Đức Thánh Cha trao giây Pallium cho 34 vị Tổng Giám Mục chính tòa
VATICAN. Sáng 29-6-2013, ĐTC Phanxicô đã chủ sự thánh lễ mừng kính Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ và trao dây Pallium cho 34 vị TGM chính tòa.
Dây Pallium là dây làm bằng lông chiên màu trắng, có 6 hình thánh giá màu đen, biểu tượng quyền của vị TGM đứng đầu giáo tỉnh và sự hiệp thông với người kế vị Thánh Phêrô.
34 vị TGM thuộc 21 quốc tịch, trong đó đông nhất là 4 vị người Mỹ (San Francisco, Indianapolis, Oregon, Dubuque) và 3 vị người Italia; tiếp đến Brazil, Ấn độ và Ba Lan mỗi nước có 2 vị. Trong số các TGM, có 7 vị thuộc các dòng tu: gồm 2 vị dòng Don Bosco, 2 vị dòng Thừa Sai Chúa Thánh Thần, các vị còn lại thuộc dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu (S.C.I), dòng Camêlô nhặt phép, và một vị nguyên là Bề trên Tổng Quyền dòng Chúa Cứu Thế, Joseph Tobin, từng làm Tổng thư ký Bộ các dòng tu, và nay là TGM giáo phận Indianapolis, Hoa Kỳ.
Hiện diện trong thánh lễ có 50 HY và hơn 60 GM, cùng với trên 8 ngàn tín hữu. Đặc biệt ở chỗ danh dự có phái đoàn của Tòa Thượng Phụ Chính Thống Constantinople do Đức TGM Ioannis Zizioulas hướng dẫn. Phần thánh ca, ngoài ca đoàn Sistina của Tòa Thánh, còn ca đoàn Nhà thờ thánh Tôma ở thành phố Leipzig của Giáo Hội Tin Lành Luther.
Nghi thức trao dây Pallium thật đơn sơ và diễn ra vào đầu thánh lễ. ĐHY Jean Louis Tauran, Trưởng Đẳng Phó Tế, giới thiệu các vị TGM chính tòa lên ĐTC và xin ngài trao dây Pallium cho các vị. ĐHY cũng nhắc đến các vị TGM không thể đến Roma được và xin được nhận dây Pallium này trong giáo phận thuộc quyền, từ vị Đại diện Tòa Thánh. Đây là trường hợp Đức Cha Phanxicô Xavie Lê Văn Hồng, TGM chính tòa giáo phận Huế.
Kế đến các TGM tuyên thệ luôn trung thành và vâng phục Thánh Phêrô Tông Đồ, Tòa Thánh, Giáo Hội, ĐTC và các Đấng Kế vị hợp pháp.
Tiếp đến ĐTC làm phép các dây Pallium và lần lượt trao vào cổ của các vị TGM tiến lên quì trước ngài.
Bài giảng của ĐTC
Trong bài giảng thánh lễ, dựa vào các bài đọc của ngày lễ, ĐTC quảng diễn sứ vụ Phêrô là củng cố các anh em trong đức tin, trong đức mến và trong tình hiệp nhất.
Nhắc đến sự kiện thánh Phêrô tuyên xưng niềm tin nơi Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, nhưng ít lâu sau đó, khi Chúa Giêsu báo trước cuộc khổ nạn của Người, thì thánh Phêrô lại theo lối suy tư trần tục, muốn cản trở Người. Và ĐTC nói rằng: ”Khi chúng ta để cho những tư tưởng, tình cảm, tiêu chuẩn quyền bính nhân trần trổi vượt, và khi chúng ta không để cho đức tin, cho Thiên Chúa giáo huấn và hướng dẫn, thì chúng ta trở thành viên đá vấp phạm. Đức tin nơi Chúa Kitô là ánh sáng cho đời sống các tín hữu Kitô và các thừa tác viên của Giáo Hội”.
Về sứ vụ của thánh Phêrô củng cố trong tình hiệp nhất, ĐTC giải thích dây Pallium như biểu tượng tình hiệp nhất với Người Kế Vị Thánh Phêrô, là ”nguyên lý và là nền tảng trường cửu và hữu hình của sự hiệp nhất đức tin và tình hiệp thông, LG 18). Ngài nói với các vị TGM:
”Anh em GM thân mến, sự hiện diện của anh em hôm nay là dấu chỉ tình hiệp thông của Giáo Hội không có nghĩa là sự đồng nhất… Trong Giáo Hội, sự khác biệt là một sự phong phú cao độ, luôn dựa trên sự hòa hợp của hiệp nhất, như một bức tranh khảm lớn trong đó mọi mảnh đều góp phần hợp thành một đại kế hoạch duy nhất của Thiên Chúa. Điều này phải thúc đẩy chúng ta luôn khắc phục mọi xung đột làm thương tổn thân mình của Giáo Hội. Hiệp nhất trong sự khác biệt chính là con đường của Chúa Giêsu! Dây Pallium, nếu là dấu chỉ sự hiệp thông với GM Roma, với Giáo Hội hoàn vũ, cũng là một quyết tâm đối với mỗi người anh em trở thành dụng cụ của sự hiệp thông”.
Kinh Truyền Tin
Sau thánh lễ, lúc 12 giờ trưa, ĐTC đã xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của ngài để chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin với khoảng 35 ngàn tín hữu tụ tập tại Quảng trường thánh Phêrô.
Trong bài huấn dụ ngắn, ngài nói đến ”Thánh Phêrô là vị đầu tiên đã tuyên xưng Chúa Giêsu là Đức Kitô, Con Thiên Chúa. Còn Thánh Phaolô đã phổ biến Tin Mừng trong thế giới Hy lạp La Mã. Và Chúa Quan Phòng đã muốn hai vị đến Roma này đổ máu vào vì đức tin. Vì thế, Giáo Hội Roma đã tự nhiên trở thành điểm tham chiếu cho tất cả các Giáo Hội rải rác trên thế giới. Không phải vì quyền lực của Đế Quốc, nhưng do sức mạnh cuộc tử đạo của hai vị, do chứng tá của hai vị về Chúa Kitô. Xét cho cùng, luôn luôn và chỉ có tình yêu của Chúa Kitô sinh ra đức tin và làm cho Giáo Hội tiến bước”.
ĐTC cũng nhắc đến một truyền thống tốt đẹp, đó là sự hiện diện của Phái đoàn Tòa Thượng Phụ Chính Thống Constantinople, có vị bổn mạng là thánh Anrê Tông đồ. ”Tất cả chúng ta hãy gửi lời chào thân ái đến Đức Thượng Phụ Bartolomaios I và cầu nguyện cho Người và Giáo Hội tại Constantinople. ĐTC cũng mời gọi người đọc một kinh Kính Mừng để cầu cho Đức Thượng Phụ.”
Sau khi đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành, ĐTC xin các tín hữu cầu nguyện cho các vị TGM chính tòa mới nhận dây Pallium, biểu tượng tình hiệp thông. Ngài nói: ”Trong số các vị có Đức TGM Diedonné Nzapalainga, của giáo phận Bangui, thủ đô cộng hòa Trung Phi. Chúng ta hãy nhớ cầu nguyện cho cộng đồng dân chúng ở Trung Phi, bị thử thách cam go, để họ tiến bước trong niềm tin và hy vọng”.
Quốc gia này đã bị tàn phá vì bạo lực do phiến quân Séléka, sau cuộc đảo chánh ngày 24-3 năm nay, đưa thủ lãnh phiến quân là Michel Djotodia lên cầm quyền. Nhiều thánh đường cũng như nhà dân chúng đã bị cướp bóc (SD 29-6-2013)
G. Trần Đức Anh OP