Tin thế giới 

Người Công giáo Khmer và Việt Nam tại Campuchia vẫn còn chia rẽ

Bất đồng ngôn ngữ và văn hóa vẫn là điều khiến Giáo hội căng thẳng

Ánh đèn lấp lánh trên Đảo Kim Cương rọi xuống dòng nước chảy qua Toul Tang. Đây là dự án phát triển khổng lồ trên sông Tonle Bassac, được chính quyền Campuchia tham vọng quy hoạch thành một khu có những tòa nhà cao nhất thế giới.

Nhưng trong vùng nghèo khổ tại phía nam Phnom Penh này, hiện đại hóa nhanh chóng thủ đô Campuchia dường như vẫn còn xa vời.

Toul Tang có vài trăm người Việt di cư chưa được nhập tịch, và Giáo hội Công giáo đang nỗ lực giúp họ hội nhập xã hội Campuchia, sự kháng cự ở cả hai phía, và chính trong Giáo hội.

Mặc dù một số người Việt ở Tuol Tang đã sống ở Campuchia hàng thập niên nay, nhưng đa số họ lại không thể nói được tiếng Khmer, quốc ngữ của Campuchia, theo linh mục Văn Thế Vinh, người quản lý nhà thờ Đức Bà địa phương.

Nhà thờ Đức Bà nằm ở cuối con đường đất nhỏ, gần sông. Các ngôi nhà gỗ xung quanh nhà thờ thường bị ngập lụt khi sông Bassac bị lũ.

Trong vài năm qua, cha Vinh đã giúp cho 60 con em người Việt ở Toul Tang đi học tại các trường công ở Campuchia.

“Lúc đầu, gia đình các em rất phản đối. Họ hỏi tại sao con họ phải học tiếng Khmer”, ngài kể.

Thù hằn giữa người Campuchia và người Việt rất sâu, ngay cả nơi người Công giáo.

Cha Vinh nói: “Những người Việt lớn tuổi ghét người Khmer, và họ không muốn gia đình họ có dính líu gì đến người Khmer”.

Một số gia đình Công giáo người Việt đến đây vào thập niên 1950 và 1960 gặp cảnh trục xuất và chiến tranh sau đó khi Campuchia chìm trong cuộc nổi loạn do Khmer Đỏ đứng đầu. Khi chế độ tàn bạo Pol Pot lên nắm quyền vào năm 1975, có nhiều người phải sống trên các sông của Campuchia.

Nơi định cư mới nhất của họ, đối diện với Toul Tang ngay bên kia sông, bị hỏa hoạn cách đây vài năm.

Nhờ Phnom Penh mở rộng mà hiện nay họ sống tốt trong thành phố.

Dù hầu hết họ sinh tại Campuchia, đa số lại nói phương ngữ tiếng Việt ít được người biết và chỉ nói được tiếng Khmer cơ bản. Không có nước nào trong hai nước này công nhận họ là công dân của mình.

Nhờ cha Vinh, trẻ em người Việt ở Toul Tang được học 2 năm mẫu giáo tại nhà thờ.

“Khi đến trường các em có thể nói tiếng Khmer đúng và không bị kỳ thị. Chúng tôi muốn cho các em cơ hội có được tương lai tốt đẹp và hòa nhập xã hội”, cha Vinh nói.

Nhưng nỗ lực của ngài gặp phải kháng cự ngay cả trong Giáo hội địa phương, có một số người Công giáo không tin hai cộng đồng có thể hoàn toàn hòa nhập.

Khoảng 2/3 trong khoảng 30.000 người Công giáo ở Campuchia là người gốc Việt, theo linh mục Mario Ghezzi, tổng đại diện Phủ doãn Tông tòa Phnom Penh. Khoảng 10.000 người sống trong thủ đô hoặc ngoại ô thủ đô, trong tổng số khoảng 13.000 người Công giáo trong vùng này.

“Nếu anh gộp chung người Công giáo Việt Nam và người Công giáo Campuchia, thì trong vòng 10 năm nữa sẽ không còn người Công giáo Campuchia. Người Khmer sẽ lặng lẽ quay lưng lại với Giáo hội, và cuối cùng sẽ biến mất”, linh mục Francois Ponchaud, thừa sai người Pháp sống gần như cả đời tại Campuchia, cảnh báo.

Chính cha Ponchaud, người viết cuốn Campuchia: Năm Zêrô năm 1977, tiết lộ cho thế giới biết mức độ tàn bạo mà Khmer Đỏ gây ra cho đất nước này.

Trước cuộc cách mạng cộng sản này, Giáo hội Campuchia chỉ là một nhánh của Việt Nam.

Theo cha Ponchaud, “trước năm 1970 người Việt hoàn toàn chiếm hết Giáo hội. Không thể có Khmer và Công giáo”.

Nhưng vào năm 1970, chính phủ Campuchia quyết định trục xuất hầu hết người Việt. “Đối với chúng tôi, đó là một cú sốc, một sự thay đổi lớn. Chúng tôi đã phải bắt đầu lại từ đầu”, Đức Giám mục Yves-Georges-René Ramousse kể lại. Ngài làm đại diện tông tòa của Phnom Penh cho đến khi Khmer Đỏ nắm quyền kiểm soát thành phố vào tháng 4-1975.

Trong 15 năm sau đó, Giáo hội gần như biến mất ở Campuchia. Trong bốn năm Khmer Đỏ nắm quyền, không một tàn dư tôn giáo nào sống sót. Các thừa sai bỏ trốn và ngay cả các đền thờ trong quốc gia đa số Phật giáo này cũng bị phá hủy hoặc được dùng cho các mục đích khác. Khi chế độ Pol Pot bị quân đội Việt Nam đuổi khỏi Phnom Penh vào đầu năm 1979, họ ở lại 10 năm sau đó khi Campuchia bắt đầu bình ổn nhưng Giáo hội vẫn chưa được tái thiết vì chiến tranh vẫn còn diễn ra ác liệt ở biên giới nước này.

Cho đến khi quân đội Việt Nam rút về nước vào đầu thập niên 1990, Giáo hội mới bắt đầu tái thiết ở đây, và mang bản sắc Khmer rõ ràng.

Mặc dù đa số người Công giáo là người Việt thế nhưng phụng vụ hiện nay chỉ được tổ chức bằng tiếng Khmer.

Nhưng trong những năm qua, Giáo hội đang từng bước bị “Việt hóa trở lại”, theo cha Ponchaud. Và việc cha Vinh nỗ lực hội nhập cộng đồng Việt Nam ở Toul Tang vào Giáo hội và xã hội nói chung nằm trong quá trình này.

Cha Ghezzi nói những chia rẽ trong quá khứ, cùng với lịch sử xung đột gần đây giữa Campuchia và Việt Nam, phải được hàn gắn nếu Giáo hội ở đây muốn hoàn toàn hiệp nhất.

“Tôi đồng ý các nghi thức phụng vụ phải dùng tiếng Khmer. Nhưng để có thể làm yên lòng hai cộng đồng, Giáo hội phải trở thành dấu chỉ tiên tri cho toàn xã hội, vượt qua những chia rẽ trong nội bộ”, ngài nói.

“Chúng ta sống trong một kỷ nguyên mới. Dĩ nhiên khó đối với người Khmer và người Việt lớn tuổi. Nhưng đối với người trẻ, thời gian chiến tranh hiện nay đã là quá khứ”, cha Vinh đồng ý với ngài.

Related posts