ trở nên khoe khoang, kêu ngạo, tự cao, tự đắc. Cách này hay cách khác, họ gia nhập vào hàng ngũ “dòng dõi con rắn” để chiến đấu với “dòng dõi người nữ” mà có khi họ không nhận ra.
4. Kết.
Xuân rộn ràng đang làm dậy lên bao niềm mừng vui trong lòng người. Là mùa xuân của năm “con rắn”, chúng ta lật lại vài trang Thánh Kinh có mang hình ảnh con rắn để suy niệm về những thăng trầm trong dòng lịch sử cứu độ. Ở đó, nổi lên một Tình Yêu vừa nhiệm mầu, vừa hiệu quả, vừa vượt xa mọi suy tư của con người, vừa lại trở nên gần gũi, tha thiết, mạnh mẽ đến nỗi có mang lại cho hoàn cảnh chết vì tội lỗi, một mãnh lực sống đến vô cùng, không thể ngờ nổi.
Thiên Chúa là tình yêu. Đấng chỉ biết yêu, chỉ có yêu, chỉ vì yêu đã cuốn phăng và đập tan tất cả mọi thác ghềnh, mọi vũ lực, mọi sức mạnh, mọi mưu mô, mọi bóng đen, mọi nỗi chết chóc… để giương cao ngọn cờ chiến thắng. Một chiến thắng không có kết thúc, nhưng luôn luôn gây nên hiệu lực đến mãi muôn đời. Vì thế, khẳng định của Chúa Giêsu khi nói với tông đồ Phêrô: “Cửa địa ngục sẽ không thắng nổi” là một khẳng định quan trọng, lớn lao, vừa mang tính tiên tri, vừa mang tính hiện thực, vừa là một khẳng định bền vững, và là niềm an ủi, là hạnh phúc, là sự an bình cho cả dòng dõi “người đàn bà”. Do “cửa địa ngục không thắng nổi” Tình Yêu của Đấng khẳng định mình là tình yêu, mà “Con rắn” bị đập bể đầu, và ơn cứu độ phát sinh từ dòng dõi “người đàn bà” mãi tuôn trào vô cùng, vô tận.
Xin cảm tạ Thiên Chúa, Đấng là tình yêu, đã và vẫn cần mẫn, tận tụy, chăm chút cho từng thụ tạo của mình, không hề ngơi nghỉ. Cảm tạ Chúa vì tình yêu khôn lường của Người nối lại mọi gãy đỗ do tội lỗi, do sự phản bội của loài người, và do cả sự quấy phá không ngừng của ma quỷ, kẻ cám dỗ mang hình thù con rắn. Cảm tạ Chúa, vì công trình cứu chuộc, tưởng chừng đã tiêu tan, – do sự phản bội của “con rắn” và mọi thế lực mà “con rắn” kéo theo mình, tạo nên – thì vì Tình Yêu, công trình cứu chuộc ấy còn lớn lao hơn, tốt đẹp hơn cả công trình sáng tạo.
Ôi tình yêu của Thiên Chúa. Tình yêu cao siêu. Tình yêu nhiệm mầu. Tình yêu mạnh mẽ. Tình yêu trường tồn. Tình yêu bền vững. Tình yêu tái tạo. Tình yêu kiểu mẫu cho mọi lối yêu thương. Tình yêu quy tụ. Tình yêu nối kết tất cả. Tình yêu lướt thắng tất cả. Tình yêu làm sống lại tất cả. Tình yêu bao dung tất cả. Tinh yêu hợp nhất tất cả. Tình yêu khải hoàn. Tình yêu làm nên sức sống cho cả dòng lịch vốn nhiều bất trắc, nhiều thăng trầm. Tình yêu cứu chuộc từng thân phận mỏng dòn. Tình yêu phục sinh mọi nỗi chết chóc. Tình yêu làm vinh thăng đến đời đời tất cả mọi sinh linh, dẫu những sinh linh ấy còn nhiều bất tất…
Cuối cùng, bằng lời Thánh Vịnh 111, chúng ta ca khen Chúa, và chúc tụng tình yêu của Chúa:
1 Ha-lê-lui-a.
Tôi xin hết lòng cảm tạ CHÚA,
trong cộng đoàn chính nhân, giữa lòng đại hội.
2 Việc CHÚA làm quả thật lớn lao,
người mộ mến ra công tìm hiểu.
3 Sự nghiệp Chúa oai phong hiển hách,
đức công chính của Người tồn tại thiên thu.
4 Chúa đã truyền tưởng niệm những kỳ công của Người.
CHÚA là Đấng từ bi nhân hậu.
5 Ai kính sợ Người, Người ban phát của ăn ;
giao ước đã lập ra, muôn đời Người nhớ mãi.
6 Sức mạnh việc Người làm, Người cho dân thấy rõ,
khi tặng ban cho họ gia sản của chư dân.
7 Những công trình tay Chúa thực hiện
quả là chân thật và công minh.
Huấn lệnh Người ban đều chắc chắn,
8 bền vững đến muôn đời muôn thuở,
căn cứ vào sự thật lẽ ngay.
9 Người đem lại cho dân ơn giải thoát,
thiết lập giao ước đến muôn đời.
Tôn danh Người thánh thiêng khả uý.
10 Kính sợ CHÚA là đầu mối khôn ngoan.
Sáng suốt thay kẻ thực hành như vậy.
Mãi đến thiên thu còn vang tiếng ngợi khen Người.
Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG