Cảm nghiệm và suy tư về mầu nhiệm và sứ mạng hội thánh qua cuộc hành hương thăm 13 giáo xứ Hạt Phú Yên
MẦU NHIỆM VÀ SỨ MẠNG HỘI THÁNH
QUA CUỘC HÀNH HƯƠNG THĂM 13 GIÁO XỨ HẠT PHÚ YÊN
Trong mấy lần hành hương cuối giải văn thơ Linh mục Đặng Đức Tuấn, chuyến viếng thăm 13 giáo xứ thuộc Hạt Phú Yên năm nay có một hành trình dày khít và phức tạp, lắm điều khó tiên liệu, nhưng lạ thay bản thân tôi lại được ơn cảm thấy bình an, không âu lo. Sống ở nhà hưu dưỡng, thiếu hẳn nhân sự, do ba khóa tĩnh tâm mùa hè liền nhau, tôi chỉ về lại Qui Nhơn sáng 24-7, đúng một tuần trước ngày khởi hành, thời gian chuẩn bị thật eo hẹp. Thế mà, thay vì diễn biến đầu voi đuôi chuột như nơi nhiều trường hợp tổ chức ngoài xã hội, ở đây mọi sự càng tiến hành càng nẩy nở tốt đẹp.
MỐI ĐỒNG CẢM CỦA ANH EM LINH MỤC
Ơn thứ nhất là nhân sự. Tới ngày 7-7 đã có đủ 3 anh em linh mục nhận lo tổ chức cho các trại sinh của ba Giáo hạt. Các cha đã đích thân gọi điện đến các cha xứ và lắm lúc đến từng bạn trẻ được mời. Một tuần trước ngày lên đường, cha Phêrô Lê Hoàng Vinh ở hạt Phú Yên và cha Giacôbê Bùi Tấn Mai ở hạt Quảng Ngãi đã cho biết các em nhận lời tham gia đông đủ; chỉ có ở hạt Bình Định, cha Gioakim Nguyễn Đức Quang tốn nhiều tiền điện thoại mà mãi ba ngày trước khi đi mới có được một con số tương đối.
Thượng tuần tháng Sáu, đã có hai lần họp phác thảo. Ngày 16-7 tôi đang giúp một tuần tĩnh tâm tại Qui Hòa. Buổi chiều tôi ngưng lo cho khóa tĩnh tâm và mượn phòng hội của chị em Phan Sinh để họp trù bị lần thứ ba. Có 6 anh chị em trong Câu lạc bộ Đồng Xanh Thơ và một bạn trẻ nhận làm linh hoạt viên. Chúng tôi vừa bàn thảo và ghi chép vừa trao đổi với các nơi bằng điện thoại. Một vấn đề bất ngờ: Trong bảy người, chỉ có một mình tôi đã từng thăm cả 13 giáo xứ và giáo họ Sông Hinh nhưng không nắm vững đường đi. Tôi gọi cho cha Gioan Võ Đình Đệ nhờ dẫn đường thì cha lại bận giúp tĩnh tâm vào những ngày ấy. Cha đề nghị nhờ hai thầy có gia đình ở hạt Phú Yên. Cái khó là thời gian hành hương cũng trùng với những ngày anh em chủng sinh Qui Nhơn sinh hoạt chung. Tôi gọi điện xin phép cha Giám đốc chủng viện và ngài đồng ý cho hai thầy cùng đi. Ngài còn nhận lời cho đoàn Bình Định nghỉ đêm 30-7. Bà Nhất dòng Thánh Phaolô nhận lời cho đoàn Quảng Ngãi nghỉ đêm và cho cả hai đoàn Bình Định và Quảng Ngãi ăn tối và ăn sáng trước khi đi. Có sáu bạn trẻ qua điện thoại nhận lời làm tổ trưởng.
Hai năm đầu, nhóm tổ chức gặp nhiều khó khăn vì chưa mấy ai quan tâm, nhưng sang năm thứ ba, 2012, khi tổ chức hành hương thăm các giáo xứ hạt Quảng Ngãi, chúng tôi đã nhận được niềm an ủi rất lớn từ các Cha sở. Đoàn hành hương tới đâu cũng được ưu ái đón tiếp với những lời động viên khích lệ nồng nhiệt. Hơn nữa, sau đó, khi Câu lạc bộ Quảng Ngãi bước vào hoạt động, các Cha sở đã ủng hộ hết mình: cho xe đưa đón các em đến địa điểm tập huấn.
Năm nay, mối đồng cảm của các Cha ở giáo hạt Phú Yên càng nổi rõ hơn. Ngày thứ hai của cuộc hành hương Cha sở các giáo xứ Hoa Châu, Sơn Nguyên và Tịnh Sơn đều về Tuy Hòa tĩnh tâm, không có mặt lúc đoàn đến giáo xứ, nhưng vị nào cũng bố trí cho các nữ tu hoặc Hội Đồng Giáo Xứ đón tiếp nồng nhiệt. Không hề được dặn trước nhưng tất cả các cha, và cả các nữ tu cũng như những phụ huynh ngỏ lời trước các em đều phát biểu đồng quy về một điểm: Các em là những thành phần ưu tú của Giáo phận, cần chuyên tâm rèn luyện. Có được sự tập trung cao độ là nhờ tất cả những vị phát biểu đều đã hiểu rõ mục đích của các giải văn thơ Lm Đặng Đức Tuấn và chương trình sinh hoạt CLB là để phát hiện và đào tạo cho Giáo phận những tài năng trẻ.
Ngay tại Qui Nhơn, trước ngày lên đường, chúng tôi cũng đã nhận được sự giúp đỡ tận tình. Cha Anrê Huỳnh Tấn Nha đã cung cấp file bản đồ Giáo hạt Phú Yên và Cha Đệ sửa đi sửa lại mấy lần để đáp ứng đúng yêu cầu của chuyến đi. Khi bộ loa xách tay của chúng tôi gặp trở ngại, tôi gọi điện cho Cha sở Tân Quán hỏi mượn, ngài đồng ý ngay. Tôi nghe vọng lại Lời Chúa: “Không ai kể cái gì mình có là của riêng nhưng mọi sự là của chung”. Có lần tôi đã trấn an người chị em nữ tu phục vụ ở nhà hưu: “Không sao, Chị đừng lo. Nơi đây được gọi là Nhà Chung, mọi sự đều là của chung”. Trưa 30-7, tôi thưa Cha Phaolô Trương Đắc Cần về chuyến hành hương, ngài khen: “Tốt quá! Để cho tôi ủng hộ một triệu!”
ANRÊ PHÚ YÊN ĐANG CÓ MẶT
Cả những anh chị em giáo dân được nhờ cũng tích cực giúp đỡ, dù ai cũng đang bề bộn với bao nhiêu việc. Anh bạn nhận làm giúp bìa báo Hoa Biển và Giấy Khen, đang lúc phải lo gạch đá cho thợ làm nhà, vẫn cố gắng giúp, dù là đến mấy ngày cuối mới xong…
Hội thánh theo mô hình thuở đầu là một Hội thánh không biên giới. Có hai bạn trẻ Legio đi ngang qua, thấy tôi lúng túng với mớ khăn quàng người ta giặt rồi nhưng còn nhăn nheo chưa ủi, hai em đã nhận đem về nhà ủi giúp. Một sinh viên thuộc giáo xứ Tân Dinh, hai sinh viên từ giáo phận Nha Trang, một bạn trẻ Legio khác và một anh em lao động phổ thông đã đến giúp cắt các bảng tên, chia tổ, xếp bảng tên theo tổ, phân phối, đóng gói và bọc giấy màu các phần quà cho các giải thưởng, các giáo xứ, các suất học bổng…
Lịch trình chuyến đi khá phức tạp, khó tiên liệu chính xác, nhưng Chúa Quan phòng đã thương cho mọi sự xuôi chảy đâu vào đó. Những bạn trẻ nhận lời làm tổ trưởng đều đã thấm mệt với ngày hội giới trẻ liền trước đó, không thể quy tụ để bàn luận chuẩn bị. Chúng tôi đành sắp xếp họp các tổ trưởng vào 15 giờ ngày 30-7, chỉ vài giờ trước khi các trại sinh kéo đến, để giải thích công việc họ phải làm. Có hai người bị ngăn trở không đến kịp nhưng rất may, đã có hai bạn khác đến sớm, kịp đảm nhận thay công việc. 17g30, các trại sinh hạt Bình Định được xếp vào 6 tổ. Đúng 18 giờ, hai xe của hạt Quảng Ngãi mới tới, các trại sinh cũng được chia thành 6 nhóm và ghép vào 6 tổ đã sẵn của hạt Bình Định. Sau khi các trại sinh ăn tối và sinh hoạt làm quen thì trời đổ mưa, ru các trại sinh vào giấc ngủ để giữ sức cho chuyến đi dài.
Ngày 31-7, ba giờ sáng thức dậy tôi mới nhớ ra còn thiếu tờ chương trình ba ngày trại. Bốn giờ rưỡi tôi gọi điện nhờ Thầy Toàn qua xem lại và góp ý trước khi in ra cho Ban Điều hành, các tài xế và tổ trưởng.
Sau khi ăn sáng, mỗi trại sinh còn được các nữ tu Dòng Thánh Phaolô tặng mỗi người một ổ bánh mì ngọt để ăn nửa bữa. Xe lăn bánh đúng 7 giờ và tới Mằng Lăng khoảng 8g30. Các trại sinh hạt Phú Yên đã được chia thành 6 nhóm, ghép vào 6 tổ và tiến hành nghi thức khai mạc. Mỗi trại sinh đều có trong tay bản đồ giáo hạt Phú Yên và tập mỏng giới thiệu cả 13 giáo xứ cùng tiểu sử Cha Đặng Đức Tuấn do cha Đệ thực hiện. Cha sở Phêrô Trương Minh Thái đang bận giúp anh em chủng sinh tại Qui Nhơn, cha phó Carôlô Nguyễn Phan Huy Dũng đưa các em vào viếng Chúa, rồi viếng đền Á Thánh Anrê Phú Yên. Rời Mằng Lăng, đoàn tiến về Chợ Mới. Cha Phêrô Nguyễn Cấp chia sẻ tâm tình của ngài về giải văn thơ Đặng Đức Tuấn, chiêu đãi trái cây và bánh kẹo. Tiếp đó đoàn xe tiến vào Thành phố Tuy Hòa theo ngả đường Hùng Vương để các em có dịp tham quan phía đông của Thành phố và cầu Hùng Vương. Đến Đông Mỹ sau 11 giờ vài phút. Mấy năm trước, cha FX Trần Đăng Đức đồng hành với đoàn Giáo hạt Phú Yên, năm nay ngài mới đổi về Đông Mỹ, còn chân ướt chân ráo, không cùng đi được nhưng tâm tình vẫn dào dạt và nguồn thơ vẫn lai láng. Các hội viên Legio đã lo cho đoàn một bữa trưa thật chu đáo.
Cuộc hành hương chính thức xuất phát từ Mằng Lăng, quê hương Á Thánh Anrê Phú Yên. Anrê Phú Yên không chỉ là một biểu tượng mà còn là một tình yêu đang hiện diện. Nơi cuộc hành hương này, một lần nữa Anrê Phú yên ngỏ lời với tôi về sự hiện diện của anh qua một con số. Đầu năm 1991, cha Phêrô Lê Văn Ninh ở Nha Trang và tôi khởi sự đầu tư cho Chương trình Giáo lý Phổ thông dưới sự bảo trợ của Thầy giảng Anrê Phú Yên, lúc ấy chưa được phong Chân phước. Đến năm 1994, cả hai chúng tôi mắc nợ rất nhiều, đang bàn nhau bỏ cuộc thì nhận được sự giúp đỡ hết sức bất ngờ từ cha Larañaga, Dòng Tên: 117.500.000 vnđ. Tôi đón lấy món tiền trên tay mà lòng hết sức xúc động. Tôi nhận ra ngay lời ngỏ tế nhị của Thầy giảng Anrê. 117 là 117 Thánh Tử đạo, còn 0,5 là chính Anrê Phú Yên, người sắp được tôn phong. Sự việc đã sớm được lặp lại để tôi khỏi nghĩ rằng mình đã suy tưởng chủ quan. Mấy tháng sau, tôi về thăm nhà ở giáo xứ Song Mỹ trong dịp tết. Mùng ba tết, tôi đang đứng đón xe lên Đà Lạt thì một cháu nhỏ chạy đến đem cho tôi số tiền lì xì các cháu gom được để góp phần in sách giáo lý cho các bạn ở vùng sâu vùng xa. Tôi suýt khóc vì số tiền đếm được đúng 117.500 vnđ. Năm 2000, Giáo xứ Việt Nam tại Paris thực hiện một đặc san chào mừng ngày Thầy giảng Anrê Phú Yên được phong Á Thánh và nhờ cha Bản nhắn tôi viết bài tham gia. Tôi kể lại hai câu chuyện trên và vì bài tôi đến muộn, được xếp ở cuối số báo, ngay tại trang 117. Một số lần khác đã xảy ra chuyện tương tự. Ngay năm 2013 này, vào lúc tôi gặp khó khăn trong việc tổ chức Giải Viết Văn Đường Trường thì hầu như suốt một tuần liền, ngày nào tôi mở hộp thư email, số thư chưa đọc cũng đều lên tới con số 117. Chỉ một điều ấy đủ cho tôi bình an phó thác. Sau Giải Đặng Đức Tuấn lần thứ III, 2012, tôi lập một sổ tiết kiệm cho Giải thưởng lần thứ IV và học bổng hỗ trợ vào Đại học 2013. Sáng 25-7-2013, đưa sổ tiết kiệm tới Ngân hàng, tôi nhận được 117.440.000 vnđ, viết gọn lại cũng là 117,5. Rõ là vị Á Thánh đang hiện diện trong cuộc hành hương chúng tôi tổ chức thăm quê hương Phú Yên của Anh. Phút chốc, tôi hết sức bình an, ngay cả khi trước mắt công việc còn tràn ngập mà chưa có người làm.
PHÚ HÒA GIỮA PHÚ YÊN VÀ TUY HÒA
Sau bữa trưa, 13 giờ, đoàn rời giáo xứ Đông Mỹ đi Hóc Gáo. Ban Tổ chức đã quyết định chỉ thuê xe nhỏ để có thể đến thăm giáo xứ bé nhỏ và hẻo lánh này. Đường đi đã khá hơn xưa nhưng vẫn còn là một hóc, một góc, vì là đường cụt, đoạn chót trước khi đến nhà thờ còn rất hẹp. Tuy nhiên thay vì gáo, nay là lon. Cha sở Augustinô Nguyễn Văn Phú chiêu đãi mỗi người một lon xá xị, rồi bánh kẹo và trái cây. Ngài hy vọng trong đoàn hành hương năm sau sẽ có những bạn trẻ từ giáo xứ này.
Cha Phêrô Đặng Son quan tâm lo cho đoàn với tấm lòng của một vị Hạt trưởng. Khi nhờ cha phó Phêrô Lê Hoàng Vinh đồng hành với đoàn Giáo hạt Phú Yên và lo tổ chức lễ trao giải năm nay tại Tuy Hòa, ngài cũng ngỏ ý hy vọng cha Vinh có thể giúp đỡ lâu dài cho sinh hoạt này trong Giáo hạt. Khi đoàn về tới trước nhà xứ Tuy Hòa, cha Hạt trưởng đã ra đón và đích thân phân bố phòng nghỉ cho các em.
Sau thánh lễ do Cha Hạt trưởng chủ tế, với sự đồng tế của cha Phêrô Bùi Huy Ngọc cùng các cha trong đoàn và bài giảng sâu sắc của cha Gioakim Nguyễn Đức Quang, là bữa ăn thịnh soạn của giáo xứ khoản đãi. Lễ phát thưởng tại Tuy Hòa thật trang trọng và ấm cúng. Theo sự hướng dẫn và bố trí của cha Vinh, các vị trong Hội Đồng Giáo Xứ đã chăm sóc từ dựng sân khấu (ngay trong buổi sáng trước đó), chuẩn bị các em tham gia các tiết mục văn nghệ đặc sắc, đảm nhận phần dẫn chương trình và còn ủng hộ cả tiền bạc cho cuộc hành hương. Sau hai năm vắng mặt, năm nay Tuy Hòa đã lại có thêm một số em dự thi và đạt giải.
Sau các giải thưởng là phần trao học bổng Đặng Đức Tuấn cho mười em, và một em khác nhận riêng sau. Tổng cộng tiền học bổng năm nay là 20.500.000 vnđ. Các suất học bổng còn khiêm tốn, suất cao nhất chỉ mới có 3.750.000 vnđ. Dù sao, đây là lần đầu tiên có một chương trình học bổng chính thức do một ban ngành của Giáo phận trao tặng.
Giáo xứ Phú Hòa thuộc hạt Quảng Ngãi tiếp tục nhận Giải nhất đồng đội, suốt ba năm liền, với 67 tác giả và 156 bài dự thi, đạt 01 giải nhất, 1 giải nhì, 4 giải ba và 9 giải triển vọng. Cha sở Phú Hòa đã đầu tư khá giản dị: bất cứ em nào, hễ nộp bài dự thi là được nhận ngay một món quà nhỏ, cộng thêm điểm giáo lý. Sau cuộc thi, những em đạt giải thưởng còn được tuyên dương giữa cộng đoàn giáo xứ và có thêm những tưởng lệ khác. Kết quả, sau bốn năm, giờ đây khả năng viết tiếng Việt của học sinh Công giáo Phú Hòa tiến bộ thấy rõ không ngờ.
Bước tiến nhanh vượt bực đã được khẳng định tại Phú Hòa ngay từ thời vị thừa sai đầu tiên: Cha Marie-André Garin (lấy tên Việt Nam là Châu), sinh năm1854, thụ phong linh mục mới 24 tuổi, năm 1878, sang Việt Nam học tiếng Việt tại Làng Sông hơn một năm rồi được gửi đi Quảng Ngãi năm 1880. Ngài thiết lập cộng đoàn đầu tiên tại Văn Bân. Chỉ sau hai năm, ngài đã thiết lập 40 (bốn mươi) giáo điểm, tu bổ và xây mới nhiều nhà thờ nhỏ, mở một ngôi trường, thiết lập một cô nhi viện ở Phú Hòa và hai cô nhi viện khác. Khu vực ngài phụ trách được tách đôi, rồi lại tách đôi, mấy năm cuối ngài ở tại Phường Chuối (Tân Lộc). Năm 1885, Văn Thân nổi dậy. Viên quan địa phương mến phục ngài, cho ngài ẩn náu trong dinh quan để che chở ngài, nhưng không cầm lòng được trước thử thách giáo dân phải chịu, ngài đã về lại Phường Chuối để an ủi họ và bị thiêu sống cùng một số rất đông giáo dân vào ngày 18-7-1885, khi ngài mới được 31 tuổi. Chưa đầy 6 năm truyền giáo, ngài đã rửa tội 1.200 người lớn và gần 10.000 trẻ em lương dân. Vừa luyện tiếng Việt vừa dạy giáo lý, thế mà ngài đã gặt hái một kết quả nhiều hơn nỗ lực của toàn Giáo phận chúng ta trong sáu năm qua. Từ năm 2007 đến năm 2013, tổng số giáo dân trong giáo phận tăng từ 68.000 lên 71.000, 3000 người được rửa tội, hầu hết là trẻ em sơ sinh và những người được ơn theo Chúa dịp kết hôn.
ĐÀO TẠO NGƯỜI
Đàng sau thành quả và nhiệt tình của nhà truyền giáo 31 tuổi Marie-André Garin Châu, có một kinh nghiệm quan trọng: Vừa truyền giáo vừa đào tạo nhân sự để chính những người mới có thể điều hành cộng đoàn của họ và tiếp tay vào việc loan báo Tin mừng.
Chính kế hoạch đào tạo người đã giúp Nhật Bản nhảy vọt. Cùng thời với Nguyễn Trường Tộ, một người Nhật là ông Fukuzawa Yukichi nhận ra nhu cầu khẩn cấp phải đổi mới nước Nhật. Đang khi Nguyễn Trường Tộ thất bại vì bao nhiêu bản điều trần đều bị đám cận thần thủ cựu của nhà vua bác bỏ thì Fukuzawa Yukichi không phí sức viết điều trần. Ông mở trường dạy cho giới trẻ thấy vấn đề. Lúc chiến tranh dữ dội, đại học của ông chỉ còn 18 sinh viên, ông vẫn kiên trì. Ông nỗ lực đào tạo và đã tự nhân mình lên nơi các bạn trẻ. Chính nhờ đó mà có nước Nhật ngày nay, đang khi đồng bào của Nguyễn Trường Tộ vẫn còn ì ạch chưa biết đến bao giờ.
Cũng như Fukuzawa trước một nước Nhật cần đổi mới, mỗi chúng ta khi đối diện với cánh đồng truyền giáoViệt Nam và thế giới đều thấy nổi cộm lên vấn đề đào tạo người. Cần làm sao để mỗi tín hữu đều ngây ngất với Tin mừng mình nhận được và hăm hở loan truyền cho người khác, tự nguyện và hân hoan, như các bạn trẻ đang chia sẻ cho nhau đủ điều trên facebook, không cần ai thúc đẩy. Trách nhiệm đào tạo đòi ta phải suy nghĩ, tìm tòi và đảo ngược cách làm mục vụ. Đã bao năm qua ta lên lớp dạy học trò mà quên đào tạo, chỉ nhai đi nhai lại chuyện gì đó đã cũ mèm. Trước mắt chúng ta, dường như đoàn chiên Chúa từ trẻ tới già đều học chung một lớp, từ thập niên này sang thập niên khác, không bao giờ được xác nhận đã lên một lớp cao hơn, không bao giờ được tốt nghiệp, không bao giờ được ra trường để tự đảm nhận một sáng kiến riêng cho công cuộc chung… Việc đào tạo không đơn giản, nó là một quá trình, nó đòi hỏi sự xả thân, cho nên người ta dễ tránh né và tìm cách làm một chuyện gì đó thay vào để trấn an lương tâm, như người nọ gói nén bạc vào khăn đem chôn giấu. Thế nhưng Chúa Giêsu lại không chịu cho ta bày trò xoa dịu lương tâm. Chúa sẽ hỏi lý lẽ, sẽ lượng giá theo các chuẩn mực của Ngài và sẽ có những án lệnh quyết liệt theo sự đánh giá ấy.
Trở lại trường hợp chúng ta, trong Năm Đức Tin, Đức Giám mục Giáo phận đã có thư gửi từng thành phần dân Chúa nhân ngày cử hành của họ. Đó là một khởi điểm tốt cho một chương trình đào tạo. Những năm tới, với sự đóng góp của Ban Điều phối Hội đồng Mục vụ, chắc hẳn những khóa đào tạo mùa hè sẽ được phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng, vừa đỡ mệt cho các Ban Tổ chức cũng như các đối tượng tham dự, vừa đỡ tốn kém mà lại hữu hiệu hơn.
Cần có một kế hoạch đào tạo, không phải mạnh ai nấy làm nhưng theo một sự điều phối chung. Cần học với những Giáo phận giàu kinh nghiệm đào tạo giáo dân như Nha Trang, và kinh nghiệm xây dựng tinh thần Hội Thánh như Đà lạt, Kontum. Chúng ta không làm như những người tự cho mình là đỉnh cao của trí tuệ loài người và là lương tâm của nhân loại, nhưng chúng ta học với chính Chúa của mình: khiêm nhượng và hiền lành, sáng sáng để cho Thánh Thần đánh thức và dạy cho biết lắng nghe như những môn sinh.
Đào tạo không phải là việc quá khó, Ơn Chúa Thánh Thần bao giờ cũng sẵn. Phần chúng ta thì đã có kinh nghiệm xem xét làm để đạt đúng mục đích. Ta xác định một mục đích khả thi rồi quan sát và phán đoán xem có thể vận dụng những gì và phải thêm những gì để có thể đạt đích, rồi bắt tay hành động. Với nỗ lực mấy năm qua, dần dần chúng tôi học được bài học ấy. Đang khi chấm loạt bài đầu tiên của các em, chúng tôi thấy việc đào tạo quả là thách đố hết sức lớn, nhưng lần hồi, qua từng bước dò dẫm, chúng tôi quyết tâm thực hiện, từng chút, theo những điều kiện và hoàn cảnh Chúa cho phép.
Thế rồi dần dần đã lóe lên những triển vọng. Qua các hội trại hành hương và các cuộc tập huấn, tình thân giữa các bạn trẻ ngày càng thắm thiết hơn. Những bạn đã lên Cao đẳng hoặc Đại học yêu thương dìu dắt các lớp đàn em. Từ đó chúng tôi hình dung thấy dăm bảy năm nữa Giáo phận sẽ có một đội ngũ trí thức trẻ, thuộc những giáo xứ và giáo hạt khác nhau nhưng từng quen biết nhau, có chung kỷ niệm với nhau và chia sẻ cùng một tinh thần Hội thánh. Với những nét ấy, họ sẽ hợp tác với nhau và với các chủ chăn cách mật thiết và hữu hiệu.
Thời gian qua, chưa mấy ai quan tâm, nhưng với Ngày năm đức tin của giới cầm bút 21-9 sắp tới, hy vọng các thành phần Dân Chúa trong giáo phận sẽ để ý hơn tới việc đào tạo này.
Ngay trong chuyến hành hương này, khi nhờ một bạn trẻ giúp việc điều hành, tôi mới nhận ra anh là một người giàu khả năng về trò chơi, băng reo và hát múa nhưng chưa có kinh nghiệm chỉ huy. Tôi phải dành khoảng 20 phút để chia sẻ cho anh những kinh nghiệm cơ bản. Người này chỉ phục vụ chuyến đi tới hết ngày thứ nhất. Do đó, sau buổi phát thưởng, anh đã chuyển giao còi điều khiển cho thầy Toàn. Người chủng sinh này chưa bao giờ điều khiển một cuộc trại hay một ngày dã ngoại. Tôi phải chia sẻ cho thầy từ cách lấy hơi để thổi còi, cách tập họp (chỉ duy nhất một cách tập họp hàng dọc), cách ra lệnh, cho đến khái niệm về hàng đội, làm việc qua hệ thống đội trưởng và đội phó, rồi kinh nghiệm xem xét làm. Những chuyện không khó nhưng chưa nghe ai chỉ dẫn và chưa có dịp thực tập. Cám ơn Chúa, chỉ có hơn mười phút tập huấn nhưng hôm sau chính thầy đã có những sáng kiến riêng để điều khiển hữu hiệu.
Càng thiếu người, ta càng cần biết tập trung vào điểm chính. Xác định những mục đích thật cụ thể rõ ràng và xem xét thật chính xác để tiến hành cho đạt mục đích. Chính Chúa Thánh Thần sẽ giúp ta vừa làm vừa học. Cuối ngày đầu cầm còi, thầy trưởng ban điều hành đã thấy nên bỏ bớt những lần tập họp và điểm danh không cần thiết. Những chuyện phụ khác như chụp hình lưu niệm chung cả đoàn hay theo từng giáo hạt cũng không được nhớ đến hoặc bị cố tình bỏ qua. Chẳng cần ghi lại nhiều hình ảnh, khi mà cha Hạt trưởng Phú Yên đã nhắc lại câu Lời Chúa: “Tên các con đã được ghi trên trời”.
Nhu cầu đào tạo người điều khiển quá rõ cho nên trong những lần họp các tổ trưởng cũng như họp Ban Điều hành, tôi đã chia sẻ ý tưởng sang năm sẽ dùng chính cuộc hội trại trao giải để làm khóa đào tạo về kỹ năng chỉ huy. Qua điện thoại, chúng tôi cũng đã liên lạc được với một nhóm trưởng Hướng Đạo nhận lời giúp cho khóa đào tạo này. Một trong những kinh nghiệm của Hướng Đạo là “đội kiểu mẫu”, đi xa hơn cũng có thể nói là đào tạo bằng gương sáng. Đây cũng là định hướng đã được phổ biến cho các tổ trưởng và tổ phó trong đoàn hành hương. Hơn nữa, trong chuyến đi, tất cả các bạn trẻ đều may mắn được nhìn thấy những tấm gương chói ngời nơi các Cha sở và Cha phó các em đã tiếp xúc cũng như nơi các linh mục đồng hành với các em suốt mấy ngày, những tấm gương vui tươi, giản dị, tận tụy và hiệp nhất.
HIỆP THÔNG: GIAO THÔNG, ĐIỆN THOẠI VÀ INTERNET
Kinh nghiệm sinh hoạt linh mục đoàn Giáo hạt Phú Yên cho thấy chính Chúa Thánh Thần dùng hoàn cảnh để đào tạo những kẻ thuộc về Ngài. Sau 1975, nhiều năm liền, toàn hạt Phú Yên đếm không đủ mười linh mục. Gặp được nhau là chuyện hết sức quý, cho nên các cha dành mọi ưu tiên cho việc gặp gỡ trong ngày tĩnh tâm hàng tháng, coi là ngày hồng ân và hạnh phúc. Về sau, khi có thêm người và điều kiện thuận lợi, các cha đã tìm dịp để tổ chức tĩnh tâm xoay vòng tại những giáo xứ khác nhau. Tình anh em linh mục ấm áp mặn mà, sự quen biết của giáo dân với các linh mục trong Giáo hạt cũng gia tăng. Anh em linh mục trong Giáo hạt chỉ là một nhóm nhỏ và thường gặp nhau cho nên biết rõ hoàn cảnh, khó khăn và thuận lợi của nhau. Có gì vui buồn, chỉ cần nhắn nhau qua điện thoại là anh em cận kề ngay bên nhau vui vẻ. Trước khi đến với người khác, các tông đồ Chúa cần biết đến với nhau. Tình cờ, ước vọng của Thánh nữ Têrêxa Avila, vị cải tổ dòng Cát Minh, được thể hiện ở đây: Một cộng đoàn ít người để dễ hiểu rõ nhau, quan tâm đến nhau và cùng nhau xây dựng một góc thiên đường trên thế gian. Phía bắc Giáo phận, cộng đoàn linh mục Quảng Ngãi cũng nếm được cái hân hoan trong thử thách ấy. Càng là một nhúm ít người càng thấy cần đến nhau hơn và yêu thương nhau hơn. Gần đây, Đức Giám mục Giáo phận xếp lịch tĩnh tâm tại ba Giáo hạt lệch ngày để ngài có thể hiện diện, tình hiệp thông ở các Hạt còn đượm thêm tình hiệp nhất trong toàn Giáo phận.
Sáng ngày 01-8, khi cha Philipphê Phạm Cảnh Hiển rời Hoa Châu về Tuy Hòa tĩnh tâm thì đoàn chúng tôi tiến về giáo xứ ngài. Không sao, ngài đã dặn Bà Nhất cộng đoàn Phaolô ở nhà lo tiếp đón. Ngài còn nhắc nhở từ xa qua ĐTDĐ. Tới giáo họ Sông Hinh, công trường đang ngổn ngang trong những ngày đầu xây dựng nhà thờ. Đang khi các em ngồi dưới mái nhà nguyện tạm, nghe nói về việc truyền giáo tại Sông Hinh, thì một phụ nữ đến chào tôi. Chị là một giáo lý viên. Chị vừa đọc trên trang web của Giáo phận câu chuyện đạt giải nhất cuộc thi. Tôi mời chị chia sẻ để các trại sinh hiểu rằng với internet, thông điệp của các em có thể lan nhanh và lan rộng tận những vùng xa xôi hẻo lánh.
Tại Sơn Nguyên, cha Phêrô Nguyễn Xuân Bá đã nhờ Hội Đồng Giáo Xứ trực sẵn để đón đoàn chúng tôi. Đã có sẵn nước giải khát, nhưng một số em nhỏ tới đây đã lả người, các vị chức việc vội chạy đi mua trà xanh 0 độ cho các em. Chúng tôi cũng gọi về cho các nữ tu Mến Thánh Giá ở Tịnh Sơn biết tình trạng ấy. Do đó, khi chúng tôi về tới Tịnh Sơn thì thấy các Chị đang ráo riết vắt chanh kịp giúp cho các em tỉnh táo.
Cơm canh đã có sẵn. Sáu tổ chiếm sáu góc vườn. Sau bữa trưa, họp các tổ trưởng và tổ phó. Sinh hoạt mang tính đoàn đội là một hình ảnh đầy gợi ý cho sinh hoạt Hội thánh. Nơi các tiểu tổ Hội thánh, vai trò các tổ trưởng và tổ phó hết sức quan trọng. Cuối giờ nghỉ trưa thì Cha sở Giuse Lê Thu Thâu về tới, còn Cha Gioakim Bùi Văn Ninh đang bận việc chưa về. Một trong những mục tiêu chính của chuyến đi lần này là thành lập Câu lạc bộ cho Giáo hạt Phú Yên. Chính ở Tịnh Sơn hôm nay, trong giờ sinh hoạt riêng theo từng Giáo hạt, dưới sự hướng dẫn của Cha Phêrô Lê Hoàng Vinh, Câu lạc bộ Đồng Xanh Thơ Phú Yên đã hình thành và sẽ sinh hoạt lần đầu vào Chúa nhật cuối tháng 9 để dọn mừng lễ Chị Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Trong buổi họp có 6 bạn sinh viên, các bạn này sẽ không thể tham gia các buổi tập huấn nhưng sẽ đồng hành từ xa, cách riêng sẽ góp phần cổ võ phong trào luyện tiếng Việt tại giáo xứ của mỗi người.
Giáo hội là hiệp thông. Ngày nay Chúa đang cho chúng ta những phương tiện tuyệt vời để sống hiệp thông. Không riêng ĐTDĐ và internet mà còn cả hệ thống đường sá. Hơn 20 năm trước, cũng đoạn đường này, từ ngã tư Cây Me lên Trà Kê, Cha Nguyễn Cao Hiên đi xe đạp hết nửa ngày, có lúc leo dốc đường rừng phải tháo bánh xe ra cột vào sườn xe để vác cho gọn. Thế mà giờ đây đoàn xe hành hương chỉ mất 20 phút. Trước cha Hiên một thế kỷ rưỡi, các nhà truyền giáo đã lên Trà Kê bằng ngựa? bằng chân? Không riêng những nẻo đường huyện Sơn Hòa, ngày nay khắp nông thôn của cả ba tỉnh đều có đường nhựa hoặc ít là đường bê tông có thể đi xe máy thật dễ dàng, nhưng hỏi có còn ai miệt mài đi truyền giáo? Đường đi khó đâu khó vì ngăn sông cách núi, đường đi dễ đâu dễ vì tráng nhựa, bê tông! Vấn đề là ta có còn muốn đến với anh chị em lương dân chăng? Sâu xa hơn, vấn đề là lửa truyền giáo đang ngùn ngụt cháy hay đã lụi tàn?
Các nhà truyền giáo nói tiếng Việt bỏ dấu sai nhưng đã viết tiếng Việt của thời các ngài rất chính xác. Đang khi đó, các sinh viên Việt Nam ngày nay đã xong cử nhân rồi viết tiếng Việt sai chính tả be bét, đặt câu rất ngớ ngẩn… Chính vì thế mới có chuyện tổ chức thi và tổ chức câu lạc bộ văn thơ cho trẻ em để khi lên đường theo ơn gọi tận hiến, những em được đào tạo theo chương trình này có thể diễn tả Tin mừng cách lưu loát và lôi cuốn, phục vụ mầu nhiệm hiệp thông…
GIÁO ĐIỂM TRÊN CAO – GẶT MÙA TRƯỚC, GIEO MÙA SAU
15 g 25, đoàn xe tới Trà Kê. Nhóm trẻ Nắng Thiên Đường đồng phục áo thun xanh dàn hàng chào đón, đưa mọi người qua cổng phụ. Qua khỏi cổng, mỗi trại sinh và cả các vị trong Ban Điều hành đều được ghi lên má một vết son sáng chói. Mỗi người một ly nước mía (quý hơn mọi phương thuốc bổ khỏe nào – theo nhận định của ban y tế) từ hai cái máy ép chạy hết công xuất. Rồi những lời nồng nhiệt của cha sở Phanxicô Assisi Phạm Đình Triều và màn dân vũ chào đón của Nắng Thiên Đường. 17g30, cơm tối. 19g00 cha Triều chủ sự thánh lễ, cha Phêrô Lê Hoàng Vinh giảng lễ. Tiếp đến là đêm văn nghệ sôi động phối hợp giữa Nắng Thiên Đường và các đơn vị của đoàn hành hương. Không thấy có ngăn cách nào giữa chủ và khách, miền xuôi và miền ngược, ai cũng thấy đây là nhà Chúa, là nhà mình. Sau bữa ăn khuya, hơn 20 bạn sinh viên (kể cả những người vừa hết 12 năm nay) đã gặp nhau chia sẻ và đi tới quyết định lập Câu lạc bộ mini Đồng Xanh Thơ Qui Nhơn sinh viên cụm Sài Gòn và cụm Nha Trang, chia sẻ cho nhau những sáng tác mới, giúp đỡ nhau khi học tập xa nhà và cùng nhắc nhau hướng về Giáo phận thân yêu.
Trà Kê là một giáo điểm trên cao, cách mặt biển hơn 300 mét, được các Thừa Sai Paris thành lập trong thập niên 1850. Năm 1867, vừa sau khi thụ phong linh mục, cha Tađêô Tín quê Phú Thượng được bổ nhiệm phụ trách Trà Kê, Cây Da và Đồng Tre cho tới khi cha François Chatelet (cố Thuông) đến thay thế. Ngày 26-08-1885, Cha François Chatelet bị Văn Thân sát hại tại Cây Da, cách Trà Kê khoảng 6 km. Lòng đất Cây Da đã được vinh hạnh đón nhận thân xác cha Chatelet và một số tín hữu cùng dâng hy lễ máu đào trong ngày lịch sử ấy. Hiện nay hài cốt Cha Chatelet đã được cải táng về bên hang đá Đức Mẹ của giáo xứ.
Một linh mục chứng nhân nổi tiếng thứ hai của Trà Kê là cha Antôn Dẫn, sn. 1907 tại Đất Sét, Khánh Hòa; thụ phong linh mục 1937; sau thời gian làm việc tại Bàu Gốc (1940), Tân Dinh (1942) và Gò Thị (1943), cha được gửi đến Trà Kê (1944), và bị thiêu cháy năm 1947 tại Trà Kê, còn sót lại quả tim không cháy.
Linh mục chứng nhân nổi tiếng thứ ba là cha Phêrô Tuần Nguyễn Cao Hiên (1922-2009) mà cuộc đời và gương sáng được ghi lại trong tập: Một tấm lòng cho người nghèo.
Trên đỉnh cao của Giáo hạt Phú Yên và Giáo phận Qui Nhơn, giáo điểm vùng núi này đang xuất hiện như một biểu tượng của Giáo hội thời hiện đại. Có hai ngôi chợ bề thế ngay trước cổng nhà thờ: Dù ở thành phố hay thôn quê, Giáo hội đang có sứ mạng loan Tin mừng cho người nghèo ngay giữa lòng xã hội tiêu thụ. Không những thế, tại nơi đây ta đang đọc được tín hiệu của một mùa gặt đã chín. Các vị mục tử và anh chị em tín hữu tại đây đã ghi dấu ấn nào vào lòng anh chị em lương dân để giờ đây, hễ nghe nhà thờ đổ chuông báo giờ kinh lễ là những người đang họp chợ hạ thấp giọng, cùng bảo nhau nói nhỏ tiếng để giáo dân làm việc thờ phượng?
Buổi chiều mới đến đây, hai anh em trong Ban Điều hành, với đồng phục của đoàn hành hương, tìm mua thuốc tại một tiệm thuốc tây trước chợ nhưng tiệm đóng cửa. Một chị chủ quán nhậu bình dân cạnh đó chỉ cho họ một tiệm thuốc khác cách khoảng 500m, và bảo: “Hai chú lấy xe tôi đi cho nhanh”. Họ chưa hề quen hai người này, chỉ cần biết đây là khách của nhà thờ đã đủ để tin cậy giao xe cho đi.
Năm 2011, gốc cây da cổ thụ tại khuôn viên nhà thờ Cây Da xưa được bứng đem về trồng tại khuôn viên nhà thờ Trà Kê, có lúc tưởng đã chết khô nhưng sau 2 năm đã nẩy chồi và phát triển. Nó vừa là chứng tích nối liền quá khứ vừa là thông điệp mở vào tương lai. Có một thời mùa gặt tưởng như bị dập tắt nhưng, ô không, nó lại đang nở rộ.
Hạt người xưa gieo đã nẩy mầm, ra lá, lên đòng. Lúa đã chín nẫu, nếu ta không chịu gặt, mưa lũ sẽ cuốn trôi tất cả. Chính vì thế trong giờ ăn khuya, tôi đã mạnh dạn đề nghị Cha Triều chỉ nên nới rộng nhà thờ bằng cửa xếp, đợi sau 2018 sẽ xây mới, từ đây tới năm 2018, cần tập trung vào vụ gặt người xưa đã gieo và gieo cho một vụ gặt mới. Ta hô hào truyền giáo nhưng lắm khi khá mơ hồ, không phân biệt gieo và gặt, lắm khi còn đòi phải gặt cái chính mình đã gieo! Tại sao cứ phải ghi rõ dấu ấn của riêng ta ? Những vụ gieo trồng của Chúa vốn không biên giới…
Không chỉ Trà Kê mà khắp cả Việt Nam, trước ngưỡng cửa kỷ niệm 500 năm vào 2033, và cách riêng là Giáo phận Qui Nhơn trong chương trình 10 năm hướng tới kỷ niệm 2018. Nếu chúng ta thật tình có ý dâng lên Chúa Cứu Thế những linh hồn anh chị em, chắc hẳn chúng ta cần đặt lại vấn đề. Đã bao nhiêu năm cằn cỗi do bị cầm chân với những công trình xây cất, tại sao ta không rủ nhau quyết tâm đẩy lùi hết mọi việc xây cất lớn nhỏ về sau 2018 để từ đây tới đó chỉ dành hết tâm huyết, nhân lực và tài lực cho công cuộc của Chúa Thánh Thần? Chúng ta ai cũng được đánh động trước thông điệp sống của Đức Thánh Cha Phanxicô nhưng hình như còn ngần ngại chưa dám bước theo và thông điệp ấy đang có nguy cơ hấp hối, trở thành tiếng kêu vô vọng!
MỘT NHIỆM THỂ VÔ HÌNH KHÔNG BIÊN GIỚI
Một thuận lợi lớn cho chuyến đi là những con đường nhựa mới làm. Đường Trà Kê về Đồng Tre tạo ấn tượng một thiên nhiên hùng vĩ, khoảng khoát và hài hòa. Nhà thờ Đồng Tre đang xây, đã nên hình nên dạng. Cha phó GB Võ Tá Chân dừng tay tiếp đón đoàn. Cha sở Antôn Nguyễn Huy Điệp đi vắng chưa về nhưng một tác giả cao niên của Đồng Tre, nhà thơ Hoàng Bảo Thoại, qua những lời chia sẻ, đã vẽ nên chân dung một người mục tử dám trở nên tất cả cho mọi người. Cánh đồng không chỉ được đánh dấu bằng tre mà hơn nữa, đã được gieo những hạt giống Tin mừng từ máu xương các anh hùng tử đạo xưa và nay, từ mồ hôi nước mắt và lời chứng khiêm nhường vui tươi của cha Phêrô Bùi Huy Bích, trên những nẻo đường Xuân Phước, La Hai, Suối Ré… Vấn đề được đặt ra một lần nữa: Cần có kế hoạch gặt mùa trước và gieo tiếp mùa sau…
Trên con đường bon bon từ La Hai về Đa Lộc, tôi đang vật lộn với chút hiểu biết Hán Việt để tìm ý nghĩa hai tiến Trà Kê thì xe đi qua một cây cầu cùng tên với một đầm nước mênh mông ờ Phù Mỹ: Trà Ổ. À thì ra, Trà ở đây không phải là chè nhưng có cùng một nguồn gốc xa xưa với Trà Câu, Trà Khúc, Trà Bồng, Trà Kiệu, rồi Trà Vinh ở cực Nam và lạ thay, ở tận phương Bắc cũng có Trà Lũ. Trà Lũ là một trong sáu địa danh được chọn để đặt tên cho sáu tổ của cuộc hành hương, giúp các trại sinh có một cái nhìn về Giáo hội cả nước, cùng với Bãi Dâu, Măng Đen, Trà Kiệu, Nước Mặn, La Vang. Tôi chợt thấy hình ảnh đoàn lữ hành trên dặm dài lịch sử. Chúng tôi đang đi trên vùng đất huyền sử Chămpa, một dân tộc lừng lẫy một thời mà nay hầu như hoàn toàn biến mất chỉ còn đôi vết tích ký ức mịt mờ nơi những địa danh mà cả những người hết sức chuyên môn còn khó biết ý nghĩa, từ La Ngà, La Gi, La Hai, La Thai, La Hiên, La Tinh, La Vân, La Hà, La Tháp, La Nang và xa hơn ở phía Bắc: La Vang, La Nham… Cũng như về Chămpa, ký ức về chúng ta rồi sẽ chìm sâu và biến tan trong dòng lịch sử thì có gì để phải bận tâm khắc ghi dấu ấn của bản thân hay của thế hệ mình. Chỉ còn một đích nhắm: Góp tay chung xây vũ trụ mới, chung xây Nhiệm Thể Chúa Kitô, một thực tại vô hình, mênh mông bao la, không biên giới.
Cha sở Đa Lộc đang góp phần vào việc đào tạo người cho tương lai ấy, nơi ngôi nhà giáo lý sắp hoàn thành và nơi thùng sách giáo lý được gửi nhờ nơi một chiếc xe của đoàn hành hương. Đây là lượng sách mua sẵn cho niên khóa… 2014-2015, phòng khi nhóm cung ứng sách của Ban Giáo lý Giáo phận không đủ sách cung cấp. Nếu các học sinh đến lớp giáo lý hiểu được tấm lòng của một người cha như thế, hẳn các em sẽ chú tâm học hành với một thái độ mới.
Chúa Giêsu là nhà tổ chức đại tài, đã thực hiện Hội thánh Ngài theo công thức nhúm men dậy trong bột, vết dầu loang trên giấy. Hội thánh không theo quân chủ cũng không theo dân chủ nhưng phát triển dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Ở đó, mỗi người là một ngôi vị không ai thay thế được; mỗi người đều cần được tôn trọng và hỏi ý, cách riêng là những người đã được trao một trách nhiệm. Theo công thức ấy và học theo kinh nghiệm xem xét làm của các phong trào tông đồ theo cảnh vực, các buổi họp để định hướng và kiểm điểm rất cần thiết. Chỉ là một cuộc hành hương ba ngày nhưng chúng tôi đã phải họp trù bị ba lần, họp các tổ trưởng trước khi tiếp nhận trại sinh và nhiều lần trong chuyến đi. Giờ đây, tại Đa Lộc, sau bữa ăn trưa, chúng tôi họp Ban Điều hành tổng kết ưu khuyết điểm cuộc trại để rút kinh nghiệm cho những năm sau. Tất cả và từng người đều được nói hết ý kiến của mình. Người đứng đầu có bổn phận lắng nghe, tiếp nhận, giải thích và điều chỉnh khi cần thiết. Hội thánh không là của riêng ai. Hội thánh là của chung tất cả, mỗi người đều có trách nhiệm dấn thân, mỗi người đều có vinh dự góp phần. Phần tôi, nhìn lại chuyến đi mà ngỡ ngàng. Mục đích thì lớn mà phương tiện thì ít ỏi; lộ trình thì phức tạp mà anh em mỗi người một nơi, không có điều kiện gặp nhau trước. Tôi chợt nhớ câu nói của một người bạn, cha Fabianô Lê Văn Hào SDB: “Anh cứ liều mạng rồi phép lạ sẽ xảy ra”. Ở đây tôi không liều mạng nhưng tôi biết tôi đã tin vào ai, và tôi đã không phải thất vọng khi dám tin vào Chúa và vào anh em mình.
Trên đường về Sông Cầu, chúng tôi sực nhớ chưa chuẩn bị quà cho các tài xế. Một gia đình Tin Lành tại Sông Cầu nhận lời giúp mua và gói sẵn 8 gói quà cho 8 xe, khi đi ngang chúng tôi sẽ ghé lấy. Mối quan hệ thân tình giữa chức sắc các tôn giáo tại Sông Cầu đã rất thắm thiết từ hồi cha Phaolô Trương Đắc Cần làm cha sở ở đây. Từ các chức sắc quan hệ gần gũi còn lan tới các cộng đồng tín hữu. Hiện nay, giáo xứ Sông Cầu có một đội trợ táng Công giáo được mời phục vụ cả cho các tín hữu Cao Đài, Phật Giáo và Tin Lành. Người ta thích đội trợ táng này ở chỗ phục vụ tận tâm mà không uống rượu. Cha sở Phêrô Lê Nho Phú và cha phó Mat1thia Võ Nhân Thọ đã nồng nhiệt tiếp đón đoàn. Có một điều chúng tôi phải xin lỗi cha Phú là đã không để cho đoàn cùng lần chuỗi Lòng Chúa thương xót với bà con trong xứ, vào lúc ba giờ, khi đoàn vừa đến được mươi phút. Bản thân tôi đã đồng ý với cha Phú nhưng thầy giữ còi điều hành lại thấy cần phải xoay trở cách khác để kịp hẹn tại Gò Duối cho đoàn Quảng Ngãi có thể về sớm hơn phút nào hay phút đó. Không bằng bài giảng cao siêu, không lời phát biểu to tát, chỉ vài lời nhắn nhủ đơn sơ, cha Phú đưa mọi trại sinh quay về thực tại, thấy được nơi đầu tiên mình cần đem khả năng vượt trội Chúa đã trao ban để phục vụ là môi trường giáo xứ. Thật chân tình và sâu sắc, mọi người nhè nhẹ thở, từng hơi thở của trách nhiệm bắt đầu thấm tới tâm can.
Đoàn xe tới cổng nhà thờ Gò Duối giữa tiếng loa chào đón của Cha sở Phêrô Nguyễn Xuân Hòa. Có hơn mười sinh viên từ những giáo phận khác nhau đang học tại Qui Nhơn vào giúp cha Hòa phục vụ đoàn hành hương. Tại đây, cùng một lúc đoàn vừa chào thăm vừa chào từ biệt Cha sở. Tiếp đến là nghi thức bế mạc. Ở đây có một tiết mục đặc biệt không kém trang trọng: Cám ơn và tặng quà cho các tài xế. Đó là những anh em lương dân đã đóng góp tích cực và hữu hiệu cho chuyến đi. Một tài xế người lương là anh Hiệu ở chợ Phú Thạnh ghi nhận: việc tổ chức này tốn kém mà hữu ích, xây dựng được sự đoàn kết yêu thương trong Giáo hội.
Mối đồng cảm của anh Hiệu một lần nữa cho thấy Hội Thánh vượt khỏi những ranh giới hữu hình. Tay bắt mặt mừng trong chuyến đi có nhiều anh em lương dân và những tín đồ các tôn giáo khác. Đồng hành với đoàn còn có sự hiện diện thiêng liêng của bao người đã khuất: Cha Dẫn, cha Nguyễn Cao Hiên và Á Thánh Anrê Phú Yên…
NƯỚC MẶN 2018: TRONG CHÚA THÁNH THẦN
Có được Phú Hòa của Garin Châu 1885 và Trà Kê của Chatelet Thuông 1885 là nhờ đã có Nước Mặn của Buzomi và Francesco de Pina 1618. Chữ Quốc ngữ đã khai sinh với Francesco de Pina, đã được trình làng với Alexandres de Rhodes, đã được sử dụng thành thạo với Garin và Chatelet, đã được vận dụng nhuần nhuyễn với Đặng Đức Tuấn và hôm nay đang được trau dồi với các thành viên Câu lạc bộ Đồng Xanh Thơ Qui Nhơn nơi những cuộc thi, những ngày tập huấn, những trang Hoa Biển và Hoa Rừng…
Chữ Quốc ngữ đã được khai sinh làm phương tiện cho các nhà truyền giáo học tiếng Việt để tiếp cận với người Việt và loan truyền Tin mừng cứu rỗi cho người Việt, làm một phương tiện của ơn Chúa Thánh Thần. Thế nhưng, như lời ĐGM Micae Hoàng Đức Oanh, giám mục Kontum, chúng ta phải tự vấn: “Các vị thừa sai, cha ông của chúng ta trong đức tin, khi đến đất nước này, đã sáng nghĩ ra chữ quốc ngữ để cho con cháu chuyển tải sứ điệp Tin Mừng đến cho dân tộc Việt Nam. Thế nhưng hình như lớp con cháu, trong đó có chúng tôi, chưa biết tận dụng gia sản quý báu ấy. Đang khi đó những anh em khác đã tận dụng. Tiếc là vì không biết đến Thiên Chúa, các tác phẩm của họ nhiều khi không chuyển tải được lòng khoan dung và tinh thần phục vụ mà lại chuyển tải một sức mạnh nào đó làm tan nát cõi lòng, làm hoen ố con tim của tuổi trẻ. Thiết nghĩ sự vắng bóng những sáng tác Kitô giáo là một cái lỗi lớn mà con cháu các thừa sai, trong đó có chúng tôi, phải chịu trách nhiệm” (phát biểu trong đêm thơ Kinh Trong Sương, chiều 28-3-2008, tại Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo Phận Sài Gòn).
Chúng ta nhắc đến Nước Mặn 1618 và nhắc đến trách nhiệm về chữ Quốc ngữ là để mơ về công cuộc loan báo Tin mừng chung trên toàn cả Giáo phận và Giáo hội rộng lớn.
Thấm thoát, sắp tròn kỷ niệm 400 năm. Văn hóa, truyền giáo hay bất cứ cái gì khác trong Hội thánh đều phải bắt đầu từ Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu không bảo: “Trên đá này anh sẽ xây Hội thánh của anh” hay “anh sẽ xây Hội thánh của Thầy” nhưng là: “Thầy sẽ xây Hội thánh của Thầy”. Chính Chúa đã xây và đang xây, chúng ta chỉ là những người hưởng ứng, những dụng cụ. Hội thánh mà cửa hỏa ngục không thắng được không phải là Hội thánh của con người nhưng là của Chúa và của Thánh Thần Ngài. Vì thế, cần nhường chỗ cho Chúa Thánh Thần.
Chương trình mười năm đã trôi qua gần sáu năm, có lẽ do ta còn quá tin vào các phương tiện nhân loại cho nên chưa có kết quả nào đáng kể. Chỉ còn không đầy năm năm, hãy thử một lần thật sự tin vào Chúa Thánh Thần và phó thác hết cho Ngài. Nếu thật sự tin vào Chúa Thánh Thần và hưởng ứng công cuộc của Ngài trên chính nội tâm ta, thì năm 2018, số con cái Chúa trên địa bàn Giáo phận sẽ không chỉ gấp đôi. Những người giúp việc đóng góp nước lã và chính Chúa biến thành rượu ngon. Em bé đóng góp năm chiếc bánh với hai con cá và Chúa đã nuôi ăn hơn 5000 người còn dư. Nếu không được tao vào tay Chúa, nước lã sẽ mãi là nước lã, năm chiếc bánh và hai con cá chỉ nuôi được nhiều lắm là năm người. “Vì ngoài Ta, các con không thể làm gì.” Đã hơn năm năm rồi, ta chưa gặt hái gì cả vì chưa dám hưởng ứng công cuộc của Chúa Thánh Thần. Ơn Chúa Thánh Thần lúc nào cũng dư thừa, nhưng ta có mở lòng đón nhận chăng.
Chính vì thế, trong lời chia tay Trà Kê, chúng tôi đã gửi gắm cho cộng đoàn ở đó một lời cầu nguyện, xin cho mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo phận dám thật sự mở lòng cho ơn Chúa Thánh Thần và dám để cho Chúa Thánh Thần hành động
Chính vì nghiệm thấy sự dẫn dắt và tác động của Chúa Thánh Thần như sờ đụng được trong suốt cuộc hành hương, khi tuyên bố kết thúc cuộc hành hương diễm phúc, tôi đã xin cả đoàn cùng hát lên bài hát đã hát lúc lên đường: Cầu xin Chúa Thánh Thần – vâng, kết thúc hành hương để tiếp tục lên đường cho công cuộc duy nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Qui Nhơn, 08-8-2013
Linh mục Gioan Phêrô Võ Tá Khánh