Tin Giáo Phận-Giáo xứ 

Kỷ niệm Ngọc Khánh Linh Mục của cha Phaolô Trương Đắc Cần

Trong “Bản Thông Tin Địa phận Qui Nhơn”, Số 8, năm 1958, có bài nói lên ý nghĩa của các ngày lễ kỷ niệm linh mục như sau:

“Tại các nước Công giáo Âu Châu, những cặp phu phụ nhờ ơn Trên được song toàn, cũng đặt ra tập quán mừng lễ Cưới Bạc (25 năm), Cưới Vàng (50 năm), và Cưới Kim Cương (60 năm). Sở dĩ đặt tên cho mỗi cuộc lễ như thế, là để biểu tượng cái hạnh phúc quý báu như bạc như vàng, chứ nói cho đúng ra, là họ làm lễ kỷ niệm ngày hôn nhân, để ôn lại cái ngày vui tươi phận đẹp duyên may của đôi lứa, và cảm tạ Đấng đã ban ơn giáng phúc cho gia đình mình trong những khoảng thời gian lâu dài như thế… Từ lâu, mỹ tục đó đã lan vào trong tu giới. Các vị thụ phong thánh chức, hoặc tuyên khấn tu dòng, cũng đã làm những cuộc lễ hôn nhân huyền nhiệm, giữa các ngài với Thiên tử Giêsu, mà cuộc hôn nhân này còn cao trọng và hạnh phúc gấp ngàn vạn lần những cuộc hôn nhân kia.

Tu là cõi phúc, tình là dây oan.

Vì thế, chúng ta thấy các vị giáo hoàng, giám mục, linh mục, tu sĩ, cũng mừng ngày kỷ niệm thành hôn thiêng liêng của mình khi được 25 năm, 50 năm, và 60 năm, như các bậc phu phụ. Mục đích là gì? Nếu không phải là để cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho về dĩ vãng, và cầu xin Ngài sẽ phù trì bang hộ về tương lai?

« Lấy gì báo đáp muôn ân Chúa đà đổ xuống lòng con dẫy đầy Chém vàng nâng lấy hai tay Dâng lên ca ngợi Danh Ngài hiển vinh. » (Tv 115, 12)   Đã lâu lắm rồi, hàng linh mục Giáo phận Qui Nhơn mới có cha mừng kỷ niệm linh mục, không phải 25, 50 mà là 60 năm. Kể từ khi cha Antôn Nguyễn Toàn Chân mừng kỷ niệm Ngọc Khánh Linh Mục vào năm 1961, mãi đến 52 năm sau, vào ngày Chúa Nhật 04/8/2013, cha Phaolô Trương Đắc Cần đã ghi thêm tên vào danh sách các bậc đại tiền bối thượng thọ với thánh lễ tạ ơn kỷ niệm 60 năm linh mục (3/8/1953-2013) và 90 năm cuộc đời (18/11/1923-2013) tại nhà thờ Xuân Quang, do cha sở Xuân Quang Phaolô Lê Văn Nhơn tổ chức. Cha Phaolô là cậu ruột của cha Phaolô Nhơn.   Thánh lễ đồng tế vào lúc 10g, với khoảng hơn 20 linh mục trong Giáo phận, do Cha Tổng Đại Diện chủ tế, với sự tham dự của giáo dân Xuân Quang và đông đảo thân nhân của cha Phaolô từ các nơi về mừng lễ. Mở đầu thánh lễ, cha Tổng Đại Diện nói lên ý nghĩa của thánh lễ Tạ Ơn đặc biệt hôm nay: «Chức linh mục ban thánh vụ cho phàm nhân… Cha Phaolô đã sống thiên chức đó tròn 60 năm mà vẫn mang thân phận nhân trần giữa trần thế. Điều cha Phaolô muốn nói lên trong thánh lễ hôm nay là cảm tạ vì được ân ban, tạ tội vì còn thiếu sót. Trong tri ân, kính trọng, quý mến và hiệp thông, cộng đoàn chúng ta cùng ngài dâng Thánh Lễ, xin Chúa đoái thương nhậm lời ngài trong ân thánh mà Chúa đã thương chọn.”

Trong phần giảng lễ, cha Gioan Võ Đình Đệ đã chia sẻ về thiên chức linh mục như một ân ban nhiệm mầu. Trong một khía cạnh nào đó, con người và sứ vụ linh mục là một sự nhập nhằng giữa phàm trần và thánh thiêng, giữa những mâu thuẫn: mâu thuẫn giữa bản thân yếu hèn với sự cao cả của sứ mệnh, giữa sức mạnh và yếu đuối, giữa cái riêng và cái chung. “Sau 60 năm, cha Phaolô thi hành sứ vụ linh mục trong con người như thế đó. Nay trí nhớ cha Phaolô đã chạm tới ranh giới của lúc nhớ lúc quên, cũng không còn nghe được rõ ràng những âm thanh của loài thụ tạo. Cha chấp nhận những điều này như một của lễ hy sinh, một của lễ được tìm thấy ngay trong chính thân phận người của mình. Quên tất cả để chỉ nhớ điều cần duy nhất, nhớ một mình Chúa thôi. Không nghe âm thanh loài thụ tạo để chỉ còn lắng nghe tiếng thì thầm của Chúa mỗi ngày, để cuộc sống linh mục hy tế được tiếp diễn một cách sống động thay vì biến nó thành bảo tàng. Những ngày gần đây cha Phaolô cũng cho đi những sách vở, những vật dụng thường dùng hằng ngày, như thể cha muốn cuộc sống linh mục của mình mộc mạc như hạt phù sa, vừa vun đắp màu mỡ cho đất mẹ vừa mạnh mẽ theo sông ra biển đương đầu với sóng to gió lớn. Hiện cha buông hết những việc thường ngày trên bàn vi tính và phía sau vườn để dành mọi thời khắc cho việc cầu nguyện và chay tịnh hầu thánh hóa bản thân … Chúng ta vui mừng tạ ơn Chúa vì hồng ân 60 năm linh mục Chúa đã ban cho cha Phaolô, đồng thời cũng gia tăng lời cầu xin tha thiết cho cha Phaolô cũng như cho các linh mục của Chúa sống trọn vẹn thiên chức linh mục đã nhận …”

60 năm phục vụ, từng đi qua khắp nhiều miền của giáo phận từ Nha Trang, Quảng Nam, Phú Yên, Qui Nhơn, cha đã để lại một hình ảnh rất thân thương trong lòng mọi người, nhất là với các học trò của cha: « 90 tuổi thượng kim, nhớ cha giáo có đôi kính dày, màu đỏ, giọng nói thâm trầm, giảng toán hình học rất chu đáo, ôn tồn, không bao giờ lớn tiếng với học trò,  nụ cười duyên dáng, đời sống thâm trầm, đức độ và khoan thai», tất cả như là một hồi ức đẹp nhớ về cha: một người thầy đáng yêu đáng kính!

“Khi chúng ta già đi, sắc đẹp ẩn vào bên trong” (Ralph Waldo Emerson), điều này rất đúng với cha Phaolô bởi vì sắc hồng hào của màu da đã dần nhợt nhạt nhưng tâm hồn cha vẫn còn dễ ghi nhận một sắc thắm đỏ lòng yêu mến Chúa để cho dù trí nhớ có thể bật tắt vô chừng nhưng có một điều không bao giờ quên và dường như được “mặc định” trong tâm trí cha là: “Xin Chúa cho chúng ta được yêu mến Chúa hết lòng, ngày một thêm nhiệt thành phục vụ Hội Thánh và trung thành với Chúa mãi đến cùng.” Lời nói cuối cùng của cha trong thánh lễ chỉ có thế, nhưng đó là chương trình hành động cho cả cuộc đời cha: 60 năm linh mục, 90 năm cuộc đời!

Cha Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh kể lại rằng rất nhiều lần đã nghe thấy tiếng cha Phaolô bật khóc khi dâng Thánh Lễ. Có lẽ đó là lý do và là nguồn cảm hứng cho bài thơ “Giọt Lệ Thầm” mà cha đã sáng tác và đọc lên trong bữa tiệc mừng sau thánh lễ Tạ Ơn:

Xin Ngài hãy thay con, lạy Chúa, Mà đền ơn đáp nghĩa cho đời. Những âm thầm ấy, Chúa ơi ! Xin Ngài lấy sách trên trời mà ghi.   Con muốn hứng vào ly rượu thánh Giọt lệ đời lóng lánh châu sa ; Bảo rằng ! “Này chén Máu Ta, Tức là Máu Chúa đó mà, Chúa ơi !”   Xin hãy nhận lấy lời con nguyện, Mà ban ơn thánh hiến cho đời. Những âm thầm ấy, Chúa ơi, Mai sau khởi sắc chói ngời vinh quang.

Related posts