Cảm nhận và chia sẻ 

Cái thớt gỗ

CÁI THỚT GỖ

thotNgày 19 tháng ba năm nào giáo xứ Tuy Hòa cũng tổ chức mừng lễ Thánh Giuse long trọng vì đây không những là ngày bổn mạng của giáo xứ mà còn của cha hạt trưởng, cha Giuse Trương Đình Hiền. Nhưng năm ngoái, năm 2012 ngoài tính long trọng, buổi lễ mừng Thánh Giuse lại còn mang thêm nỗi buồn chia ly vì ai cũng biết sau Phục Sinh cha hạt trưởng sẽ đổi đi Quảng Ngãi.

Riêng bản thân tôi, sau khi suy niệm về những nhân đức cao trọng của Thánh Giuse, năm đó tôi đã muốn mừng kính Ngài một cách sâu sắc hơn, vì Ngài là Cha của tôi, Cha của mọi người. Đích thực là vậy vì Chúa Giêsu đã gọi Ngài là “Cha” kia mà! Là em Chúa Giêsu, ta cũng phải gọi Ngài như thế chứ !

Do không thể tham dự hết tuần bảy ngày kính Thánh Giuse cùng giáo xứ, nên tối 18.3, tôi đã cố gắng tham dự trọn vẹn buổi kiệu tôn vinh. Tôi cùng xếp hàng đi kiệu, cùng đọc kinh, ca hát và nghe những bài diễn giảng, càng nghe tôi càng thêm yêu mến con người Thánh Cả: Ngài nhiệt thành nhưng khiêm hạ, năng động nhưng ẩn khuất, cao thượng, trinh khiết…

Tuy nhiên, tôi không nghĩ rằng hình ảnh Cha Giuse lại già như các tranh vẽ, các bạn đồng ý với tôi chứ ? Tôi nghĩ Ngài không quá già cũng không quá trẻ. Không quá già để nói lên sự năng động, sức mạnh, nhiệt thành…; không quá trẻ để nói lên sự khôn ngoan, kinh nghiệm, bản lĩnh… Chắc hẳn dáng vẻ bên ngoài của Ngài cũng phải được lắm, Ngài phải xứng với Đức Maria chứ !

Ngày hôm sau, ngày chính lễ Thánh Giuse, buổi sáng, lòng tôi đã có một ước muốn riêng là mong nhận được một lời dạy của Thánh Cả, một lời thật ý nghĩa soi dẫn tôi trong giai đoạn này, giai đoạn có nhiều thách đố sau tai nạn giao thông.
Chiều đến, khi cùng các cha dâng lễ trong nhà thờ, số giáo dân tham dự đông hơn mong đợi khiến lời nguyện chung dường như cũng sốt sắng hơn. Riêng tôi, tôi lại thầm xin Cha Giuse một lời soi dẫn.

Sau thánh lễ, giáo xứ tổ chức một buổi sinh hoạt trước tiền đường. Anh em giáo dân ngồi lại bên nhau cùng chuyện trò, cùng chia sẻ tấm bánh gói quà như chia sẻ niềm vui lễ bổn mạng. Nhìn cộng đoàn ăn mà tôi liên tưởng tới phép lạ bánh hóa nhiều năm nào…Trong khi ăn, những tiết mục văn nghệ bỏ túi thật vui nhộn và đầy tình thân được các bạn trẻ biểu diễn. Tiếp đó là chương trình mà mọi người chờ đợi: xổ số mừng lễ. Có lẽ cái gì muốn sôi động cũng phải có chút may rủi, chút cờ bạc hay sao đó vì vừa nghe tới xổ số là các em liền reo lên. Những giải thưởng lần lượt được xổ… Những phần thưởng kế tiếp được trao… Bầu khí càng lúc càng nhộn, càng ồn ào.

Cùng với quý cha, quý soeurs, tôi được ngồi hàng ghế danh dự trên sân khấu tiền đường, cùng tham dự, thưởng thức bánh quà, cùng chia sẻ niềm vui với mọi người, còn chuyện xổ số kia thì lòng này đã “bão hòa” rồi, vì thầm nghĩ mình đã “trúng số” khi gặp tai nạn giao thông cuối năm rồi kia mà !

Nhưng điều bất ngờ đã xảy ra vào “phút 89” khi xổ giải độc đắc. Con số cuối cùng vừa được công bố là tôi bối rối … vì nhận ra mình chính là người trúng giải ! Thật khó diễn tả phải không các bạn ? Hẳn nhiều người cũng ngạc nhiên không kém vì nhà tu mà lại trúng số ! Chắc ông này chuyên cầu cho trúng số hay sao đây ! Hìhì ! thôi thì “Chúa đỗ lòng ai, nấy đặng thanh nhàn”… Chắc hẳn các bạn cũng biết tôi đi lên nhận quà trong sự cổ vũ cuồng nhiệt như thế nào. Đúng là món quà của Cha Giuse rồi.

Giải thưởng là một hộp khá nặng, chắc là trúng đậm lắm đây. Tuy tò mò, nhưng tôi tính về nhà mới khui, nhưng nào có được đâu vì ngay khi bế mạc, các anh chị ca đoàn Hiện Xuống đã không “tha”, nhất định đòi phải mở. Hộp khui ra thì mèng đéc ơi, giải độc đắc là một cái thớt gỗ nhãn hiệu “Năng Lực” ! Ai nấy đều phá lên cười, vì giải nhất mà lại là… một cái thớt ! Ngay khi ấy, tôi ngỏ ý sẵn sàng cho ai muốn xin. Nhưng chả có ai muốn rớ vào quà tặng đặc biệt đó ! Thôi thì đành ôm thớt về và tự nhiên tôi chợt nghĩ phải chăng đây chính là lời mà Cha Giuse muốn nói riêng với tôi trong dịp này.

Về đến nhà sau khi để hồn trầm lắng, tôi ngồi suy nghĩ về cái thớt. Ngày nay thớt gỗ ít được xài, dân họ ưa thớt nhựa hơn. Nhưng ngày xưa ông cha ta từng nói: muốn chặt thì đặt thớt me. Vì thớt làm bằng gỗ, nhưng không phải gỗ nào cũng làm thớt được. Gỗ làm thớt phải vừa nặng vừa chắc vừa dẻo, không được nổi xước hay in vết hằn dù ngày này tháng nọ cứ liên tục bị dao băm chặt. Phải chăng điều này muốn nói đến bản lĩnh, gan lì, trung tín, không dễ bị đè bẹp vì khó khăn gian khổ. Về khoản này, lạy Chúa, xin thêm đức tin cho chúng con !

Về hình khối thì thớt hình tròn, không có góc cạnh, nặng nhưng gọn để dễ xách đi xử dụng. Người môn đệ Chúa Kitô phải chăng cũng phải dễ dàng để cho tha nhân “xài” mình, nghĩa là lòng phải đầy bác ái, khiêm tốn, dấn thân và dễ thương trong cuộc sống phục vụ. Kiêu thì không ai dám nhờ. Phục vụ mà không dễ thương thì uổng lắm… Tóm lại là phải trở nên mọi sự cho mọi người. Tôi e rằng nọc độc kiêu căng, tự tín, tự phụ đã chảy như huyết mạch trong tâm hồn tôi từ lâu rồi… Phải học lại nơi Chúa Giêsu đức “hiền lành và khiêm nhường” (Mt 11,29) mới được.

Về công dụng, thớt dùng để chặt xương thịt, làm cá, thái rau, khoai, củ, ….Tuy nó rất cần thiết nhưng khi dùng xong thì người ta vội vứt vào xó bếp, không bận tâm đến nữa. Trộm nghĩ con người thường hay tìm đến tiếng khen, đến danh dự… Liệu khi làm xong mọi công việc, nhất là khi đã thành công, ta có còn nghĩ mình chỉ là đầy tớ vô dụng, chỉ làm việc phải làm ? Tôi còn nhớ sau khi được Đức Maria hiện ra ở Lộ Đức, chị Bernadette được bao người tìm đến nhưng chị đã vào ẩn khuất phụng sự Chúa trong một đan viện, có người hỏi chị sao vậy thì chị đã trả lời rằng : “Tôi chỉ là một cái chổi của Mẹ, dùng xong thì chỗ của nó là xó nhà”.

Một chiếc thớt nếu dơ bẩn sẽ làm thức ăn nhiễm khuẩn theo, gây nguy hại cho sức khỏe. “Cái thớt” tôi phải thanh tẩy luôn luôn, phải giữ tâm hồn xa những ham muốn thế tục hầu trở nên một khí cụ của Chúa. Lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch !

Để làm một cái thớt gỗ tốt, người thợ phải chọn gỗ, phải gọt dũa bào mài cho thớt được ra thớt… Tôi thầm nghĩ cuộc sống mỗi người cũng là một quá trình hoàn thiện lâu dài : “Anh em hãy hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Tôi có ý thức và chấp nhận điều ấy để ngày càng trở thành một con người mới trong Chúa Kitô Phục Sinh, nhờ sự trợ giúp của Đức Maria và Thánh Cả Giuse không ?

Trên đây chỉ là một vài bài học đơn sơ mà cái thớt đã dạy cho tôi nhân dịp “trúng số”. Không biết còn có ai cần những bài học đó nữa không ? Nhưng như vậy để được làm “cái thớt” cũng không phải dễ các bạn nhỉ ?

LM. THIÊN NGỌC, CMC

Related posts