Thần học 

Từ Thần học Nữ quyền đến Thần học Nam nữ tính bù trừ Balthasar

Từ Thần học Nữ quyền đến Thần học Nam nữ tính bù trừ Balthasar

Lm. Giuse Hoàng Sỹ Quý, S.J.

Hans Urs von Balthasar (1905-1988)

Từ ít lâu nay, tại Việt nam, đã bắt đầu diễn ra đó đây những cuộc tọa đàm nho nhỏ về thần học Nữ quyền, nên chúng ta không thể không nói đến trào lưu thần học này vốn đã xuất hiện từ lâu trên thế giới.

Những áp bức mà con người phải gánh chịu từ chính anh em mình đã làm dấy lên biết bao cuộc cách mạng (đẫm máu hay không) trong suốt hai ba thế kỷ vừa qua. Những cơn địa chấn ấy không thể không tác động vào ý thức và lương tri Kitô giáo, từ đó nổi lên Thần học giải phóng và Thần học nữ quyền.

Thần học này được gọi bằng tên Feminist theology, tiếng Feminist ấy một số bạn đã dịch là (thần học) phụ nữ. Nhưng xét về ý nghĩa cũng như đối tượng và mục đích, thì đây lại là việc đòi quyền bình đẳng cho giới nữ trong ăn nói cũng như trong cơ cấu quyền lực của Giáo hội. Nhất nữa khi làm công việc này, không chỉ có giới quần thoa mà cả giới mày râu nữa[1]. Vi lẽ đó, tôi dịch Feminist theology là Thần học nữ quyền.

Như đã nói trên, tuy thần học nữ quyền do phụ nữ phát động và chủ trương, nhưng không thiếu gì các ông cũng vào hùa với họ. Riêng Von Balthasar thì có một đường lối nửa thuận nửa chống, nên chỉ được lòng giới nữ đấu tranh phần nào. Quả thế, ông chủ trương một thần học nam nữ tính hóa (gendered theology), cũng là nam nữ tính bù trừ (complementarity) luôn. Vì đây có gì gần gũi với hướng đi âm dương của phương Đông chúng ta, nên tôi đặc biệt chú ý đến phương pháp của ông.

Nhưng chúng ta hãy bắt đầu với Thần học nữ quyền.

Thần học nữ quyền

Vì thần học nữ quyền là một thứ “Thần học giải phóng” cho phụ nữ, nên xem ra ăn theo Thần học giải phóng của Châu Mỹ La Tinh. Thế nhưng thực ra nó lại bắt đầu ở Bắc Mỹ và có trước Thần học giải phóng cả một thế kỷ. Vâng, nó được phát động vào thế kỷ XIX bởi một phụ nữ Tin Lành Hoa Kỳ, Elisabeth Cady Stanton. Năm 1948, bà này đã đọc một bài diễn văn lịch sử chỉ trích việc chú giải Thánh kinh theo lối nam hướng (androcentric) xưa nay và đặt ra các nguyên tắc cho một chú giải mới trong đó nữ tính phải có phần. Và thế là nhóm cộng sự của bà bắt tay ngay vào việc, để mấy chục năm sau cho ra mắt bộ sách bán rất chạy : Thánh kinh của phụ nữ (Women’s Bible, 1895, 1898) sau này được đặt tên lại là Chú giải của phụ nữ về Thánh kinh (Women’Bible Commentary).

Tuy manh nha từ khá sớm như thế, nhưng Thần học nữ quyền chỉ bốc mạnh thành phong trào liền sau Vatican II, đồng thời với Thần học giải phóng. Nếu với phong trào Thần học giải phóng, ngòi nổ   là hiện trạng bóc lột mà người lao động hay nước nghèo phải gánh chịu từ phía tư bản, thì ngòi nổ ấy đối với phong trào Thần học nữ quyền lại là sự kỳ thị nam nữ đã bắt rễ từ xa xưa trong truyền thống Giáo hội, một truyền thống nam hướng (androcentric), tổ phụ hướng (patriarcal). Những phụ nữ tiến bộ đã trông chớ nhiều ở Vatican II, nhưng Vatican II với hướng đi mở cửa rất rõ đã bỏ qua không đặt nữ quyền thành vấn đề để giải quyết. Hơn thế, trong sứ điệp 8-12-1965, người ta chỉ nhắc lại những gì mà người xưa vẫn quan niệm về vai trò của giới tính bị coi thường này. Thất vọng, Mary Dale viết cuốn Giáo hội với giới tính hạng nhì (1968), rồi Bên trên Thiên Chúa Cha (1973). Theo bà: ”Nếu Thiên Chúa là nam, thì nam giới thành Thiên Chúa mất rồi”. Và bà ra khỏi Giáo hội. Thật đáng tiếc!

Quả thật, đối với một số phụ nữ cấp tiến, cái tôn giáo của Thiên Chúa Cha, với Ngôi Con giáng trần thành nam tử, tôn giáo ấy hình như không cho phép nữ lưu thành hình ảnh của Thiên Chúa, do đó không đáp ứng được những mục tiêu mà thần học nữ quyền theo đuổi. Thế nhưng hầu hết các nữ thần học gia đều tin có thể tìm ra trong Thánh kinh và Truyền thống những yếu tố từ đó thiết lập những nguyên tắc giúp xây dựng một nền thần học quân bình, với một Thiên Chúa và Giáo hội ở bên trên sự phân biệt nữ-nam. Do đó vừa phải tìm ra trong Thánh kinh và Truyền thống những gì ẩn nấp đằng sau cái nhìn lệch lạc nam hướng liên quan đến Thiên Chúa và tất cả. Đồng thời cố phát hiện những nét nữ tính nơi Thiên Chúa cũng như những đóng góp quan trọng của giới quần thoa trong lịch sử cứu độ cũng như trong nền tư tưởng Kitô giáo truyền thống.

*

Quả thật, từ Cựu đến Tân Ước, cả một nền tảng văn hóa phụ hệ tiềm ẩn dễ được nhận ra. Chính cái nhìn thần học nam hướng ấy đã khiến dân Israel gọi vị thần bộ lạc là Thần (Thiên Chúa) của tổ phụ (Abraham, Isaac, Giacop), chứ không của tổ mẫu nào hết. Cũng chính vì tư thế lệ thuộc của phụ nữ, mà ngay trong Phúc âm, đếm số ngườ ăn (trong phép lạ bánh và cá), người ta chỉ đếm nam giới thôi, dù trong các cuộc tập hợp tôn giáo, như ai nấy đều biết, phụ nữ bao giờ cũng đông hơn đàn ông gấp mấy lần. Ngay cả thánh Phaolô, người chủ trương trong Chúa Kitô chẳng có đàn bà hay đàn ông (Gal.3.28), thế mà trong thực hành, vẫn cấm phụ nữ ăn nói trước cộng đồng (1Cor.14.34; 1Tim.2.12), đồng thời đặt họ vào tư thế lệ thuộc (Eph.5.24).

Thế nhưng trong bản chất, Kinh thánh đâu có trọng nam khinh nữ. Biết bao phụ nữ đã đóng những vai trò quan trọng trong lịch sử cứu độ hình bóng của Cựu Ước và lịch sử cứu độ chân thực của Tân Ước. Và đây là các bà đỡ Do Thái cứu Israel khỏi nạn diệt chủng (Xh.1.15-22). Đây là con gái vua Pharaon cứu lãnh tụ Maisen khỏi bị giết lúc mới sinh (Xh.2tt.). Chưa hết, Thánh kinh còn tiết lộ có một Quan án (người lãnh đạo toàn dân Israel trong thời các quan án) phụ nữ. Đặc biệt là vị Quan án này, tên Debora, cũng là tiên tri luôn, và chính bà thay mặt Thiên Chúa đã tập họp trai tráng lại để chiến đấu và tiêu diệt đạo quân hùng mạnh của vua Canaan, nhờ đó cứu dân mình khỏi sự đàn áp và bóc lột của họ (Quan án, ch.4 và 5).

Sang đến Tân Ước, sứ giả đầu tiên của Tin mùng Phục sinh đâu phải nam giới, mà nữ giới (Mc.16.7-11; Lc.24.1-10; Gio.20.17-18). Để rồi sau đó, ít nhất đã có một nữ tông đồ do Thần khí phong (như Ngài đã phong Phaolô và Barnabê), và đây là Junia (Rom.16.7: Hy ngữ Jounia; la tinh: Junia), mà một giáo phụ nhìn nhận là phụ nữ, nhưng các giáo phụ khác và chú giải sau này, do kỳ thị mà hóa phép cho bà biến thành nam nhi.

Thật ra, ngay cả Thiên Chúa của Cựu Ước đâu chỉ có dáng dấp nam nhi. Phải chăng Thiên Chúa ấy là Gia vê, Thiên Chúa nam tính của các tổ phụ? Nhưng hình như Gia vê của văn hóa phụ hệ đã đến sau để thay thế Thần mẫu Gia hu của xã hội mẫu hệ vốn có trước[2]. Dù sao, nét dịu hiền của Thần mẫu vẫn còn vương vất đâu đây, qua những câu như : Ta sẽ cho ngươi bú, sẽ ôm ngươi vào lòng, nựng ngươi trên đầu gối. Như một người được mẹ vỗ về thế nào, Ta cũng vỗ về ngươi như vậy (Is.66.12b-13a). Còn trong Tân Ước, thì đấng sinh ta ra trong đời sống siêu nhiên há chẳng phải là Chúa Thánh Thần mẹ ta.

Thật ra, không thể nam nữ hóa Thiên Chúa, bởi Ngài vượt trên sự phân biệt nam nữ đó. Có điều để có một cảm nhận về Ngài, chúng ta không thể không gọi Ngài là Cha, là Mẹ. Vì thế, tội lỗi thật sự không phải là do chống lại cái trật tự mang cơ cấu tổ phụ tính hay nam hướng, mà chống lại trật tự của Bài giảng trên núi : Phúc cho kẻ nghèo và kẻ bị áp bức không tiếng nói, trong đó có phụ nữ. Vâng, Chúa Giêsu Kitô đã tới để phá bỏ trật tự của nam trị, để thiết lập trật tự của bình đẳng : “không có đàn ông đàn bà”, trong đó nguyên tắc thống trị cũng được thay thế bởi hướng đi hầu hạ luôn :”Thầy đến để hầu, chứ không phải để được hầu”.

*

Dầu sao chăng nữa, văn hóa nam hướng và giáo sĩ trị, như một thứ bầu rượu cũ từ Do thái giáo truyền tới, vẫn một đằng cách ly giáo sĩ với giáo dân, đằng kia gạt bỏ phụ nữ ra khỏi cơ cấu quyền lực của Giáo hội. Và về mặt này, thần học phụ nữ không thiếu những bằng chứng để nêu lên.

Trước hết, đó là Epiphane dựa vào 1 Tim.2.12 để chống lại việc phong chức linh mục cho phụ nữ. Còn lý do? Theo Origène, thì phụ nữ làm linh mục chỉ là điều không thích hợp thôi. Cùng một ý kiến, sách Giáo huấn các tông đồ (Didaskalia des apôtres, thế kỷ III) cho rằng nếu để phụ nữ đứng lên giảng thuyết, thỉ dân ngoại sẽ cười vào mặt chúng ta. Phải chờ hằng chục thế kỷ sau, thánh Tô ma mới quả quyết rằng nữ tính do bản chất không thể đi đôi với chức linh mục. Vâng, theo ngài nghĩ, phụ nữ vốn bản chất lệ thuộc, nên tấn phong linh mục cho họ không chỉ là không hợp, mà còn không thành (invalide) nữa.

Mà không phải chỉ có Do Thái giáo và truyền thống Công giáo tách phụ nữ ra khỏi cơ cấu quyền lực, cả Chính Thống và Tin Lành cũng thế luôn, dù đó là Luther, Calvin, Barth. Riêng triết gia Do Thái là Philon thành Alexandria thì cho rằng Ađam là Trí (noũs), còn Eva chỉ là Giác dục giác cảm thôi. Cho nên chức năng không thể như nhau.

Theo nhiều thần học gia nữ quyền, không thể coi nam nữ như những yếu thể hay bản chất. Con người dù nam hay nữ cũng chỉ làm nên một bản chất (hay yếu thể, essence), bản chất người, do đó cùng là hình ảnh đầy đủ của Thiên Chúa, chứ không như thánh Tô ma nghĩ, rằng tuy là hình ảnh Thiên Chúa, nhưng cách thế (modus) thành hình ảnh của nữ thì khác với nam.

Cái nhìn bù trừ (nam nữ tính) của Balthasar

Nếu thần học nữ quyền muốn đòi lại cho nữ giới những vai trò xưa nay chỉ dành riêng cho nam giới, thì Balthasar lại muốn mỗi bên nên ở lại những vị trí phù hợp với giới tính của mình, nhờ đó bù trừ, bổ sung cho nhau.

Hans Urs von Balthasar (1905-1988), một trong những thần học gia nổi tiếng nhất của thế kỷ XX, là người Thụy Sĩ viết tiếng Đức. Ông thuộc Dòng Tên nhưng bỏ dòng năm 1950. Ông được phong hồng y nhưng chưa kịp nhận mũ hồng y thì qua đời.

Balthasar viết rất nhiều, ngay sách đã ngót nghét trăm cuốn. Thần học của ông mang những đặc điểm sau đây: (1) một thần học nối kết với Truyền thống (và đây là do ảnh hưởng của người bạn thân Henri de Lubac); (2) một thần học không chỉ có đối tượng nghiên cứu là sự thực (verum), mà cả sự hảo thiện (bonum) nhất làsự đẹp (pulchrum)[3] nữa; (3) một thần học của quan hệ (relations), quan hệ trao ban của nam tính và quan hệ tiếp thu của nữ tính; (4) một thần học khởi xuất từ kinh nghiệm thiêng liêng và hướng về thiêng liêng, nên đây là thứ thần học “quỳ gối” (để đọc hay viết).

Để hiểu về hai nét sau cùng này, cũng là để hiểu về hướng đi thần học nam nữ tính hóa (gendered) của ông, không thể không tìm về gốc nguồn của nó nơi quan hệ mật thiết của ông với nữ bác sĩ và huyền thị nhân Adrienne von Speyr.

Cô Speyr là người Tin Lành, nhưng ngay sau khi tiếp xúc với Balthasar đã bỏ theo Công giáo và nhận Balthasar làm cha linh hướng. Quan hệ hai bên không chỉ là quan hệ tình cảm, mà, tâm đầu ý hợp với nhau, họ còn xây dựng những công trình chung. Và đây là Cộng đồng thánh Gioan, là nhà xuất bản mà Balthasar lập để in các tác phẩm của Speyr (hầu hết là huyền thị về Đức Maria) và của một số nữ nhân khác như Thérèse de l’Enfant-Jésus và Elisabeth de la Trinité. Nhưng hợp tác sâu xa nhất thể hiện ở việc Balthasar sử dụng những huyền thị của Speyr vào các suy tư và trước tác thần học của mình, nhất là về Đức Maria.

Vì lắm người không tin vào Speyr và các huyền thị (visions) của cô, nên Balthasar và tư tưởng thần học của ông cũng bị rắc rối lây. Để rồi sau đó, những căng thẳng với Dòng Tên Thụy Sĩ, như “dầu đổ vào lửa”, khíến ông ra khỏi dòng. Ông cũng không được Rôma coi trọng trong một thời gian rất dài.[4]

*

Sự liên kết Balthasar-Speyr, cũng là liên kết giữa kinh nghiệm thiêng liêng và tư tưởng, đã là nguồn gốc phát sinh thứ thần học bù trừ (complementarity) Balthasar, khiến chính ông phải thú nhận, là không thể phân ly Speyr ra khỏi những công trình đó. Quả thế, chính những huyền thị mà Speyr nói lại và viết ra đã tràn ngập tâm trí ông trước khi được ông niệm lý hóa thành tư tưởng thần học, cả về Thiên Chúa lẫn Giáo hội, cả về cứu độ lẫn Đức Maria. Từ kinh nghiệm đó, ông nghĩ rằng, thần học nói chung phải bắt đầu với kinh nghiệm (nhất là huyền thị) thiêng liêng, và đây là lãnh vực dành cho phái nữ, trong khi vai trò tư tưởng là của đám râu mày. Vâng, nếu một kinh nghiệm sống đầy đủ không thể thiếu sự bù trừ nam nữ, thì một công trình thần học hoàn bị cũng không thể thiều sự hợp tác hai bên như thế. Để rồi cuối cùng, một cái nhìn thần học sâu xa cũng cần đến lăng kính của bù trừ nam tính masculine) và nữ tính (feminine). Và đây gọi là thần học nam nữ tính hóa (gendered theology). Vâng, không phải nam nữ hóa, mà nam nữ tính hóa.

Như chúng ta biết, Genus hay Genre, Gender trong ngôn ngữ Ấn-Âu là giống đực Masculine và giống cái Feminine. Nhưng Masculine và Feminine cũng có nghĩa là cách làm và suy nghĩ khác nhau giữa nam và nữ, do đó có gì gần gũi với tiếng Âm dương của chúng ta, chứ không quá bó kết với thể xác như đực cái, nam nữ. Nhất là khi đối với Balthasar, nam tính chẳng qua là chủ động và trao ban, nữ tính chẳng qua là thụ động và tiếp nhận. Và đây là một trong những thể hiện của Âm dương.

Từ những khái niệm Nam tính-Nữ tính hay Chủ-Thụ ấy, chúng ta hãy cùng với Balthasar xây dựng một hình ảnh về Thiên Chúa chả hạn. Nhìn từ ngoài thì Thiên Chúa chỉ một mình đơn độc: Thiên Chúa-một (unum). Nhưng nhìn từ bên trong, Thiên Chúa của mạc khải Kitô giáo lại Ba-Một (tri-uni-taire), Thiên Chúa của Quan hệ, cũng là của Yêu thương. Quan hệ thân mật đến nỗi làm nên chỉ một hiện hữu. Nên không phải một quan hệ nó phụ thuộc vào hiện hữu, mà quan hệ nó cũng căn bản như hiện hữu vậy. Vâng, không phải Cha, Con và Thần khí có đã rồi mới quan hệ với nhau, mà xem như chính quan hệ kia đã cấu thành (constitutive) Cha-Con-Thần khí, trong khi chính Cha, Con và Thần khí cũng là chủ thể của những quan hệ này. Khó hình dung và khó hiểu thật đấy, nhưng mầu nhiệm mà!

Hãy bắt đầu với Cha.

Bằng một tình yêu hoàn hảo, Cha đã thông ban hết mình sang Con, nhờ đó có Con, mà cũng nhờ đó có Cha luôn, vì Cha chỉ thành Cha trong trao ban. Ở chỗ là Trao ban đó, Cha có nam tính (masculine), siêu nam tính; còn Con thì nữ tính (feminine), siêu nữ tính trong Tiếp nhận (receptivity). Con cũng nữ tính luôn khi hướng trả hết về Cha trong nhu thuận, vâng lời. Trao ban và nhu thuận trong tình yêu, nên bằng chính hành vi yêu thương. Thần khí vừa là Hành vi yêu thương ấy giữa Cha với Con, vừa do Cha Con quan hệ yêu thương mà thành, nên Thần khí vừa có nam tính, vừa có nữ tính.[5]

Sở dĩ Con làm người là để mạc khải Cha; vì mạc khải Cha ở chỗ Ngài là gốc nguồn và quyền uy, nên Đức Giêsu thuộc nam giới. Thuộc nam giới nữa bởi Chúa Cứu thế là Chúa đối diện với loài người, mà ưu thế (priority) thì tự nhiên phải thuộc nam giới [6]. Sinh làm người, Đức Kitô đứng về phía loài người đáng tội, để bằng tiếng Xin vâng của mình phủ lấp tiếng Không của cha ông chúng ta, hầu kéo theo tất cả vào luồng sóng tuân tùng ấy[7]. Vâng lời cho đến chết, đây là ý nghĩa của Kenosis, vét rỗng.

Nếu bên trong Thiên Chúa, tất cả là Quan hệ, thì từ đó đi xuống, tất cả cũng phải thành quan hệ bù trừ trong yêu thương. Quan hệ trước tiên là của loài người với Thiên Chúa. Ở đây thì tư tưởng Balthasar bắt gặp tư tưởng Vivekânanda[8] khi vị guru này quả quyết: – Đứng trước Thiên Chúa, không có đàn ông, chỉ có đàn bà! Vâng, như Balthasar nghĩ, con nguời đứng trước Thiên Chúa, dù nữ hay nam, chỉ có nữ tính thôi. Giữa loài người với nhau, quan hệ ấy phản ánh quan hệ Ba Ngôi thành quan hệ bù trừ của Cho-Nhận, của Xướng-Tùy. Ở đây thì quan điểm của Balthasar trùng hợp với quan điểm cổ xưa của Nho giáo khi họ chủ trườngPhu xướng phụ tùy. Và điều này bị thần học nữ quyền lên án. Ông bị lên án vì theo nhiều thần học gia nữ quyền, ông đã coi nam và nữ như những bản chất không thể thay đổi, và cũng không thể thay đổi vai trò mỗi bên, tuy ông đã làm dịu bớt sự phân biệt theo bản chất (essentialist) ấy bằng nguyên tắc bù trừ và hợp tác. Vâng, theo ông, làm thần học tuy là việc của nam giới, nhưng thần học gia lại không thể thiếu sự cộng tác của nữ giới bằng kinh nghiệm thiêng liêng của họ.

Về mặt sinh lý, theo ông, nam hay nữ đều phong nhiêu cả, và phản ánh sự nhiêu phong của Ba Ngôi. Nhưng phong nhiêu của nam mang tính tặng trao, để nữ tiếp nhận sẽ hợp lại trong mình thành sự phong nhiêu chung, để rồi trả lại bằng cái gì mới hẳn nơi đứa con chung được sinh ra. Cũng y như đứa con chung tinh thần là công trình thần học vậy. Vâng, sự vang vọng của phân giới từ thể xác sẽ làm nên ở tâm hồn một sự phân giới quan trọng hơn gấp mấy lần, nhờ đó hai bên có thể hoàn thiện lẫn nhau và cùng nhau hoàn thiện những tác phẩm mà nếu không có sự hợp tác đôi bên thì sẽ rất khiếm khuyết.

Nam nữ tính bù trừ Balthasar trước nguyên lý âm dương

Dù Balthasar sử dụng khái niệm nam tính nữ tính thay vì nam nữ, và đưa nguyên tắc Analogy (tùy loại, tùy bình diện mà hiểu) vào áp dụng, cái nhìn thần học của ông không khỏi bị đeo dính bởi ám ảnh thể chất (corporel) do tiếng nam nữ sinh ra. Thêm vào đấy, vì ông là người Tây phương vốn sính ý tưởng, mà ý tưởng thì “sáng sủa và rõ ràng” (như Descartes nói), nên nam tính nữ tính kia qua ý tưởng cũng thành cố định luôn. Sở dĩ như thế chỉ vì Balthasar không biết đến nguyên lý và biện chứng âm dương của Phương Đông[9].

Âm dương thuộc Hình nhi thượng, nên đây là một nguyên lý siêu hình, nó không phụ thuộc vào hữu thể, nhưng đứng từ cao để chi phối cái nhìn hữu thể học của chúng ta. Vì thế, âm dương có thể thể hiện thành điện từ tính âm dương nơi các hạt cơ bản khoáng chất, thành tính đực cái và nam nữ nơi sinh vật và loài người, thành các khuynh hướng hay phụ chất (quality) nam tính nữ tính nơi tâm trí và tâm tình của chúng ta, thậm chí thành các tư thế (position) rất tương đối của mềm-cứng hay sáng-tối. Mềm cứng và sáng tối ư? Nếu ngoài hè sáng đối với trong phòng, thì lại là tối đối với ngoài nắng. Nếu gỗ là mềm đối với đá, thì lại là cứng đối với bùn. Y như Hoàng đế nội kinh nói : Trong thân thể có khí trong (dương) và đục (âm), nhưng riêng ở khí trong, cũng có chỗ bớt trong thành âm; và ở khí đục, cũng có chỗ bớt đục thành dương. Bởi thế, âm dương làm nên một cái nhìn có tính tương đối và sinh động, chứ không cứng nhắc về thực tại.

Với cách nhìn linh động ấy, chúng ta có thể xem nam nữ như những bản chất, mà vẫn đổi thay được, chứ không cố định hẳn. Riêng tôi thích coi nam nữ như những tính chất phụ, nhưng khá nền tảng ở con người. Gần như số lượng (quantity), nó tuy là tính phụ của vật chất, nhưng là tính phụ nền tảng, mà các tính chất khác như sáng, nóng, nặng, to lớn hay dẫn điện … đều bị thấm nhiễm bởi và phụ thuộc vào, nhờ đó có thể đo đếm: nóng bao nhiêu độ, nặng bao nhiêu cân,v.v…

Có điều nơi vật chất, phụ tính nền tảng chỉ có một là số luợng ấy thôi, chứ nơi con người, đó lại là hai: nam tính, nữ tính, mà giữa hai bên, lằn ranh phân biệt đôi khi rất mỏng, khiến hoán đổi được.

Vâng, theo tôi thì con người dù nam hay nữ, ở yếu tính vẫn chỉ là người, và ở chỗ đó nó là hình ảnh của Thiên Chúa. Thế nhưng không thể xem thường tính nam và tính nữ nó luôn thể hiện ở cả thể xác lẫn tâm hồn. Có điều sự thể hiện ấy rất linh động, khiến cho một người có thể nam tính ở thân xác, mà lại nữ tính ở nội tâm. Ngay ở thể xác, chỉ cần thay đổi tí ti tỷ lệ giữa hoóc môn đực testosterone và hoóc môn cái oestradiol nơi một con chuột, thì nó sẽ đi tìm con chuột đồng tính với nó ngay. Cho nên, đừng cố định hóa quá đáng tính nam hay tính nữ. Do đó cũng đừng cố định hóa quá đáng vai trò, nhất là vai trò xã hội, của đôi bên. Những vai trò ấy vừa do bản chất, vừa phần nào do văn hóa làm thành. Theo tôi, thì tự nhiên phụ nữ cần cho gia đình hơn là xã hội, và không phải bên nào hoàn toàn phụ thuộc bên nào cả. Vâng, nếu đàn ông thường hơn phụ nữ về sức khỏe, khiến cho khi ôm nhau, phụ nữ thích tựa vào đàn ông để được chở che, trong khi chính họ lại dễ dàng thống trị đàn ông ngay bằng cái dáng vẻ mềm mại và nhu thuận ấy. Và đây là Nhu thắng cương! Giống như con trăn thống trị bằng sự mềm mại và dai bền thay vì bằng sự cứng cỏi, dữ dằn của con cọp. Dù sao, tất cả chỉ là tương đối, cả với yếu khỏe lẫn xướng tùy. Khiến cho một đô vật “phái yếu” nào đó có thể bẻ gãy cổ cả mấy đàn ông hợp lại. Hoặc một phụ nữ mảnh mai như Võ Tắc Thiên, Trưng Trắc hay Margaret Thatcher có thể cai trị dễ dàng cả một quốc gia. Vâng, ngoài xã hội, người ta không còn cố định hóa chức năng và vai trò nam nữ nữa rồi! Và chúng ta có thể coi nam giới thích hợp hơn cho những công việc như chinh đông chinh tây và dấn thân truyền giáo, chúng đòi có sức khỏe, khả năng chịu đựng và nằm bờ nằm bụi, nhưng không vì thế mà nghĩ rằng không một phụ nữ nào có thể làm như thế.

*

Vâng, theo tôi nghĩ, nam nữ không thể không có gì khác nhau do bản chất, hay ít là phụ chất căn bản. Và do đó vai trò cũng khác nhau. Nghĩa là phụ nữ cần cho gia đình, và đàn ông cho xã hội. Nhưng đấy là nguyên tắc chung, và đôi khi phải chấp nhận trường hợp đặc biệt. Trong tình yêu, người ta thích sự khác biệt và không so đo gì (về quyền lợi) cả. Nhưng đời sống đâu chỉ làm bằng yêu thương, mà bên ngoài tình yêu thì không thể không nói đến cái lợi và cái quyền, khi mà dù trong Giáo hội hành hương, không chỉ có thánh thiện mà có cả thế gian và xác thịt lẫn với nữa.

Quả thực, dù trong (các) đạo hay ngoài đời, phụ nữ từ bao xưa đã gánh chịu thiệt thòi quá nhiều rồi. Nay tới lúc phải bù đắp cho họ bằng tất cả những gì có thể. Bù đắp về mặt nào và tới đâu, đó là điều phải suy nghĩ và cân nhắc một cách nghiêm túc. Nhưng tất cả phải dựa trên nền tảng lý thuyết: lý thuyết triết học và thần học. Đồng thời thay đổi quan niệm về nam tính nữ tính của chúng ta, sao cho linh động hơn, phù hợp với những phát hiện mới của khoa học và tâm lý học!

Dẫu sao, nữ giới vẫn còn nhiều lợi thế của nữ tính. Vâng, nếu Chúa nam tính, thì nữ giới dễ thấy Chúa gần gũi với mình hơn là đàn ông. Có điều để vào sâu hơn trong con đường thiêng liêng, thì sự ám ảnh thể tính của khái niệm nam nữ lại là một cản trở. Quả thế, phải vượt lên trên ý niệm nam nữ trong tương quan với Thiên Chúa bằng ý niệm Cho và Nhận. Vâng, Thiên Chúa là Tất cả và tôi chẳng là gì cả, nên Ngài là Trụ cột viết hoa của tôi. Chính do đó mà sự bù trừ của Chúa đối với tôi thật vô cùng sâu xa, khiến cảm nhận gặp gỡ, nhất là trong huyền nghiệm, cũng gây nên một sướng thỏa lớn đến nỗi không một ái tình thế gian nào có thể so sánh được, làm cho thánh Têrêsa Avila phải thốt lên: Dù chỉ một ý tưởng chưa thể chết ngay để về cùng Chúa đủ khiến cho hồn cảm thấy đau không chịu nổi.

Vâng, cần phải vượt lên trên ý niệm nam-nữ và nam tính-nữ tính bằng ý niệm Tác-thụ và Cho-nhận, và nói chung, bằng ý niệm Âm-dương. Đứng trước Thái dương là Thiên Chúa, chúng ta sẽ thấy mình vô cùng bé bỏng và sẽ sung sướng đến núp dưới bóng Ngài, như đứa bé thơ cảm thấy an toàn và hạnh phúc trong lòng mẹ thân yêu của nó vậy. Và như thế, không còn Thiên Chúa nam giới hay Thiên Chúa của tổ phụ, khiến những phụ nữ như Mary Dale phải bực dọc kêu lên : Nếu Thiên Chúa là nam, thì nam giới là Thiên Chúa mất rồi!

 

 

[1] Ngược lại, cũng có những phụ nữ trước tác thần học, mà không phải thần học chuyên loại nữ quyền.

[2] Theo luận chứng của một số chị em.

[3] Tập trung trong bộ sách Vinh quang Thiên Chúa.

[4] Xx.  Michelle Gonzalez, Hans Urs von Balthasar and contemporary Feminist theology, trong Theological studies, sept. 2004, tr. 578-580.

[5] Xx. Balthasar, Credo, Nouvelle cité, 1992, tr.46-47; 52; 61-62; 92-93.

[6] Balthasar, Theo-drama: …,tập II : Xx. Theological studies, tháng 9/2004, tr.570;Exploration in theology 4; The last act 91…: Xx. Ttheological studies số đã dẫn, tr.585-586.

[7] Credo, tr.52; 60-62.

[8] Vivekânanda là một nhà tư tưởng của Tân An giáo.

[9] Xin đọc kỹ Hoành Sơn, Văn hoá VN và… trong nguyệt san CGDT tháng 5 và tháng 6/2005.

 

 

 

Related posts