Loan báo Tin mừng là bổn phận của mỗi người Kitô hữu
Lấy lại thần học truyền giáo được Công đồng Vatican II khai khiển, và đã được chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II khai triển lại trong thông điệp truyền giáo Redemptoris Missio, theo đó sứ mạng truyền giáo không bị giới hạn về ranh giới địa lý mà còn lưu tâm đến mỗi người nam nữ khắp mọi nơi trên trái đất này : “Đặc tính truyền giáo không chỉ là vấn đề lãnh thổ địa lý nhưng là các dân tộc, các nền văn hóa và những con người, bởi vì “các ranh giới” của đức tin không chỉ ngang qua những nơi chốn và các truyền thống nhân loại nhưng còn là tâm hồn của mọi người nam và người nữ. Công đồng Vatican II đã đặc biệt nhấn mạnh đến cách thức mà bổn phận truyền giáo, bổn phận mở rộng các ranh giới của đức tin, là đặc điểm của mọi người chịu phép rửa và của tất cả các cộng đoàn Kitô hữu” (2)
Đức Benêđictô XVI đã nhắc nhớ rằng “Nhiệt huyết truyền giáo là một dấu chỉ rõ ràng về sự trưởng thành của một cộng đoàn Giáo Hội” (Bênêđictô XVI, Tông huấn Verbum Domini, số 95). Và Đức Thánh Cha Phanxicô thêm vào : “Mỗi cộng đoàn là “trưởng thành” khi tuyên xưng đức tin, vui mừng cử hành đức tin trong Phụng Vụ, sống đức ái và hăng say loan báo Lời Chúa, cũng như ra khỏi tường rào của mình để mang Lời Chúa đến “những vùng ngoại ô”, nhất là cho những ai vẫn chưa có điều kiện nhận biết Chúa Kitô.” (1)
Lặp lại những khẳng định của Đức Phaolô VI trong thông điệp Evangelii Nuntiandi, Đức Thánh Cha lần nữa xác định đặc tính của Giáo hội về việc rao giảng Tin mừng : “khi người rao giảng, nhà truyền giáo, giáo lý viên hay mục tử vô danh nhất, rao giảng Tin Mừng, tập hợp cộng đoàn, thông truyền đức tin, cử hành Bí tích, ngay cả một mình, thì người ấy đang làm một hành vi Giáo Hội”…”. Người đó không hành động vì sứ mạng tự gán cho mình, hay bởi một gợi hứng riêng tư nhưng trong sự hiệp nhất với sứ mạng của Giáo Hội và nhân danh Giáo Hội”. Và điều đó đem lại sức mạnh cho sứ mạng và làm cho mỗi nhà truyền giáo và rao giảng Tin mừng cảm thấy mình không bao giờ cô đơn, nhưng là một phần tử của một thân thể, được linh hoạt nhờ Chúa Thánh Thần.
Thêm nữa, thông điệp của Đức Thánh Cha diễn tả rộng hơn về hoàn cảnh của nhân loại hôm nay được đánh dấu bởi tính di động đang trên đà tăng trưởng, từ việc dễ dàng gia nhập và sử dụng các phương tiện truyền thông mới, về toàn cầu hóa, trong lãnh vực truyền giáo về thực tế của các quốc gia có truyền thống kitô giáo nhưng hôm nay đang mất dần ý thức đức tin trong khi phần lớn nhân loại vẫn chưa được đón nhận việc rao giảng Tin Mừng. Vì vậy Đức Thánh Cha mời gọi : “Nhân loại hôm nay đang cần ánh sáng chắc chắn chiếu soi con đường của họ và chỉ khi gặp gỡ Đức Kitô mới có thể đem lại ánh sáng đó. Chúng ta hãy đem đến cho thế giới này, bằng đời sống chứng tá của chúng ta, bằng tình yêu, hy vọng đã được trao ban bởi đức tin! Bản chất truyền giáo của Giáo hội không là việc cải đạo, nhưng là chứng tá của cuộc sống chiếu soi hành trình, đem lại hy vọng và tình yêu” (4)
Đức Thánh Cha chân thành bày tỏ lòng biết ơn của ngài đối với những người đã bỏ lại tất cả, ra đi để đem Tin mừng cứu độ như : các nhà truyền giáo, các linh mục, nữ tu, các tín hữu, con số rất đông hôm nay và tương lai. Một sự quan tâm mở ra nhiều ý nghĩa : “các Giáo hội trẻ đang nỗ lực gửi các nhà truyền giáo của họ để giúp đỡ các Giáo hội già nua, đem lại sự tươi trẻ và lòng nhiệt thành mà nhờ đó họ sống đức tin”. Đức Thánh Cha cũng mời gọi “các giám mục, các gia đình tu sĩ, các cộng đoàn và tất cả các nhóm Kitô hữu hãy nâng đỡ, với sự sáng suốt và phân biệt cẩn thận, lời kêu gọi truyền giáo ad gentes và giúp đỡ các Giáo hội đang thiếu các linh mục, các tu sĩ nam nữ và giáo dân, như thế củng cố cộng đoàn Kitô hữu”. (4)
Cuối cùng một tư tưởng đầy cảm xúc Đức Thánh Cha gởi đến các kitô hữu ngày nay bị bách hại : “trong việc công khai tuyên xưng đức tin của mình, và không được thừa nhận quyền được sống đức tin một cách xứng đáng. Họ là những anh em và chị em của chúng ta, những nhân chứng can đảm – còn đông hơn các vị tử đạo của những thế kỷ đầu tiên – là những người đang cam chịu với lòng kiên trì tông đồ dưới nhiều hình thức bách hại khác nhau của thời đại, và thậm chí có không ít những người liều mạng sống mình để giữ lòng trung thành với Tin mừng của Đức Kitô”. (5)
Đức Thánh Cha ước mong việc cử hành Ngày Thế Giới Truyền Giáo cũng là “Năm Đức Tin” luôn có thể đem lại mối tương quan vững chắc hơn với Chúa Kitô, bởi vì chỉ nơi Người mới có sự chắc chắn để chúng ta hướng nhìn về tương lai và bảo đảm cho một tình yêu đích thực và vững bền. (Tông Thư Porta Fidei, s. 15).