Thiên thần này là ai?
Thiên thần này là ai?
Có một truyền thuyết xa xưa về cuộc chạy trốn của Thánh Gia sang Ai Cập như sau: giữa một cuộc hành trình các ngài gặp phải một lũ cướp và bị chúng bao vây. Vừa khi nghe chúng nhào tới tính trấn lột đôi vợ chồng trẻ, thì một đứa trong bọn tên là Dismas nhận ra tay Đức Maria có ẵm một hài nhi. Hắn quá xúc động trước vẻ mặt Hài Nhi Giêsu, nên đã khuyên can đám cướp để cho các ngài được an toàn ra đi. Trước khi cả bọn rút lui, Dismas nghiêng mình trên Hài Nhi Giêsu và nói: “Xin hãy nhớ đến tôi và đừng bao giờ quên giờ phút này.” Truyền thuyết kể rằng về sau tên cướp ấy đã trở thành tên trộm lành bị đóng đinh cùng với Chúa Giêsu và chính Ngài đã nói với hắn: “Hôm nay đây ngươi sẽ ở cùng Ta trên nước thiên đường.” (Lc 23,43).
Dĩ nhiên đây chỉ là một truyền thuyết có lẽ đã chẳng xảy ra. Tuy nhiên nó bộc lộ cho thấy hai điều quan trọng. Thứ nhất là khi trốn chạy sang Ai Cập, Thánh Gia đã gặp phải nhiều nguy hiểm. Thời xưa, hầu hết mọi người đều đi thành từng đoàn đông đúc vì nhiều con đường bị lũ cướp kiểm soát. Điên rồ lắm mới đi một mình, trừ khi nguy cấp giống trường hợp Thánh Gia mà thôi. Thứ đến, truyền thuyết trên còn đề cao sự quan phòng đặc bịêt của Chúa đối với Thánh Gia lúc Chúa Giêsu vừa mới chào đời. Thánh sử Matthêu kể rằng đang khi thánh Giuse ngủ, một thiên thần Chúa đã truyền lệnh cho ngài trốn sang Ai Cập và sau đó một thiên thần lại truyền cho ngài trở về khi tình hình đã lắng yên.
Chúng ta hãy lưu tâm tới điểm thứ hai nói về vị thiên thần lãnh nhiệm vụ che chở đặc biệt cho Chúa Giêsu. Thiên thần ấy là ai?
Ngày nay, khi nhắc đến từ ngữ Thiên thần có lẽ mỗi người hiểu một cách khác nhau. Khán giả xem truyền hình có lẽ sẽ nghĩ rằng chúng ta đang nói đến một chương trình truyền hình hấp dẫn của Michael Landon. Chương trình này mang tên “Highway to heaven” (xa lộ về trời). Trong đó Landon đóng vai thiên thần chuyên nguỵ trang đi cứu giúp người nguy khốn; còn khán giả thích xem chiếu bóng khi nghe từ Thiên thần có lẽ sẽ nghĩ đến bộ phim “The Heavely kid” (Chú bé thiên thượng). Trong đó có một người bố trẻ đã lên thiên đường nhưng lại trở về trái đất để lo đám cưới cho con trai mình. Còn người Kitô hữu có lẽ sẽ nghĩ những sinh vật thần thiêng thường che chở chúng ta trong cơn nguy khốn. Về điểm này chúng ta nên phân tách ra hai ý niệm: ý niệm Thiên thần nói chung và ý niệm thiên thần bản mệnh nói riêng.
Đầu tiên ta hãy bàn đến các thiên thần nói chung. Vài năm trước đây, Billy Graham có viết một quyển sách nhan đề Thiên thần (Angels). Ngay tức khắc cuốn sách bán rất chạy, được hơn triệu cuốn. Graham đã quảng diễn lời dạy của truyền thống Giáo hội, cho rằng các thiên thần là loài thiêng liêng. Dưới nhãn quan công giáo, truyền thống Giáo hội tin rằng các thiên thần là thụ tạo vô hình của Chúa. Chúng ta thường ám chỉ đến các vị ấy trong Kinh Tin Kính đọc trong thánh lễ: “Tôi kinh kính một Thiên Chúa… Đấng tạo thành trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình.” Chúng ta cũng nhắc đến các vị ấy lúc khởi đầu thánh lễ qua lời kinh Cáo Mình: “Tôi xin Rất Thánh Đức Bà Maria trọn đời đồng trinh, các Thiên thần, các Thánh và anh chị em, khẩn cầu cho tôi trước toà Thiên Chúa, Chúa chúng ta.” Ngoài ra, trong Kinh Tiền tụng, chúng ta vẫn thường đọc: “Vì thế, cùng với các Thiên thần và toàn thể các Thánh, chúng con đồng thanh tung hô vinh quang Chúa rằng: Thánh, Thánh, Thánh…”. Trong Kinh Thánh, chúng ta thấy các Thiên thần cũng thường được nhắc đến, từ cuốn đầu tiên tức Sáng Thế Ký đến cuốn sau cùng tức Khải Huyền. Đặc biệt các vị này được nhắc đến trong cuộc Giáng Sinh của Chúa Giêsu. Thánh Kinh thường phác hoạ các vị như là những sứ giả của Chúa, chẳng hạn như trong bài Phúc Âm hôm nay. Thêm vào đó, dường như Thánh Kinh còn dùng từ ngữ Thiên Thần để ám chỉ việc Chúa hiện ra, chẳng hạn trong Cựu Ước, Hagar đã nói về một thiên thần của Chúa như sau: “Làm sao tôi trông thấy Chúa mà lại còn sống được?” (St 16,13)
Tiếp theo, chúng ta hãy bàn đến các Thiên thần bản mệnh, tức các vị được Chúa chỉ định che chở chúng ta. Thánh Kinh ít nói rõ về điểm này. Tuy nhiên, Chúa Giêsu có nhắc đến khi Ngài nói về các trẻ em như sau: “Thiên thần của chúng… hằng chiêm ngưỡng Thánh nhan Cha Ta ở trên trời.” (Mt 18,10). Giáo hội chưa bao giờ buộc ngặt chúng ta phải tin rằng mỗi người đều có riêng Thiên thần bản mệnh, tuy nhiên, khái niệm về Thiên thần bản mệnh rất được Giáo hội kính chuộng, vì ít nhất nó cũng làm nổi bật một trong những giáo huấn nền tảng của đức tin chúng ta. Theo đó, Thiên Chúa luôn luôn yêu thương và quan tâm đặc biệt đến mỗi người chúng ta, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ về tình yêu và sự quan tâm đặc biệt này như sau: “Không một con chim sẻ nào mà không được Thiên Chúa lưu tâm đến… đừng sợ, các con còn qúy giá hơn chim sẻ rất nhiều.” Vậy, để kết luận chúng ta nên nhớ rằng Giáo hội dạy chúng ta hai điều liên quan đến các thiên thần; thứ nhất, các thiên thần có thực, các vị ấy là những sứ giả và có lẽ là những biểu lộ của chính Thiên Chúa; thứ đến, mỗi người chúng ta là đối tượng được Chúa yêu thương và quan tâm đặc biệt, đôi khi tình thương và lòng quan tâm của Ngài được hình ảnh hoá thành một thiên thần bản mệnh. Tuy nhiên, Giáo hội không có buộc chúng ta phải tin có một Thiên thần bản mệnh nơi từng người.
Để kết thúc, tôi xin trưng dẫn một bài thơ của một nhà thần học hiện đại tên là John Shea, mô tả vai trò quan trọng của ý niệm thiên thần bản mệnh trong tuổi thơ của ông đồng thời muốn truyền đạt ý niệm ấy cho đám trẻ ngày nay. Shea nói:
“Tôi thật buồn cười khi nhớ lại vào năm lớp hai, Dì Phước dạy giáo lý đã bắt chúng tôi ngồi xích ra một chút để nhường chỗ cho thiên thần bản mệnh của mình. Tôi thì mập ú mà cái ghế ngồi thì nhỏ xíu, nên tôi thường bị tuột ra khỏi thành ghế giống như một chiếc bánh săng-uých trét bơ nhão nhoẹt, và đau đớn thấy rằng sao Thiên Chúa lại gần gũi đến thế! Nhưng rồi tôi đã vượt xa thiên thần đó, để ngài lại sau lưng như dấu thánh giá trước khi ném trái banh vào rổ.
Nhưng nếu muốn nói cho con tôi biết một điều khôn ngoan, có lẽ tôi sẽ nói thầm vào tai nó rằng con có một thiên thần của chính con, không như đầy tớ hay một người bạn tưởng tượng, nhưng là một người bạn đích thực – như Tôbia trên hành trình cuộc đời. Nếu không, có lẽ nó sẽ quên sự trưởng thành đức tin của cha nó mà đôi cánh của tình yêu Thiên Chúa trổi vượt hơn tất cả chúng ta. Khi nhớ lại, tôi mỉm cười nhưng làm sao để trao truyền lại điều đó.”
(Trích trong bài A praver of Inheritance trong cuốn The God Who Fells from Heaven (Thiên thần từ trời rơi xuống), Tabor xuất bản năm 1979).
Cha Mark Link, S.J.
emty