Lectio: Chúa Nhật I Mùa Vọng (A)
Lectio: Chúa Nhật I Mùa Vọng (A)
Hãy luôn sẵn sàng
Thiên Chúa có thể đến với chúng ta bất cứ lúc nào
Mt 24:37–44
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau. Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của Chúa. Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn gốc của sự sống và sự sống lại.
Xin hãy tạo sự thinh lặng trong chúng con để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự kiện của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ. Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con để, giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn gốc của tình anh em, công lý và hòa bình. Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con của Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã gửi Chúa Thánh Thần đến với chúng con. Amen
2. Bài Đọc
a) Chìa khóa cho bài đọc:
Trong phần Phụng Vụ của Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng, Giáo Hội đặt trước chúng ta một trích đoạn bài giảng của Chúa Giêsu về ngày tận thế. Mùa Vọng có nghĩa là Trông Đợi. Đây là thời gian chuẩn bị cho sự xuất hiện của Con Người vào đời sống chúng ta. Chúa Giêsu khuyên nhủ chúng ta hãy tỉnh thức. Người đòi hỏi chúng ta phải chú ý tới các sự kiện để khám phá trong đó dấu hiệu giờ khắc Con Người xuất hiện.
Vào đầu Mùa Vọng, thật là quan trọng phải thanh tẩy quan niệm của chúng ta và ôn lại cách đọc các sự kiện trong ánh sáng của Lời Chúa. Và điều này không có gì đáng ngạc nhiên, bởi vì Thiên Chúa đến không báo trước, vào lúc mà chúng ta không mong đợi nhất. Để cho chúng ta thấy phải nên chú ý tới các sự kiện như thế nào, Chúa Giêsu nhắc lại trận đại hồng thủy thời ông Nô-e.
Trong lúc đọc bài Tin Mừng, chúng ta hãy chú ý tới những sự so sánh mà Chúa Giêsu dùng để chuyển tải sứ điệp của Người.
b) Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho bài đọc:
Mt 24:37-39: Con Người sẽ đến giống như những gì đã xảy ra trong thời ông Nô-e
Mt 24:40-41: Chúa Giêsu áp dụng sự so sánh để giảng cho những người đang lắng nghe
Mt 24:42: Lời kết luận: “Hãy tỉnh thức”; “Hãy canh phòng”.
Mt 24:43-44: Một tỷ dụ để khuyên người ta nên cảnh giác.
c) Phúc Âm:
37 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Trong thời ông Nô-e xảy ra thế nào, thì lúc Con Người đến cũng như vậy. 38 Cũng như trong những ngày trước nạn đại hồng thủy, người ta ăn uống, dựng vợ gả chồng, mãi đến chính ngày Nô-e vào tàu, 39 mà người ta cũng không ngờ, thình lình đại hồng thủy đến và cuốn đi tất cả, thì khi Con Người đến, cũng sẽ xảy ra như vậy. 40 Khi ấy sẽ có hai người đàn ông đang ở ngoài đồng, một người được tiếp nhận, một người bị bỏ rơi. 41 Và có hai người đàn bà đang xay bột, một người được tiếp nhận, còn người kia bị bỏ rơi.
42 Vậy hãy tỉnh thức, vì không biết giờ nào Chúa các con đến. 43 Nhưng các con phải biết điều này là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông ta sẽ canh phòng, không để cho nó đào ngạch khoét vách nhà mình.44 Vậy các con cũng phải sẵn sàng, vì lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến.”
3. Giây phút thinh lặng cầu nguyện
Để cho Lời của Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.
4. Một vài câu hỏi gợi ý
Để giúp chúng ta trong việc suy gẫm cá nhân.
i) Phần nào của bài Tin Mừng đánh động bạn nhất? Tại sao?
ii) Ở đâu, khi nào và lý do tại sao Chúa Giêsu giảng bài giảng này?
iii) Chúa Giêsu khuyên nhủ chúng ta phải cảnh giác như thế nào, việc cảnh giác bao gồm những gì?
iv) “Một người được tiếp nhận, một người bị bỏ rơi”. Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta điều gì với lời khẳng định này?
v) Vào thời thánh Mátthêu, trong một nghĩa nào đó, cộng đoàn Kitô hữu đã mong đợi sự xuất hiện của Con Người. Và ngày nay, chúng ta chờ đợi sự xuất hiện của Chúa Giêsu theo cách nào?
vi) Theo bạn, đâu là trọng tâm hay nguồn gốc của lời giáo huấn này của Chúa Giêsu?
5. Dành cho những ai muốn đào sâu vào chủ đề
a) Bối cảnh bài giảng của Chúa Giêsu:
Tin Mừng theo thánh Mátthêu – Trong sách Tin Mừng của thánh Mátthêu có năm bài giảng tuyệt vời, như thể đó là một ấn bản mới của năm cuốn sách Luật Môisen. Đoạn Tin Mừng mà chúng ta đang suy gẫm trong Chúa Nhật tuần này là một phần của Bài Giảng thứ năm của cuốn sách Luật Mới này. Mỗi một bài trong tất cả bốn bài giảng trước đó soi sáng một khía cạnh khẳng định của Vương Quốc Thiên Chúa được công bố bởi Đức Giêsu. Bài thứ nhất: Công lý của Nước Trời và những điều kiện để được vào Nước Trời (Mt các chương 5-7). Bài thứ hai: Sứ vụ của các công dân Nước Trời (Mt chương 10). Bài thứ ba: Sự hiện hữu mầu nhiệm của Nước Trời trong đời sống người ta (Mt chương 13). Bài thứ tư: Đời sống Nước Trời trong cộng đoàn (Mt chương 18). Bài giảng thứ năm nói về sự cảnh giác trong quan điểm khẳng định Nước Trời đang đến. Trong bài giảng cuối cùng này, Mátthêu nối tiếp bản đề cương của thánh Máccô (xem Mc 13:5-37), nhưng thêm vào một số bài dụ ngôn nói về sự cần thiết của việc cảnh giác và việc phục vụ, của sự đoàn kết và tình anh em.
Chờ đợi sự trở lại của Con Người – Ở cuối thế kỷ thứ nhất, các cộng đoàn đã sống trong mong đợi sự trở lại ngay lập tức của Chúa Giêsu (1Tx 5:1-11). Họ căn cứ vào một số lời của thánh Phaolô ( 1Tx 4:15-18), có một số người đã ngưng làm việc vì nghĩ rằng Chúa Giêsu sắp trở lại đến nơi (2Tx 2:1-2; 3:11-12). Họ tự hỏi: “Khi Chúa Giêsu đến, liệu chúng ta có sẽ được cất thẳng lên Thiên Đàng như Người chăng?” (xem 1Tx 4:17). “Chúng ta có sẽ được tiếp nhận hay sẽ bị bỏ rơi?” (xem Mt 24:40-41). Ngày nay, cũng có một bầu không khí tương tự như thế, trong đó có nhiều người tự hỏi: “Tình trạng khủng bố này có phải là một dấu hiệu báo cho biết ngày tận thế đã gần kề không?” Chúng ta phải làm gì để khỏi bị ngạc nhiên?” Một đáp án cho câu hỏi và điều quan tâm này đến với chúng ta từ Lời của Chúa Giêsu mà Mátthêu chuyển đến cho chúng ta trong Tin Mừng của Chúa Nhật tuần này.
b) Lời bình giải về đoạn Phúc Âm:
Mt 24:37-39: Chúa Giêsu so sánh sự trở lại của Con Người với những ngày của trận lụt đại hồng thủy
“Trong thời ông Nô-e xảy ra thế nào, thì lúc Con Người đến cũng như vậy.” Ở đây, để làm sáng tỏ lời kêu gọi phải cảnh giác, Chúa Giêsu nhắc tới hai cảnh trong Cựu Ước: ông Nô-e và Con Người. “Những ngày thời ông Nô-e” có ý muốn nhắc tới thời kỳ đại hồng thủy (St 6:5-8:14).
Hình ảnh về “Con Người” xuất phát từ một thị kiến của tiên tri Đanien (Đn 7:13). Trong thời ông Nô-e, đa số người ta đã sống mà không lo lắng bất kỳ một điều gì, không biết rằng giờ Thiên Chúa đã gần kề. Cuộc sống vẫn tiếp tục “và họ đã không nhận thức được bất cứ điều gì cho đến khi cơn đại hồng thủy đến và nhận chìm tất cả”. Và Chúa Giêsu kết luận: “Khi Con Người đến thì cũng như vậy”. Trong thị kiến của tiên tri Đanien, Con Người sẽ ngự giá mây trời mà đến một cách bất ngờ và sự xuất hiện của Người sẽ tiêu diệt mọi đế quốc thống trị, mà sẽ không có tương lai.
Mt 24:40-41: Chúa Giêsu áp dụng sự so sánh để giảng cho những người đang lắng nghe lời Người.
“Hai người đàn ông đang ở ngoài đồng: một người được tiếp nhận, một người bị bỏ rơi”. Những chữ này không nên hiểu theo nghĩa đen. Đó là một cách để nói lên số phận khác nhau mà người ta sẽ lãnh nhận tùy theo sự phán xét về các việc mà họ đã làm. Một số người sẽ được tiếp nhận, nghĩa là, sẽ lãnh nhận ơn cứu rỗi, và những người khác sẽ không được nhận nó. Đây là những gì đã xảy ra trong cơn đại hồng thủy: “Ngươi hãy vào tàu, ngươi và cả nhà ngươi, vì Ta chỉ thấy ngươi là người công chính trước nhan Ta trong thế hệ này” (St 7:1). Ông Nô-e và gia đình ông đã được cứu rỗi.
Mt 24:42: Chúa Giêsu đưa ra kết luận: “Vậy hãy tỉnh thức”, phải canh phòng.
Thiên Chúa là Đấng quyết định giờ xuất hiện của Con Người. Nhưng thời giờ của Thiên Chúa thì không được đo bằng chiếc đồng hồ hoặc năm tháng của chúng ta. Đối với Chúa, một ngày ví thể ngàn năm, và ngàn năm cũng tựa một ngày (Tv 90; 2 Pr 3:8). Thời gian của Thiên Chúa (kairos = kỳ hạn) thì độc lập với thời gian của chúng ta (cronos = ngày tháng). Chúng ta không thể can thiệp vào thời gian của Thiên Chúa, nhưng chúng ta nên chuẩn bị cho giây phút mà giờ của Chúa trở thành hiện tại trong thời gian của chúng ta. Nó có thể là ngày hôm nay, nó có thể là một ngàn năm nữa.
Mt 24: 43-44: Sự so sánh: Con Người sẽ đến vào lúc mà các con không ngờ.
Thiên Chúa đến khi chúng ta không ngờ nhất. Nó cũng có thể xảy ra rằng Người đến và người ta không nhận thức được giờ khắc xuất hiện của Người. Chúa Giêsu đòi hỏi hai điều: việc luôn luôn cảnh giác chu đáo, và cùng lúc, sự dấn thân yên lặng của người sống trong bình an. Thái độ này là dấu hiệu của sự trưởng thành vững chãi, trong đó mối quan tâm thận trọng được hòa lẫn với yên bình thanh thản. Sự trưởng thành kế tiếp theo đó để kết hợp tính chất nghiêm trọng của thời điểm với việc nhận thức rằng mọi thứ đều tương đối.
c) Phần phụ chú để hiểu rõ hơn về đoạn Tin Mừng:
Chúng ta nên thận trọng chuẩn bị cho bản thân như thế nào? – Đoạn Tin Mừng của chúng ta được dẫn trước bởi bài dụ ngôn cây vả (Mt 24:32-33). Cây vả là biểu tượng của dân Do-Thái (Tl 9:10; Mt 21:18). Trong việc xem xét cây vả, Chúa Giêsu yêu cầu các môn đệ hãy quan sát và phân tích các dữ kiện đang xảy ra. Tưởng chừng như Chúa Giêsu đang nói với chúng ta: “Các con nên học hỏi từ cây vả để đọc thấy các dấu hiệu của thời gian, và bằng cách này các con sẽ khám phá nơi đâu và khi nào Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử của chúng ta!”
Điều chắc chắn được chia sẻ với chúng ta bởi Đức Giêsu – Chúa Giêsu để lại cho chúng ta một điều chắc chắn gấp đôi để định hướng cho cuộc hành trình của chúng ta trong cuộc sống: (1) nhất định ngày sau hết sẽ đến; (2) chắc chắn, không ai biết bất cứ điều gì về ngày hoặc giờ khắc của ngày tận thế. “Còn về ngày và giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay ngay cả Con Người cũng không; chỉ một mình Chúa Cha biết mà thôi!” (Mt 24:36). Mặc dù tất cả các ước đoán hoặc tính toán mà người ta có thể làm để đoán về ngày tận thế, không ai có thể tính toán một cách chắc chắn. Điều có thể cho sự an bình không phải là sự hiểu biết về giờ phút của ngày tận thế, mà là Lời của Chúa Giêsu hiện diện trong đời sống. Thế giới này sẽ qua đi nhưng Lời Chúa sẽ không bao giờ qua đi (xem Is 40:7-8).
Bao giờ ngày tận thế sẽ đến? – Khi Kinh Thánh nói về “ngày mạt thế”, điều này không đề cập đến sự kết thúc của thế giới, nhưng về sự kết thúc của một thế giới. Nó muốn đề cập đến sự kết thúc của thế gian này, nơi mà sự bất công và quyền lực của sự dữ thống trị; những điều làm cuộc đời trở thành cay đắng. Thế giới bất công này sẽ đi đến chỗ kết thúc và thay vào đó sẽ là “một trời mới và một đất mới”, điều này được công bố bởi tiên tri Isaia (Is 65:15-17) và được dự kiến trong sách Khải Huyền (Kh 21:1). Không ai biết khi nào hay cách nào thế giới này sẽ bị kết thúc (Mt 24:36), bởi vì không ai có thể mường tượng được Thiên Chúa đã dọn sẵn điều gì cho những ai yêu mến Người (1Cr 2:9). Thế giới mới của cuộc-sống-không-có-cái-chết vượt trội tất cả mọi sự, giống như cây vượt quá hạt giống (1Cr 15:35-38). Những Kitô hữu tiên khởi đã lo lắng để được hiện diện trong ngày tận thế này (2Tx 2:2). Họ tiếp tục nhìn lên trời, chờ đợi sự quang lâm của Chúa Kitô (Cv 1:11). Có một số người đã ngưng làm việc (2Tx 3:11). Tuy nhiên “Anh em không cần biết kỳ hạn hoặc thời giờ Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt” (Cv 1:7). Cách duy nhất để đóng góp vào ngày cuối cùng sắp đến “để Thiên Chúa có thể ban cho thời kỳ an lạc” (Cv 3:20), và làm nhân chứng cho Tin Mừng ở khắp mọi nơi, cho đến tận cùng của trái đất (Cv 1:8).
6. Cầu Nguyện: Thánh Vịnh 46 (45):
“Thiên Chúa là nơi ta ẩn náu! Chúng ta chẳng sợ hãi gì!”
Thiên Chúa là nơi ta ẩn náu và là sức mạnh của ta.
Người luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ khi ta phải ngặt nghèo.
Nên dầu cho địa cầu chuyển động,
núi đồi có sập xuống biển sâu,
dầu cho sóng biển ầm ầm sôi sục,
núi đồi có lảo đảo khi thủy triều dâng,
ta cũng chẳng sợ gì.
Một dòng sông chảy ra bao nhánh
đem niềm vui cho thành của Chúa Trời:
đây chính là đền thánh Đấng Tối Cao.
Thiên Chúa ngự giữa thành, thành không lay chuyển;
ngay từ rạng đông, Thiên Chúa thương trợ giúp.
Muôn dân náo động, muôn nước chuyển lay,
tiếng Người vang lên là trái đất rã rời.
Chính Chúa Tể càn khôn ở cùng ta luôn mãi,
Thiên Chúa nhà Giacóp là thành bảo vệ ta.
Đến mà xem công trình của CHÚA,
Đấng gieo kinh hãi trên mặt địa cầu.
Người chấm dứt chiến tranh trên toàn cõi thế,
cung tên bẻ gẫy, gươm giáo đập tan,
còn khiên thuẫn thì quăng vào lửa.
“Dừng tay lại: Hãy biết Ta đây là Thiên Chúa!
Ta thống trị muôn dân, thống trị địa cầu.”
Chính Chúa Tể càn khôn ở cùng ta luôn mãi,
Thiên Chúa nhà Gia-cóp là thành bảo vệ ta.
7. Lời nguyện kết
Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha. Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực thi Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con. Nguyện xin cho chúng con, được trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa. Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.
——————————
Các bài viết Lectio Divina cho nhóm tác giả; Lm. Carlos Mesters, O.Carm. Nt. Maria Anastasia di Gerusalemme, O.Carm., Lm. Cosimo Pagliara, O.Carm. Nt. Maria Teresa della Croce, O.Carm. Lm. Charlò Camilleri, O.Carm. Lm. Tiberio Scorrano, O.Carm. Nt. Marianerina De Simone, SCMTBG và lm. Roberto Toni, O.Carm., Dòng Cát Minh biên soạn. Bản dịch tiếng việt do Cô Martha Nhung Trần thực hiện. Tác giả và dịch giả giữ bản quyền.
dongcatminh