Khi bỏ hương vào bình hương, linh mục ngồi hay đứng?
Giải đáp phụng vụ: Khi bỏ hương vào bình hương, linh mục ngồi hay đứng?
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.
Hỏi: Liệu có thể chấp nhận cho linh mục vẫn còn ngồi, khi ngài bỏ hương vào bình hương, trong khi cộng đoàn hát Alleluia không? Mới đây, một chuyên viên phụng vụ thuộc Tổng Giáo Phận Cape Coast đã lên án sự thực hành này như là một “sự lạm dụng phụng vụ”, và như là một nỗ lực nhằm đồng hóa phẩm giá của linh mục với phẩm giá của Giám mục. – V. P., Cape Coast, Ghana.
Đáp: Mặc dù tôi rất ngần ngại sử dụng từ ngữ “lạm dụng phụng vụ” cho sự thực hành này, tôi tin rằng chuyên viên phụng vụ ấy là đúng về cơ bản, trong việc giải thích luật phụng vụ. Thay vì gọi đó là một sự lạm dụng, tôi sẽ xếp loại nó như là một lỗi lầm có thể hiểu được. Chúng ta hãy xét các luật liên quan đến sự thực hành này.
Trong Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma, chúng ta đọc:
“131. Tiếp đến mọi người đứng dậy và hát A-lê-lu-ia, hoặc bài ca nào khác, tùy mùa phụng vụ đòi hỏi (x. các số 62-64).
“132. Trong khi hát A-lê-lu-ia, hoặc bài ca nào khác, vị tư tế bỏ hương, ban phép lành, nếu có xông hương. Rồi vị tư tế chắp tay, cúi mình sâu trước bàn thờ, đọc thầm: “Munda cor meum, Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin thanh tẩy tâm hồn” (Bản dịch tiếng Việt do Lm. Phanxicô Xaviê Nguyễn Chí Cần, giáo phận Nha Trang, thực hiện).
Trong phần tiếp theo, khi nói về Thánh lễ đồng tế, Quy chế viết:
“212. Trong phần phụng vụ Lời Chúa, các vị đồng tế ở tại chỗ, ngồi và đứng như vị chủ tế. Khi lời Alleluia được bắt đầu hát, mọi người đứng dậy, ngoại trừ một Giám mục, ngài bỏ hương vào bình hương mà không đọc lời nào, và ngài ban phép lành cho thầy phó tế hoặc, nếu không có phó tế, ban phép lành cho một linh mục, để vị này công bố bài Tin Mừng. Tuy nhiên, trong một thánh lễ đồng tế mà chủ tế là một linh mục, một vị đồng tế, khi không có phó tế, sẽ công bố bài Tin Mừng, và vị này không xin và cũng không nhận phép lành từ linh mục chủ tế” (Bản dịch, như trên).
Theo quan điểm của tôi, chìa khóa để giải thích văn bản này nằm ở chỗ thiếu luật trừ được nói đến sau các chữ “mọi người đứng dậy” trong số 131.
Nếu nhà soạn luật có ý định nói là linh mục vẫn ngồi, thì điều này nhất thiết được nói, như đã được nói cho Giám mục trong Thánh lễ đồng tế. Nói cách khác, văn bản nên ghi: “Mọi người đứng dậy, ngoại trừ linh mục chủ tế, ngài bỏ hương vào bình hương”.
Tương tự như vậy, không có sự phân biệt được thực hiện trong Quy chế ở số 175 khi đề cập đến các hành vi của thầy phó tế .
Do đó, giải thích của tôi về văn bản là rằng linh mục chủ tế cần đứng dậy, khi cộng đoàn hát Alleluia, ngài bỏ hương vào bình hương, và cũng ban phép lành cho thầy phó tế từ một vị thế đứng. Cách giải thích này cũng đã được chủ trương bởi một số vị Chưởng nghi Tòa thánh trước đây.
Sau khi đã nói như thế, tôi nhìn nhận rằng không phải tất cả các chuyên viên phụng vụ đồng ý với lập trường này. Một số người lập luận rằng bởi vì sách Nghi Thức Giám Mục không có sự phân biệt như vậy, và cuốn sách này được thiết kế như một cẩm nang cho các cuộc lễ có 1inh mục, ở những nơi mà Sách Lễ là không rõ ràng, do đó các linh mục cần làm theo các chỉ dẫn được đưa ra trong sách Nghi thức ấy.
Tôi có thể nói rằng một suy luận như thế có thể là đúng, trước khi Sách Lễ Rôma được xuất bản lần thứ ba. Đó là lý do tại sao tôi đã nói ở trên rằng việc linh mục chủ tế vẫn ngồi là một sai lầm có thể hiểu được.
Tuy nhiên, kể từ khi Sách lễ là tài liệu mới hơn, và nó có sự khác biệt rõ ràng giữa linh mục và Giám mục, tôi nghĩ rằng Sách lễ đã làm sáng tỏ một điểm tranh cãi, và do đó cần được tuân theo trong các chỉ dẫn. (Zenit.org 1-10-2013)
Nguyễn Trọng Đa
Vietcatholic News