Tại sao phải xin thêm lòng tin?
TẠI SAO PHẢI XIN THÊM LÒNG TIN?
(CHÚA NHẬT 27 MÙA THƯỜNG NIÊN – NĂM C)
Jos.Vinc. Ngọc Biển
Các tông đồ đã được Đức Giêsu mạc khải nhiều lần về Ngài qua những lời giảng dạy và nơi các dấu lạ điềm thiêng. Chúa lại còn ban cho các ông quyền năng để dẹp trừ những thần ô uế và chữa lành bệnh tật (x. Mt 10, 1-2), nhằm củng cố niềm tin cho họ. Tuy nhiên, vì mang trong mình thân phận con người, nên các tông đồ thấy có những lúc còn quá yếu đuối, nên các ông mới cất tiếng xin với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con” (Lc 17, 5).
Lời cầu xin này toát lên nỗi trăn trở trước sứ mạng và sự lo sợ trước những thách đố lớn lao của sứ vụ mà các tông đồ sẽ đón nhận sau này. Đây cũng là tâm tình của mỗi chúng ta ngày hôm nay.
- Tại sao phải xin thêm lòng tin?
“Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con” (Lc 17, 5). Lời cầu xin đó của các tông đồ cho thấy đức tin không phải do cố gắng của con người mà đạt được, nhưng nó được xuất phát từ Thiên Chúa và do tình thương của Ngài. Vì vậy, Ngài trao ban cho ai tùy ý. Hệ quả chân thực của đức tin chính là lòng kiên trì, trung thành, can đảm và phó thác nơi Thiên Chúa (x. Mt 6, 25 -34).
Lời Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay làm toát lên đặc tính đó của đức tin: “Xin Thầy ban thêm lòng tin cho chúng con” (Lc 17,5). Lời cầu xin này được cất lên phát xuất từ con tim của các tông đồ. Các ông được chứng kiến nhiều phép lạ Chúa đã làm, nhưng cũng cảm nghiệm được sự khó khăn, phức tạp trong quá trình loan báo Nước Trời của Đức Giêsu. Đồng thời các ông cũng thấy được trách nhiệm quá lớn lao nơi sứ vụ mà rồi đây các ông sẽ tiếp nhận cũng như đứng trước những đòi hỏi quá khắt khe của luật mới nơi người môn đệ của Đức Giêsu. Vì thế, các ông không khỏi những lo lắng trước trách nhiệm to lớn đó. Các ông xin Chúa ban thêm lòng tin là để giúp các ông đứng vững trước mọi cuồng phong bão tố trên hành trình loan báo Tin Mừng và để xứng đáng trong tư cách là người môn đệ chân chính.
“Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con” (Lc 17, 5). Đây là một cách minh chứng cho thấy đức tin của các ông chưa đủ lớn. Và như thế, không thể đối diện với những nghịch cảnh trên hành trình theo Chúa và loan truyền sứ vụ. Một cách gián tiếp, chúng ta nhận thấy các tông đồ đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Khó khăn lớn nhất đối với các ông lúc này là thử thách về niềm tin vào chính con người Đức Giêsu. Có lẽ các ông ít nhiều vẫn mang trong mình những tâm trạng hoài nghi và tự hỏi về vị Thầy mà các ông đã bỏ mọi sự để đi theo: Đức Giêsu này có phải là Đấng mà muôn dân mong đợi hay không? Tại sao Ngài là Thiên Chúa mà vẫn chấp nhận bị người ta xua đuổi, khinh thường…? Tại sao Ngài không thiết lập và tổ chức triều đình để đem lại sự giàu sang, phồn thịnh cho nhân loại…? Và, Chúa thấy được tâm trạng hoang mang cũng như cái tôi ích kỷ của họ nổi lên, điều này được biểu hiện qua việc tranh nhau xem ai là người lớn nhất trong Nước Trời, rồi bà mẹ của Giacôbê và Gioan đến xin cho một ngồi bên tả, một bên hữu…! Nhân cơ hội này, Đức Giêsu đã dạy cho họ bài học yêu thương, khiêm tốn và phục vụ. Thật thế, đức tin phải đi đôi với việc làm, nghĩa là phải “hoạt động qua đức ái” (Gal 5,6) vì: “đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2:17). Đức tin đi đôi với sự trung thành phục vụ (x. Ga 12,26). Đức tin không phải để khoe khoang. Vì thế Đức Giêsu đã lấy hình ảnh người tôi tớ trong vai trò phục vụ để giáo huấn cho các ông bài học về sự khiêm tốn trong phục vụ: “Ðối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (Lc 17,10).
Như vậy, các ông thấy rõ những đòi hỏi của Chúa và nhận thấy con người mình yếu đuối, nên các ông cần thêm lòng tin để tin vào Chúa hơn, yêu người hơn, khiêm tốn hơn, và phục vụ cách vô vị lợi hơn.
- 2. Sống Đức Tin trong đời thường
Còn chúng ta ngày hôm nay thì sao! Trong cuộc sống, ngoài xã hội, nơi thương trường, nhiều lúc chúng ta cảm thấy mình bất lực hoặc hèn nhát không dám can đảm để làm chứng cho Chúa. Lý do là vì thiếu niềm xác tín nơi Chúa. Vì thế, lời cầu xin của các tông đồ khi xưa cũng là lời cầu nguyện của mỗi chúng ta ngày hôm nay.
Quả thật, xã hội ngày hôm nay nhiều người sống rất vô cảm, ít tương trợ lẫn nhau, và nhiều khi còn cắn xé lẫn nhau, hệ quả xảy ra là tham nhũng, bóc lột, đàn áp những người thấp cổ bé họng… đứng trước những bạo nạn đó, nhiều khi chúng ta thấy mình quá nhỏ bé nên không dám lên tiếng, không dám nói lên chính kiến của mình, không dám thể hiện một nghĩa cử liên đới với những anh chị em đang lâm nạn. Những lúc chúng ta cảm thấy bất lực vì sợ hãi như vậy, ấy là lúc chúng ta cần phải: “Xin Chúa ban thêm lòng tin cho chúng ta”.
Câu nói của Karl Marx đáng để cho mỗi chúng ta suy nghĩ: “Chỉ có súc vật mới quay lưng lại với nỗi đau đồng loại mà chăm chút bộ lông của mình”. Chớ trêu thay, sự thật này đang là chuyện rất bình thường trong một xã hội hiện đại. Chúng ta biết nó là không tốt, nhưng đôi khi chúng ta cũng sống không kém gì họ, hay không bao giờ dám đứng lên đi ngược dòng để tìm về sự thật và xây dựng tình liên đới chỉ vì sợ sự liên lụy. Đây chính là yếu đuối của chúng ta. Vì thế chúng ta hãy xin Chúa ban thêm lòng tin cho chúng ta (x. Lc 17,5).
Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta xin Chúa mãi mà vẫn không được những ơn chúng ta xin. Những lúc đó, chúng ta hay phàn nàn trách móc Chúa vì Ngài không nhận lời. Ta thấy tâm trạng của mình lúc này có phần giống tiên tri Kha-ba-cúc trong bài đọc I, ông phải chịu đựng những điều nghiệt ngã tương tự: “Con la lên: Bạo tàn! Mà Ngài không cứu vớt”; “Cho đến bao giờ, lạy Đức Chúa, con kêu van mà Ngài chẳng đoái nghe?” (Kb 1,2-3). Tuy nhiên, chúng ta đâu biết được rằng: “Có người nào trong anh em, khi con mình xin cái bánh, mà lại cho nó hòn đá? Hoặc nó xin con cá, mà lại cho nó con rắn? Vậy nếu anh em là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Ðấng ngự trên trời, Người sẽ ban những của tốt lành cho những kẻ xin Người” (Mt 7, 9-11). Chúng ta chưa nhận được là vì chúng ta chưa có niềm tin đủ mạnh. Vì thế, chúng ta cũng cần: xin Chúa thêm lòng tin cho chúng ta.
Trên thương trường, nhiều khi chúng ta bị cám dỗ làm ăn bất chính. Vẫn biết là tội, nhưng nhiều người làm như thế, nếu chúng ta không thế thì không thể sống được, và tới lúc chúng ta thỏa hiệp với gian dối, để làm ăn bất chính. Những lúc như thế, chúng ta phải xin với Chúa như các tông đồ: “Xin Thầy thêm lòng tin cho chúng con” (Lc 17, 5), để chúng ta đủ can đảm hầu sống những giá trị Tin Mừng trong cuộc sống hiện tại.
Lạy Chúa, lời cầu xin của các tông đồ khi xưa cũng là lời cầu xin của chúng con ngày hôm nay: “Xin Chúa ban thêm lòng tin cho chúng con”, để chúng con vững bước trên con đường theo Chúa và sẵn sàng thi hành sứ vụ Chúa trao phó. Amen.