Có phải kỳ vọng của chúng ta nơi Đức Thánh cha Phanxicô phi hiện thực?
Alexander Chancellor cho Spectator
Thời tiết ở Tuscany ẩm ướt, nhớp nhúa vì thế chiều đến tôi nằm trên giường đọc các tờ báo Ý.
Các tờ báo này viết đầy các tin nói về Đức Thánh cha Phanxicô – sự khiêm tốn, giản dị và nhiệt huyết cải cách của ngài đang thổi một luồng sinh khí mới vào trong Giáo hội Công giáo La Mã. Các tờ báo này viết xu hướng giảm sút số lượng người đi lễ ở Ý lâu nay đã đảo chiều trong vài tháng qua kể từ khi vị giám mục Argentina ít được biết đến trước đây là Jorge Mario Bergoglio được bầu làm giáo hoàng.
Những lần ngài xuất hiện trước công chúng tại Rôma cũng thu hút rất đông người. Tóm lại, ngài là một siêu sao, và không chỉ có ở Ý. Mọi nơi trên thế giới, trong đó có Anh quốc, người Công giáo nguội lạnh đang kéo nhau trở lại. Và ngay cả nơi những người không Công giáo ngài cũng rất được yêu mến.
Trên tờ Guardian hôm thứ Bảy tuần trước, người tự xưng là người vô thần Jonathan Freedland đã hết lời khen ngợi ngài. Ông nói đức tính khiêm tốn của Đức Thánh cha chuyển tải ‘một thông điệp mạnh mẽ về chủ nghĩa quân bình gần như cơ bản’; và hiện nay ngài trở thành ‘tiếng nói rõ ràng và lớn nhất trên thế giới chống hiện trạng’. ‘Anh không cần phải là tín đồ mới tin vào điều đó’, Freedland nói.
Tôi đang tin điều này thì tình cờ thấy một bài báo trên tờ Corriere della Sera của một tác giả Công giáo nổi tiếng là Vittorio Messori, nghe có vẻ như là lời cảnh báo về sự sùng bái thần tượng giáo hoàng như thế. Ông nói việc này ‘gợi lại một việc hoang đường cổ xưa và luôn tái diễn nơi người Công giáo – đó là một ước mơ trở lại Giáo hội thời sơ khai, tất cả nghèo nàn, có tình anh em và giản dị, không có các cơ cấu phẩm trật hay giáo luật’, ước mơ một ‘Giáo hội dân chủ, tinh giản’ trong đó sẽ không có Vatican, không Giáo triều, không ngân hàng hay nhà ngoại giao nhưng ‘trở lại thời cộng đoàn Jerusalem sau khi Chúa Thánh Thần hiện xuống”.
Messori nhanh chóng chỉ ra rằng Giáo hội chưa bao giờ giống như thế; ngay cả trong thời sơ khai cũng xảy ra các cuộc đấu tranh quyết liệt giữa các bè phái, buộc tội nhau là lạc giáo, ly giáo, thậm chí là bạo lực: ‘Nhưng nỗi luyến tiếc luôn tái diễn, hiện nay dường như đã xuất hiện trở lại, về một Giáo hội một thời theo chủ nghĩa bình quân và nghèo nàn, trong đó đức tin không có kiến trúc thượng tầng, không chỉ mâu thuẫn với bằng chứng lịch sử mà còn là đạo luật không thể thay đổi qua đó những thực tại xã hội quan trọng xuất phát từ “những phong trào”, thường được phát động bởi người được ơn đặc sủng, nhanh chóng tan rã và biến mất mãi mãi trừ khi được biến đổi thành các tổ chức có cấp bậc chính thức, có cơ cấu trật tự vững chắc’.
Nếu ‘Phong trào Chúa Kitô’ không trở thành một tổ chức vững chắc, Messori kết luận, ‘nó vẫn chỉ nằm ở lời chú thích cuối trang trong một bản văn lịch sử Do thái cổ xưa nào đó’.
Nguồn: Spectator
Ucanews