Đức Maria ”Mẹ của Con Người mới” và Thánh Giuse Phu Quân
Trong việc tìm hiểu về ý nghĩa phụng vụ của lễ Sinh Nhật Đức Mẹ, lần trước chúng ta đã khai triển điểm thứ nhất: Đức Maria là ”Trinh Nữ sẽ thụ thai” như đã được ngôn sứ Mikha báo trước trong chương 5 câu 2 đến 5, và ngôn sứ Isaia báo trước trong chương 7 câu 14. Vai trò của Đức Trinh Nữ trong nhiệm cuộc cứu rỗi đã được Công Đồng Chung Vaticăng II trình bầy trong phần hai của chương VIII Hiến chế về Giáo Hội, các số từ 55 tới 59.
Số 55 của Hiến chế trình bầy Mẹ Đấng Cưu Thế trong Cựu Ước như sau: ”Thánh Kinh, Cựu Ước cũng như Tân Ước, và Thánh Truyền đáng kính, trình bày ngày một sáng tỏ hơn vai trò của Mẹ Đấng Cứu Thế trong nhiệm cuộc cứu rỗi và đưa vai trò ấy ra cho chúng ta chiêm ngắm. Thực vậy, các sách Cựu Ước thuật lại lịch sử cứu rỗi, trong đó ngày Chúa Kitô xuất hiện trên thế giới được chuẩn bị cách tiệm tiến. Các tài liệu tiên khởi này, như Giáo hội vẫn đọc và về sau hiểu theo ánh sáng mạc khải trọn vẹn, dần dần cho thấy rõ ràng hơn hình ảnh của người nữ, Mẹ Đấng Cứu Thế. Theo ánh sáng mạc khải ấy, người nữ này đã đươc phác họa trước trong lời hứa chiến thắng con rắn, lời hứa mà Tổ Tông đã nhận được sau khi pham tội (x. St 3,15) Cũng thế, Ngài là Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh Con Trai tên là Emmanuel (x. Is 7,14; Mk 5,2-3; Mt 1,22-23). Ngài trổi vượt trên các người khiêm nhường và khó nghèo của Chúa, là những người tin tưởng hy vọng và lãnh nhận ơn cứu độ nơi Chúa. Cuối cùng, sau thời mong đợi lời hứa được thực hiện, thời gian đã nên trọn và Nhiệm Cuộc mới được thiết lập với Ngài, người Thiếu Nữ Sion cao sang, khi Con Thiên Chúa mặc lấy bản tính nhân loại nơi Ngài để giải thoát con người khỏi tội lỗi nhờ các mầu nhiệm của thân xác Chúa” (LG 55).
Điểm thứ hai Đức Maria là ”Mẹ của Con Người mới”. Bài đọc thứ hai trong lễ Sinh Nhật Đức Mẹ trích từ thư thánh Phaolô gửi tín hữu Roma chương 8 các câu 28 đến 30 nói về sự công chính hóa, đạt tột đỉnh trong cuộc sống tương lai. Chính trong nhãn quan này cần phải tìm hiểu vai trò của Đức Trinh Nữ được tiền định từ đời đời là Mẹ Đấng Cứu Thế, Trinh Nữ cộng sự viên trong công trình cứu độ của Thiên Chúa. Ở đây cần phải xác định ngay rằng thánh Phaolô không bao giờ tách rời Thiên Chúa Tạo Dựng khỏi Thiên Chúa Cứu Độ, vì thế con người thụ tạo được gắn liền với con người cần cứu rỗi và toàn thụ tạo gắm liền với con người, cũng được hướng định cho ơn cứu độ. Toàn thụ tạo phải nằm dưới sự hư hoại hay phù vân, trong nghĩa chính con ngươi trao ban ý nghĩa và gia trị cho toàn thụ tạo, và khi con người không phục vụ theo các chương trình của Thiên Chúa, thì thụ tạo bị bạo hành, rên siết và đau khổ.
Như thế, thụ tạo phục vụ số phận của con người và như vậy được xây dựng trên điều kiện, hay trên niềm hy vọng của sự giải thoát tương lai: đây là một thế giới mới được điều hợp trong hiện tại và vượt xa nó trong sự viên mãn. Con người sẽ phải được cứu thoát với thụ tạo và trong thụ tạo; vì thế nhiệm vụ cứu rỗi của nó, với ơn thánh của Thiên Chúa, liên quan tới linh hồn và thân xác của nó, còn hơn thế nữa liên quan tới tất cả mọi thụ tạo. Nỗ lực của con người hệ tại việc cải tiến thế giới: vì vậy những người yêu mến Thiên Chúa cộng tác vào đó một cách tích cực. Đây là một nhiệm vụ ngoại thường và đòi hỏi dấn thân. Để thành công trong việc thực hiện nó con người phải là một bản hình ảnh của Con Thiên Chúa, nghĩa là phải kết hiệp với Chúa Kitô, được biến đổi trong Người, bằng cách lãnh nhận lấy các đường nét và cung cách hành xử của Người. Hậu qủa của việc giống Chúa Kitô sẽ là một tương quan huynh đệ tùy thuộc, bởi vì Chúa Kitô là ”trưởng tử giữa một đoàn em đông đúc”. Tới đây thánh Phaolô nối kết các giai đoạn khác nhau trong sáng kiến của Thiên Chúa trong một tương quan móc xích, nhưng duyệt xét chúng bên ngoài việc hiện thực trong thời gian, và vì thế thánh nhân luôn luôn dùng thì aoristo cho các động từ: ”Vì những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc Những ai Thiên Chúa đã tiền định, thì Người cũng kêu gọi; những ai Người kêu gọi, thì Người cũng làm cho nên công chính; những ai Người đã làm cho nên công chính, thì Người cũng cho hưởng phúc vinh quang” (Rm 8,29-30).
Trong nhãn quan này việc sinh ra cảu Đức Maria xem ra gắn liền một cách mật thiết với ơn cứu rỗi của con người và của toàn thụ tạo. Đức Maria thực sự là bình minh của một thế giới mới, tốt lành hơn thế giới mà Thiên Chúa đã nghĩ tới ngay từ đời đời. ”Mẹ, Người Đàn Bà mới, ở bên cạnh Chúa Kitô là Người Đàn ông mới, chỉ trong mầu nhiệm của Người mới tìm thấy ánh sáng thật mầu nhiệm của con người” (MC 57; GS 22). Số 22 Hiến chế Mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay đề cập tới Chúa Kitô Con Người Mới. Theo đó mầu nhiệm về con người chỉ thực sự được sáng tỏ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể. Chúa Kitô là Ađam mới, cho thấy ơn gọi cao cả của con người. Là ”hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” Đức Kitô là con người hoàn hảo đã trả lại cho con cháu Ađam hình ảnh Thiên Chúa đã bị tội nguyên tổ làm sai lệch. Qua Đức Giêsu nhập thể bản tính nhân loại đã được mặc lấy và nâng lên một phẩm giá siêu việt. Bởi vì, khi nhập thể một cách nào đó, chính Con Thiên Chúa đã kết hợp với tất cả mọi người. Sinh ra từ Trinh Nữ Maria Người đã chấp nhận mọi hệ lụy của thân phận làm người, ngoại trừ tội lỗi: làm việc bằng đôi tay, suy nghĩ với trí óc, hành động với ý chi, yêu mến với qủa tim.
Qua cái chết hiến tế đền bù Người đã hòa giải chúng ta với Thiên Chúa và hòa giải giữa con người với nhau và giải phóng con người khỏi nô lệ ma qủy tội lỗi, cái chết và mở ra con đường biến đổi ý nghĩa của khổ đau và cái chết.
Khi trở nên đồng hình dạng với Chúa Kitô, chúng ta nhận được hoa trái của Chúa Thánh Thần, và được canh tân từ nội tâm cho tới khi thân xác được cứu rỗi. Kitô hữu phải chiến đấu chống lại sự dữ và trải qua nhiều thử thách cũng như phải chết, nhưng được dự phần vào sự phục sinh của Chúa Kitô và sẽ được sống lại. Thực tại cuộc sống mới này có giá trị đối với tất cả mọi người có thiện chí. Đó là tính chất cao cả của mầu nhiệm con người được soi sáng bởi mầu nhiệm của Chúa Kitô (GS 22).
Điểm thứ ba, ”thánh Giuse, Phu Quân của Đức Maria, từ Người sinh ra Đức Giêsu gọi là Đức Kitô”. Văn bản Phúc Âm thánh Mátthêu chương 1 các câu 1 tới 16 và 18 tới 23 giới thiệu một gia phả của Đức Giêsu, thoạt đầu xem ra không cần thiết, và cho biết thánh Giuse nhận chức làm cha hợp pháp của Đức Giêsu như thế nào.
Sau khi kể lại hoàn toàn tên của nhân vật chính trong Phúc Âm của mình là Đức Giêsu Kitô, thánh sử Mátthêu cống hiến cho chúng ta một chứng minh thực tại đặc biệt của Người, với một danh sách gia phả lấy số 14, tức 7 cộng 7, làm khung, tromg đó thánh sử phân chia thời tiền sử của Chúa Kitô, và có ý diễn tả sự toàn vẹn, sự viên mãn. Danh sách gia phả là một kiểu hành văn nhằm diễn tả tóm tắt lịch sử của người xưa. Ở đây thánh sử Mátthêu trình bầy lịch sử theo ba giai đoạn: từ tổ phụ Abraham tới vua Đavít là 14 đời; từ vua Đavít đến thời lưu đầy bên Babilonia là 14 đời, và từ thời lưu đầy ở Babilonia đến Đức Kitô, cũng là 14 đời.
Trong trường hợp của chúng ta sự toàn vẹn là sự quan phòng đặc biệt của Thiên Chúa trong việc sắp xếp lịch sử cứu độ, đạt tột đỉnh nơi Chúa Kitô. Lịch sử được trình bầy trong nguồn gốc, trong các giai đoạn quan trọng nhất và trong thời điểm viên mãn của nó.
Thánh sử Mátthêu chắc chắn đề nghị một mục đích thần học hơn là lịch sử sít sao trong mọi chi tiết của nó như chúng ta thường hiểu ngày nay. Thực ra trong danh sách các tên mà thánh sử cống hiến cho chúng ta giữa vua Ioram và vua Ozia đã có ba vua bị bỏ quên; ngoài ra cũng phải kể tên vua Yeconia nữa (cc. 11-12) thay cho hai vị, bởi vì cùng tên tiếng Hy lạp có thể dịch hai tên giống nhau là Ioakim và Ioachin. Thánh Mátthêu cũng dùng một loại chơi chữ, khi kể tên vua Asa, mà thánh nhân viết là Asaf, là tác giả vài thánh vịnh. Rồi thay vì Amon thì thánh nhân viết Amos, là ngôn sứ nổi tiếng trong lịch sử Do thái, là ngôn sứ mục tử, thuộc vương quốc Giuđa ở miền nam, nhưng lên rao giảng ở miền bắc trong vương quốc Israel. Với kiểu chơi chữ này thánh sử Mátthêu lại không muốn nói với chúng ta rằng cả các tác giả thánh vịnh và các ngôn sứ cũng đạt sự viên mãn của mình nơi Chúa Giêsu Kitô Đấng Cứu Thế hay sao?.
Biến cố Đức Kitô giáng sinh được trình bầy như là một sự kiện tuyệt đối lạ lùng: Đức Maria thụ thai Đức Giêsu mà không có sự cộng tác hay can thiệp của người nam, nhưng bởi công trình của Chúa Thánh Thần. Giacóp sinh Giuse, chồng bà Maria, từ bà (chứ không phải từ hai người), sinh ra Đức Giêsu được gọi là Kitô” (Mt 1,16). Chính ở đây được ghi khắc vai trò của trẻ gái mà chúng ta mừng sinh nhật: Người là Trinh Nữ được Thiên Chúa chỉ định làm mẹ và là cộng sự viên của Đấng Cứu Thế. Và vì thế khi đến gần nôi của Mẹ, Giáo Hội xin thánh sủng tuyệt vời là ơn hiệp nhất và hòa bình: hòa bình shalom, mà theo người Do thái, là ơn bao gồm mọi thiện ích thời cứu thế: ”Lạy Chúa xin ban cho chúng con các kho tàng của lòng thương xót Chúa, và bởi vì chức làm mẹ của Đức Trinh Nữ đã ghi dấu sự khởi đầu ơn cứu độ của chúng con, xin lễ Sinh Nhật của Người làm cho chúng con lớn lên trong sự hiệp nhất và trong an bình”.
(Thánh Mẫu Học bài số 377)
Linh Tiến Khải
R.Vatican